Người mẹ kế nuôi 5 con ăn học thành tài
Mẹ lấy bố tôi khi ông đã có 3 con riêng. Đứa út là tôi lúc đó mới 2 tuổi. Tôi ốm nhom và đầy bệnh tật. Từ nhỏ, cuộc sống của tôi đã gắn liền với các loại thuốc.
Mẹ tôi và cháu nội.
Từ bé, tôi đã biết tới câu ca”Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”. Mỗi lần nghe câu ca đó, tôi cảm thấy thật cay đắng, buồn tủi. Có những lúc tủi thân lắm khi nghĩ mình chính là đứa con chồng mà câu ca đó nói. Nhưng tôi cũng hiểu những vất vả, cực nhọc mà mẹ kế phải hy sinh vì chúng tôi trong suốt cuộc đời làm mẹ của mình.
Video đang HOT
Mặc dù có thêm 2 em nữa là con chung của bố mẹ, nhưng mẹ tôi không vì thế mà đối xử với chúng tôi bất bình đẳng. Chẳng những thế, tôi còn cảm nhận rõ mẹ rất vất vả và khó xử vì chị em tôi tuy học tốt, nhanh nhẹn nhưng cá tính và nghịch ngợm, ngang bướng, khiến nhiều khi mẹ cũng mang tiếng oan.
Cuộc sống của mẹ khác hẳn những người đàn bà khác, khi làm vợ đồng thời mẹ phải làm mẹ của cả 3 đứa con. Vào những năm 80, 90, gánh nặng kinh tế khiến mẹ rất vất vả. Mẹ phải nghỉ việc ở công ty thực phẩm do bị giải thể theo chính sách của Nhà nước xóa bao cấp. Bà buôn bán đủ thứ để nuôi sống gia đình, từ làm vườn, bán hàng xén, hoa quả cho tới buôn thịt lợn, bán trứng vịt lộn… Mẹ đã trải qua rất nhiều nghề để có thể trang trải cho cuộc sống.
Lần lượt, chị cả tôi vào Đại học Sư phạm I Hà Nội khoa ngữ văn. Tôi vẫn nhớ chị là người con gái đầu tiên của cả xóm đậu đại học. Tiếp đó, chị hai vào Đại học Y Hà Nội. Tôi chậm chân và trượt đại học, bố mẹ vẫn để tôi thi tiếp cho tới khi đậu Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Hai em của tôi sau này cũng học Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Đại học Kiến trúc Hà Nội. Bố mẹ tôi tự hào bao nhiêu thì gánh nặng kinh tế cũng nặng nề bấy nhiêu.
Tôi vẫn nhớ như in lúc nhỏ ở với bà nội, mẹ với bà không có va chạm gì (hoặc nhỏ quá mà tôi không biết). Hàng ngày, khi ăn cá, mẹ thường ăn đầu dù chúng tôi có càu nhàu kêu ca mẹ quá tiết kiệm. Có đêm tôi đau bụng, mẹ cõng sang trạm xá rồi đưa lên bệnh viện. Cả đêm ở viện, mẹ sợ ma phải chốt cửa thật chặt. Gia đình tôi ở xa họ hàng nên chỉ có bố mẹ xoay sở. Những kỷ niệm đó mỗi khi nhớ tới, tôi vẫn thấy nao lòng.
Thi thoảng mẹ có cáu gắt to tiếng với chúng tôi (do mẹ cũng hơi lãng tai và nói to) nhưng không chửi bới, mạt sát chị em tôi bao giờ. Hàng ngày, mẹ hương khói thờ cúng mẹ đẻ ra tôi rất chu đáo. Mẹ cũng không bao giờ chửi chúng tôi và lôi mẹ đã mất ra để so sánh, chửi bới hay kể lể công lao, kêu ca khó nhọc. Hình như mẹ tôi thầm nghĩ: sướng thì hưởng, khổ thì chịu. Cách cư xử của mẹ khiến càng lớn, càng hiểu biết, chúng tôi càng trân trọng mẹ hơn.
Có lần cháu tôi bị bố mắng, tôi có mắng vào theo. Khi tôi ra ngoài, mẹ đang ngồi nói nhỏ “Đừng đổ thêm dầu vào lửa”. Tôi tự nghĩ: Có phải vì mẹ vẫn nghĩ như thế nên mỗi khi bố đánh mắng chúng tôi, mẹ không bao giờ nói thêm vào để đổ dầu vào lửa? Chỉ là cách nghĩ và hành động đó của mẹ đã khiến tôi thấm thía làm bài học cho mình.
Trong cuộc sống gia đình, dù bố mẹ có 2 con chung, nhưng mẹ không phân biệt đối xử. Khi có người khuyên mẹ đừng để tiền nuôi con chồng hết như thế, phải để dành phòng thân và nuôi con mình. Mẹ cũng vẫn nỗ lực nuôi chúng tôi ăn học.
Mẹ tôi và gia đình cậu út.
Cuộc sống có những lúc thăng trầm. Mẹ có lúc đúng lúc sai và có những lúc rất sai lầm. Nhưng đối với chúng tôi, mẹ vẫn là tấm gương cần học tập về sự hy sinh, nhẫn nhịn, hết lòng vì chồng con. Để có được sự yêu thương, kính trọng của chúng tôi, mẹ luôn cố gắng đối xử với các con công bằng, vô tư, không thiên vị hay ghét bỏ ai trong 5 chị em tôi.
Tôi viết câu chuyện về mẹ không phải để khoe hay bày tỏ sự ngưỡng mộ. Tôi chỉ mong câu chuyện nhỏ bé của mình về mẹ sẽ khiến mọi người có cách nhìn rộng lượng hơn với những người mẹ kế. Tôi cũng mong những người chồng hãy vững vàng làm chỗ dựa cho vợ, những người con chồng hãy yêu quý mẹ kế bằng cả tấm lòng. Chỉ có tình yêu với đến được với tình yêu. Mong rằng mọi người sẽ yêu thương và trân trọng những người mẹ kế hơn. Để câu ca dao tôi đã nghe về mẹ kế sẽ đi vào dĩ vãng.
Theo VNE