Người miền Trung chới với sau “đại hồng thủy”
Dù đã trải qua hàng trăm cơn lũ lớn nhỏ, nhưng cơn lũ dữ lần này thật sự khiến người dân Quảng Ngãi khiếp đảm bởi những tai ương mà nó đổ vào. Chỉ trong chốc lát, nhiều gia đình ở Quảng Ngãi lâm vào cảnh trắng tay, chới với sau lũ. Ai ai cũng đắng lòng bởi “ cơn đại hồng thủy” vừa rồi đã cuốn phăng đi mọi thứ mà dân làng tích cóp được.
“Không tin vào mắt mình”
Mở đầu câu chuyện về cơn lũ lịch sử này, ông Đặng Thứ, ở xóm Tân Lập, thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) thốt lên: “Thật không thể tin vào mắt mình. Tôi không ngờ lũ lại lớn đến như vậy”. Nói đoạn, ông Thứ ngước nhìn lên căn nhà phủ đầy bùn đất kể: “Trong trận lũ lịch sử năm 1999, cùng lắm cũng dâng lên 1m nhưng lần này nước lũ dâng cao đến gần 2m. Cũng may là gia đình không ai bị làm sao”.
Bốn ngày sau khi lũ rút, đến giờ gia đình ông Thứ vẫn chưa thể bình tâm bởi những gì mà lũ tàn phá gia đình ông là quá nặng nề. Nhà ông Thứ vừa thu hoạch được vài tạ lúa, bắp chưa kịp ăn thì lũ ập vào ngập hết, hư hỏng sạch. Cả gia đình 5 người của ông mấy hôm nay chỉ ăn mì gói nhận được từ các đoàn cứu trợ.
Toàn bộ lương thực của gia đình ông Đặng Thứ, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh bị lũ cuốn ướt sũng
Ông Bùi Tỏi, trưởng thôn Ân Phú, xã Tịnh An cũng chưa hết bàng hoàng sau cơn lũ dữ này. “Lũ lên nhanh lạ thường. Người dân trong thôn chẳng kịp kê gác lương thực, thực phẩm, dắt trâu bò, đưa gà lên cao thì nước đã ngập. Nhiều gia đình ở đây thoát nạn nhưng heo, gà, trâu, bò, vịt của họ thì đã trôi theo dòng nước. Thôn cũng chưa thống kê được hết thiệt hại mà trận lũ lần này gây ra cho nhân dân địa phương” – ông Tỏi nói.
Thôn Ân Phú, xã Tịnh An là một ốc đảo nằm giữa sông Trà Khúc. Hôm lũ đến, hàng trăm người dân kẹt lại giữa đảo nhưng may mắn người dân vẫn giữ được…mạng sống.
Tất bật lo dọn dẹp lớp bùn đất bám trong nhà, ông Trần Thanh, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) cũng không thể ngờ lại có ngày gia đình mình phải dỡ mái ngói để tránh lũ rồi bị lũ hành hạ cho tới đuối sức. “Hồi giờ ở đây hiếm khi thấy lũ như thế này. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi trải qua cơn lũ kinh hoàng đến như vậy. Giờ nhà cửa bị lũ phá tang hoang. Mấy ngày nay phải cố sức mà dọn dẹp để rồi còn lo làm ăn” – ông Thanh vừa cào bùn đất trong nhà ra ngoài sân vừa nói.
Video đang HOT
Đến hôm nay, khi nước lũ đã rút, người dân Quảng Ngãi lại phải đối mặt với những hậu quả mà trận lũ để lại. Rác, gia súc, gia cầm chết nằm la liệt, trôi bồng bềnh trên mặt nước. Cảnh hoang tàn lộ rõ ra trước mắt người dân vùng lũ Quảng Ngãi.
Nhà cửa của hàng ngàn hộ dân vùng rốn lũ Quảng Ngãi vẫn ngổn ngang sau lũ
Trắng tay
12 người chết, 4 người mất tích, 46 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà sập đổ. Thống kê thiệt hại ấy chỉ mới là một phần nhỏ bởi thiệt hại của lũ gây ra cho người dân vùng lũ Quảng Ngãi còn lớn gấp nhiều lần. Khi lũ bắt đầu rút, chúng tôi đã lặn lội vào tận những vùng rốn lũ và thấy hết sự đau xót. Có gia đình giờ chẳng còn gì, mọi thứ đều bị lũ dữ cuốn phăng.
