Người mẹ cắt gân chân tay con gái mong được nhận lại con
Mãn hạn 2 năm tù giam vì tội cố ý gây thương tích cho đứa con nhỏ, bà Mỳ còn 5 năm bị pháp luật hạn chế quyền nuôi dưỡng bé Hảo. Nhưng sau khi được trả tự do, bà Mỳ tỏ ý khao khát muốn đưa bé Hảo về với gia đình.
Dù đã được về với chồng con, được sống trong chính ngôi nhà của mình, nhưng người phụ nữ từng “mang tiếng ác” vẫn chưa thể tha thứ cho chính bản thân mình. “Suốt hai năm thụ án, không ngày nào tôi không ân hận về lỗi lầm mà mình đã gây ra đối với bé Hảo. Hình ảnh con bé trong ngày xử án khiến tôi không tài nào chợp mắt được suốt một thời gian dài. Chồng con tôi phải sống những ngày khốn cùng khi tôi đi ở trại, mấy đứa nhỏ không có người chăm sóc dạy bảo, cái ăn cái mặc thiếu thốn đủ bề…” – bà Nguyễn Thị Mỳ bùi ngùi tâm sự.
Ngoài bé Nguyễn Thị Hảo, vợ chồng bà Mỳ còn có 4 đứa con khác nhưng 3 đứa trong số đó đều có vấn đề về thần kinh. Thời gian bà Mỳ chịu án là chuỗi ngày cùng cực của ông Tước, chồng bà, một mình vừa lo làm kiếm tiền vừa chăm sóc các con. “Biết rõ cuộc sống ở nhà của chồng con cũng chẳng khá hơn mình trong trại nên tôi đau lắm, giá như ngày ấy tôi không ngu dại vì một chút nóng nảy để làm tổn thương đến đứa con của mình thì giờ đây gia đình tôi đâu lâm vào cảnh rẽ chia thế này”, bà Mỳ ứa nước mắt nhớ lại những ngày gia đình phải chia mấy ngả.
Bà Mỳ trở về là điểm tựa cho những đứa con vốn chịu nhiều thiệt thòi
Sự gần gũi sẻ chia của những quản giáo đã đánh thức tình mẫu tử và tính thiện của người mẹ lầm lỗi. Nhờ cải tạo tốt, tháng 9/2011 bà được trở về với gia đình (được giảm án phạt 3 tháng). “Từ ngày bà Mỳ về đến nay, chính quyền địa phương vẫn luôn quan tâm động viên để giúp bà tái hòa nhập với cuộc sống. Theo ghi nhận của cán bộ ấp, thời gian qua vợ chồng bà Mỳ rất chịu khó làm ăn và chăm lo cho các con” – ông Huỳnh Ngọc Trung, Phó Chủ tịch xã Đức Hạnh cho biết.
“Tôi muốn bù đắp sự thiếu vắng và tai tiếng đã ảnh hưởng đến các con do những lỗi lầm của tôi gây ra”. Đó là sự thức tỉnh lương tri của người mẹ, hơn thế nữa bà Mỳ đang muốn sửa chữa và chuộc lại nỗi đau đã gây ra đối với đứa con gái út. “Đáng lẽ tôi phải dành cho con bé nhiều tình yêu thương nhất, nhưng sự nóng giận nhất thời của tôi đã đẩy con vào cảnh không gia đình. Dù sau này lớn lên, con bé có oán hận tôi, tôi cũng cắn răng chịu đựng… Nó giọt máu tôi đã mang nặng đẻ đau, xin hãy cho tôi nhận lại con mình!”
Vợ chồng ông Tước đang khao khát nhận lại con
Tòa án nhân dân huyện Phước Long (nay là Bù Gia Mập) đã tuyên phạt tội cố ý gây thương tích đối với con ruột của bà Mỳ mức án 2 năm tù giam và hạn chế quyền nuôi dưỡng bé Nguyễn Thị Hảo trong vòng 5 năm kể từ sau ngày thụ án. Nhưng sự hối hận và nỗi nhớ con cồn cào khiến vợ chồng bà Mỳ khao khát muốn đưa bé Hảo về với gia đình.
“Mới đây, tôi xuống thăm con khi ra về nó cứ ôm cứng lấy cổ tôi kêu “ba ơi chở con về nhà đi”. Tôi không đành lòng để con bé phải sống trong cảnh bơ vơ như vậy nữa. Đầu năm 2012 vợ chồng tôi sẽ làm đơn trình chính quyền địa phương và cơ quan pháp luật xin được đưa cháu về.”
