Người mẹ chưa trả lại con bị nhầm ở Ba Vì có đáng trách?
Vụ việc Bệnh viện đa khoa Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con cho 2 gia đình mới được công bố khiến dư luận xôn xao, nhất là khi một người mẹ chưa trả lại con bị trao nhầm.
Cho đến thời điểm này, ngày 12.7, gia đình anh Phùng Giang Sơn, 28 tuổi, trú thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội và gia đình chị H. quê xã Phú Sơn, huyện Ba Vì (đang sống và làm việc trong nội thành Hà Nội) vẫn chưa nhận được con đẻ của mình.
Anh Sơn, người phát hiện con mình nuôi không phải là con đẻ và khiếu nại với Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì rất sốt ruột đón con đẻ về nuôi và cho cháu đi học lớp 1.
Chị Lê Thanh Hiền, người con bị trao nhầm từ năm 1987, đến nay vẫn chưa tìm được mẹ đẻ. NVCC
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, Lê Thanh Hiền, trú huyện Thanh Trì, Hà Nội người con bị trao nhầm trong câu chuyện Trao nhầm con 29 năm ở Hà Nội cho biết: “Phải là người trong cuộc mới hiểu rõ sự đau đớn mà các bà mẹ, ông bố, hay người con đang phải trải qua. Chỉ một phút tắc trách của ê kíp y bác sĩ có thể làm tổn thương bao người trong thời gian dài”.
“Tôi hiểu rõ tâm lý sốt sắng của anh Sơn khi chưa đón được con đẻ về nhà. Tôi cũng hiểu cảm giác buồn bã của chị H. khi hay tin, đứa con mình nuôi 6 năm qua không phải là con đẻ. Nhưng vì tình mẫu tử là thiêng liêng, chị H. không đành lòng trao em bé đã nuôi dạy 6 năm qua với bao yêu thương cho người khác, chị H. không đáng bị trách móc hay lên án”, chị Hiền nói.
Theo chị Lê Thanh Hiền, cần cho người mẹ thêm thời gian: “Chị H. cần thời gian để bình tâm và suy xét. Chị H. đang rất đau lòng. Tôi đã làm mẹ và tôi hiểu tình yêu mình dành cho em bé của mình lớn như thế nào”.
Chị Lê Thanh Hiền đưa ra gợi ý, một mặt để hai bên gia đình có thêm thời gian suy nghĩ. Mặt khác, cả hai gia đình có thể nhận cả hai em bé là con. “Như vậy, hai gia đình đều không mất con, mà còn có thêm em bé khác, cũng là con của mình”, chị Hiền nói.
Bà Hạnh (giữa), người mẹ bị trao nhầm con suốt 42 năm. ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, trú phố Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, người bị trao nhầm con suốt 42 năm, nhờ báo chí vào cuộc đã tìm thấy con đẻ của mình năm 2016, cho biết mỗi vụ trao nhầm con là một vụ đau lòng. “Không phải một sớm một chiều người mẹ sẽ nguôi ngoai với việc con mình dứt ruột đẻ ra bị trao cho người khác, và làm quen với một thực tế, em bé nhà khác mới là con đẻ của mình”, bà Hạnh nói.
Theo bà Hạnh, ngay cả khi đã tìm thấy con đẻ của mình rồi, việc chuẩn bị tâm lý ra sao cho những đứa con cũng là quan trọng. Các cháu bé ở Ba Vì mới 6 tuổi, chúng chưa thể làm quen ngay với một gia đình hoàn toàn xa lạ và rất dễ bị tổn thương, dễ bị ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất. Trong câu chuyện của bà Hạnh, con đẻ của bà khi được tìm ra đã 42 tuổi nhưng cũng đã rất sốc và phải mất 2 năm sau, chị này mới bình tâm và chấp nhận sự thật.
