Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản của người nhờ mang thai
Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung quy định chế độ thai sản của người mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. Trong quan hệ này, dù 1 người đóng bảo hiểm, 2 người được hưởng chế độ…
Khi trẻ được giao cho “mẹ ruột”, chế độ thai sản của người mang thai hộ cũng được chuyển cho người nhờ mang thai hộ để đảm bảo điều kiện chăm sóc trẻ.
Chiều 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2016 có nhiều điểm mới, mở rộng hơn đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; hoàn thiện nguyên tắc đóng – hưởng bảo hiểm xã hội, mang ý nghĩa đoàn kết chia sẻ trong cộng đồng, là sự bảo đảm thay thế cho người lao động nhằm giải quyết những rủi ro trong cuộc sống khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm cũng như khi đến tuổi già không còn khả năng lao động.
Để bảo vệ quyền lợi của người lao động, luật đã bỏ quy định người sử dụng lao động bảo quản sổ bảo hiểm xã hội của người lao động trong thời gian người lao động làm việc; giao người lao động giữ sổ bảo hiểm xã hội. Luật cũng đồng thời bổ sung trách nhiệm định kỳ 6 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; hàng năm niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp.
Người lao động cũng có quyền được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữ trị dài ngày.
Quy định về chế độ thai sản có nhiều điểm chú ý khi như quy định bổ sung, lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh thường, 7 ngày làm việc khi vợ sinh mổ, sinh non dưới 32 tuần tuổi.
Video đang HOT
Trường hợp vợ sinh đôi, người chồng được nghỉ 10 ngày làm việc và nếu sinh ba trở lên, cứ thêm mỗi con, người chồng được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Trường hợp người vợ sinh đôi trở lên mà cần phải phẫu thuật, người chồng được nghỉ 14 ngày làm việc.
Nếu chỉ có người chồng tham gia bảo hiểm xã hội, khi vợ sinh con cũng được hưởng trợ cấp một lần.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân thông tin thêm, luật bổ sung chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. Theo đó, việc này thực hiện theo nguyên tắc, chỉ một người tham gia đóng bảo hiểm xã hội nhưng 2 người phụ nữ cùng được hưởng chế độ thai sản. Người nhờ mang thai hộ sẽ được hưởng chế độ thai sản của người mang thai hộ chuyển sang khi trẻ được giao về cho “mẹ ruột”. Tuy nhiên, nguyên tắc đặt ra là tổng chế độ 2 người hưởng bằng mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ bình thường khác.
Một điểm mới khác, về chế độ bảo hiểm hưu trí, luật quy định, đối với người đang hưởng lương hưu hoặc đủ điều kiện hưởng lương hưu mà bị phạt tù giam thì cũng được hưởng lương hưu.
P.Thảo
Theo Dantri
"Lấy phiếu tín nhiệm không phải kênh duy nhất để đánh giá cán bộ"
Nghị quyết sửa đổi về việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội, luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký lệnh công bố ngày 9/12. Sáng nay, 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo thông báo lệnh của Chủ tịch nước.
Thay vì tiến hành theo định kỳ hàng năm như vừa qua, từ nay, mỗi nhiệm kỳ, Quốc hội chỉ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 1 lần.
Tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông cho biết, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã được Quốc hội thông qua ngày 28/11 vừa qua với 81,49% đại biểu tán thành (được gọi là Nghị quyết số 85).
Nghị quyết gồm 18 điều, tăng 2 điều so với Nghị quyết số 35. Nghị quyết số 85 tiếp tục kế thừa quy định về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là những người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước ở Trung ương và địa phương do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đồng thời, Nghị quyết bổ sung quy định Quốc hội, HĐND không lấy phiếu tín nhiệm đối với người có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tiếp chưa đủ 9 tháng, tính đến ngày khia mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm (quy định trong Nghị quyết 35 là 1 năm).
Về thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, ông Thông cho biết, Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ, vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ (Điều 7).
Về quy trình lấy phiếu và mức độ tín nhiệm, Nghị quyết số 85 kế thừa quy trình lấy phiếu như hiện hành nhưng bổ sung, làm rõ trách nhiệm của người được lấy phiếu trong việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân và báo cáo với Quốc hội, HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Mức độ tín nhiệm thể hiện trên phiếu lấy tín nhiệm, Nghị quyết số 85 tiếp tục quy định 3 mức độ "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".
Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 85, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì UB Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Trả lời thắc mắc về việc quy định phiếu tín nhiệm 3 mức sẽ khó lượng hóa để đánh giá một chức danh có tiến bộ hay thụt lùi nếu qua 2 lần lấy phiếu, lần sau cả số phiếu "tín nhiệm cao" và "tín nhiệm thấp" đều tăng tương ứng với nhau, ông Lê Minh Thông cho rằng, cần lưu ý, lấy phiếu chỉ là một kênh để đánh giá cán bộ. Không phải là một kênh đánh giá duy nhất lên kết quả lấy phiếu không cần lượng hóa tuyệt đối. Qua lấy phiếu, các cơ quan quản lý, sử dụng có đánh giá bao quát để bố trí công tác cho phù hợp hơn với cán bộ nên "không có gì khó xử với kết quả lấy phiếu".
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015 tới.
Trình bày về những điểm mới của luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Lê Minh Thông cho biết, so với luật hiện hành, luật sửa đổi có điểm mới cơ bản về đại biểu Quốc hội. Luật xác định tổng số địa biểu Quốc hội không quá 500 người, quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, quy định rõ hơn địa vị pháp lý, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội tham gia hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trách nhiệm với cử tri và tiếp công dân...
Trên cơ sở đánh giá hoạt động của Đoàn thư ký kỳ họp cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức phục vụ hoạt động của Quốc hội, luật đã xác lập chức danh "Tổng thư ký Quốc hội" thay thế cho Đoàn thư ký kỳ họp. Tổng Thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm.
Tổng Thư ký Quốc hội có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình làm việc. Tổng Thư ký cũng là người phát ngôn của Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội.
Giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội có Ban Thư ký. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban thư ký sẽ do UB Thường vụ Quốc hội quy định.
Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016.
P.Thảo
Theo dantri
Mức thưởng Tết năm nay sẽ ra sao? Tết Nguyên đán 2015 đang tới gần. Vấn đề người lao động quan tâm hiện nay là mức lương, thưởng năm 2015 sẽ ra sao? Mức thưởng Tết năm 2015 cao hơn hay thấp hơn năm 2014? Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân đã trao đổi vấn đề này với PV Dân trí. Người lao động tại các doanh nghiệp trông chờ...