Người mẹ trẻ mất sau tai nạn: 4 con thơ ở lại cùng người cha tai biến
Sau vụ tai nạn giao thông gần khu công nghệ cao (TP.Thủ Đức, TP.HCM), người mẹ 33 tuổi đã ra đi mãi. Ngồi trước bàn thờ vợ, nhìn 4 người con đang tuổi ăn học, người chồng bị tai biến lại không kìm được nước mắt.
Đã 3 tuần kể từ ngày vợ ra đi đột ngột vì tai nạn giao thông, anh Phạm Văn Quyền (47 tuổi, ngụ P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức) vẫn ngồi thất thần trước bàn thờ vợ, tiếng tụng kinh phát ra từ chiếc loa nhỏ đau đến xé lòng, mới ngày nào gia đình vẫn còn vui vẻ bên nhau…
Biến cố ập đến
Anh Quyền và chị Võ Thị Tú Trinh tổ chức đám cưới từ năm 2007 và hạnh phúc đón 4 con lần lượt chào đời. Khi ấy, anh Quyền làm việc cho một công ty chuyên về sơn ô tô, mức thu nhập tốt đủ để lo cho cả gia đình, chị Trinh ở nhà quán xuyến mọi việc, đưa rước các con đi học.
Nhìn những đứa trẻ mặc áo tang trắng ai nấy đều xót xa. Ảnh V.P
Dịch Covid-19 ập đến, chị bắt đầu bán tạp hóa, trà sữa, rồi có nhiều khách quen đặt giao hàng. Ngày 16.10 vừa qua, một khách ở gần khu công nghệ cao đặt 7 ly trà sữa, chị cùng con trai đi giao hàng, trên đường về thì xảy ra tai nạn.
Anh Quyền đau lòng nói: “Mọi việc như khiến vậy, hôm đó bả nói tôi chở bả đi giao, mà ra chiếc xe tôi găm chìa khóa vào hoài mà không vặn được nên bả đi với con trai lớn. Mới đi được 20 phút thì số lạ gọi về máy tôi báo vợ con gặp tai nạn, tôi chỉ kịp nghe người ta nói “nặng lắm đó nha” rồi vội chạy ra hiện trường”.
Anh Quyền khựng lại, nhìn lên di ảnh vợ, ứa nước mắt. Mặc chiếc áo sơ mi xộc xệch, gương mặt phờ phạc sau nhiều đêm mất ngủ, anh nghẹn ngào cố gắng đưa cánh tay vừa tập vật lý trị liệu lên lau nước mắt.
Video đang HOT
Sau khi mẹ mất, Phi Hùng (con trai đầu) chủ động tự giác phụ giúp ba cúng cơm cho mẹ. Ảnh V.P
“Tới hiện trường thì chỉ còn chiếc xe ô tô đông lạnh và chiếc xe máy, tôi hỏi người dân rồi chạy vô bệnh viện. Con trai xây xước nhẹ nằm ở ngoài, bác sĩ nói tôi vào bóp bóng ô xy cho vợ. Máu ở tai bả chảy ra nhiều lắm, nằm im không biết gì hết. Công an biết tôi bị tai biến nên mời ra ngoài, 30 phút sau thì bả mất”, anh nhớ lại.
Mọi thứ quá đột ngột, anh như chết điếng người. Sau cơn tai biến 2 năm trước, anh kiên trì tập luyện nên có thể tự đi lại nhưng tay chân vẫn còn yếu, không thể làm gì nặng nhọc. Do vậy, em gái của vợ đã đứng ra lo hậu sự, làm việc với cơ quan chức năng.
Dù đau đớn như vậy, nhưng anh vẫn quyết định ký giấy bãi nại cho người gây tai nạn. “Đằng nào vợ tôi cũng mất rồi, làm căng bả cũng không sống lại được. Họ cũng tới lui thăm hỏi, tiền bạc với mình giờ cũng không quan trọng nữa, lo cho bả mồ yên mả đẹp là được. Họ cũng còn gia đình, vợ con, chuyện xui rủi ngoài ý muốn mà”, anh nói.
