Người lính nổ quả bộc phá đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên
Đúng 17h ngày 13/3/1954, nhận được lệnh, anh lính Hoàng Minh Châu ngày ấy đã nhanh chóng lao lên quãng đường 30m tiếp cận hàng rào đặt ống bộc phá giật nụ xòe, mặc cho mưa bom, bão đạn của quân thù ào ào tấn công…
Những người lính Điện Biên ngày ấy bây giờ đều đã ngoài 80 tuổi. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trôi qua 6 thập kỷ nhưng mỗi lần nhắc lại quá khứ hào hùng ấy, các cựu chiến minh lại thấy tươi mới như vừa mới hôm qua.
Cụ Hoàng Minh Châu (xã Hoằng Lương, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nay tuổi đã cao, mang nhiều căn bệnh do di chứng từ chiến tranh để lại, sức khỏe yếu, đôi tai đã không còn nghe rõ, đôi mắt cũng mờ, trí nhớ cũng bị đứt quãng, nhưng vẫn bừng tỉnh khi nhắc lại ký ức về Điện Biên. Cụ bảo: “Thời gian có thể khiến tôi quên đi điều gì đó chứ riêng những kỷ niệm về Điện Biên thì quên làm sao được”. Rồi cụ lật đật mở chiếc hòm cũ kỹ, bên trong với những tấm hình chân dung những người đồng đội. Cụ đưa tay chỉ rồi đọc tên từng người một. Một đôi lần cụ lặng đi, trầm ngâm trước hình ảnh người lính đã hy sinh. Với cụ, đó là báu vật của cuộc đời.
Cụ Châu ngậm ngùi khi nhắc về đồng đội của mình người còn người đã hy sinh
Cụ còn nhớ ngày xin được đi đánh giặc, cụ phải năn nỉ cán bộ mãi mới được đi. Lúc đó, cụ bảo nhà neo người, mẹ lại mất sớm, bản thân cụ không đầy 40 kg nên cán bộ không cho đi nhưng cụ nói với cán bộ “thằng Tây nó đánh nhân dân mình, thanh niên chúng tôi có sức khỏe thì phải đi mà trả thù cho dân chứ”. Được đi đánh giặc cụ mừng lắm, cụ bảo ngày đó gầy vì đói ăn nhưng được cái khỏe và nhanh lắm.
Vào bộ đội, được biên chế về Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 142, Đại đoàn 312 (sau đổi thành Sư đoàn 312), bắt đầu tham gia nhiều trận đánh ở vùng Tây Bắc. Cụ Châu được tham gia liên tiếp các trận đánh. Trận đầu tiên là chiến dịch Hòa Bình sau đến chiến dịch Tây Bắc cho đến tháng 2/1954, cụ Châu được tăng cường về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và giữ chức vụ tiểu đội trưởng.
Trước khi trận đánh diễn ra, cụ cùng đồng đội của mình ngày đêm đào hầm pháo, giao thông hào. Trên trời, địch ngày đêm thả bom bắn phá. Gian khổ là vậy những mỗi bữa ăn, mỗi người lính cũng chỉ được một bát cơm nếp chấm với muối tiêu. “Ngày đó ăn đói, mặc rét nhưng hình như sống trong cái khổ người ta quen đi hay sao mà anh em vẫn lạc quan, động viên nhau và tin vào ngày chiến thắng” – cụ Châu tâm sự.
Người lính Hoàng Minh Châu hồi còn trẻ
Thực hiện lệnh chiến đấu của trên, đại đoàn cùng một số đơn vị bộ đội chủ lực nhận nhiệm vụ trong đợt tiến công thứ nhất là tiêu diệt cả 3 trung tâm đề kháng Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo, phá vỡ thế trận phòng ngự từ Tây Bắc sang Đông Bắc tập đoàn cứ điểm, đánh chiếm các vị trí vành ngoài, tạo điều kiện để ta thắt chặt vòng vây và tiến công vào khu trung tâm.
Video đang HOT
“Vào một ngày giữa tháng 2/1954, đồng chí Trần Độ, Chính ủy sư đoàn trực tiếp xuống đơn vị tôi giao nhiệm vụ đánh chiếm đồn Him Lam, mở màn chiến dịch. Khi đó, đơn vị tôi được chọn làm nhiệm vụ quan trọng là đánh những quả bộc phá đầu tiên mở hàng rào đột phá khẩu. Đồng chí Trần Độ có nói về tầm quan trọng của người đánh quả bộc phá đầu tiên rằng “trận chiến thắng hay bại là do những ốc bộc phá đầu tiên của các đồng chí quyết định”.
