Người mẹ cho con uống thuốc ngủ để chạy trốn IS
Tabarak, 5 tuổi, được mẹ cho uống thuốc ngủ để ngừng khóc khi cả gia đình cô bé chạy trốn khỏi các phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thành phố Ramadi, Iraq.
Lực lượng an ninh Iraq và các chiến binh người Sunni giúp những người dân bị mắc kẹt thoát khỏi khu vực nằm dưới sự kiểm soát của IS ở Ramadi hôm 4/1. Ảnh:AP
Suốt nhiều tháng, Nada Saleh phải uống thuốc ngủ bởi đây là cách duy nhất để bà có thể chợp mắt giữa những tiếng bom đạn triền miên, khi lực lượng liên quân quốc tế và dân quân địa phương nỗ lực giải phóng thành phố quê hương bà khỏi tay IS.
Tuy nhiên, đến thời điểm cao trào của cuộc chiến, cả gia đình phải sơ tán khỏi Ramadi và Saleh quyết định dành những viên thuốc ngủ cho các con của mình, trong đó có cô con gái út. Chỉ những viên thuốc mới có thể khiến chúng ngừng khóc để họ không bị các phiến quân phát hiện.
“Tôi vẫn còn một vài viên thuốc ngủ cho các con uống để chúng không khóc và không làm lộ nơi ẩn náu của chúng tôi”, CNN dẫn lời Saleh nói.
Saleh và chồng đã cố gắng sống sót dưới sự giám sát gắt gao của IS suốt nhiều tháng, nhưng gia đình bà quyết định ra đi khi những kẻ hung bạo xuất hiện và châm lửa đốt nhà của họ.
“Khi đốt nhà tôi, chúng kéo chúng tôi ra ngoài và dí kiếm vào cổ chồng tôi đe dọa”, Saleh kể.
Vị trí thành phố Ramadi và Habbaniyah, nơi có một khu trại dành cho những cư dân may mắn chạy thoát khỏi lãnh thổ bị IS chiếm đóng. Đồ họa: CNN
Saleh sợ rằng vợ chồng bà và 6 đứa con sẽ bị IS dùng làm lá chắn khi lực lượng Iraq tấn công vào thành phố.
“Chúng muốn chồng tôi đưa chúng tôi đến quận Suffiya nơi chúng cũng đang giam giữ các gia đình khác. IS đang ẩn nấp đằng sau các gia đình ở đó, dùng họ để trốn lực lượng Iraq”, bà nói.
Video đang HOT
Chồng của Saleh đã trốn thoát khỏi IS nhưng như nhiều người đàn ông khác đã rời khỏi Ramadi, ông bị giới chức Iraq thẩm vấn để xem liệu có dính líu gì tới các phiến quân không.
Người mẹ của 6 đứa con nói rằng khoảnh khắc gia đình bà nắm tay nhau và vượt qua chiến tuyến luôn hiện lên trong tâm trí mỗi khi bà nhắm mắt lại.
“Tôi đã cởi cái khăn trùm đầu màu trắng của con gái ra và vẫy nó khi chúng tôi đi qua đó. Tôi liên tục hét lên ‘chúng tôi không phải là mối đe dọa’ “, bà kể. “Vào khoảnh khắc đó, tôi nghĩ ‘mình sẽ chết’. Tôi đã đọc Shahada (lời cầu nguyện của người Hồi giáo khi sắp chết) khi chúng tôi đi qua đó. Tôi nghĩ ‘mình đang đi về phía tử thần hoặc đi đến sự sống’ nhưng không còn cách nào khác tôi phải chấp nhận rủi ro”.
“Trong 4 ngày, chúng tôi chạy trốn, di chuyển từ nơi này qua nơi khác”, bà nhớ lại. “Đêm trước chúng tôi đã ngủ trong một tòa nhà bị đánh bom. Những đứa trẻ run lên vì lạnh nhưng chúng tôi không dám đốt lửa”.
