Người mắc sốt xuất huyết tăng chóng mặt, 17 người đã tử vong
Đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 58.246 ca mắc, 17 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Dịch sốt xuất huyết hiện đang rất căng thẳng tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam
Trước tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trong cả nước, chiều 24/7, Bộ Y tế đã có buổi họp khẩn giữa hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM.
PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 58.246 ca mắc, 17 trường hợp tử vong. Số mắc tăng 9,7% so với cùng kỳ của năm 2016.
Đặc biệt, tại miền Bắc, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh và diễn biến bất thường do khí hậu thay đổi, mưa nhiều, sản sinh ra ổ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Số người bệnh ở các tỉnh miền Bắc tăng 763% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính từ đầu năm, Hà Nội ghi nhận 6.699 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội nhận định tình hình dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm và diễn biến phức tạp. Trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố có thể tiếp tục gia tăng, do thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi phát triển mạnh.
Các chuyên gia truyền nhiễm cho biết, biến chứng hay gặp của sốt xuất huyết năm nay là tình trạng suy thận, tổn thương gan và xuất huyết não.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng hướng dẫn người dân nhận diện muỗi đốt truyền bệnh sốt xuất huyết.
Theo đó, loại muỗi vằn khoang trắng, khoang đen, thường đốt người từ 8 – 10 giờ sáng. Đây cũng là loại muỗi ưa sạch, chỉ đẻ trứng trong vùng nước đọng sạch nên mối nguy sốt xuất huyết tiềm ẩn ngay xung quanh các hộ gia đình khi có các bể, các dụng cụ chứa nước đọng lộ thiên…
Bộ trưởng Y tế khuyến cáo mọi người nếu thấy sốt cao đột ngột phải vào viện gần nhất để khám. Mọi người không nên đổ xô lên tuyến Trung ương bởi tình trạng quá tải nằm ghép khi có quá nhiều bệnh nhân sẽ gây nên tình trạng nhiễm chéo bệnh. Sốt xuất huyết nếu phát hiện sớm sẽ có cơ hội điều trị dự phòng sớm để giảm nguy cơ xuất huyết do bệnh diễn biến rất nhanh, khi bị xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa…
Những ngày đầu và chưa có những dấu hiệu cảnh báo thì chỉ cần theo dõi, uống thuốc hạ sốt, bù nước …
Chỉ khi có những dấu hiệu cảnh báo như hạ tiểu cầu, xuất huyết, tổn thương chức năng thận, chức năng gan, mệt mỏi, nôn, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt… thì mới cần nhập viện để điều trị và theo dõi sát sao.
Video đang HOT
Triệu chứng sốt xuất huyết Sốt cao, 39-40 độ C liên tục trong 3-4 ngày; người mệt mỏi, phát ban, buồn nôn; xuất huyết dưới da, nổi chấm màu đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Đối với phụ nữ có thể rong kinh, đau bụng, nôn ói…; mệt, li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít, đi cầu ra máu. Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc đang sốt cao chuyển sang hết sốt… Thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà. Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước, nhiều người bệnh hay cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng.
Theo Danviet
Trồng 6 loại cây gia vị này để đuổi muỗi, có rau ăn mà lại đẹp nhà
Trồng 6 loại cây gia vị gồm: húng thơm, cây bạc hà, tía tô, sả, tỏi, ngải cứu sẽ là những gợi ý không tồi trong việc "nói lời chào tạm biệt" với muỗi mà lại đẹp nhà và có rau gia vị trong bữa ăn hàng ngày.
Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết lan rộng tại Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước, để phòng tránh dịch một cách triệt để, bạn nên sử dụng những cách đuổi muỗi lâu dài, đem lại hiệu quả cao.
Những cách đuổi muỗi dùng các loại nguyên liệu thiên nhiên như dầu gió, chanh, nến,... tuy có thể đem lại hiệu quả chống muỗi tức thời nhưng lại chưa có tính lâu dài, phải thực hiện nhiều lần.
Để phòng và tránh sốt xuất huyết cùng một số bệnh nguy hiểm khác một cách triệt để, bạn có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi cùng các thành viên trong gia đình bắt tay vào trồng ngay những loại cây "khắc tinh" của mỗi dưới đây để không còn lo bị muỗi đốt nữa nhé!
1. Cây húng thơm
Được coi là một trong những loại thảo dược vừa có lợi cho sức khỏe con người vừa giúp phòng chống và xua đuổi muỗi, trồng húng thơm tại nhà lại không hề khó, rất dễ để các bạn có thể trồng ngay và luôn.