Video đang HOT
Song sự tự ti mặc cảm vẫn là vách ngăn lớn đối với chính bản thân bà Mỳ. “Tôi muốn được một lần đến thăm con để được ôm ấp vuốt ve và nói với con lời xin lỗi nhưng tôi sợ…”. Không “sợ” sao được khi nỗi đau mà bà gây ra cho đứa con gái đã khiến dư luận một thời phải bàng hoàng. Nhưng tòa án lương tâm và những tháng năm tù tội đã là cái giá quá đắt cho lỗi lầm của người mẹ này.
Theo Dân Trí
Bình Phước: Gặp lại bé gái bất hạnh bị mẹ cắt tay, chân
Được giải thoát khỏi những trận bạo hành, những tưởng cuộc sống của cháu bé từng bị mẹ cắt tay, chân Nguyễn Thị Hảo sẽ tốt hơn. Nhưng, dư chấn tâm lý và dấu hiệu thần kinh bất ổn khiến tương lai của cháu còn nhiều hoang mang.
Nhắc đến cái tên Nguyễn Thị Hảo, hẳn độc giả sẽ nhớ ngay tới bé gái đáng thương từng bị mẹ ruột bạo hành - một vụ bạo hành con đẻ gây chấn động dư luận ở Bình Phước 3 năm về trước.
Chỉ vì đứa con gái 4 tuổi lấy kéo cắt tờ tiền polymer mệnh giá 100 ngàn đồng, bà mẹ Nguyễn Thị Mỳ đã giật kéo cắt luôn ngón cái của bàn tay phải con mình. Chỉ vì trong lúc gọt mướp cứ thấy con gái đùa nghịch bên cạnh, đuổi không chịu đi, bà Mỳ đã không ngần ngại dùng dao phạt vào gót chân phải của con làm đứt gân chân... Ngoài 2 vết thương ở tay, chân nói trên, trên người cháu Hảo còn vô vàn vết thương ở mông, vành tai trái, vùng lưng, xương đòn trái, mặt... Đó là kết quả của những trận đòn tập thể mà 4 anh chị của Hảo gây nên cho em.
Qua cơn biến động, Hảo có da thịt hơn xưa...
Ánh mắt, gương mặt tinh nghịch.
Hành vi tàn độc của người mẹ đó phải trả giá bằng 24 tháng tù giam và bị tước quyền nuôi đứa con do chính mình đẻ ra trong thời gian 5 năm. Bé Hảo được đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em mồ côi Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước).
Còn nhớ ngày Hảo được một người dân phát hiện trong tình trạng "sống dở, chết dở", èo uột, rách rưới đến thảm thương. Dù đã 4 tuổi nhưng cháu Hảo chỉ nặng 11kg.
Những ngày ấy, bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước quá tải bởi dòng người từ khắp nơi động lòng trắc ẩn về đây thăm cháu. Một sinh linh bé bỏng, trên người có đến 70 vết thương chằng chịt khiến cho nhiều người không cầm được nước mắt. Thương xót cho số phận nghiệt ngã của cháu bao nhiêu, người ta càng căm phẫn hành vi tàn ác của người mẹ ấy bấy nhiêu.
Hảo giờ được sống trong vòng tay yêu thương của nhiều người
Từ ngày về Trung tâm trẻ mồ côi Lộc Ninh, một vùng sát biên giới, cách thị xã Đồng Xoài hơn 120km, Hảo được sống trong vòng tay yêu thương của nhiều người. Một ngày đầu tháng 6/2011 vừa qua, chúng tôi tìm đến Trung tâm này để thăm Hảo. Mới đó đã 3 năm. So với 3 năm trước, cháu Hảo ngày nay đã có da thịt hơn nhiều. Hảo không còn đen đúa, trên mình không còn đầy vết ghẻ lở, chằng chịt như xưa... Mừng vì Hảo đã có một mái ấm, có sự chở che của các cô bảo mẫu lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ. Nhưng khắc khoải lo khi biết cháu đang có những dấu hiệu bất ổn về thần kinh, còn có nhiều hành động bộc phát, vô thức.