Gia đình làm nông nghiệp nên anh Lên Văn Nhiệp, quê xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh vẫn nghèo. Vừa rồi, anh mạnh dạn bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi chim cút. Đàn chim cút mới lớn, anh chưa kịp mừng thì lũ ập đến “giết chết” 2.000 con chim cút. Gia đình anh rơi vào cảnh trắng tay.
Dân vùng lũ Quảng Ngãi chỉ còn trông chờ vào những chuyến hàng cứu trợ
Chuồng heo của gia đình chị Cao Thị Hoanh, ở thôn Chú Tượng, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức giờ đã trống rỗng. Một con heo nái với 5 con heo con đã bị nước lũ cuốn trôi. Vay 20 triệu của ngân hàng chính sách để đầu tư chăn nuôi heo, gà, nhưng chưa kịp trả vốn được đồng nào thì giờ lại trắng tay. “Gia đình chỉ cậy nhờ vào đàn heo này mà giờ lũ cuốn đi mất không biết làm sao” – chị Hoanh nói khi mắt đỏ hoe.
Tại xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, vùng rốn lũ của Sông Vệ và Sông Thoa, nước lũ đã ngập sâu từ 3- 5m. Nước lũ đã cuốn đi gần 7.000 gia súc, gia cầm, làm hư hại gần 200 tấn lương thực của người dân và nhiều nhà cửa bị sập đổ.
Hàng trăm gia đình vùng rốn lũ Quảng Ngãi giờ sống chỉ cậy nhờ vào những chuyến hàng cứu trợ bởi những gì mà họ gây dựng được đều đã bị lũ dữ cướp đi trong chớp mắt. Hôm ở vùng lũ xóm Lân, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, khi chúng tôi lội bùn sâu vào nhà những hộ dân trong làng, ai cũng buồn bã nói rồi lặng thinh: “Hết sạch rồi chú ạ!”.
Câu nói ấy hiếm khi người miền Trung, người Quảng Ngãi nói ra nhưng lần này họ đã phải thốt lên. Ấy là lúc họ đã trắng tay.
Theo Khampha
46 người chết, mất tích do mưa lũ ở miền Trung
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 6h ngày 19/11, đã có 41 người chết, 5 người mất tích do mưa lũ gây ra.
Trong đó, tỉnh Bình Định có số người chết cao nhất là 18 người; Quảng Ngãi 15; Quảng Nam 4; Khánh Hòa 2; Gia Lai 1; Kom Tum 1.
5 người mất tích ở các tỉnh: Quảng Nam 1 người; Quảng Ngãi 1; Bình Định 1; Phú Yên 1 và Khánh Hòa 1.
Tỉnh Quảng Ngãi có số người bị thương cao nhất là 73 người; Đà Nẵng 1 người.
Ngoài ra, mưa lũ cũng làm hơn 400 căn nhà bị đổ sập, cuốn trôi và hàng hecta hoa màu của người dân bị đổ, hư hại.
Lũ lụt gây ngập trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương cũng cho biết, hiện tại, tỉnh Quảng Nam không còn nhà bị ngập, các tuyến giao thông chính đã trở lại bình thường.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, không còn nhà bị ngập, nhưng một số tuyến đường giao thông thuộc huyện Nghĩa Hành, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây... bị sạt lở, hư hỏng nên người dân đi lại khó khăn.
Tại tỉnh Bình Định, một số xã như: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Hòa (huyện Tuy Phước) và một số xã lân cận thuộc huyện An Nhơn vẫn còn ngập nặng.
Ngay sau khi lũ rút, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau lũ tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng.
Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương thường xuyên liên lạc với trưởng ban các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây nguyên đôn đốc việc thực hiện các công điện của Chính phủ về việc khắc phục sau mưa, lũ. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến về mưa, mực nước sông, tình hình ngập lụt tại các địa phương để kịp thời có phương án ứng phó, cứu trợ.
Theo Khampha
Kiếm hàng chục triệu từ vớt gỗ sau lũ lịch sử Sau khi cuồn cuộn cuốn trôi làng mạc, tài sản... trận lũ lịch sử cũng đẩy hàng trăm khúc gỗ có giá trị về sông Trà Khúc khiến người dân Quảng Ngãi đổ xô đi vớt "lộc trời". Gỗ, củi rừng nằm dày đặc chất cao trên tuyến Tỉnh lộ 623 ở các xã Tịnh Sơn, Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh ven sông...