Nhận biết được tầm quan trọng của nhiệm vụ, tôi cùng cán bộ trong tiểu đội trực tiếp đi trinh sát địa hình, nghiên cứu hướng. Cuối cùng tôi nhận mình sẽ chịu trách nhiệm sẽ đánh bộc phá đầu tiên”.
Nhấp chén trà cụ kể tiếp “6 thập kỷ rồi, nhanh thật nhưng cái cảm giác nhận nhiệm vụ cao cả ấy giờ tôi vẫn còn thấy nhớ như in. Vừa lo lắng, hồi hộp, tất cả cảm xúc lẫn lộn khiến tôi không chợp mắt được, đêm nằm vẫn tự nhủ mình phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, mình phải làm được. Dù có chết cũng phải quyết tâm làm cho được…”.
Đúng 17h ngày 13/3/1954, nhận được lệnh, anh lính Hoàng Minh Châu ngày ấy đã nhanh chóng lao lên quãng đường 30m tiếp cận hàng rào đặt ống bộc phá giật nụ xòe mặc cho mưa bom, bão đạn của quân thù ào ào tấn công.
Người lính già năm xưa sống vui vẻ bên vợ và con cháu
Quả bộc phá đầu tiên nổ giòn giã, một đồng đội của cụ Châu tiếp tục lao lên nhưng chưa đến nơi thì bị dính đạn của địch, không chần chừ, cụ Châu nhanh chóng giật ống bộc phá từ tay đồng đội tiếp tục lao lên ném quả bộc phá thứ 2. Một tiếng nổ đanh thép đã phá tung hàng rào của địch chừng 5m. Quay lại nơi đồng đội của mình bị thương, cụ vừa dìu đồng đội vừa băng tạm vết thương cho họ thì bị một mảnh đạn của địch găm vào hông. Vết thương khá nặng khiến cụ phải nghỉ mất một thời gian.
Chỉ vào nơi mảnh đạn găm vào cụ bảo, nó găm vào tận xương nên sau này về cứ trái gió trở trời là đau không đi được. “Tiếc là tôi bị thương nên nghỉ mất mấy trận đánh sau đó, nhưng vẫn mừng vì mình đã hoàn thành được nhiệm vụ ném thành công những quả bộc phá đầu tiên mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi biết tin trận đó ta thắng lớn, đồn Him Lam cùng với đồn Độc Lập đã do ta kiểm soát, tôi mừng quá nhảy cẫng lên hô to: hoan hô Bác Hồ, hoan hô Tướng Giáp, quên cả cả đau đớn” – ánh mắt cụ Châu sáng rực lên niềm tự hào.
Sau lần bị thương đó, cụ nghỉ cho đến trận đánh cuối cùng. “Vết thương chưa hoàn toàn được lành nhưng vì nằm một chỗ sốt ruột nên tôi xin được tham gia. Sáng ngày 7/5, anh em trong đơn vị đã chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công. Thế nhưng không ngờ đến khoảng 4h chiều cùng ngày thì chúng kéo cờ trắng ra đầu hàng. Nhân dân ta vui sướng quá reo hò vang vọng cả núi rừng Điện Biên.
Sau trận đánh ở Điện Biên Phủ, cụ được tặng Huân chương chiến sĩ hạng nhất và được bầu làm chiến sĩ thi đua của sư đoàn. Những năm sau này theo yêu cầu của cách mạng miền Nam, cụ lại được điều vào quân khu 8… Gần 30 năm cống hiến cho cách mạng, lặn lội trên khắp các chiến trường từ Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên đến quân khu 4, giới tuyến, quân khu 8, sang cả nước bạn Lào, Campuchia, cụ trở về quê với cấp bậc Đại úy.
Do ảnh hưởng của chiến tranh khiến tuổi già cụ càng mang nhiều căn bệnh thế nhưng cụ vẫn luôn tự hào và hạnh phúc vì được cống hiến sức mình cho Đảng, cho cách mạng.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Chiến sỹ Điện Biên nhớ bàn tay ấm áp của Đại tướng
"Đại tướng đưa tay về hướng tôi, tôi vội vàng đưa tay ra để nắm lấy bàn tay Đại tướng. Bàn tay Đại tướng mềm mại, ấm áp đến lạ thường. Tôi không nghĩ đây là bàn tay của một Đại tướng mà phải là bàn tay của một nhà giáo, một nghệ sĩ".
Đó là cảm xúc không thể nào quên của một cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng đối với cựu binh Đồng Minh Tuấn (78 tuổi, ở thành phố Thanh Hóa) vẫn còn nhớ như in và mỗi khi kể về kỷ niệm được bắt tay Đại tướng, cảm xúc trong ông lại dạt dào, bồi hồi, từng cử chỉ ngày mình may mắn được bắt tay Đại tướng.