Hảo theo tôi đem bánh chia cho từng cụ già ở Trung tâm. Hảo tinh nghịch như ngày nào. Nhìn bên ngoài với vẻ hoạt bát lanh lợi, không ai muốn tin cháu bé vốn chịu nhiều thiệt thòi này có "điều bất ổn". Hảo cầm bút "vẽ" các chữ cái một cách khó khăn, không xác định được dòng lề canh nét. Cái gì Hảo cũng có thể nhớ nhớ quên quên nhưng duy nhất chuyện bị mẹ bạo hành thì cháu không quên dù là một chi tiết nhỏ. "Con cắt tiền của mẹ... Không có tiền mua gạo, mẹ lấy kéo cắt tay con...". "Con nhớ ba mẹ không?". "Không. Ba mẹ đánh con". "Con muốn về nhà không?". Hảo lắc đầu nguầy nguậy.
7 tuổi, Hảo chỉ nặng 17kg, cao 1,04m
Chị Trần Thị Thanh Thủy, người trực tiếp chăm sóc dạy dỗ Hảo cho biết, những ngày đầu Hảo tăng cân đều đặn nhưng thời gian sau có dấu hiệu chững lại. Bây giờ Hảo đã 7 tuổi nhưng cháu cũng chỉ nặng có 17kg và cao 1,04m. Ngoài ra, vết thương cũ ở tay Hảo dù đã lành nhưng mỗi khi cầm nắm thứ gì thì cháu vẫn bị nhức và đau.
Hảo thường hay cắn chiếu, xé mùng... Vài chiếc chiếu cói bị Hảo cắn rách nên phải thay thế bằng chiếu nhựa. Mùng thì năm lần bảy lượt chị Thủy phải thức đêm khâu vá lại đều bị Hảo xé tả tơi. Hảo thích uống sữa, uống nhiều lắm nhưng vẫn không thấy tăng ký. Cháu thức khuya và giấc ngủ cũng có vẻ không bình yên. Hảo thường trằn trọc, nói mê...
Ở lớp, Hảo tiếp thu rất chậm
Năm học qua Hảo đã vào lớp 1 nhưng Hảo tiếp thu chậm và hay làm những việc tùy ý, vô thức. Đang trong lớp học, Hảo nhảy lên bàn rồi nói những điều không ai hiểu. Ra chơi, Hảo đi lung tung nên khiến các cô giáo lo lắng và liên tục lo giám sát. Cô giáo phải lập riêng một cuốn sổ theo dõi Hảo. Cặp, sách vở... bao lần phải trang bị mới cho Hảo thì cháu thường xé không suy nghĩ. Phấn, bút hay bất cứ thứ gì cũng bị Hảo bỏ vào miệng. Nhiều bạn học trong lớp cũng phải bao lần dở khóc dở cười bởi hành động bất thường của Hảo. Suốt năm học vừa qua, Hảo chỉ đánh vần và viết được vài chữ cái, đếm được dãy số từ 1-10. Do điểm quá thấp nên Hảo không được thi học kỳ và phải ở lại lớp.
"Hảo nói chuyện rất khôn và dường như quá khứ không bình yên vẫn còn hằn sâu trong tâm trí cháu. Bởi cái quá khứ đau lòng đó có thể là vết cứa khiến cho con trẻ day dứt bằng những cơn ác mộng về đêm và là một dư chấn khiến cho tâm lý cháu bất thường", chị Thủy tâm sự.
Cụ Nguyễn Thị Liên (65 tuổi) là người được trung tâm nhận vào nuôi dưỡng nhưng cụ cũng dành thời gian chăm sóc, bảo ban cháu Hảo. Cụ kể, "Hảo dễ thương, lanh lẹ nhưng quá hiếu động và bộc phát. Có những đêm, giữa khuya, Hảo thức dậy leo lên cửa sổ rồi đu vắt vẻo trên song cửa...".
Vết thương ở tay, chân vẫn còn gây đau đớn cho cháu
Ông Lê Xuân Nẫm - Giám đốc Trung tâm - cho biết đã báo cáo lên Sở Lao động Thương binh & Xã hội Bình Phước về sự phát triển trí tuệ không bình thường của cháu Hảo. Trung tâm đã đưa cháu xuống TPHCM khám và được các bác sĩ chẩn đoán Hảo bị chứng bệnh "rối loạn hành vi".
"Hảo không đau lặt vặt nhưng trí não của cháu phát triển rất chậm. Chúng tôi không mong cháu thông minh. Chỉ mong sao cho cháu được phát triển bình thường, tâm lý ổn định là điều chúng tôi ngày đêm khai khát, ao ước nhất", ông Nẫm tâm sự.
Mọi biến cố cuộc đời của cháu những tưởng đã qua đi nhưng với một tâm lý và thần kinh "có vấn đề" như vậy, nếu không được chữa trị kịp thời, tương lai của Hảo sẽ là bất định!
Theo Dân Trí