Người mất năng lực hành vi dân sự cũng có quyền tiếp cận thông tin
Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng là người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người dưới 18 tuổi thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng trả lời tại cuộc họp báo (Ảnh: T.K)
Tại buổi công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Luật Tiếp cận thông tin sáng 29/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định, Luật này được xây dựng trên quan điểm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về “mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người”, “tạo cơ chế Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp”, “bảo đảm quyền được thông tin” của công dân.
Luật đã quy định cụ thể về quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, thông tin công dân được tiếp cận, không được tiếp cận; cách thức tiếp cận thông tin, các hành vi bị nghiêm cấm; khiếu nại, khởi kiện, tố cáo, xử lý vi phạm….
Đáng chú ý, luật còn quy định việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng là người mất nâng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người dưới 18 tuổi thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật.
“Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo điều chỉnh mối quan hệ về tiếp cận thông tin giữa nhà nước và công dân, Luật đã quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước từ cơ quan hành pháp, tư pháp đến cơ quan lập pháp cung cấp thông tin cho công dân; đồng thời quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Điều cần lưu ý là các cơ quan chỉ có trách nhiệm cung cấp các thông tin do mình tạo ra”- Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh.
Riêng đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn, để tạo thuận lợi cho công dân trong việc yêu cầu cung cấp thông tin và căn cứ vào thực tiễn nắm giữ thông tin của UBND cấp xã (nơi tiếp nhận hầu hết các thông tin chính thức của các cơ quan nhà nước cấp trên và là cấp cơ sở gần với người dân nhất), Luật Tiếp cận thông tin đã giao thêm trách nhiệm cho UBND cấp xã thực hiện việc cung cấp các thông tin do mình nhận được từ cơ quan khác.
Trả lời thắc mắc của PV Dân trívề công tác chuẩn bị để tới ngày Luật có hiệu lực có thể thực thi được ngay, tránh trường hợp bị “treo” vì thiếu nghị định, thông tư hướng dẫn, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, tới ngày 1/7/2018 Luật Tiếp cận thông tin mới có hiệu lực thi hành. Bộ Tư pháp đã và đang xây dựng lộ trình thực hiện luật để báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch chung, xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn.
Video đang HOT
Nhằm bảo đảm thông tin được công khai và phổ biến đến người dân ở phạm vi rộng nhất, luật quy định các loại thông tin và cách thức công khai thông tin trên trang/cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và đăng công báo, niêm yết.
“Để đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, Luật đã quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bố trí cán bộ đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin; lập danh mục thông tin phải được công khai, thông tin cung cấp theo yêu cầu; rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp… Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp và quy trình bảo vệ thông tin, bảo vệ hệ thống thông tin. Quan trọng nhất để thực hiện luật này là đảm bảo điều kiện thực hiện, đầu mối cung cấp thông tin đảm bảo yêu cầu cung cấp thông tin cho người dân kịp thời”- ông Dũng chốt lại.
Thế Kha
Theo Dantri
Bộ luật Hình sự năm 2015 - bước phát triển quan trọng trong chính sách hình sự của Nhà nước ta
BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, tạo cơ sở pháp lý đấu tranh đối với hành vi vi phạm do pháp nhân gây ra
Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự nước ta, BLHS năm 2015 đã quy định pháp nhân là chủ thể của tội phạm, đây là điểm mới nổi bật, mang tính đột phá trong chính sách và tư duy lập pháp hình sự nước ta. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới nên BLHS năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo hướng chỉ áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại; xác định cụ thể 31 tội danh, là các tội danh mang tính chất thuần túy về kinh tế và môi trường; quy định rõ bốn điều kiện để một pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự và quy định các chế tài áp dụng đối với pháp nhân phạm tội bao gồm ba hình phạt chính, ba hình phạt bổ sung và bốn biện pháp tư pháp.
2. BLHS năm 2015 khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn góp phần nâng cao hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm
BLHS năm 2015 đã bãi bỏ sáu tội danh được quy định trong BLHS năm 1999 gồm: (1) tảo hôn; (2) kinh doanh trái phép; (3) báo cáo sai trong quản lý kinh tế; (4) vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; (5) sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; (6) không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính; đồng thời, bổ sung 34 tội danh về kinh tế, môi trường, công nghệ thông tin và truyền thông.
BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính, vốn là một trong những bất cập của BLHS năm 1999 như: "gây hậu quả nghiêm trọng", "gây hậu quả rất nghiêm trọng", "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng";... điều này làm cho BLHS năm 2015 có thể áp dụng được ngay mà không phải chờ văn bản hướng dẫn như chúng ta đã từng làm trước đây.
BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo hướng: Phân biệt rõ các trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự và những trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự; Sửa đổi và bổ sung một số trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự nhằm khắc phục những bất cập khi áp dụng biện pháp này trong thời gian vừa qua.
BLHS năm 2015 đã bổ sung một chương với bảy điều quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, trong đó, tiếp tục quy định bốn trường hợp đã có trong BLHS năm 1999 gồm: sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết và tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; bổ sung mới ba trường hợp khác là: gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm pháp; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên nhằm khuyến khích người dân an tâm, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm; tham gia các hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học có tính chất "đột phá" vì lợi ích chung.
3. BLHS năm 2015 tiếp tục đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013
BLHS năm 2015 đã có sự điều chỉnh căn bản trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng: thu hẹp đáng kể phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; quy định chỉ xử lý hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội của người từ đủ 16 tuổi trở lên đối với 21 tội danh; cụ thể hóa các điều kiện miễn trách nhiệm hình sự áp dụng riêng cho người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và bổ sung ba biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp người được miễn trách nhiệm hình sự.
BLHS năm 2015 tiếp tục thể chế hóa chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt không tước tự do đối với người phạm tội. Cụ thể: áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính không chỉ đối với tội ít nghiêm trọng như trước đây, mà còn được áp dụng ngay cả đối với tội nghiêm trọng, thậm chí là với một số tội rất nghiêm trọng; sửa đổi hình phạt cải tạo không giam giữ theo hướng tăng cường tính cưỡng chế, nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục của loại hình phạt này; khẳng định nguyên tắc không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý.
BLHS năm 2015 tiếp tục thể chế hóa chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình được khẳng định tại các Nghị quyết của Đảng, cụ thể: khoanh phạm vi áp dụng loại hình phạt này chỉ đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và thuộc một số nhóm tội; bổ sung thêm các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; quy định không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị kết án đủ 75 tuổi trở lên hoặc người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nhưng đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn; bỏ hình phạt tử hình ở tám tội danh.
Bổ sung quy định tha tù trước hạn có điều kiện nhằm tạo cơ hội cho những phạm nhân tích cực cải tạo tốt trong quá trình chấp hành án phạt tù được sớm trở về với gia đình và xã hội, đồng thời tiếp tục tự rèn luyện trong môi trường xã hội bình thường, có sự giám sát của chính quyền địa phương và của gia đình. Nếu trong thời gian thử thách mà người được tha tù trước hạn cố ý vi phạm nghĩa vụ hoặc phạm tội mới thì buộc phải trở lại cơ sở giam giữ để chấp hành tiếp phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.
4. BLHS năm 2015 tạo cơ chế để bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác định là một trong những định hướng lớn xây dựng BLHS. Theo đó, BLHS năm 2015 đã bãi bỏ bốn tội danh gồm các tội: kinh doanh trái phép; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Đây là những tội phạm không còn phù hợp trong nền kinh tế thị trường; bổ sung 15 tội danh mới thuộc các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bảo hiểm nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn, minh bạch thúc đẩy các lĩnh vực này phát triển lành mạnh.
BLHS năm 2015 đã thay thế tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực quản lý kinh tế như: quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu, quản lý đầu tư công, quản lý sử dụng tài sản nhà nước... Quy định này nhằm tăng cường tính minh bạch, tạo hành lang pháp lý an toàn để các doanh nghiệp thực hiện quyền tự do kinh doanh trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Ngoài ra, BLHS năm 2015 có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật lập pháp theo hướng nâng cao tính minh bạch; bảo đảm tính thống nhất về mặt kỹ thuật giữa Phần chung và Phần các tội phạm cụ thể và giữa BLHS năm 2015 với các luật khác.
Để triển khai thi hành BLHS năm 2015 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành BLHS, Bộ Tư pháp đã chủ động xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành BLHS năm 2015. Trong đó, xác định cụ thể các nhiệm vụ, nhất là rà soát để kịp thời triển khai ngay các quy định có hiệu lực từ khi Chủ tịch nước công bố; tổ chức quán triệt và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phổ biến, tập huấn BLHS năm 2015, đồng thời rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới.
Với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ nêu trên, BLHS năm 2015 sẽ sớm đi vào cuộc sống, thật sự phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ an toàn, trật tự xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường và tăng cường hội nhập quốc tế.
PGS, TS HÀ HÙNG CƯỜNG
Bộ trưởng Tư pháp
Theo_Báo Nhân Dân
Bộ luật tố tụng dân sự bảo vệ các quyền con người, quyền công dân Sáng 25-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao, đạt 88,66%. Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự,...