Người lính Hà Nội hiến giác mạc sau khi qua đời vì ung thư
Thiếu tá Lê Văn Sáu 49 tuổi bị ung thư máu qua đời hôm 7/4 đã tặng giác mạc, mang lại ánh sáng cho hai người.
Chiều 7/4, bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương nhận được cuộc điện thoại từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, thông báo có một gia đình ở xã Đồng Phú, Chương Mỹ, Hà Nội, muốn hiến giác mạc người thân qua đời.
Bác sĩ Hoàng cùng các đồng nghiệp lập tức đến nhà. Người hiến giác mạc là Thiếu tá Lê Văn Sáu, công tác tại Kho K5, Cục Kỹ thuật quân khu 2, đóng quân ở Phú Thọ.
Vợ anh Sáu hoàn tất các thủ tục trước khi bác sĩ lấy giác mạc của chồng. Ảnh: Nguyễn Hoàng.
Sau khi thắp nén hương cho người vừa khuất, các bác sĩ làm biên bản, trao đổi với gia đình về ý nghĩa ghép tạng, hiến giác mạc. Không khí trầm mặc, chị Nguyễn Thị Hải Yến 37 tuổi, vợ anh Sáu là giáo viên mầm non, nắm lấy tay chồng, nén đau thương, nói sẽ thực hiện tâm nguyện cao cả này của chồng để giúp anh trọn vẹn.
Bác sĩ lấy giác mạc của anh Sáu. Xung quanh anh có đầy đủ vợ con, anh em ruột thịt, đồng đội, không một tiếng động, chỉ còn tiếng dụng cụ y tế chạm vào nhau. Chị Yến ôm chặt hai con, bàn tay run run, không tiếng khóc, chị kìm nén cảm xúc vì sợ ảnh hưởng đến công việc của các bác sĩ.
30 phút lặng lẽ trôi qua. Khi bác sĩ Hoàng thả dụng cụ lấy giác mạc xuống cũng là lúc chị Yến và người thân khóc òa. Chị khóc vì thương anh, vì đã giúp anh thực hiện được tâm nguyện cuối cùng.
Thượng tá Hoàng Văn Giáp, Phó chủ nhiệm chính trị, Cục kỹ thuật quân khu 2, cho biết anh Sáu phát hiện mắc bệnh tăng tiểu cầu nguyên phát ác tính từ tháng 5/2016. Ai hay tin cũng sốc, song anh an nhiên, vui vẻ điều trị, hy vọng bệnh sẽ lui.
Bền bỉ điều trị suốt hơn 2 năm, sau mỗi đợt điều trị, anh Sáu quay lại đơn vị, vẫn hăng say làm việc. Do đặc thù công việc, mỗi chiến sĩ phải trực 2 ngày cuối tuần nên anh Sáu thường xin trực 2 tuần liên tiếp để có thời gian vượt quãng đường hơn 150 km về quê thăm vợ con.
Video đang HOT
Giác mạc của anh Sáu được các bác sĩ lấy bảo quản ở ngân hàng mắt để chuẩn bị ghép cho hai người. Ảnh: T.L.
Đầu tháng 2, bệnh nặng anh phải nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau 2 tháng điều trị tích cực, bệnh viện thông báo tình hình bệnh tật không thể cứu chữa, anh Sáu được đưa về nhà và qua đời ngày 7/4.
Khi còn sống, anh Sáu làm đơn tình nguyện được hiến nội tạng của mình cho Trung tâm Hiến tạng Quốc gia để giúp đỡ những trường hợp không may mắn.
“Anh Sáu là người đầu tiên trong đơn vị hiến mô tạng, nghĩa cử cao đẹp này sẽ nhân rộng trong toàn quân khu”, Thượng tá Giáp nói.
Bác sĩ Hoàng cho biết giác mạc của anh Sáu được lấy ra rất tốt, hiện được lưu trữ. Bệnh viện đang tiến hành tìm bệnh nhân phù hợp, dự tính sẽ tiến hành ghép trong tuần này.
