Người mẹ nuôi con gái mù thành nghệ sĩ piano
Từ khi chào đời, Anh Thư đã không nhìn thấy ánh sáng, nhưng nhờ 18 năm đồng hành của mẹ mà cô bé trở thành sinh viên khiếm thị đầu tiên của Nhạc viện TP HCM.
Trong căn phòng nhỏ ở lầu 4 của một khu chung cư cũ trên khu phố Mỹ Cảnh ( quận 7), Đỗ Nguyễn Anh Thư lướt tay trên những phím đàn, bản Cây trúc xinh vang lên. Bị mù bẩm sinh nên khi vừa bấm xong một phím đàn, đôi tay Thư phải lập tức di chuyển đến phím tiếp theo, thay vì thong thả vừa đàn, vừa nhìn bản nhạc trước mặt như người bình thường. Để chơi được bản nhạc này, Anh Thư phải thuộc lòng bản nhạc lý hàng chục trang.
Mẹ Anh Thư, chị Nguyễn Thị Hoa Hồng tâm sự: “Lúc trước, tôi cho con học đàn và học nhiều môn khác như bơi, vẽ, đánh cờ… để cuộc sống của con có thêm nhiều màu sắc hơn. Tôi không dám nghĩ một ngày con được vào nhạc viện, biểu diễn cùng những nhạc công người bình thường trong dàn hợp xướng trước hàng trăm khán giả”.
Anh Thư (váy trắng) đang biểu diễn với dàn nhạc mà những nhạc công đều là người bình thường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Mười tám năm trước, cô bé Anh Thư, quê Rạch Giá, Kiên Giang, chào đời khi mới “nằm trong bụng mẹ 28 tuần”. Sau hơn một tháng nằm lồng kính, về nhà, dù thấy con khỏe mạnh bụ bẫm nhưng người mẹ trẻ thấy bất an khi nhìn vào đôi mắt vô hồn của con. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán Anh Thư bị mù vĩnh viễn, nguyên nhân có thể do việc bong võng mạc bởi sinh non.
Từ ngày đó, chị Hồng thường thử nhắm mắt lúc đi lại trong nhà để hiểu cảm giác và cách sinh hoạt của người mù, chuẩn bị cho những tháng ngày đồng hành cùng con.
Mất đi đôi mắt nhưng bù lại, đôi tai của Thư cảm nhận âm thanh rất tốt. Từ năm một tuổi, em đã phân biệt được nhiều âm thanh, giọng nói của những người trong nhà. Khi nghe tiếng các vị khách đến thăm, Anh Thư lắng nghe và luôn đoán đúng số lượng người.
Ở Rạch Giá lúc bấy giờ chưa có trường dành cho trẻ em khiếm thị. Con lên ba tuổi, nhưng không trường mẫu giáo nào nhận, người mẹ đành tự dạy cho con ở nhà. Để mô phỏng bảng chữ nổi của người mù, chị Hồng lấy những hột cườm đính vào bìa cứng để dạy chữ, đánh vần. Ban đầu, chị làm chữ cái với những hạt lớn, dần dần thu nhỏ lại để tay con khéo léo hơn.
Thấy con thích múa hát, có năng khiếu về nghệ thuật, người mẹ mang con đến nhà cô giáo học đàn organ. Không có giáo trình dành riêng cho người mù, chị lại phải tự chuyển từ giáo trình bình thường sang dạng chữ nổi bằng hạt cườm để dạy con. Những buổi học đàn của con cũng là những buổi học đàn của mẹ.
“Tôi nói với con rằng, nếu con không có đôi mắt để nhìn thì hãy hít thở thật sâu, hãy lắng nghe thật kỹ và sờ mọi vật xung quanh thật nhiều để bù lại khiếm khuyết của mình”, chị Hồng chia sẻ.
