“Người lính già đầu bạc kể mãi chuyện Điện Biên”
Ký ức những ngày tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ đã qua 61 năm nhưng ông Châu vẫn nhớ như in. Với ông, nó như một phần của cuộc đời mình. Sợ trí nhớ không còn tốt, ông tỉ mỉ ghi lại từng trang ký ức vào cuốn sổ để mai này con cháu ghi nhớ.
Về thôn Trinh Hà, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) hỏi thăm nhà ông Châu “Điện Biên” hay ông Châu “kiểm sát” ai cũng biết. Cái danh ông Đỗ Ngọc Châu (SN 1933) được nhiều người nhớ đến không chỉ bởi sự gẫn gũi, dễ mến, là người có đức liêm khiết… mà ông còn được nhiều người lưu nhớ về những câu chuyện ông kể trong thời gian tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 61 năm và thời gian còn làm kiểm sát viên phá án oan sai.
Cựu chiến binh Đỗ Ngọc Châu cùng những tấm Huân huy chương cao quý
Thấy khách đến nhà chơi, vợ chồng ông Châu ra tận ngõ đón. Dù đã ngoài 80 nhưng những bước chân của ông Châu vẫn còn rất nhanh nhẹn, giọng của ông mạch lạc, khỏe khoắn. Biết chúng tôi muốn được nghe kể về những ký ức ngày còn ở Điện Biên, ông Châu bảo: “Mỗi ngày tuổi càng cao thêm, trí nhớ giảm đi nhiều, giờ nhớ để kể thì không hết được. Tôi đã phải ghi vào một cuốn sổ nhỏ để mai này lỡ có quên đi còn có cái mà nói mà kể có con cháu nghe”.
Mở đầu câu chuyện về những ký ức ngày chiến đấu ở chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Châu mượn hai câu thơ của vua Trần Nhân Tông sau khi khi đánh tan giặc Nguyên Mông lần thứ 1 năm 1258: Bạch đầu quân sĩ tại/ Vang vảng thuyết nguyên phong (dịch thơ: Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện nguyên phong). Từ hai câu thơ trên, ông Châu họa lại: Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Điện Biên.
Ông Châu tâm sự: “Ký ức về Điện Biên Phủ thì nhiều lắm. Đơn vị tôi tham chiến từ đầu đến cuối mà. Thời điểm nào, nhiệm vụ nào ở chiến dịch Điện Biên Phủ cũng đều khó khăn, gian khổ cả. Gian nan nhất có lẽ đó là việc kéo pháo để phục vụ trận chiến. Không ai có thể tưởng tượng được quân đội ta lại làm được những việc phi thường đến thế!”.
Kỷ vật khi tham chiến Điện Biên Phủ mà ông Châu giữ lại được là chiếc thìa có khắc chữ “Chiến thắng Điện Biên 1954″
Ông Châu vốn là tràng trai khỏe mạnh trong làng. Sau hơn một năm lập gia đình với bà Hoàng Thị Thiểm, tháng 8 năm 1952 ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của tổ quốc. Sau khi tham gia chiến dịch Tây Bắc và Thượng Lào, đơn vị của ông là Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 được lệnh di chuyển lên Điện Biên Phủ tham gia chiến dịch. Nhiệm vụ của ông trong thời gian này là chiến sỹ phụ trách quân khí của đơn vị.
“Chuẩn bị tham chiến ở Điện Biên Phủ là cả một quá trình dài, gian nan của quân đội ta. Phía ta thì chuẩn bị người, vũ khí, trang thiết bị, lương thực… sẵn sàng cho trận đánh. Phía quân địch thì ra sức củng cố lực lượng tham chiến bảo vệ cứ điểm Điện Biên Phủ. Quân địch luôn tự hào Điện Biên Phủ là pháo đài “bất khả xâm phạm” khiến quân ta càng quyết tâm hơn để chiến đấu” – ông Châu kể.
