Người mẹ Sài Gòn hy sinh một phần gan để ghép cho con
Đó là trường hợp của ca phẫu thuật ghép gan thứ 8, bắt đầu từ 9h30 sáng nay 4/9 tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM).
Bệnh nhi được ghép gan là cháu P.N.M.H (ngày 5/9 cháu sẽ tròn một tuổi) và người cho gan là mẹ ruột của cháu, chị N.H.H (29 tuổi, ở quận 8, TP.HCM).
Ca ghép gan được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 phối hợp các bác sĩ Bệnh viện Saint Lue (Vương Quốc Bỉ) thực hiện.
Đến 11h30 cùng ngày, một phần gan của người mẹ đang được các bác sĩ cắt để ghép cho cháu bé.
Các bác sĩ tiến hành mổ tách lấy gan của mẹ bệnh nhi.
Có mặt trước phòng phẫu thuật ghép gan, bác sĩ Nguyễn Cẩm Tú, khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết cháu H. mắc bệnh teo đường mật và đã được mổ Kasai lúc được 3,5 tháng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Tuy nhiên, phương pháp mổ Kasai chỉ có hiệu quả cao cho những bệnh nhi từ 3 tháng tuổi trở xuống, còn khi phẫu thuật Kasai cho bé trên 3 tháng tuổi, chỉ một số bé có tiến triển tốt, tình trạng xơ gan chậm hơn.
Cháu H. được chỉ định ghép gan vì trước đó đã được chẩn đoán xơ gan giai đoạn cuối, có biến chứng nhiễm trùng đường mật, viêm phổi, tăng áp tĩnh mạch cửa, suy dinh dưỡng.
Ekip thực hiện ca phẫu thuật tách ghép gan.
Video đang HOT
Trước khi mổ cháu nặng 7,7 kg, vàng da, bụng to, gan, lách to. Nếu không được ghép gan bệnh nhi sẽ bị tử vong sớm.
Các bác sĩ dự kiến ca ghép gan sẽ kéo dài từ 12-14 giờ.
Theo_Zing News
Bệnh nhi chờ chết được cứu nhờ phương pháp mổ mới
Trước đây những trẻ em chẳng may bị hẹp khí quản chỉ còn cách...chờ chết hoặc ra nước ngoài điều trị thì nay đã được phẫu thuật ngay tại TPHCM với tỷ lệ thành công rất cao.
Trước đây chỉ có thể chờ chết
Chiều ngày 22/5, Thạc sĩ - bác sĩ Trần Thị Thu Loan, Trưởng Khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, bênh viện vừa phối hợp với Khoa ngoại lồng ngực của Bệnh viện Chợ Rẫy, phẫu thuật thành công cho 8 bệnh nhi bị hẹp khí quản (5 ca bẩm sinh, 3 ca sẹo hẹp do tai biến).
Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam bệnh nhi bị hẹp khí quản được phẫu thuật cứu sống thành công.
Bé Hùng đã trải qua một cuộc đại phẫu thuật để đến với cuộc sống. Ảnh: Thanh Huyền.
"Phẫu thuật hẹp khí quản là một kỹ thuật vô cùng phức tạp, nhất là với trẻ em, từ trước đến nay rất ít bác sĩ nào dám thực hiện. Khi khí quản trẻ bị hẹp không thể đặt ống nội khí quản, chính vì thế chúng tôi chỉ có thể đứng nhìn bệnh nhi tử vong một cách bất lực." - bác sĩ Loan nói.
Bác sĩ Loan không thể quên một trường hợp bị hẹp khí quản quá nặng. Ở Việt Nam không ai dám mổ, bác sĩ Loan làm hồ sơ bệnh án của bé gửi cả cho các bệnh viện ở nước ngoài nhưng chẳng nhận được hồi âm. Cuối cùng các bác sĩ đành đứng nhìn em bé đó đã qua đời ngay trước mắt.
Chính vì những lý do đó, khi biết Bệnh viện Chợ Rẫy làm rất tốt phẫu thuật hẹp khí quản ở người lớn, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã mạnh dạn đề nghị hợp tác.