Biến cố ập đến khiến 4 đứa trẻ bỗng chốc mồ côi mẹ. Ảnh V.P
Trong đám tang chị Trinh, nhìn 4 đứa trẻ mặc áo tang trắng, ai nấy đều xót xa, anh Quyền cũng ráng gồng mình nén nước mắt, nhưng nghĩ đến những ngày sắp tới, nghĩ đến tương lai các con không còn có mẹ ở bên, anh lại suy sụp.
“Năm tôi 4 tuổi mẹ cũng mất, để lại 4 chị em với ba. Ba đưa tôi với 2 anh chị về ngoại, ba cùng anh lớn đi làm kiếm tiền. Vậy rồi cũng qua, nào ngờ đâu giờ vợ tôi cũng mất, để lại 4 người con, nhưng nội, ngoại đều mất hết rồi, các anh chị em cũng có gia đình riêng, nhà đông con, tôi phải ráng thôi chứ không biết sao”, anh cười gượng.
Gà trống nuôi con
Căn nhà trọ vẫn còn treo bảng quảng cáo bán trà sữa, tạp hóa, bên trong đồ đạc chất kín các góc, 4 đứa trẻ lần lượt học lớp 10, lớp 7, lớp 4, lớp 1 ngồi bệt dưới sàn bên cạnh ba, thỉnh thoảng chọc nhau chí chóe. Anh Quyền lại phải nhắc “đừng chọc em nè con”, “thay nước bàn thờ cho mẹ”, “chuẩn bị cơm để lát thầy qua cúng thất cho mẹ nha”,…
Trước đó, tháng 1.2021, anh Quyền bị cao huyết áp nhưng vẫn thức khuya giải quyết công việc, đi tiệc cưới uống ly rượu đế xong thì bị tai biến. Hơn 10 ngày anh nằm viện, vợ luôn ở bên túc trực, lo mọi thứ.
Bé út nhõng nhẽo trong vòng tay ba. Ảnh V.P
“Tới ngày xuất viện về nhà, máu bầm tan dần, tôi mới biết mình bị liệt nửa người bên trái. Thời gian dài mình bả lo hết mọi việc, chăm sóc tôi kỹ lưỡng. Vậy mà tới lượt bả thì tôi chỉ vừa kịp bóp bóng…”, anh xót xa.
Trước khi vụ tai nạn xảy ra khoảng 1 tháng, anh Quyền vừa xin đi làm lại, mức lương chỉ khoảng 16 triệu đồng/tháng, nhưng 3 tuần qua anh nghỉ ở nhà để lo cúng cơm cho vợ, sắp xếp ổn thỏa mọi việc.
Mỗi sáng, anh chở 2 con trai giữa đến trường cách nhà 4km, sau đó đưa con gái út đến trường gần nhà, cho ăn sáng rồi vào trường, còn con trai đầu tự đến trường. Về nhà, anh giặt quần áo, lau dọn nhà cửa, chuẩn bị cơm cúng vợ.
“ Sức khỏe tôi vẫn đang yếu nên đứng rửa chén một hồi thôi cũng thấy mệt, mà ngày trước mình bả làm hết mọi việc, không than vãn một câu gì. Bả giỏi lắm, nấu ăn ngon nữa. Còn giờ tôi chỉ nấu được mấy món đơn giản như trứng chiên, nấu canh rau; còn canh chua hay món gì phức tạp thì chưa làm được”, anh tâm sự.
Căn nhà trọ vẫn còn chất đầy đồ bán tạp hóa. Ảnh V.P
Vài ngày nữa, anh sẽ quay trở lại công việc để có chi phí trang trải. Anh nhẩm tính, mức lương 16 triệu, hết 7 triệu tiền nhà tính cả điện nước, còn lại lo xăng xe, ăn uống của 5 cha con sợ không đủ khi có công chuyện phát sinh. Do vậy, anh dự định sau 100 ngày của vợ sẽ tìm đến căn trọ khác nhỏ hơn để bớt tiền, nhưng lại lo các con không có không gian để học tập…
Sau biến cố, các bé được nhà hảo tâm hỗ trợ tiền học trong năm nay. Nhưng nghĩ đến tương lai, khi các con lên cấp học cao hơn, anh cũng chưa biết sẽ phải xoay xở thế nào. “Tôi ráng tập cho tụi nhỏ tự lập, tự giác hơn, còn tôi thì cũng phải tập để đi lại, lao động dễ dàng hơn. Tôi chỉ mong mọi người lái xe an toàn, không gia đình nào rơi vào cảnh đau lòng như nhà tôi, người mất, còn nỗi đau người ở lại nữa…”, anh bày tỏ.