Con chuẩn bị lên lớp một, chị Hồng giấu gia đình, nói mang con lên Sài Gòn khám mắt, nhưng thực ra là đến trường Nguyễn Đình Chiểu để xin nhập học. Con được nhận cũng là lúc người mẹ xin nghỉ việc ở quê, khăn gói lên Sài Gòn thuê nhà trọ sống.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong một công ty viễn thông lớn ở quê nhà, chị Hồng dễ dàng tìm được việc mới với mức lương khá cao ở thành phố. Nhưng công việc cũng buộc chị phải ra khỏi nhà từ sáng sớm, đón con khi học sinh trong trường đã về hết, chỉ còn Thư chờ mẹ ở phòng bảo vệ.
Video đang HOT
Năm Anh Thư học lớp 2, một lần dò bài ở trường, vì căng thẳng nên lên cơn co giật phải vào cấp cứu. Trên đường đến viện, chị nghĩ: “Mục đích mình lên Sài Gòn là lo cho con đi học chứ không phải kiếm tiền. Thấy con nằm bất động với chằng chịt dây ống trên người, tôi quyết định mình phải làm việc khác, để có thời gian lo cho con”.
Sau khi thôi việc, chị Hồng thuê một căn nhà rộng, bên dưới mở cửa hàng bán đặc sản quê nhà như nước mắm, khô cá, bên trên chia phòng nhỏ cho sinh viên thuê trọ. Cuộc sống chỉ xoay quanh việc đưa đón con và buôn bán, những lần về quê thăm chồng cũng thưa dần.
Chị Hồng luôn chuẩn bị trang phục, trang điểm cho con gái thật đẹp khi biểu diễn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Từ năm Anh Thư 9 tuổi, chị Hồng bắt đầu cho con học đàn piano một cách bài bản. Trước khi tìm được nơi chịu nhận con, chị Hồng từng bị nhiều nơi từ chối bởi lý do đơn giản là giáo viên không biết làm thế nào để dạy cho người mù. “Nhiều người khuyên tôi nên cho con học nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, còn piano thì chưa có tiền lệ nên họ không dám nhận”, chị Hồng kể.
Ở lớp, chị học cùng con, thay con bắt chuyện với các bạn khác trong lớp. Về nhà, hai mẹ con cùng ngồi chuyển ngữ những bản công-xéc-tô dài hàng trăm trang. Mẹ đọc tên nốt, con soạn lại bằng chữ nổi để tự tập luyện.
Năm 2017, Anh Thư giành giải nhì trong cuộc thi piano ở TP HCM với sự tham gia của 188 thí sinh Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia và trở thành sinh viên khiếm thị đầu tiên được đặc cách tuyển thẳng vào Nhạc viện thành phố.
Thạc sĩ Nguyễn Thùy Yên, giảng viên trực tiếp dạy piano cho Anh Thư chia sẻ: “Những kết quả mà Anh Thư đạt được cho đến hôm nay không thể thiếu công lao của mẹ Hồng. Tôi vẫn nhớ vào những buổi hội thảo, masterclass của khoa Piano tổ chức, mẹ Hồng luôn đồng hành cùng con. Anh Thư đã không hề vắng mặt một buổi nào. Khuôn mặt chăm chú lắng nghe say sưa của Thư, vẻ mặt hạnh phúc của mẹ Hồng làm tôi và những người xung quanh cảm giác hạnh phúc lây và lạc quan hơn”.
Đang học năm cuối trình độ trung cấp hệ 4 năm ở khoa Piano, Thư đã có thể đi biểu diễn ở nhiều nơi. Song song với đam mê được mang những âm thanh đẹp của đàn piano lên sân khấu, Thư còn tham gia vào các lớp dạy piano thiện nguyện tại trường cũ Nguyễn Đình Chiểu.
“Ước mơ của em là trở thành một giáo viên dạy piano. Nên khi được làm người tiếp nối, chia sẻ và truyền lại những gì mình đã học cho người khác em thấy rất vui”, Anh Thư nói.
Trước khi lên sân khấu, em luôn được mẹ trang điểm, tết tóc và chọn những bộ trang phục sang trọng. Lên sân khấu, khán giả ít người nhận ra Thư khiếm thị cho đến lúc em được người khác dìu ra để chào khán giả. “Không phải mình thấy con mù nên muốn cho con mặc gì thì mặc”, chị Hồng phân trần.
