Người lưu giữ giống lúa dâng thần
Ngoài canh tác các loại giống lúa mới, ông Pinăng Bưu, ở thôn Châu Đắc, xã Phước Đại, H.Bác Ái ( Ninh Thuận) còn gieo thêm diện tích lúa rẫy để lưu giữ nguồn giống truyền thống của dân làng.
Lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Raglai Bác Ái – Ảnh: BTNT
Giống lúa rẫy ( Pa Dhai Vanh) của đồng bào Raglai, được ví như hạt “lúa mẹ”, dùng để dâng thần trong các nghi lễ truyền thống của đồng bào Raglai. Khu vực trồng Pa Dhai Vanh của ông Bưu rộng khoảng 1.000m2, nằm gần núi Gà Bây, cách thôn Châu Đắc chừng 20 phút đi bộ. Do đám lúa nằm lọt giữa rừng núi, xung quanh cây cỏ dại mọc lưa thưa, nên khi được ông Bưu giới thiệu, chúng tôi mới nhận ra đây là diện tích Pa Dhai Vanh mà ông đang gieo trồng.
Theo ông Bưu, Pa Dhai Vanh là giống chịu hạn, trước đây người dân thường gieo trồng ở những khu vực sườn núi, chủ yếu sống nhờ vào nước trời. Thời gian sinh trưởng Pa Dhai Vanh kéo dài 8 tháng. Từ tháng 3 hàng năm bắt đầu gieo hạt, khi có mưa lúa mới nảy mầm, cây bắt đầu phát triển, cao vượt đầu người thì trổ đòng và cho hạt. “Tuy năng suất rất thấp, nhưng hạt lúa Pa Dhai Vanh rất to, dài; nấu cơm có mùi thơm đặc thù và ăn rất ngon”, ông Bưu cho biết.
Video đang HOT
Một trong lý do để ông Bưu hiện còn gieo trồng Pa Dhai Vanh là vì không muốn để mất giống lúa gắn liền với lễ hội truyền thống của đồng bào vùng cao. “Những năm gần đây dân làng không ai trồng lúa rẫy nữa, họ chuyển sang trồng lúa nước năng suất cao, mùa vụ nào lúa, bắp cũng chất đầy nhà, người dân no ấm. Tuy nhiên, Pa Dhai Vanh loại lương thực nuôi sống người dân một thời, gắn với đời sống tâm linh đồng bào Raglai nên tôi trồng để dùng trong những ngày cúng tế và lưu giữ cho con em sau này”, ông Bưu tâm sự.
Theo phong tục đồng bào Raglai, cứ vào cuối vụ thu hoạch, khi bắp, lúa đã đầy kho thì người dân tổ chức lễ mừng lúa mới. Đây là một trong những lễ rất quan trọng của đồng bào Raglai để tạ ơn và cầu xin giàng (trời), thần lúa cho dân làng có cuộc sống ấm no, sung túc. Ông Chamale’ Luyến (70 tuổi), ở xã Phước Đại, H. Bác Ái cho biết, đồng bào Raglai tin rằng, mỗi loại cây đều có hồn và thần linh cai quản. Trước đây lễ mừng lúa mới được tổ chức 2 lần trong một năm, lúc cây lúa bắt đầu chín và sau khi hoàn tất thu hoạch. Ngày nay, người dân giản lược còn một lễ duy nhất diễn ra trong một ngày. Các lễ vật dâng thần trong lễ mừng lúa mới rất đơn giản, gồm trầu cau, cơm, trứng gà, rượu cần nhưng quan trọng nhất là cơm được nấu từ hạt gạo Pa Dhai Vanh, khăn quấn đầu và vòng cườm (trang phục dành cho người phụ nữ). Theo ông Luyến, đồng bào Raglai quan niệm rằng nếu không tổ chức lễ tạ ơn giàng (trời), tạ ơn “lúa mẹ” thì vụ mùa tiếp theo sẽ bị chim chóc, sâu bệnh, thú rừng phá hoại. Chính vì vậy, hàng năm vào cuối vụ sản xuất nhà nhà rộn ràng chuẩn bị lễ vật dâng lễ tế thần theo nghi thức truyền thống. Đây là dịp để bà con gặp gỡ, chung vui uống rượu cần, đánh mã la, thể hiện tình đoàn kết cộng đồng giúp nhau trong lao động sản xuất.
Ông Chamale’Tiếp, nguyên Bí thư Huyện ủy Bác Ái, cho biết hiện chỉ còn vài hộ gia đình lưu giữ giống lúa Pa Dhai Vanh truyền thống của đồng bào Raglai. Nếu không có kế hoạch bảo tồn thì trong tương lai hạt giống Pa Dhai Vanh sẽ biến mất.
