Người lính trong hành trình y tế thông minh
Thời gian qua, các y bác sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để ra mắt các công trình y khoa ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
Chính sự tiếp cận này bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác điều trị, cũng như chăm sóc người bệnh một cách chu đáo hơn.
Robot cô Tấm đang hướng dẫn người bệnh
Robot cô Tấm tiếp đón người bệnh
Thời gian gần đây, nhiều người dân khi đến khám bệnh tại Bệnh viện (BV) Quân dân y miền Đông (quận 9, TPHCM) khá bất ngờ khi trong sảnh tiếp đón của BV xuất hiện một robot biết nói tiếng người. Chỉ cần đứng đối diện robot mang tên cô Tấm và hỏi phòng khám bệnh ở đâu, “Tấm” sẽ cất tiếng, chỉ đường đến nơi cần đến. Bà Huỳnh Thị Siềm (58 tuổi, quê Tiền Giang) nhận được sự chỉ dẫn tận tình của robot Tấm, nói với vẻ hài lòng: “Tôi mới hỏi thăm nhà vệ sinh ở đâu, “cổ” đã trả lời rành rọt: Quý khách vui lòng đi theo hành lang bên phải quầy tiếp tân, qua cửa kính bên trái là khu nhà vệ sinh. Lần đầu tôi thấy một robot hay như vậy”.
Mang hình dáng giống một nữ y tá với chiếc khăn rằn Nam bộ quấn quanh eo, robot cô Tấm tạo sự thích thú cho người bệnh khi có khả năng di chuyển tự động, nhận dạng khuôn mặt, ghi nhớ tên người bệnh, hướng dẫn đường đi cho bệnh nhân. Không chỉ vậy, robot cô Tấm còn có thể trò chuyện với người bệnh về các vấn đề y khoa, chế độ dinh dưỡng, cách phòng tránh bệnh tật.
Đại tá – bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Hoàng Việt, Giám đốc BV Quân dân y miền Đông, cho biết robot cô Tấm là sản phẩm ứng dụng công nghệ thông minh được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ vạn vật kết nối (IoT) với khả năng nhận dạng người, vật cản, xử lý và phân tích ngôn ngữ giao tiếp. Trên thân robot được thiết kế bảng điện tử, có thể giúp người bệnh tra cứu danh mục viện phí và cho phép đặt lịch hẹn khám bệnh theo các chuyên khoa. “Điểm đặc biệt của robot cô Tấm chính là mang lại niềm vui, giúp giảm lo lắng cho người bệnh trong khi chờ đến lượt khám. Ngoài ra, khi phát hiện hành động thiếu ý thức của người qua lại như hút thuốc, xả rác… robot cô Tấm sẽ phát ra lời nhắc nhở”, bác sĩ Việt chia sẻ.
Cách robot cô Tấm không xa là 4 ki ốt đăng ký khám bệnh thông minh giúp người dân thực hiện các thao tác đăng ký khám bệnh nhanh, gọn mà không cần sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Chỉ cần đưa thẻ bảo hiểm y tế hoặc thẻ từ của BV cấp quẹt vào mắt hồng ngoại nhận diện thì toàn bộ thông tin của bệnh nhân được ghi nhận. Sau khi người bệnh chọn nội dung khám bệnh, màn hình sẽ hiển thị phòng khám, số thứ tự… Dù không cần người vận hành nhưng các kiốt vẫn có thể kiểm tra tính hợp lệ của thẻ bảo hiểm y tế, chụp hình ảnh của người dùng bằng camera trước, kết hợp chặt chẽ với phần mềm quản lý tổng thể của BV, đồng thời giúp người bệnh góp ý, chấm điểm hài lòng về chất lượng dịch vụ.
“Vườn ươm sáng tạo” của những người lính
Đó là 2 trong 16 sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin vào cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại BV Quân dân y miền Đông được triển khai từ năm 2016 đến nay.
Video đang HOT
Chia sẻ về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác khám chữa bệnh, Đại tá – bác sĩ chuyên khoa 1 Trịnh Ngọc Chí, Phó Giám đốc BV Quân dân y miền Đông, cho biết nếu trước đây phải mất 1 phút bệnh nhân mới thực hiện xong khâu lấy số thứ tự và đi đến phòng bác sĩ, thì nay trong vòng 1 phút mỗi kiốt có thể giúp 6 bệnh nhân đăng ký xong các thủ tục để được khám.
Không chỉ dành nhiều tâm huyết cho công tác chuyên môn y khoa, Ban giám đốc BV Quân dân y miền Đông còn thành lập trung tâm công nghệ thông tin, đặt tên là “Vườn ươm sáng tạo”. Qua đó, nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ phục vụ bệnh nhân đã ra đời. “Trước đây, hình ảnh người lính quân y trong mắt người dân là nhiệt tình, trách nhiệm, y đức. Nay, trong hành trình hướng đến y tế thông minh, người bác sĩ quân y còn phải tiếp cận được công nghệ mới để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Những nghiên cứu, ứng dụng của chúng tôi đều mong muốn mang đến sự thuận tiện tốt nhất cho người bệnh”, Đại tá Trịnh Ngọc Chí thông tin.