Cựu binh Đồng Minh Tuấn xúc động khi nhớ lại kỉ niệm một lần được bắt tay Đại tướng.
Trong căn nhà nằm sâu nơi con hem nhỏ của thành phố Thanh Hóa, những ngày này trong lòng ông Tuấn chưa khi nào nguôi những kỷ niệm nhưng lần được gặp Đại tướng.
Sinh ra và lớn lên ở xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Tuấn đã "gác bút nghiên" lên đường nhập ngũ bảo vệ tổ quốc. Đúng một năm, sau ngày nhập ngũ, ông được lên Tây Bắc để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó ông vừa tròn 18 tuổi. Đơn vị của ông là Sư đoàn 312, Trung đoàn 209. Mãi sau này, người cựu binh này mới biết rõ hơn về đơn vị của mình qua lời khen của Đại tướng: "Đây là đơn vị rất anh hùng, tham gia mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng kết thúc chiến dịch bằng chiến công bắt sống tướng Đờ - Cát".
Ông Tuấn cho biết: "Khi còn trong quân ngũ thì nhiều lần tôi đã được gặp và nhìn thấy Đại tướng, nhưng đó chỉ là những lần nhìn từ xa, đó cũng là những lần tôi làm nhiệm vụ của người lính tham gia duyệt binh trong ngày chiến thắng Điện Biên Phủ rồi ngày giải phóng Thủ đô. Sự hiện diện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong các dịp đó tôi chỉ được nhìn thoáng qua".
Là một người lính dưới sự chỉ huy của Đại tướng, lúc này chiến sĩ Đồng Minh Tuấn luôn tâm niệm rằng: Đại tướng là một người cao siêu, uy phong, mãnh liệt và lớn lao lắm. Nhưng sau này, kể từ khi được gặp trực diện và may mắn được bắt tay Đại tướng, hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông từng suy nghĩ lâu nay không hoàn toàn như vậy.
Ông Tuấn cho biết: "Sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Năm 1961, tôi xin đơn vị được đi học tiếp để theo đuổi ước mơ Đại học của mình và được đơn vị đồng ý. Tôi đi học bổ túc Công Nông, rồi Đại học Ngoại thương. Những năm tháng này dù không còn trong quân ngũ nhưng những kỉ niệm của một thời bom đạn, khói lửa vẫn in hằn trong tôi. Kí ức về một Điện Biên Phủ không xa và đầy hào hùng cứ vẫn như ngày nào".
Khi chuyển ngành, ông Tuấn về làm cán bộ ngành kinh doanh rồi ngành ngoại thương. Cho đến một ngày cuối năm 1978, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc này đang là Phó Thủ tướng Chính phủ về Thanh Hóa tham gia hội thảo với 3 chương trình: "Đẩy mạnh sản xuất lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và xuất khẩu". Trong cuộc hội thảo này, ông Tuấn cũng được mời góp một tham luận với chủ để: "Đẩy mạnh sản xuất - xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, giải quyết vấn đề mặc cho 1,5 triệu dân Thanh Hóa".
Ông Tuấn nhớ lại: "Cả buổi thảo luận Đại tướng không hề ngồi mà cứ đứng rồi đi đi lại lại quanh hội trường. Khi nghe tham luận của ai đó phát biểu xong, Đại tướng lại hỏi người đó một vài câu. Đại tướng là người rất thẳng thắn. Tôi còn nhớ khi ông Nguyễn Hữu Phùng - Giám đốc công ty gia cầm Thanh Hóa lên đọc tham luận, trước khi phát biểu tham luận mở đầu bằng nhiều từ "kính thưa", sau mỗi câu lại tiếp tục "kính thưa". Lúc này, Đại tướng đến đứng sau vỗ vai và nói: Đồng chí nói thẳng vào vấn đề đi, đừng kính thưa nhiều!".
Sau câu nói của Đại tướng, cả hội trường vỗ tay. Điều đó cũng làm cho ông Tuấn cứ ấn tượng mãi về những câu nói của Đại tướng, khi tới lượt mình đọc tham luận, ông cũng bỏ từ "kính thưa" luôn mà đi thẳng vào vấn đề. "Cũng chính từ lần này mà mãi về sau khi mỗi lần phát biểu trong các cuộc họp, hội nghị tôi không dùng từ kính thưa nhiều nữa mà đi thẳng vào vấn đề như Đại tướng đã nói", ông Tuấn chia sẻ.
"Khi tôi vừa đọc xong đề án thì Đại tướng cũng tới đứng sau rồi vỗ nhẹ vai tôi. Lúc này tôi run lên lật bật, không nói nên lời. Đại tướng cất tiếng lên, giọng ông nhỏ nhẹ: đề án tốt lắm. Sau đó ông quay sang nói với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa: Quan tâm tới đề án này, khi đó tôi mới hết run và lấy lại được bình tĩnh", ông Tuấn kể tiếp.