Thiện Nhân
Theo Thanhnien
Đình làng Việt thờ vua Chăm
Người dân làng Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn, H.Ninh Sơn (Ninh Thuận) lập đình làng thờ vị Thần Hoàng có công xây dựng hệ thống dẫn thủy nhập điền.
Đình làng Đắc Nhơn - Ảnh: Thiện Nhân
Làng Đắc Nhơn nằm cách TP.Phan Rang - Tháp Chàm chừng 9 km về phía tây, người dân (chủ yếu người kinh) sinh sống bằng nghề nông và chăn nuôi. Đình Đắc Nhơn nằm giữa trung tâm ngôi làng, xây dựng vào năm 1789, đến năm 1852 trùng tu lại và được người dân địa phương giữ gìn cho đến hôm nay. Năm 1999, Bộ VHTT công nhận đình làng Đắc Nhơn là Di tích lịch sử Quốc gia.
Thờ vị vua Pô Klông Girai
Đình làng Đắc Nhơn là một trong những ngôi đình cổ ở Ninh Thuận, có giá trị văn hóa, lịch sử hết sức độc đáo. Về sắc phong, hiện còn lưu giữ được 8 sắc phong của các vua triều Nguyễn, lâu nhất là sắc phong của vua Minh Mạng (1840) và gần nhất là vua Khải Định (1924). Nhà nghiên cứu văn hóa Đình Hy, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Ninh Thuận, cho biết phía tây tỉnh Ninh Thuận có hai đập nước cổ Nha Trinh và Lâm Cấm lấy nước từ sông Dinh để tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp do đồng bào Chăm xây dựng, mà tác giả của công trình này là vị vua Pô Klông Garai. Sau này hệ thống thủy lợi được nâng cấp, mở rộng tưới tiêu cho nhiều diện tích ở các cánh đồng phía tây Ninh Thuận. Theo ông Đình Hy, quá trình khai khẩn, làm ăn đã thừa hưởng những thành quả của hệ thống dẫn thủy nhập điền cổ của đồng bào Chăm nên người dân Đắc Nhơn xây dựng đình làng thờ cúng và tôn xưng Pô Klông Garai là Thần Hoàng của làng mình, để tỏ lòng ghi nhớ công ơn. Cũng như nhiều đình làng khác ở các tỉnh duyên hải miền Trung họ lập đình làng thờ các bậc tiền hiền khai khẩn để ghi nhớ công lao lập, nhưng người dân làng Đắc Nhơn lại thờ vị vua Chăm có công xây dựng hệ thống thủy lợi, giúp cho họ có cuộc sống ấm no. Đây là một biểu hiện ứng xử đặc biệt, phù hợp với tính cách, tâm thế của người Việt Nam.
Người đứng tế lễ phải kiêng cử
Ông Nguyễn Được (80 tuổi), người có hơn 14 năm trông coi đình làng Đắc Nhơn cho biết, hàng năm người dân địa phương đều tổ chức các lệ cúng theo xuân kỳ thu tế. Mùa xuân thì tế lễ cầu quốc thái dân an, cầu cho đời sống no ấm, mùa màng bội thu; mùa thu tháng 8 âm lịch là ngày tế chính. Theo ông Được, lễ vật dâng lên Thần Hoàng là hoa quả, trầu rượu, vịt, dê, heo. Trong đó, dê, heo phải là con đực, cùng một màu hoặc đen, hoặc trắng hoàn toàn; xôi chè nếp phải trắng không pha lẫn đậu đen. Trong ngày đại lễ, người đứng tế lễ phải là người có uy tính, kiêng ăn thị bò nhiều ngày trước. Vị chủ tế không được sinh hoạt vợ chồng trước 3 ngày diễn ra tế lễ. Nếu trong thời điểm này, người nhà của vị chủ tế có tang thì phải thay người khác và phụ nữ không được vào hậu tẩm thờ cúng. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Đình Hy, không riêng gì các vị chủ tế, dân làng chỉ được giết mổ dê, vịt, heo tuyệt đối không được mổ hoặc mua thịt bò để cúng tế, vì rằng vua Pô Klông Garai là người Chăm Bà la môn giáo, bò là vật cỡi của thần Siva, nên phải kiêng thịt bò.
Thiện Nhân
Theo Thanhnien
Lũ đột ngột, 7 du khách bị cuốn trôi Đang vui đùa tại thác SaKai, phía nam thủy điện Đa Nhim, nhóm du khách thuộc hai gia đình bị cuốn trôi khiến 3 người tử vong. Con suối nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Sơn Ninh Theo điều tra ban đầu, 7 người trong gia đình một lãnh Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận và cán bộ Văn phòng UBND...