Những ngày tháng kéo pháo vào trận địa của quân đội ta, ông Châu cho rằng đây là một kỳ tích phi thường mà không có ở nơi đâu, quân đội nào có thể làm được. Từ việc làm đường, kéo pháo leo đèo, dốc núi… tất cả là sự quyết tâm, đồng lòng lớn của cả quân và dân ta quyết đánh đuổi quân thù xâm lược.
“Mỗi ngày, cả đơn vị chỉ kéo pháo lên được chưa đầy 10m, đường đèo dốc tưởng chừng như “con voi sắt” nặng hàng tấn (pháo) trượt xuống lôi cả đơn vị xuống thung lũng. Không nao lòng, mọi người luôn có quyết tâm sắt đá, kiên cường dùng hết sức mình để kéo pháo. Phải kéo pháo nặng, dốc cao, vực thẳm, có những lúc quân địch phát hiện, chúng thả bom Napal, bắn đạn liên tiếp, nhiều đồng đội bị thương nhưng quyết không rời trận địa. Anh hùng liệt sỹ Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo là tấm gương sáng mà những người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như chúng tôi ghi nhớ mãi” – Ông Châu kể với giọng đầy tự hào.
Những kỷ vật không thể nào quên của người chiến sỹ đầu bạc
Những ngày tháng kéo pháo vượt đèo, để pháo vào trận địa kịp thời, mặc quân địch bắn phá, có những lúc các chiến sỹ của quân đội ta đã viết khẩu hiệu lên vách đá, dán lên mũ. Ai ai cũng “Quyết tâm kéo pháo, quyết tâm bảo vệ pháo, thà chết bảo vệ pháo, không lùi bước trước bom đạn kẻ thù, bảo vệ pháo đến cùng”. “Khi đã kéo pháo vào được hầm, sẵn sàng chiến đấu lại nhận được lệnh phải kéo pháo ra. Ai cũng cảm thấy buồn nhưng chúng tôi – những người lính Cụ Hồ đã truyền nhau ý trí sắc son tin vào Đảng, vào Bác” – ông Châu nói.
Khẩu hiệu mà các chiến sỹ tự động viên nhau lúc này mà ông Châu nhớ nhất đó là: “Đảng bảo đánh đâu là thắng đấy. Đảng nói là đúng chúng ta cứ chấp hành. Đảng không làm điều gì thiệt cho dân. Kiên quyết tấn công Điện Biên Phủ. Phải hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo”. Nhờ sự chiến đấu ngoan cường của các chiến sỹ kéo pháo, trong đó có đơn vị của ông Châu, chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành chiến thắng vẻ vang.
Video đang HOT
Ông Châu đọc từng trang ký ức về Điện Biên Phủ trong cuốn sổ do ông hồi ức ghi lại
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Điện Biên Phủ, ông Châu tiếp tục ở lại đơn vị cho đến tháng 1/1965 thì chuyển ngành về làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Những ngày tháng này, ông cùng người dân địa phương tiếp tục tham gia chiến đấu chống lại sự bắn phá của quân đội Mỹ.
Ông Châu bên người vợ – hậu phương vững chắc.
Dù ở cương vị nào, người lính cụ Hồ Đỗ Ngọc Châu cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thời gian ông làm bên ngành kiểm sát, sự trung thực, liêm khiết của ông được nhiều người yêu quý. Nhiều vụ án oan cũng đã được ông giải quyết đem lại sự công bằng cho người vô tội. Năm 1987, ông Châu về hưu, sống cuộc đời dân dã với vợ và 8 người con.
Thái Bá
Theo Dantri
Sức mạnh pháo binh Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Một trong những yếu tố then chốt làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 lẫy lừng phải kể tới sự góp công lớn từ bộ đội pháo binh.
Một trong những yếu tố then chốt làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 lẫy lừng phải kể tới sự góp công lớn từ bộ đội pháo binh.
Ta có bao nhiêu pháo ở Điện Biên Phủ 1954?
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, quân đội ta lần đầu lực lượng pháo lớn, hiện đại hơn so với các chiến dịch Tây Bắc 1947, Biên giới 1950.