Lê Nga
Theo VNE
Hãy nhắm mắt và mở lòng
Tính đến nay đã có hơn 35.000 người đăng ký hiến giác mạc, nhưng trong 10 năm qua, thực tế bệnh viện Mắt trung ương chỉ mới nhận được 494 người hiến tặng và tiến hành cấy ghép cho người bệnh.
Đăng ký nhiều, hiến ít
Ngày 30/11, Hội đồng bảo trợ Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã chính thức giới thiệu Dự án Chăm sóc mắt và hỗ trợ người khiếm thị mang tên Khát vọng sáng. Mục tiêu của dự án là hướng dẫn người dân cách chăm sóc và bảo vệ mắt; hỗ trợ, giúp đỡ người có bệnh lý về mắt và người khiếm thị; thúc đẩy tinh thần nhân ái, sẻ chia và quan trọng nhất tuyên truyền để mọi người hiểu hơn về tinh thần san sẻ, sẵn sàng hiến tặng giác mạc để thay đổi cuộc đời người khiếm thị.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt dự án, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt trung ương - cho biết: "Hiện nay, số lượng người cần hiến giác mạc rất nhiều. Tại Ngân hàng Mắt trung ương, số lượng người chờ hiến giác mạc khoảng 1.000 người trong khi đó mỗi năm chúng tôi chỉ có khoảng 200 giác mạc để cung cấp cho bệnh nhân".
Con số 200 giác mạc cung cấp cũng 1 là tín hiệu khả quan, cho thấy tỷ lệ hiến tặng ngày càng cao. Chứ thực tế, thống kê từ năm 2007 đến nay chỉ có chính xác là 494 người đã hiến tặng giác mạc. Trong khi đó, theo danh sách đăng ký thì tính đến nay đã có hơn 35.000 người đăng ký hiến giác mạc.
Mỗi năm, số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người, thế nhưng chỉ có 200 người hiến giác mạc
Giải thích tình hình này, ông Hoàng cho biết: "Nguyên nhân số lượng người hiến và giác mạc nhận được chênh lệch là do định kiến sâu trong tiềm thức của người Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung: chết phải toàn thây. Chúng ta không thể một sớm một chiều mà thay đổi được quan điểm đó; nhanh thì 10 năm, 20 năm; lâu thì cả thế kỷ...".
"Khi chúng tôi có phong trào đăng ký hiến giác mạc thì những người trẻ đăng ký rất nhiều. Tuy nhiên, giác mạc chỉ được lấy khi qua đời và được sự chấp thuận của gia đình. Đây là điều quan trọng nhất, vì người mất đồng ý nhưng gia đình không đồng ý thì chúng tôi không làm gì được cả!", ông Hoàng thở dài.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng bảo trợ Trung ương Hội Chữ thập đỏ, cũng đồng tình: "Số giác mạc thực tế lấy được rất ít ỏi. Số người thực sự hiểu và quan tâm đến việc hiến giác mạc còn quá ít, định kiến về việc mất đi không nguyên vẹn còn quá nặng nề!".
Hàng chục người bệnh đang rơi vào cảnh tuyệt vọng
Theo số liệu ban tổ chức dự án Khát vọng sáng cung cấp, Việt Nam hiện có trên 200.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc. Mỗi năm, số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người. Họ đều đang chờ đợi được ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Thế nhưng, sự chờ đợi của hàng chục ngàn người bệnh đang rơi vào cảnh tuyệt vọng vì số lượng người hiến tặng quá ít ỏi, định kiến của cộng đồng còn quá nặng nề.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, chị Nguyễn Trần Thùy Dương và chị Lê Dương Thể Hạnh chia sẻ tại lễ ra mắt dự án Khát vọng sáng
Chị Nguyễn Trần Thùy Dương là mẹ của bé Hải An (cô bé 7 tuổi đã đồng ý hiến giác mạc sau khi qua đời, giúp tìm lại ánh sáng cho 2 người khác) cũng chia sẻ mình phải đối mặt với rất nhiều lời chỉ trích vì quyết định này.