Chị Võ Thị Thanh Loan (31 tuổi, em gái chị Trinh) cũng chạy tới lui lo cơm nước cúng thất cho chị gái cho biết, do trước nay mọi việc ở nhà đều do chị Trinh quán xuyến, anh Quyền đi làm kiếm tiền nên giờ mình anh Quyền vất vả khi phải gồng gánh hết.
Chị Loan tâm sự: “Thương mấy đứa nhỏ, tôi cũng nói anh rể chuyển trọ về Bình Chánh rồi chuyển trường cho 4 bé để gần nhà tôi thì tôi có thể phụ giúp đưa đón cho anh tập trung đi làm, nhưng ảnh còn đang tính”.
Ông Đặng Văn Quang, Trưởng Ban điều hành KP.3, P.Tăng Nhơn Phú A cho biết, chị Trinh mất đột ngột vì tai nạn khiến cả gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
“Anh Quyền bị tai biến mới phục hồi phần nào, may mắn là vừa đi lại được nhưng sức lao động thì không thể như mọi người, 4 đứa nhỏ lại đang trong độ tuổi ăn học. Sau sự vụ, khu phố vận động các đoàn thể, nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình được 65 triệu đồng. Thời gian tới, trong khả năng nếu hỗ trợ được gì địa phương sẽ cố gắng”, ông Quang nói.
TP Hồ Chí Minh: Thị trường lao động sẽ sôi động dịp cuối năm
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm, thị trường lao động tại TP Hồ Chí Minh sẽ nhộn nhịp, sôi động hẳn lên khi doanh nghiệp tăng cường nhân lực để nâng cao công suất, bảo đảm tiến độ hoàn thành các đơn hàng.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh thông tin tại buổi họp báo.
Chiều 3/11, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, qua khảo sát tại 234 doanh nghiệp có số lao động từ 200 người trở lên ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cho thấy có 109 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với trên 3.700 lao động.
Để giải quyết việc thiếu hụt lao động ở các doanh nghiệp dịp cuối năm, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, Sở đã chỉ đạo Trung tâm giải quyết việc làm tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp thiếu hụt lao động để có phương án kết nối giữa doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với người lao động đang có nhu cầu tìm việc và giới thiệu việc làm tùy theo ngành nghề. Sở cũng thống nhất đề xuất thành lập Tổ liên ngành để khảo sát lại nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh ở các đơn vị thiếu hụt lao động, hoặc nơi có đơn hàng bị cắt giảm trong quý IV/2022 và những tháng của quý I/2023 để các bên có phương án xử lý, bố trí, giới thiệu lao động cụ thể cho các doanh nghiệp; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tích cực tổ chức các sàn giao dịch việc làm để người lao động và doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối với nhau nhiều hơn.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, dịp cuối năm, các doanh nghiệp thường gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ dùng gia đình có đơn hàng ổn định, công nhân có việc làm, nhưng vẫn còn nhiều ngành khác đang gặp khó khăn về tuyển dụng như ngành may mặc, da giày, điện tử...
Một số doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh áp dụng chính sách chăm lo tốt để giữ chân người lao động làm việc lâu dài.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban chính sách pháp luật, Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động dịp cuối năm, đơn vị đã đẩy mạnh kết nối các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cùng doanh nghiệp để giới thiệu lao động đến nơi cần tuyển. Đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động, đơn vị cũng đưa người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, hoàn cảnh khó khăn vào diện được chăm lo dịp Tết sắp đến. Thành phố cũng cử người giám sát chặt chẽ tình hình việc làm của người lao động; việc trả lương, thưởng tại các công ty, nhất là tại doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, để có phương án hỗ trợ người lao động kịp thời.
Doanh nghiệp biết chuyển đổi số là cần nhưng vẫn thấy khó Thừa nhận chuyển đổi công nghệ trong bài toán sản xuất là quan trọng, cần thiết nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó không đủ tiền đầu tư, thiếu nhân sự, chưa kể còn than quá vất vả trong chuyển đổi số. Doanh nghiệp Việt đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất - Ảnh: HỮU HẠNH Trong khuôn khổ "Diễn...