Người luôn kè kè Obama như hình với bóng
Trong số những người hỗ trợ, phục vụ ông Obama, có một người được ưu ái gọi là “cái bóng của tổng thống” vì sự gần gũi và quan tâm chu đáo tới sức khỏe của ông chủ Nhà Trắng cũng như những thành viên khác ở đồi Capitol.
Obama được một y tá tiêm tại Nhà Trắng.
“Bác sĩ tổng thống” hay còn được gọi là bác sĩ Nhà Trắng là những nhân viên chăm sóc sức khỏe trực tiếp cho ông Barack Obama, giám đốc Đơn vị Y tế Nhà Trắng và Phòng Quân sự Nhà Trắng. Nhiệm vụ của các bác sĩ tổng thống là đảm bảo điều kiện sức khỏe tốt nhất cho tổng thống Mỹ, phó tổng thống, các nhân viên Nhà Trắng và khách ghé thăm. Bác sĩ tổng thống cũng là bác sĩ trưởng toàn bộ Nhà Trắng.
Các bác sỹ phục vụ tổng thống Mỹ có nhiều tên gọi khác nhau. Ông Presley Marion Rixey, Chuyên viên y tế Hải quân Mỹ là người đầu tiên giữ vai trò bác sĩ tổng thống từ năm 1901. Mãi tới năm 1928 sau khi Quốc hội thông qua thì chức danh “bác sĩ Nhà Trắng” mới được dùng.
Bác sĩ tổng thống có một văn phòng riêng trong Nhà Trắng. Nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là giữ gìn sức khỏe của tổng thống Mỹ. Bác sĩ tổng thống cũng sẽ phụ trách một đội 5 bác sĩ quân y, 5 y tá, 5 trợ lý bác sĩ, 4 y sĩ, 3 điều phối viên và một nhân viên IT.
Bác sĩ tổng thống được gọi ưu ái là “cái bóng của tổng thống” vì họ luôn ở bên tổng thống bất kể thời gian. Trong các chuyến đi trong nước, công du nước ngoài hay trên chiếc Không lực Một luôn là sự hiện diện của bác sĩ tổng thống. Khi cần, họ có thể phẫu thuật trong tình huống khẩn cấp.
Bác sĩ tổng thống cũng chịu trách nhiệm giám sát sức khỏe cho các thành viên gia đình tổng thống, phó tổng thống và gia đình phó tổng thống. Ngoài ra, hơn 1,5 triệu du khách tới Nhà Trắng mỗi năm cũng sẽ được họ chăm sóc trong trường hợp khẩn cấp. Các vị khách quốc tế tới thăm đại bản doanh của tổng thống cũng được quan tâm chu đáo từ phía bác sĩ tổng thống.
Obama và Ronny Jackson, bác sĩ tổng thống chụp năm 2014.
Văn phòng của bác sĩ tổng thống là một “trung tâm khẩn cấp mini” gồm phòng bác sĩ, phòng chẩn đoán, nơi cung cấp dụng cụ, thuốc thang và xe cứu hộ tình huống khẩn. Không lực Một cũng được trang bị các trang thiết bị y tế, phòng phẫu thuật trong trường hợp bác sĩ cần can thiệp. Tuy nhiên, chuyên cơ Không lực Một không có máy chiếu X-quang và phòng xét nghiệm sinh hóa.
Video đang HOT
Vị trí này không hào nhoáng như nhiều người lầm tưởng. Daniel Ruge, bác sĩ tổng thống đầu tiên của Tổng thống Ronald Reagan đã phải từ chức sau nhiệm kỳ đầu tiên của ông Reagan. Daniel nói: “Công việc quá vất vả, nhàm chán và không được trau dồi tay nghề”. Daniel không thể ăn tối tại nhà vì không có thời gian. Ông lúc nào cũng phải sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp và chờ đợi trong phòng với bộ áo trắng trên người. bác sĩ tổng thống này cho biết ưu điểm lớn nhất của vị trí này là có thể đòi hỏi bất kỳ thứ gì họ muốn.
Chân dung bác sĩ tổng thống Ronny Jackson chuyên phục vụ Obama.
Trước mỗi chuyến đi của tổng thống Mỹ tới nước ngoài, đội ngũ bác sĩ ở Nhà Trắng sẽ khảo sát trước rồi liên hệ các cơ sở y tế và gặp gỡ bác sĩ để nêu ra các tình huống xử lý cần thiết. Bác sĩ Connie Mariano từng chăm sóc sức khỏe cựu Tổng thống Bill Clinton nói: “Chúng tôi kiểm tra môi trường sống ở thành phố đó tỉ mẩn chẳng khác gì mật vụ kiểm tra xem có bom hay không”.
Bác sĩ Mariano kể rằng năm 1994 khi ông Bill Clinton công du nước ngoài, bác sĩ, Đại tá Bob Ramsey đã gửi cho các bác sĩ bệnh viện chủ nhà nhóm máu sai và có thể nguy hiểm tới tính mạng tổng thống nếu phải cấp cứu. Sau đó, Ramsey bị sa thải ngay lập tức.
Ronny lãnh trách nhiệm nặng nề đảm bảo Tổng thống Obama luôn trong tình trạng sức khỏe tốt nhất.
Khi ngồi trên siêu xe “Quái vật” cùng tổng thống, Bác sĩ Nhà Trắng được sắp xếp ngồi cạnh ông chủ đồi Capitol. Đây được coi là ngoài “vùng chết”, nơi an toàn nhất trên xe limousine nếu bị đánh bom hoặc tấn công khủng bố.