Cũng hôm đó, sau một số tham luận thì hội thảo giải lao, ông Tuấn được gặp gỡ và bắt tay Đại tướng. Kỷ niệm đó ông Tuấn còn nhớ như in. Đưa tay gạt đi những giọt nước mắt đang rơi, ông Tuấn kể tiếp: "Đại tướng đi dạo cùng một số lãnh đạo tỉnh xung quanh Trung tâm hội nghị 25B. Lúc này tôi cũng đang đi dạo, khi ngẩng đầu lên thì thấy Đại tướng đang đi trước mặt mình. Tôi đứng nghiêm theo khẩu lệnh quân đội, tay giơ lên chào rồi nói: Kính chào Đại tướng! Tôi là sĩ quan từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ dưới quyền chỉ huy của Đại tướng! Tôi vừa dứt lời thì Đại tướng đưa tay về hướng tôi, tôi vội vàng đưa tay mình ra để nắm lấy bàn tay Đại tướng. Bàn tay Đại tướng mềm mại và ấm áp đến lạ thường. Tôi không nghĩ đây là bàn tay của một vị Đại tướng mà phải là bàn tay của một nhà giáo hay một nghệ sĩ".
"Vừa bắt tay, Đại tướng vừa hỏi tôi: Cậu ở đơn vị vào? Cậu làm gì? Tôi trả lời: Thưa Đại tướng, tôi ở Trung đoàn 209, Sư Đoàn 312, hiện nay đang làm ngoại thương ạ! Khi tôi vừa trả lời xong thì Đại tướng nói: 209 à!, đơn vị anh hùng lắm đấy! Tham gia mở đầu chiến dịch và cũng kết thúc chiến dịch bằng chiến công bắt sống tướng Đờ - Cát. Cậu làm ngoại thương à, phải cố gắng lên nhé, người được học hành như cậu ít lắm. Phải cố gắng chung tay xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Sau câu nói đó Đại tướng hỏi thăm về gia đình tôi, Đại tướng hỏi bà xã làm gì, ở đâu, gia đình được mấy cháu...", ông Tuấn kể.
Với ông Tuấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi là Đại tướng của nhân dân, sống mãi trong lòng các chiến sĩ và người dân.
Có lẽ, đối với một người lính, khi trở về làm một công dân, trong đời ông Tuấn chưa bao giờ nghĩ là mình được gặp rồi nói chuyện với Đại tướng, câu chuyện giữa một Đại tướng với một người lính lại thân mật đến như vậy. Với ông, Đại tướng là một con người đã lên tới tột đỉnh vinh quang nhưng vẫn không hề quên một người linh cũ như ông. Đại tướng không những bắt tay, thăm hỏi mà còn động viên tinh thần trong công việc cũng như trong cuộc sống gia đình.
Được đối diện với Đại tướng, ông Tuấn lần đầu tiên trong đời và cũng là lần cuối cùng được nhìn tận mắt con người Đại tướng: Đôi mắt Đại tướng sáng bừng, mặt hiền hòa, da mặt hồng hào. Mỗi khi Đại tướng nói chuyện với ai là nhìn thẳng mặt, khi Đại tướng cất tiếng nói thì nhẹ nhàng đậm chất quê miền Trung, giọng điệu, cử chi xưng hô thân mật...
Kể từ hôm nghe tin Đại tướng mất, lòng ông Tuấn lại càng trở nên xúc động hơn bao giờ hết. Ông Tuấn chia sẻ: "Dù không ra tiễn biệt Đại tướng lần cuối được nhưng lòng tôi vẫn muốn thắp một nén hương để tưởng niệm Đại tướng. Dẫu biết rằng cuộc đời ai cũng phải chết. Với Đại tướng là một người "rất Trí - rất Dũng - rất Nhân" thì không thê chết mà luôn sống mãi. Dù Đại tướng đã về với Bác Hồ nhưng không chỉ với tôi mà hàng triệu trái tim người Việt, Đại tướng vẫn sống trong lòng nhân dân, dân tộc và các thế hệ chiến sĩ quân đội Việt Nam. Không chỉ là Đại tướng của nhân dân, của dân tộc mà còn là của cả thế giới".
Bùi Thái Bá - Duy Tuyên
Theo Dantri
Hình ảnh không quên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp Đó là ngày 13/3/2004, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), tôi được cử đi chụp ảnh buổi gặp mặt của hơn 400 đại biểu là các Anh hùng, chiến sĩ Điện Biên năm xưa đến từ mọi miền đất nước về dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày quân đội ta nổ súng đánh đồi Him Lam, mở màn Chiến dịch...