Cuối cùng, họ cũng đến được Habbaniyah, nơi có một khu trại dành cho những cư dân may mắn chạy thoát khỏi lãnh thổ bị IS chiếm đóng.
Người dân đốt lửa sưởi ấm tại khu trại tị nạn ở Habbaniyah, Iraq. Ảnh: CNN
Được xây dựng trên địa điểm của một “làng du lịch”, nhiều ngôi lều ở Habbaniya vẫn còn trống bởi nhiều gia đình vẫn còn mắc kẹt bên trong thành phố Ramadi, cách đó hơn 40 km về phía tây.
Các lực lượng của Iraq, dưới sự yểm trợ của không lực phương Tây, đã đẩy lùi được các phiến quân IS khỏi trung tâm Ramadi vào tuần trước. Tuy nhiên, chúng vẫn còn kiểm soát nhiều khu vực thuộc các quận phía đông thành phố.
Iraq cho biết khoảng 1.000 gia đình vẫn còn kẹt ở đông Ramadi. Chính phủ nước này tin rằng họ đang bị lợi dụng làm lá chắn cho các phiến quân.
Trong khi chờ đợi tin tức từ chồng mình, Saleh và các con không thể làm được gì hơn ngoài việc hồi tưởng lại cuộc chạy trốn đáng sợ của họ và lo lắng khi nghĩ về tương lai.
“Đã bao nhiêu lần tôi nghĩ mình có thể chết?”, bà nói. “Thậm chí bây giờ chỉ cần nghe tiếng một chiếc xe chạy vụt qua là tôi đã giật bắn mình. Chúng tôi vẫn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi ấy”.
Anh Ngọc
Theo VNE
Thay đổi nhỏ làm nên chiến thắng lớn trước IS ở Ramadi
Quân đội Iraq được huấn luyện để chống lại lối đánh du kích, nhưng Washington và Baghdad nhận ra chiến thuật này không hiệu quả với IS và điều chỉnh, mở đường cho chiến thắng ở Ramadi.
Lực lượng an ninh Iraq tại Ramadi. Ảnh: Reuters
Theo BBC, thay đổi trong chiến thuật của Lực lượng an ninh Iraq (ISF) được đưa ra vào cuối mùa hè vừa qua, khi trung tướng Sean MacFarland tháng 9 bắt đầu dẫn dắt một nhiệm vụ chống IS của liên minh do Mỹ dẫn đầu. Kể từ khi nhận vị trí mới, ông đã nghiên cứu những cách chiến đấu chống IS hiệu quả và không hiệu quả cho đến thời điểm đó.
Thừa nhận IS là kẻ thù khác với những lực lượng Mỹ từng đối mặt trong thập kỷ qua, ông yêu cầu điều chỉnh việc huấn luyện và thiết bị cung cấp cho quân đội Iraq.
Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ tại Baghdad, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng thành công của ISF phần lớn do chiến thuật chiến tranh thông thường, chứ không phải là chiến thuật chống chiến tranh du kích mà Mỹ đã huấn luyện cho Iraq trong nhiều năm qua.
Chiến tranh du kích là loại hình chiến tranh không thông thường, được các phe, nhóm quân sự nhỏ và yếu hơn, cơ động hơn áp dụng đối với kẻ thù mạnh hơn và kém cơ động hơn. Lối đánh du kích bao gồm các cuộc phục kích, đánh bất ngờ, chớp nhoáng và rút lui nhanh.
ISF phần lớn là do Mỹ huấn luyện, sau khi Washington can thiệp quân sự vào Iraq năm 2003. Đối mặt với các mối đe dọa từ chiến binh du kích trong cuộc xung đột 8 năm, Mỹ và đồng minh đã đào tạo người Iraq đối phó với kiểu đánh du kích.
"Chiến thuật du kích về cơ bản là đánh rồi rút, nhằm tránh một cuộc chiến lớn", đại tá Warren nói. "Nhiệm vụ của phiến quân sử dụng chiến thuật này là khiến kẻ địch rời đi và để họ yên".