“Giữa năm ngoái, con nhận dạy kèm piano cho một bé gái. Tháng lương đầu tiên, con đi mua quà cho mọi người trong nhà, món nào cũng chọn loại tốt nhất để tặng”, chị Hồng khoe.
Tuy rằng đã cho mình hoàn thành trách nhiệm của một người mẹ với con gái, nhưng trong lòng chị Hồng luôn cảm thấy có lỗi với chồng, với gia đình nội ngoại vì chưa làm tròn trách nhiệm của một người vợ, người con.
“Đợt dịch Covid -19 năm ngoái, tôi và con mới có dịp về quê hơn một tháng. Nhìn căn nhà tuềnh toàng và những bộ đồ công sở nhăn nheo của chồng, tôi thấy mình có lỗi với anh ấy. Tôi mong gia đình sớm thoát cảnh “chồng một nơi, vợ con một nẻo” như suốt 12 năm nay, nhưng chưa biết đến lúc nào mới được”, chị Hồng nói, mắt đỏ hoe nén thở dài.
Bé 5 tuổi vật vờ học đủ thể loại, không kịp ăn bữa tối
Kết thúc học chữ ở trường mầm non lúc 18h, bé G. được cô giúp việc đến đón với hộp cơm trên tay. Cháu được đút ăn ngay trước cổng trường để kịp vào lớp học đàn lúc 18h30.
"Nuốt nhanh, ăn nhanh lên để còn vào lớp", ngồi ở ghế đá đút cho đứa bé đang học lớp Lá, bác giúp việc lớn tuổi tên Thịnh không ngừng giục giã. Lâu lâu, bác đưa tay vỗ vỗ người bé như động tác nhắc ăn nhanh, nuốt nhanh.
Để con "phát triển toàn diện" hay kỳ vọng thành thiên tài, thần đồng..., nhiều gia đình đẩy những đứa con mới tí tuổi đầu đến đủ các loại lớp học từ kiến thức đến năng khiếu. (ảnh minh họa)
Khi bé ăn được hơn nửa hộp cơm, bác đưa hộp sữa, cắm sẵn ống hút, cầm tận nơi cho bé uống. Rồi bác giục: "Vào lớp nhanh lên, trễ giờ rồi! Vào lớp trễ giờ mẹ biết là la đấy!".
Trường mầm non và lớp học nhạc cùng nằm trong khuôn viên một chung cư ở Thủ Đức, TPHCM. Cháu L.G. vùng vằng, bước đi từng bước nặng nhọc. Nghe giục, cháu bé như càng cố tình đi chậm, quay ngang quay ngược nhìn bạn.
Bác giúp việc lại kéo tay cháu bé, lôi xềnh xềnh đi về phía hướng lớp. Cô bé mếu máo, phản ứng: "Con không muốn học, con không muốn học!". Vậy nhưng, cháu vẫn bị đẩy vào lớp học với khuôn mặt mệt mỏi, đầy nước mắt nước mũi.
Ngồi ngoài chờ, bác giúp việc kể, học nhạc xong, đến 7h30 tối, cháu L.G. sẽ vào lớp học chữ của một cô giáo dạy kèm trước khi vào lớp 1 ngay trong chung cư. Bé học chữ ở đây từ lâu, còn ở trường mới tổ chức gần đây, mẹ bé cũng đăng ký cho bé theo học cho yên tâm.
Tuần 3 buổi theo lịch, học cả ngày ở trường mầm non đến 4h30, ở lại tiếp tục học chữ 1,5 tiếng, đi học đàn rồi lại học chữ. Đến 9h tối, cháu mới về nhà tắm rửa, ăn uống thêm.
Điều cơ bản cần thiết nhất cho trẻ là được ăn uống, sum vầy cùng gia đình, được ngủ đủ giấc, được vui chơi, được kết nối, được chia sẻ... (ảnh minh họa)
Còn các ngày khác trong tuần, cháu bé cũng kín lịch với học vẽ, học bơi, học tiếng Anh và cả học võ. Suốt cả tuần, từ sáng đến tối, chỉ duy nhất trống vào sáng thứ 7.