Tham quan “Vườn ươm sáng tạo” của BV Quân dân y miền Đông, công trình vừa nhận giải triển vọng của Giải thưởng Y tế thông minh (do UBND TPHCM kết hợp Sở Y tế tổ chức), ngoài robot cô Tấm và kiốt đăng ký khám bệnh tự động, chúng tôi còn thấy nhiều sản phẩm vô cùng thú vị đã được các bác sĩ, kỹ sư tại BV nghiên cứu và đưa vào ứng dụng. Đó là: hệ thống kiểm soát ra vào phòng bệnh, cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật (với giá thành thấp hơn nhiều so với giá sản phẩm nhập từ nước ngoài), tủ lưu trữ hồ sơ thông minh, hệ thống gọi số thứ tự cầm tay không dây. Đặc biệt, sản phẩm robot lau sàn nhà vệ sinh có thể liên kết với hệ thống quan trắc nhà vệ sinh để tự động lau dọn định kỳ, hoặc khi nhà vệ sinh có mùi vượt ngưỡng.
Bằng tấm lòng của những người lính luôn nghĩ đến sức khỏe quân dân, Đại tá Trịnh Ngọc Chí chia sẻ, mục tiêu của BV đang hướng đến là cải tiến toàn bộ quy trình khám chữa bệnh trên nền tảng BV thông minh, hướng đến mục tiêu phục vụ một lượng lớn người bệnh trong thời gian nhanh nhất.
Cầm lấy cánh tay robot đang dần hoàn thiện, Đại tá Trịnh Ngọc Chí chia sẻ: “Chúng tôi dự định sẽ tặng cánh tay này cho cô giáo Trần Thị Bá Tiền đang dạy học tại “ốc đảo” Hà Đông (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai). Cô Tiền bị tai nạn mất cánh tay trong lần vượt 150km đường rừng để mang chữ đến cho học trò nghèo. Với cánh tay được thiết kế sáng tạo, thông minh, người sử dụng có thể điều khiển các hoạt động bằng chính suy nghĩ của mình”.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
20 công trình 'Y tế thông minh' năm 2019 vào vòng ba
Sáng 8-12, Sở Y tế TP.HCM cho biết từ 37 công trình được chọn vào vòng hai giải thưởng 'Y tế thông minh' năm 2019, hội đồng bình chọn đã chấm 20 công trình có số điểm cao nhất để tiếp tục vào vòng ba.
Sở Y tế TP.HCM còn cho biết lễ công bố kết quả bình chọn giải thưởng "Y tế thông minh" năm 2019 sẽ được tổ chức vào ngày 14-12 tới đây.
Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, các công trình vào vòng ba thể hiện tính sáng tạo, tính vượt khó, dám nghĩ dám làm, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và ít nhiều mang tính công nghệ cao.
"Có công trình đã hoàn thiện và đưa vào áp dụng. Cũng có công trình trong giai đoạn thí điểm. Tuy nhiên, tất cả công trình đã tăng thêm giá trị các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân mà các bệnh viện đang hướng tới" - ông Thượng cho biết.
Hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh trong bệnh viện "Code grey" được vào vòng ba.
Được biết kết quả xếp hạng chung cuộc (hạng 1, hạng 2, hạng 3) dựa vào tổng số điểm của vòng hai (sáu tiêu chí) và vòng ba (một tiêu chí). Bên cạnh đó, căn cứ số lượt bình chọn của vòng ba, ban tổ chức chọn một công trình để trao giải thưởng triển vọng.
20 công trình vào vòng ba (theo thứ tự ABC) bao gồm:
1. Các sản phẩm công nghệ phục vụ người bệnh từ "vườn ươm sáng tạo" của bệnh viện.
2. Đăng ký khám bệnh trực tuyến và các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
3. Giải pháp điều hành thông minh mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện.
4. Giải pháp thay thế CPU truyền thống bằng Raspberry Pi giúp tiết kiệm kinh phí và bảo vệ môi trường.
5. Hệ thống cảnh báo nguy cơ dinh dưỡng để can thiệp sớm.
6. Hệ thống nhắc kê đơn cho bác sĩ nhi khoa.
7. Hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện: "Code grey".
8. Mô hình "bệnh viện số".
9. Phần mềm để người bệnh cùng kiểm tra thông tin trước mổ.
10. Phần mềm giám sát tuân thủ an toàn người bệnh trong phẫu thuật.
11. Phần mềm quản lý báo cáo về sự cố: IRS.
12. Phần mềm quản lý sử dụng kháng sinh hạn chế.
13. Thân thiện hóa giọng đọc của máy khi gọi tên người bệnh.
14. Ứng dụng các thuật toán tiên tiến giúp xạ trị trúng đích.
15. Ứng dụng camera thông minh giám sát rửa tay.
16. Ứng dụng công nghệ làm tăng thêm giá trị của hệ thống xét nghiệm.
17. Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật nội soi: robot Da Vinci.
18. Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật ngoại thần kinh: robot Modus V Synaptive.
19. Ứng dụng IoT để quản lý và điều phối máy giúp thở giữa các khoa trong toàn bệnh viện.
20. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiếp cận y học cá thể trong điều trị ung thư.
Theo PLo
VNPT HIS - bước đột phá trong y tế số Việc ứng dụng phần mềm VNPT HIS đã tăng thời gian phục vụ bệnh nhân ở các khâu tiếp nhận, nhập viện, thanh toán... lên 25% so với trước. Phục vụ hàng ngàn cơ sở y tế trên khắp cả nước, góp phần tích cực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo xu hướng số hóa, VNPT HIS, giải đồng Stevie Awards...