Mùi thơm hăng hăng, cay cay của rau húng cũng là nỗi khiếp sợ của loài muỗi. Loại cây này ưa ánh sáng, ẩm và chịu được hạn nên khá dễ trồng. Đặc biệt, húng thơm còn là loại rau gia vị quen thuộc với các gia đình Việt bởi thế trồng húng thơm trong nhà, bạn không chỉ chống được muỗi mà còn có thêm rau thơm sạch để thưởng thức. Ngoài ra, tinh dầu của cây húng thơm cũng có thể giúp phòng chống muỗi hữu hiệu cho cả gia đình bạn.
2. Cây bạc hà ( một số nơi gọi là húng lủi)
Có lẽ so với 5 loại cây gia vị còn lại thì bạc hà là một trong số những loại thảo dược cổ xưa nhất thế giới có khả năng xua đuổi muỗi. Mùi thơm mát của bạc hà giúp đem lại cảm giác thư thái cho con người nhưng lại là ác mộng với các loài muỗi, kiến, gián, ong...
Bạc hà dễ trồng, khi trồng vào những chậu nhỏ để trong nhà chúng không chỉ chống được muỗi mà còn có thể trang trí nhà và trở thành rau gia vị cho việc nấu nướng hàng ngày, đặc biệt với những "fan" của thức uống tươi mát mojito thì việc tạo nên những viên bạc hà đá cũng là một gia vị ngon tuyệt trong thức uống khoái khẩu.
Ngoài ra, nếu nhà không trồng cây húng lủi, bạn có thể ra chợ mua một nắm húng lủi, vò nát, đặt trong góc nhà, nóc tủ, bệ cửa sổ... cũng có tác dụng ngăn muỗi trong 1-2 ngày.
3. Cây tía tô
Một lựa chọn tuyệt vời khác húng thơm và bạc hà để xua đuổi muỗi đó là tía tô. Tía tô cực kỳ dễ trồng ngay cả khi bạn chưa hề có bất kỳ một kinh nghiệm làm vườn nào.
Chúng lớn nhanh, khỏe, không cần nhiều nước và có thể phát triển tốt trong bóng râm. Vì thế, hãy trồng tía tô trong chậu tại nhà, bạn có thể di chuyển loại cây này đến bất kỳ nơi nào bạn muốn trong nhà để khiến lũ muỗi "hoảng sợ".
Ngoài ra, bạn có thể vò lá tía tô xát lên da để ngăn muỗi. Trồng cây quanh nhà để muỗi tránh xa.
4. Cây sả
Cây sả là một trong những loại cỏ rất tự nhiên, dễ trồng và khá nhiều tinh dầu. Tinh dầu sả được đặt trong nến và lồng đèn có thể khiến muối phát sợ. Những nghiên cứu cho thấy, tinh dầu sả còn có tác dụng trị muỗi và xua đuổi muỗi tốt hơn gấp nhiều lần thuốc trị muỗi thông thường.
Ngoài ra, sả cũng chính là loại thảo mộc đứng đầu bảng trong các loại cây có khả năng chống muỗi. Hơn nữa, sả lại là loại cây cực dễ trồng bởi khả năng chịu nắng và chịu hạn tốt.
Theo các nghiên cứu tinh dầu sả có khả năng xua muỗi tốt hơn gấp nhiều lần so với các loại thuốc chống muỗi thông thường, không những vậy tinh dầu của loại cây này còn có mùi thơm rất dễ chịu.
5. Cây tỏi
Ăn tỏi không khiến lũ muỗi tránh xa bạn trừ phi bạn ăn với số lượng cực nhiều, nhưng trồng tỏi thì lại có tác dụng đuổi muỗi hiệu quả. Hãy thêm vài khóm tỏi vào vườn để tăng tính bảo vệ cho lũ trẻ và người thân trong gia đình.
Một cách khác để sử dụng tỏi chống muỗi nhanh chóng là cắt tỏi và rắc bên ngoài, xung quanh khu vực sinh sống của bạn.
6. Cây ngải cứu
Ngải cứu vừa là một loại rau ngon vừa giúp đuổi muỗi một cách tự nhiên. Cây ngải cứu rất dễ sống và dễ trồng. Bạn có thể trồng cây trong chậu nhỏ hoặc trong vườn nhà mình.
Ngoài ra, rau ngải cứu còn là một vị thuốc bắc giúp chữa được nhiều loại bệnh khác như đau đầu, sơ cứu vết thương, trị mụn hay mẩn ngứa,... Ngoài ra, những món ăn chế biến từ ngải cứu cũng rất ngon và vô cùng bổ dưỡng.
Theo Danviet
Tại sao sốt xuất huyết "thích" tấn công thành phố? Một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang bị sốt xuất huyết đe dọa với hàng trăm ca bệnh mỗi ngày. Các chuyên gia y tế nhận định, tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự thờ ơ của người dân chính là "môi trường" lý tưởng cho sốt xuất huyết bùng phát Tính đến giữa tháng 7.2017, cả nước...