Người lính già được Tổng thống Putin “giải vây” trong lễ duyệt binh
Người cựu binh được Tổng thống Vladimir Putin đến bắt tay và chào hỏi sau khi bị các cận vệ ngăn cản tiếp cận nhà lãnh đạo Nga là vị tướng từng tham gia nhiều trận chiến của lực lượng quân đội Nga.
Tổng thống Putin trò chuyện cùng Thiếu tướng Syrkashev khi rời Quảng trường Đỏ hôm 9/5 (Ảnh: RT)
Thiếu tướng về hưu Dmitry Syrkashev, 94 tuổi, là một trong số các cựu chiến binh Nga tham gia Chiến tranh Thế giới thứ hai và tới dự lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow hôm qua 9/5. Theo RT, một sự cố ngoài ý muốn đã xảy ra khi ông Syrkashev muốn tiếp cận Tổng thống Putin trong lúc nhà lãnh đạo Nga di chuyển từ nơi tổ chức duyệt binh tới khu vực Vườn Alexander để cử hành nghi lễ đặt vòng hoa tại Mộ các Liệt sĩ Vô danh.
Đoạn video ghi lại diễn biến vụ việc cho thấy các cận vệ của Tổng thống Putin đã tìm cách đẩy ông Syrkashev ra ngoài khi ông muốn tới gần nhà lãnh đạo Nga. Mục đích của việc làm này là nhằm mở đường cho ông Putin đi bộ tới Vườn Alexander. Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã nhanh chóng nhận ra vụ việc và có hành động can thiệp. Nhà lãnh đạo Nga đã bắt tay vị tướng 94 tuổi, mời ông đi cùng và trò chuyện trên suốt quãng đường tới Vườn Alexander.
Trong cuộc phỏng vấn với RT, Thiếu tướng Syrkashev nói rằng vụ việc vừa xảy ra không phải vấn đề lớn vì ngay sau khi Tổng thống Putin nhận ra ông, các cận vệ đã không làm phiền ông thêm một chút nào nữa. Theo Thiếu tướng Syrkashev, ông là một người quen của Tổng thống Putin và cả hai từng trò chuyện với nhau trong các sự kiện mừng Ngày Chiến thắng trước đây.
“Ông Putin đã hỏi thăm sức khỏe của tôi”, ông Syrkashev kể về cuộc trò chuyện với nhà lãnh đạo Nga – người có cha cũng từng chiến đấu trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Sự nghiệp nhà binh
Tổng thống Putin đã tới bắt tay Thiếu tướng Syrkashev sau khi quan sát ông bị cận vệ ngăn cản (Ảnh: RT)
Theo chia sẻ của Thiếu tướng Syrkashev, ông được gọi nhập ngũ khi chưa đầy 17 tuổi. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện kéo dài 6 tháng, người lính trẻ Syrkashev được điều ra chiến trường.
Video đang HOT
Chiến dịch quân sự lớn đầu tiên ông Syrkashev tham gia là trận đánh Smolensk vào năm 1943. Đây là chiến dịch tấn công chiến lược do Hồng Quân Liên Xô tiến hành để giải phóng khu vực Smolensk và Bryansk ở phía tây Nga. Những người lính Liên Xô đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của quân đội Đức Quốc Xã. Tuy nhiên sau một vài trận đánh đột phá, một số thành phố lớn đã được giải phóng.
Ông Syrkashev khi đó là lính binh nhì và là một trong số những người tham gia giải phóng vùng Smolensk. Ông đã được trao huân chương Dũng cảm vì sự đóng góp cho chiến dịch. Sau đó, ông Syrkashev tiếp tục tham gia cuộc tấn công mùa hè năm 1944 tại Belarus trong chiến dịch mang tên Bagration. Vị tướng Nga mô tả đây là một trong những chiến dịch cam go nhất trong nghiệp nhà binh của ông.
“Đó là một trận chiến ác liệt. Tôi đã bị thương ở đó. Một viên đạn đã găm trúng thắt lưng của tôi và xuyên qua nó, gần xương sống. Tôi được đưa tới bệnh viện và quay trở lại tiền tuyến trong 3 tháng sau đó”, ông Syrkashev kể lại.
Ông Syrkashev cũng tham gia chiến dịch giải phóng thành phố Minsk và sau đó là các nước Baltic. Khi Chiến tranh thế giới thứ 2 chuẩn bị kết thúc, ông được thăng hàm lên Thiếu úy và tiếp tục tham gia chiến dịch của Liên Xô tại thành phố Konigsberg (sau được đổi tên thành Kaliningrad). Ông Syrkashev tiếp tục bị thương nhưng vẫn còn khả năng chiến đấu.
Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh ở châu Âu, đơn vị của ông Syrkashev được điều tới vùng Viễn Đông và phải đối đầu với quân Nhật trong khoảng 1 tháng. Sau chiến tranh, ông Syrkashev vẫn phục vụ trong quân đội Liên Xô trước khi được thăng hàm lên Thiếu tướng.
Ngày 9/5, Nga đã tổ chức lễ duyệt binh hoành tráng kỷ niệm 73 năm Ngày Chiến thắng phát xít trong Cuộc Chiến tranh Vệ quốc. Khoảng 13.000 quân nhân cùng hàng trăm loại khí tài quân sự đã được điều động tham gia buổi lễ.
Thành Đạt
Theo Dantri
Bài toán chuyển giao quyền lực khó khăn của ông Putin sau 4 nhiệm kỳ
Từ khi lên nắm quyền vào năm 2000, Tổng thống Vladimir Putin đã nỗ lực hồi phục sức mạnh vĩ đại của Nga sau sự sụp đổ của Liên Xô. Hiện tại, nhà lãnh đạo Nga phải đối mặt với thách thức khó khăn nhất, đó là củng cố những thành tựu này ngay cả khi ông rời khỏi Điện Kremlin.
Tổng thống Putin bước vào nơi tổ chức lễ nhậm chức tại Điện Kremlin (Ảnh: Reuters)
Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin giành chiến thắng lần đầu tiên trong cuộc bầu cử cách đây 18 năm, nước Nga đã chứng kiến 3 kỷ nguyên Putin. Nói theo khẩu hiệu tranh cử của ứng cử viên Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, khẩu hiệu của Tổng thống Putin trong 3 nhiệm kỳ lãnh đạo của ông từ năm 2000 đến nay gồm: "Làm cho nước Nga ổn định trở lại" (nhiệm kỳ 2000-2003), "Làm cho nước Nga giàu có" (nhiệm kỳ 2004-2007) và "Làm cho nước Nga được tôn kính trở lại" (nhiệm kỳ 2012-2017).
Ở thời điểm hiện tại, khi đang ở nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 và có thể là nhiệm kỳ cuối cùng trong sự nghiệp chính trị, ông Putin phải cố gắng làm được một điều mà các bậc tiền nhiệm của ông, những nhà lãnh đạo có thời gian nắm quyền kéo dài tại Điện Kremlin, chưa làm được. Đó là đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra thành công.
Trong thời kỳ Liên Xô, các nhà lãnh đạo có thời gian tại nhiệm lâu như Josef Stalin (nắm quyền 28 năm) và Leonid Brezhnev (nắm quyền 18 năm), hai nhà lãnh đạo qua đời khi đang tại nhiệm, đều thất bại trong việc lập kế hoạch cho tương lai của đất nước.
Chuyển giao quyền lực
Tổng thống Putin bắt tay Thủ tướng Dmitry Medvedev tại lễ nhậm chức ở Điện Kremlin (Ảnh: Reuters)
Không giống Josef Stalin và Leonid Brezhnev, Tổng thống Putin dường như đã nhận thức sâu sắc trách nhiệm của ông trong việc chuyển giao quyền lực.
Hồi tháng 3, ông Putin từng nhận được câu hỏi từ một phóng viên rằng, liệu ông có ý định tái tranh cử sau năm 2024 không. "Tôi sẽ nắm giữ vị trí này đến khi tôi 100 tuổi ư? Không đâu!", ông Putin nói.
Tới thời điểm năm 2024, Tổng thống Putin sẽ 72 tuổi. Sau nhiệm kỳ 6 năm tới, ông Putin sẽ không thể tham gia cuộc đua vào Điện Kremlin năm 2024 do quy định giới hạn tối đa 2 nhiệm kỳ liên tiếp đối với một tổng thống. Do hiến pháp Nga không giới hạn số lần một cá nhân có thể ra tranh cử tổng thống nên ông Putin vẫn có cơ hội tham gia tranh cử năm 2030. Trong trường hợp ông không muốn quay trở lại Điện Kremlin nữa, nhiệm kỳ hiện tại là nhiệm kỳ cuối cùng của ông.
Những thay đổi nhân sự gần đây trong chính quyền Nga cho thấy Tổng thống Putin dường như đang "dọn đường" cho các quan chức trẻ để họ có thể thay ông nắm quyền trong tương lai. Con đường thăng tiến của Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Maxim Oreshkin, 35 tuổi, là một ví dụ điển hình.
Bộ trưởng Oreshkin và những người cùng thời có thế giới quan rất khác so với các thế hệ đi trước. Họ lớn lên cùng truyền hình Mỹ, được sử dụng Internet và đi lại nhiều nơi trên thế giới. Điều này trái ngược với các bậc cha anh của họ, những người thường chỉ giữ cách suy nghĩ theo kiểu Liên Xô và được giáo dục để thành công trong những cơ chế hiện không còn tồn tại.
Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là thế hệ trẻ Nga hiện nay bị "Tây hóa". Nhiều người Nga, trong đó có cả những người trẻ, sợ rằng đất nước của họ sẽ bị cuốn vào một trật tự do Mỹ dẫn đầu và họ thẳng thừng phủ nhận những giá trị tự do của Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, một điều có thể nhận thấy là phần lớn người Nga muốn những căng thẳng hiện nay giữa Nga và phương Tây hạ nhiệt để thúc đẩy nền kinh tế Nga phát triển. Sau giai đoạn bùng nổ về kinh tế chưa từng có tiền lệ trong hai nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Putin, vị thế tài chính của Nga đã chững lại và không cải thiện nhiều từ sau cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008. Sau năm 2014, mức sống của người dân Nga cũng giảm xuống.
Trong khi đó, chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Nga, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và việc ông Putin thành công trong việc đẩy lùi đà tiến của NATO về gần biên giới Nga từ sau thập niên 1990. Điều này dẫn tới tâm lý kỳ lạ trong cuộc bầu cử Nga vừa qua, khi nhiều người trẻ Nga bày tỏ sự thất vọng của họ với cách quản lý của chính quyền Putin đối với các vấn đề nội bộ, nhưng lại tự hào vì những chính sách đối ngoại của ông Putin.
Các bước cần làm
Tổng thống Putin đi cạnh Thống đốc vùng Tula Alexey Dyumin (Ảnh: Sputnik)
Bản thân Tổng thống Putin cũng nhận ra những thiếu sót và kêu gọi người Nga "cùng hướng về tương lai", bao gồm một nỗ lực chung để đưa nước Nga đi đúng hướng. Tổng thống Putin cũng thường đề cập tới sự cần thiết của Nga trong việc tạo ra bước đột phá mạnh mẽ về công nghệ nhằm vực dậy nền kinh tế. Một số chuyên gia tin rằng chính quyền Nga có thể đạt được mục tiêu này nếu đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong khi những ý kiến khác nhận định điều Điện Kremlin cần làm là giải quyết những vấn đề đơn giản trước mắt như xóa sổ vấn nạn tham nhũng, cải tổ ngành sản xuất chế tạo và tăng gấp đôi hoạt động phát triển nông nghiệp.
Để đạt được mục tiêu này, Tổng thống Putin cần lựa chọn những nhân sự phù hợp. Theo quy định của Hiến pháp, sau lễ nhậm chức của tổng thống, chính phủ cũ phải từ chức và chính phủ mới sẽ thành lập chỉ trong một đêm. Tổng thống Putin sau đó sẽ ban hành sắc lệnh để nêu rõ những ưu tiên về chính sách trong nhiệm kỳ mới.
Tổng thống Putin đã đề cử ông Dmitry Medvedev tiếp tục giữ vị trí thủ tướng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ông Medvedev sẽ ở lại đến hết nhiệm kỳ. Ông Putin có thể thay thế ông Medvedev bằng một quan chức mà ông đã "chọn mặt gửi vàng" để làm người kế nhiệm vào năm 2021 hoặc 2022. Một khả năng khác là Tổng thống Putin có thể giữ ông Medvedev ở lại hết nhiệm kỳ và sau đó hỗ trợ để ông Medvedev trở thành tổng thống Nga trong cuộc bầu cử năm 2024.
Một bài toán khó khác đặt ra cho Tổng thống Putin là hai vị trí quan trọng trong nội các là Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, 62 tuổi, và Ngoại trưởng Sergei Lavrov, 68 tuổi. Nếu ông Lavrov nghỉ hưu, cấp phó của ông là Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov, được cho là một lựa chọn sáng giá. Tuy nhiên cũng có nhận định rằng Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov sẽ nắm giữ vị trí này.
Trong khi đó, nếu ông Shoigu mãn nhiệm, Thống đốc vùng Tula Alexey Dyumin, 45 tuổi, có thể là người kế nhiệm. Ông Dyumin từng là người đứng đầu cơ quan phụ trách an ninh bảo vệ Tổng thống Putin, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và được xem là "cánh tay phải" của nhà lãnh đạo Nga. Là sĩ quan cấp tướng của Nga hoạt động trong lĩnh vực an ninh, tình báo, ông Dyumin có nhiều nét tương đồng với Tổng thống Putin thời trẻ và được dự đoán là gương mặt kế nhiệm sáng giá của nhà lãnh đạo Nga.
Thành Đạt
Theo Dantri
Giảm ngân sách quốc phòng, ông Putin muốn nâng mức sống của người Nga Tổng thống Vladimir Putin muốn cắt bớt ngân sách quốc phòng và tăng các khoản chi dành cho an sinh xã hội để nâng cao hơn nữa mức sống của người dân Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP) Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết kế hoạch chi tiêu ngân sách trị giá 10.000 tỷ rúp (khoảng 162 tỷ USD)...