"Bây giờ bọn trẻ học kinh lắm, công việc chính của tôi là đứa đón cháu đi học thôi đây mà còn hết hơi. Tôi phải ghi thời khóa biểu của cháu ra giấy để đưa đón cho đúng giờ, để khỏi quên", bà Thịnh cho hay.
Huy động cả nhà đưa đón trẻ đi học
Lịch "nhồi nhét" đủ thể loại vào đứa trẻ 5 tuổi như cháu L.G. không phải là trường hợp hiếm. Mới đây, chị Thùy Nhung, nhà ở Bình Thạnh, TPHCM, có con chuẩn bị vào lớp 1 cũng vừa đăng ký thêm cho con trai học chữ trước, học võ và đang lên kế hoạch phải cho con học bơi.
Hiện tại, cháu đã học tiếng Anh tuần 3 buổi ở trung tâm, học nhạc tuần 2 buổi, học vẽ tuần 2 buổi, học cờ vua tuần 3 buổi. Chị Nhung thấy cháu hơi nhỏ con nên muốn cháu học thêm vận động để phát triển thể chất. Nhưng nói bớt các môn khác thì... chị không biết bớt môn nào.
Cả gia đình từ hai vợ chồng, cô em gái chồng, cho đến cô giúp việc thay nhau luân phiên đưa đón cháu đi học. "Bỏ môn nào tôi cũng thấy tiếc, cứ sợ thiếu rồi con thua thiệt", người mẹ nói.
Với lịch học như vậy bên cạnh lịch học chính ở trường mầm non, con trai chị Nhung hầu như không bao giờ ăn cơm ở nhà. Cháu ăn cơm quán, ăn tạm ổ bánh mỳ, bánh bao, ly sinh tố để kịp đến các lớp học.
Ngay từ bé, trẻ nhỏ ngày nay đã gánh rất nhiều áp lực về học tập, kỳ vọng từ gia đình (Ảnh minh họa)
Để con "phát triển toàn diện" hay kỳ vọng thành thiên tài, thần đồng..., nhiều gia đình đẩy những đứa con mới tí tuổi đầu đến đủ các loại lớp học từ kiến thức đến năng khiếu. Cảnh trẻ nhỏ phản ứng bằng cách khóc lóc, gào thét vẫn bị đẩy bằng được vào các lớp học là hình ảnh rất dễ thấy.
Để "nhồi" con học, nhiều bố mẹ sẵn sàng tước bỏ của con những điều cơ bản cần thiết nhất như được ăn uống, sum vầy cùng gia đình, được ngủ đủ giấc, được vui chơi, được kết nối, được chia sẻ...
Điều này cũng phản ánh, bố mẹ ngày càng có xu hướng đẩy việc giáo dục con ra bên ngoài, cậy hết vào trường lớp, vào thầy cô. Nhiều người đang bỏ quên yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển của mọi đứa trẻ là giáo dục gia đình, là vai trò của bố mẹ.
Chưa kể, để lại hậu quả lâu dài là ngay từ khởi đầu, trẻ đã mất đi động lực học tập là học cho mình, học để khám phá bản thân. Các em mang ấn tượng xấu về việc học, hay xem việc học như để "trả nợ" cho bố mẹ.
Trong lần chia sẻ về trầm cảm tuổi học trò, bác sĩ tâm lý Nguyễn Minh Tiến, CLB tâm lý Trăng Non nhấn mạnh, chưa một thời đại nào, trẻ nhỏ gánh nhiều áp lực, kỳ vọng từ xã hội, từ gia đình như hiện nay.
Khi sự kỳ vọng vượt quá khả năng, sẽ dẫn tới sự khủng hoảng ở lứa tuổi học sinh, kéo theo rất nhiều hệ lụy đau lòng.
Cảnh báo loại virus dễ gây tử vong cho thai nhi Virus Cytomegalo (CMV) là bệnh nhiễm trùng hàng đầu gây điếc, chậm phát triển trí tuệ và mù bẩm sinh. Lưng bệnh nhi ngay sau sinh. Ảnh: BVCC. Do đó, đối với phụ nữ mang thai, việc xét nghiệm máu chẩn đoán trước sinh là vô cùng cần thiết để phát hiện sớm CMV. Dấu hiệu và biến chứng Khoa Điều trị theo...