Chị tâm sự: "Sau khi bé Hải An mất, bênh cạnh những lời khen tặng thì tôi cũng nhận không ít lời chỉ trích về việc hiến giác mạc của con gái. "Quyết định của chị thật quá đáng với con bé", hay "Chị tắt ảnh đại diện của con bé đi, chị không xứng đáng", "Thành người nổi tiếng có vui không?"... là những lời nhắn khiến tôi tổn thương. Tôi biết, mỗi người đều có suy nghĩ khác nhau nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng "cho đi là còn mãi".
Theo chị Thùy Dương, điều quan trọng nhất là: "Tôi và gia đình hiến tặng giác mạc của con để mang lại ánh sáng cho những người khác. Hai người đã được ghép giác mạc của bé Hải An đều tiến triển tốt về khả năng nhìn. Tôi mong muốn mọi người có cái nhìn thoáng hơn về hiến giác mạc. 1 người cho đi, 2 người nhận lại; 2 người cho đi, 4 người nhận lại; và cứ thế yêu thương sẽ đến gần hơn với chúng ta!".
Tham dự lễ ra mắt dự án Khát vọng sáng còn có chị Lê Dương Thể Hạnh, 1 thiếu nữ thanh xuân đang có tương lai tươi đẹp, đang dự định làm đám cưới thì bị mù vì chứng bệnh quái ác.
Chị Thể Hạnh chia sẻ: "Điều nặng nề nhất đối với tôi là thị lực vĩnh viễn mất đi. Trước những biến cố ập đến với mình, quá kinh khủng, không thể hình dung được. Lúc đó, tôi trở nên khép kín, sống thu mình lại. Tôi không muốn tiếp xúc với ai và từng có ý nghĩ tự tử...".
Dù bây giờ đã vượt qua nhưng chị Hạnh vẫn còn rùng mình khi nhớ lại những ngày tuyệt vọng ấy. Chị tâm sự: "Tôi từng là người sống và làm việc trong ánh sáng, tôi cảm nhận được sự quan trọng của thị lực cần thiết như thế nào trong cuộc sống. Nên tôi tha thiết mong muốn lan tỏa thông điệp của chương trình đến mọi người: bạn ơi xin một lần nhắm mắt lại và cảm nhận bằng trái tim. Có lẽ lúc đấy bạn sẽ hiểu được phần nào tâm trạng của người khiếm thị phải trải qua!".
Ông Nguyễn Hữu Hoàng cho biết thêm: "Có một quan niệm sai lầm về hiến giác mạc mà nhiều người lầm tưởng đó là lấy đi cả con mắt, ảnh hưởng tới khuôn mặt. Thật sự, chúng tôi chỉ bóc tách giác mạc, một lớp màng mỏng trong suốt nằm trước lòng đen. Sau khi lấy đi, khuôn mặt người hiến không có gì thay đồi và việc tách giác mạc chỉ diễn ra trong 30 phút".
Do đó, ông Hoàng kêu gọi: "Cuộc sống ở dương thế của chúng ta không có gì là mãi mãi. Việc sinh tử là điều hiển nhiên. Trong khi đó, phần mô tạng của mình có thể tặng lại và hiện hữu trên cơ thể người khác. Đó là điều rất ý nghĩa và đáng tự hào!".
Tùng Nguyên
Theo Dân trí
Chiêu bài "hiến thận nhân đạo"! Nhờ tiến bộ của y học hiện đại, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống do ghép tim, gan hay thay thận...Bên cạnh niềm vui lớn lao của người bệnh, nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng, thì hiện tượng nhẫn tâm đang làm nhói đau dư luận, đó là việc mua bán thận đang âm thầm diễn ra! Ảnh minh họa....