Bác sĩ tổng thống thường được đích thân các ông chủ Nhà Trắng lựa chọn và chủ yếu họ là các bác sĩ quân y đang làm nhiệm vụ trong quân đội. Các bác sĩ dân sự thường không được chọn vì sau khi không làm việc cho Nhà Trắng, cơ hội để họ làm việc bình thường sẽ gặp nhiều khó khăn do từng chăm lo cho tổng thống. Các bác sĩ chuyên trách được đào tạo một năm trước khi trực tiếp nhận nhiệm vụ nặng nề này.
Tính tới tháng 3.2016, Đại úy Ronny Jackson đang là bác sĩ tổng thống cho ông Barack Obama.
Theo Danviet
Quan chức Mỹ tiết lộ lịch trình của Tổng thống Obama tại Việt Nam
Hai quan chức cấp cao Mỹ hôm qua tổ chức họp báo, công bố các nội dung đàm phán trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters.
Giám đốc Cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia về Các vấn đề châu Á Daniel Kritenbrink và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel hôm qua tổ chức họp báo tại Washington để trao đổi thông tin về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Kritenbrink cho biết chuyến thăm giúp củng cố cam kết của ông Obama về tái cân bằng châu Á. Đây là chuyến thăm thứ 10 của ông với tư cách tổng thống đến khu vực. "Chuyến thăm có hai yếu tố quan trọng trong tái cân bằng. Thứ nhất là thiết lập quan hệ đối tác mới với những quốc gia đang trỗi dậy trong khu vực như Việt Nam. Thứ hai là tăng cường quan hệ với đồng minh như Nhật Bản", ông Kritenbrink cho biết.
Tổng thống Obama khởi hành đến Việt Nam vào ngày 21/5. Tại Hà Nội, ông Obama sẽ dự nhiều cuộc gặp và sự kiện với các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam, trong đó có Chủ tịch nước Trần Đại Quang và có thể là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông dự kiến có bài phát biểu về quan hệ Việt - Mỹ và gặp gỡ thành viên xã hội dân sự.
Tổng thống Obama sau đó đến thành phố Hồ Chí Minh, tiếp xúc với thành viên Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI), doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.
Tổng thống Obama thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam về cách tăng cường quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, nhân dân với nhân dân, an ninh, nhân quyền cùng các vấn đề khu vực và thế giới.
Về hợp tác kinh tế, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) làm nổi bật cả tiến trình và tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ. Tác động chiến lược và kinh tế từ TPP sẽ được đưa vào chương trình nghị sự. Một số thỏa thuận thương mại tiềm năng khác cũng có thể được đề cập đến.
Về hợp tác an ninh, một trong những yếu tố định hình quan hệ đối tác Việt - Mỹ trong thế kỷ 21, hai nước có cùng cam kết thúc đẩy trật tự dựa trên luật pháp ở châu Á - Thái Bình Dương để các quốc gia có thể theo đuổi mục tiêu một cách hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Hợp tác quân sự song phương bao trùm nhiều lĩnh vực, từ viện trợ nhân đạo và thảm họa đến gìn giữ hòa bình. "Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với Việt Nam về cách thức hai bên có thể phối hợp để tăng cường năng lực an ninh trên biển của Việt Nam", ông Kritenbrink nói.
Về hợp tác giữa nhân dân với nhân dân và giáo dục, hai hoạt động này giúp tăng cường lòng tin và sự hiểu biết giữa người dân hai nước. Việt Nam là quốc gia có nhiều sinh viên du học tại Mỹ nhất trong số các nước Đông Nam Á, gần 12.000 người Việt Nam đang tham gia YSEALI. Điều đó cung cấp nền tảng mạnh mẽ cho phát triển quan hệ song phương trong các thập kỷ tới.
Về các vấn đề khu vực và thế giới, Việt Nam và Mỹ đang hợp tác trên mọi lĩnh vực từ sức khỏe, không phổ biến vũ khí, biến đổi khí hậu đến gìn giữ hòa bình, chống buôn lậu động vật hoang dã.
"Tất cả những lĩnh vực hợp tác và kết quả chúng tôi đạt được trong hơn 20 năm qua tạo ra nền tảng vững chắc cho các thành tựu chúng tôi sẽ đạt được trong 20 năm tới và xa hơn", ông Kritenbrink nói.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel. Ảnh: Reuters.
Theo Trợ lý Ngoại trưởng Russel, Việt Nam là đối tác của Mỹ trong TPP, trong bảo vệ Công ước Luật Biển và thượng tôn pháp luật trên biển, trong giải quyết hòa bình tranh chấp và căng thẳng trên Biển Đông.
"Việt Nam còn là đối tác trong việc gìn giữ sông Mekong, nguồn tài nguyên đối với cuộc sống của hàng triệu người và nhiều quốc gia nó chảy qua", ông Russel nói.
Trả lời câu hỏi về khả năng Tổng thống Obama sẽ thông báo dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, ông Kritenbrink cho biết đây là vấn đề được đưa ra định kỳ. Mỹ năm 2014 đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí liên quan đến an ninh trên biển. Khi đó, Mỹ thông báo các hợp đồng mua bán sẽ được xem xét tùy từng trường hợp và nhân quyền là một vấn đề cần cân nhắc.
Sau chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama sẽ đến thăm Nhật Bản cuối ngày 25/5 và dự hội nghị thượng đỉnh G7, diễn ra ở Ise-Shima trong hai ngày 26 và 27/5.
Ông Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp thăm Việt Nam trong hơn 20 năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Bill Clinton năm 2000 là tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Ông George W. Bush thăm Việt Nam năm 2006.
Như Tâm
Theo VNE
TNS John McCain: Mỹ phải dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam Trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain kêu gọi Washington dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, tăng cường hợp tác quân đội hai nước. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ John McCain. REUTERS "Chuyến thăm...