Bác sĩ mổ chính ở Khoa ngoại lồng ngực Bệnh viện Chợ Rẫy ban đầu rất ái ngại, dù rất nhiều kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật mổ này nhưng lại chưa bao giờ tiến hành trên trẻ em.
Sau 2 năm nín thở theo dõi, 8 em bé (nhỏ nhất 5 tháng tuổi, lớn nhất chưa tới 2 tuổi) được phẫu thuật hẹp khí quản thì cả 8 đều khỏe mạnh, hồi phục tốt. Điều đáng mừng hơn, chẳng bé nào bị biến chứng sẹo hẹp sau phẫu thuật.
Bé Trần Đức Huy Hùng, ngụ tại Gia Lai, sinh ngày 3/8/2013 là một trong những trường hợp may mắn ấy.
Trước khi phẫu thuật, cứ 1 tuần bé Hùng lại phải nhập viện một lần để thở o xy.
Mẹ của bé Hùng kể: "Cháu cứ khò khè như cối xay, có lúc ngửa cổ về sau nấc lên như bị ai bóp chẹn vào cổ, toàn thân tím tái. Thương con lắm nhưng chẳng biết làm thế nào, tháng nào 2 mẹ con cũng phải bồng bế nhau vào viện 3 - 4 lần. Khi xuống Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu, được biết bệnh tình của con có thể phẫu thuật khỏi hẳn, tôi mừng lắm."
Sau khi thăm khám, soi phế quản, các bác sĩ kết luận Hùng bị hẹp trên 50% khí quản.
Trải qua nhiều lần hội chẩn, cuối cùng ca phẫu thuật cũng được tiến hành trong 4 tiếng đồng hồ.
Đối với thân thể nhỏ bé mới 8 tháng tuổi thì đây là một cuộc đại phẫu thuật. Các bác sĩ phải mổ hở, xẻ xương ức, phẫu thuật tạo hình khí quản theo dạng trượt, đặt tuần hoàn ngoài cơ thể.
Mới mổ xong, tránh làm tổn thương cho đường thở, bệnh nhân sẽ được luồn ống nội khí quản trợ thở.
Với các ca trước đó bệnh nhi phải nằm hậu phẫu từ 7 - 10 ngày, có ca cả tháng nhưng bé Hùng hồi phục rất nhanh, chỉ 4 ngày đã được ra ngoài, dự tính sẽ xuất viện vào ngày 26/5.
Đem lại cơ hội sống cho trẻ
Trong 5 năm qua, Khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận trên 35 trường hợp bị hẹp khí quản. Tỷ lệ tử vong tùy thuộc vào mức độ hẹp. Nếu hẹp dưới 50 % đa phần chỉ cần theo dõi, tuy nhiên khi đã vào bệnh viện thường bệnh nhi ở mức độ bị hẹp trung bình đến nặng.
Các bác sĩ và gia đình bệnh nhi vô cùng vui mừng vì kết quả của ca mổ. Ảnh: Thanh Huyền
Với các trường hợp như vậy nếu bị bệnh lý đi kèm hoặc viêm hô hấp sẽ vô cùng nguy hiểm. Các bác sĩ cũng không thể phẫu thuật cứu chữa vì khí quản bị hẹp không đưa được ống nội khí quản vào.
Tháng trước, Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận một bệnh nhi bị khó thở do hẹp khí quản, và em bé này đã tử vong ngay sau đó.
Chính vì thế, việc phẫu thuật thành công bệnh lý hẹp khí quản cho trẻ em là một bước tiến rất quan trọng, giúp cứu sống nhiều trường hợp tưởng như đã...bó tay.
Chi phí cho một ca phẫu thuật hẹp khí quản ở trẻ em khoảng 30 triệu đồng.
Thanh Huyền
Theo_VietNamNet
Bộ Y tế họp khẩn với TPHCM về dịch tay chân miệng Ca bệnh tay chân miệng đã tăng tới 30% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM họp khẩn để tìm giải pháp đối phó dịch bệnh. Chiều ngày 12/5, Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM đã có buổi làm việc bàn hướng giải quyết trước diễn biến bệnh tay chân miệng đang gia tăng...