Như Thanh Niên đã đưa tin, Bộ Y tế mới đây tiếp nhận đơn của anh Phùng Giang Sơn 28 tuổi, trú thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Theo đơn, ngày 1.11.2012 anh đưa vợ vào Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì sinh con, khi nhận con vợ chồng anh thấy tã lót không đúng đã hỏi lại nhưng bệnh viện khẳng định không nhầm con. Càng lớn, cháu bé càng không giống ai trong nhà, do đó gia đình anh Sơn đưa con đi xét nghiệm ADN, kết quả là đứa bé không cùng huyết thống với cả cha và mẹ.Sau khi kiến nghị với Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, bệnh viện này kiểm tra lại hồ sơ và xác định có khả năng chị H. quê xã Phú Sơn, huyện Ba Vì bị giao nhầm con. Bệnh viện đã gặp gỡ 2 gia đình và cùng đưa 2 cháu trai đi xét nghiệm tại Viện Khoa học hình sự, kết quả cho thấy đúng là 2 bé đã bị trao nhầm cho 2 bên.Tuy nhiên, từ khi xác định việc trao nhầm con đến nay đã hơn 3 tháng, hai gia đình vẫn chưa nhận được con đẻ của mình.
Theo Thúy Hằng (Thanh Niên)
Vụ trao nhầm con ở Hà Nội: Người mẹ sẽ bị xử lý hình sự nếu quyết không hoán đổi con
Liên quan đến vụ trao nhầm con ở Hà Nội, theo Luật sư La Văn Thái, nếu người mẹ kiên quyết không hoán đổi vị trí của hai đứa trẻ có thể bị xử lý hình sự.
Bệnh viện Ba Vì - nơi xảy ra vụ trao nhầm con và anh Phùng Giang Sơn - bố của một trong hai cháu bé Ảnh: IT.
Sáng 11.7, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, vừa tiếp nhận đơn kiến nghị của anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, ở Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) về việc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con cho gia đình anh cách đây 6 năm.
Bộ Y tế đã chuyển đơn đến Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) của kíp trực tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, nhanh chóng giải quyết để 2 đứa trẻ đoàn tụ với gia đình, báo cáo kết quả giải quyết về Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) trước ngày 30.7.
Trao đổi với báo chí, đại diện Bệnh viện Ba Vì cho rằng, khó khăn hiện nay chính là chị Vũ Thị H (xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) - người nhận nhầm con của anh Sơn chưa chuẩn bị về tâm lý. Hiện nay, chị H vẫn đang rất sốc, chưa chấp nhận sự thật là sẽ phải xa con trai đã nuôi nấng từ sơ sinh.
Liên quan đến vấn đề này, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với Luật sư La Văn Thái - Giám đốc Cty Luật TNHH Tầm Nhìn & Thịnh Vượng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.
PV: Thưa Luật sư, nếu chị H - người mẹ trong vụ việc này nhất quyết không hoán đổi vị trí 2 cháu bé thì sự việc sẽ được xử lý ra sao dưới góc độ pháp lý?
Trước hết, theo tôi nên xem xét vụ việc dưới góc độ tình cảm. Do đã nuôi nấng cháu bé từ lúc sơ sinh nên có thể chị H chưa thể xa cháu trong ngày một, ngày hai. Phía gia đình anh Sơn nên tìm gặp chị H trao đổi, khuyên giải để chị H chấp nhận hoán đổi vị trí 2 cháu bé.
Nếu chị H vẫn nhất quyết không chịu hoán đổi thì bị xử phạt hành chính và buộc phải trả, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo Điều 153 BLHS 2016, sửa đổi bổ sung 2017 có khung hình phạt từ 3 năm đến 15 năm tùy tính chất phạm tội. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng.
PV: Đối với kíp trực gây ra vụ trao nhầm con này thì có thể bị xử lý thế nào, thưa Luật sư?
Thứ nhất, nếu việc trao nhầm trẻ là sơ suất thì bị xử lý kỷ luật hành chính tùy theo mức độ nặng nhẹ.
Nếu có chứng cứ chứng minh việc trao nhầm là cố ý thì sẽ bị xử lý hình sự về tội đánh tráo người dưới 1 tuổi theo quy định tại điều 152 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017, có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tùy tính chất phạm tội, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm.
VÂN TRƯỜNG
Theo Laodong
Hà Nội: Cả gia đình sốc nặng khi phát hiện nuôi nhầm con 6 năm trời Thấy con trai càng lớn càng có nhiều nét không giống mình, vợ chồng anh Sơn đã đưa con đi xét nghiệm ADN và bất ngờ nhận kết quả con không cùng huyết thống với bố mẹ. Sáng 11/7, Bộ Y tế cho biết, vừa tiếp nhận đơn kiến nghị của anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, trú tại Tây Đằng, Ba Vì,...