Nhưng IS có chiến lược khác. Nhóm này đánh chiếm và kiểm soát lãnh thổ, với mong muốn thiết lập một nhà nước. "Bạn không thể làm điều đó thông qua lối đánh du kích, mà phải bằng chiến thuật thông thường", ông Warren nói.
Đại tá nói đến thành phố chiến lược Ramadi, nơi Iraq hôm qua tuyên bố đã giành lại được từ tay IS. Có một đường chính vào Ramadi và để cố thủ trong thành phố, IS đã rải trên đường và khu vực xung quanh các thiết bị nổ tự chế (IED) để tạo ra một bãi mìn tạm thời. Sau đó, chiến binh IS được trang bị súng máy và súng cối phòng vệ tại các khu vực gài thuốc nổ, để ngăn chặn phá bom.
Tuy IED đã được sử dụng nhiều năm qua ở Iraq, cách IS sử dụng khác rất nhiều. Vào giữa những năm 2000, các nhóm phiến quân thường sử dụng một IED được giấu kín để "khủng bố tinh thần, hạ nhuệ khí địch, giết và làm bị thương một nhóm trong một chiếc xe".
Nhưng bây giờ, IS sử dụng liền một lúc nhiều IED và lộ liễu, như một biện pháp răn đe, chứ không phải là một cuộc phục kích bất ngờ để gây sợ hãi.
"Quân đội mà chúng tôi đã huấn luyện là một lực lượng chuyên về chống du kích", ông Warren nói. Họ được huấn luyện để đối phó với những IED đơn lẻ mà quân địch bí mật gài trước khi rời khỏi hiện trường. Khi phát hiện IED, robot phá bom và các chuyên gia có thể được triển khai để dọn đường.
Tuy nhiên, với cách sử dụng nhiều IED một lúc và canh phòng bãi mìn của IS, chiến thuật này không hiệu quả. Ông Warren nói rằng IS đã "thiết lập một hàng phòng thủ" bằng IED. Để vượt qua bãi mìn, liên quân đã làm việc với ISF để tiến hành chiến thuật thông thường, truyền thống và trang bị cho họ các thiết bị mà trước đây không cần thiết. Trong đó, nổi bật là hoạt động xâm nhập sử dụng một "sợi dây nổ gắn với một quả rocket" để kích hoạt, phá hủy bãi mìn, cho phép lực lượng Iraq mở đường nhanh chóng.
Dây nổ gắn với rocket nhằm kích hoạt bãi mìn IS đã gài. Ảnh minh họa: AFP
Bãi mìn IED chỉ là một trong số những ví dụ cho thấy IS "sử dụng chiến thuật quân sự thông thường, không giống với cách thức chúng ta đã huấn luyện quân đội Iraq để đối phó", ông nói.
Sự thay đổi nhỏ góp phần dẫn đến thắng lợi tại Ramadi không phải là thay đổi lớn trong chiến lược bao quát của chiến dịch. Các quan chức thường xuyên xem xét và điều chỉnh chiến thuật để phù hợp với từng tình huống.
Với chiến thắng ở Ramadi, quân đội Iraq sẽ gia tăng nhuệ khí để tiến công các mục tiêu tiếp theo, trong đó có Mosul, thành phố được coi là thành trì của IS. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi thề sẽ đánh bại IS vào năm 2016. "Chúng tôi sẽ giải phóng Mosul, đó sẽ là đòn chí tử với IS", ông tuyên bố.
Phương Vũ
Theo VNE
Iraq tấn công IS nhằm giành lại thành phố lớn nhất miền tây Các lực lượng an ninh Iraq hôm nay tấn công vào trung tâm Ramadi nhằm giành lại thành phố họ để rơi vào tay nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo từ tháng 5. Binh sĩ Iraq lái xe tăng hướng về Ramadi tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo hồi tháng 5. Ảnh: Reuters. "Chúng tôi tiến vào trung tâm Ramadi...