Tham gia chiến dịch có Đại đoàn Công pháo 351 biên chế 5 trung đoàn, tiểu đoàn gồm:
- Trung đoàn pháo binh 45 biên chế 2 tiểu đoàn với 24 lựu pháo M101 105mm (tầm bắn khoảng 11km). Loại pháo này được Mỹ viện trợ cho quân Tưởng Giới Thạch trong nội chiến Trung Quốc. Sau này, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã thu giữ lại và viện trợ cho ta cùng hàng chục nghìn viên đạn.
Pháo M101 105mm được Trung đoàn 45 sử dụng chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Văn Biên
- Trung đoàn pháo binh 675 biên chế 2 tiểu đoàn với 20 khẩu sơn pháo 75mm kiểu 41 (tầm bắn 7km) do Nhật Bản sản xuất. Số pháo này có thể ta thu được từ tay quân Nhật năm 1945 hoặc được Trung Quốc viện trợ.
- Trung đoàn pháo binh 237 biên chế 3 tiểu đoàn với 54 súng cối M1937 82mm, 12 pháo phản lực phóng loạt H6 và số lượng nhỏ súng không giật ĐKZ 75mm. Trong đó, loại pháo phản lực H-6 do Trung Quốc sản xuất viện trợ cho ta được đưa vào sử dụng trong những ngày cuối chiến dịch.
- Tiểu đoàn 83 trang bị 20 súng cối M1938 120mm (đạt tầm bắn 6km) do Liên Xô sản xuất.
- Trung đoàn cao xạ 367 biên chế 2 tiểu đoàn trang bị 24 khẩu pháo cao xạ M1939 37mm do Liên Xô sản xuất.
Khẩu sơn pháo 75mm của Đại đội 755 (Trung đoàn pháo 675) tham gia chiến đấu từ ngày 24/3-7/5/1954 phá hủy 5 pháo 105mm, 1 kho đạn của quân Pháp. Ảnh: Văn Biên
Xét chung về số lượng pháo, ta và Pháp không thua kém nhau là bao, thậm chí ta còn có phần nhỉnh hơn. Quân Pháp tại Điện Biên Phủ trang bị 24 khẩu 105mm, 4 khẩu M114 155mm, 20 khẩu cối 120mm.
Nhưng quân Pháp còn trang bị các loại vũ khí hạng nặng khác như xe tăng, máy bay ném bom, vũ khí binh lính cũng đồng bộ và mạnh hơn ta về nhiều mặt. Chũng cũng liên tục được lực lượng không vận thả dù hàng (lương thực, vũ khí) trong suốt chiến dịch.
Nhìn chung, sức mạnh hỏa lực của quân Pháp vượt trội hơn ta về mọi mặt. Tuy nhiên, mạnh hơn, hiện đại hơn không có nghĩa là sẽ giành chiến thắng, người Việt Nam đã chứng minh điều đó. Kỳ tích kéo pháo vào, kéo pháo ra
Nơi diễn ra trận quyết chiến cuối cùng là khu vực địa hình hiểm trở, nhiều núi sâu, đèo cao. Việc đưa pháo vào trận địa là điều hết sức khó khăn đối với bộ đội ta, ngay cả việc dùng phương tiện cơ giới kéo pháo cũng không phải dễ. Nhưng với ý chí và tinh thần con dân đất Việt, chúng ta đã lập nên kỳ tích có "1-0-2" trong lịch sử chiến tranh thế giới.
Bằng sức người là chính, bộ đội ta đã kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn qua núi cao, đèo dốc hiểm trở vào trận địa. Đây thực sự là điều mà người Pháp "không bao giờ có thể tin nổi". Trước chiến dịch, họ luôn cho rằng quân đội ta không thể đưa pháo lớn cỡ 105mm vào mà chỉ có thể đưa vào loại sơn pháo 75mm.
"...Đại đội tôi được giao kéo một khẩu pháo 105mm (nặng 2,26 tấn) từ km 62 trên đường Tuần Giáo, qua dãy rừng Nà Nham, vượt điểm cao Pha Sông, đến khu vực Bản Tấu với tổng chiều dài gần 15km. Đơn vị được trang bị 3 sợi dây tời, mỗi sợi dài 50m to bằng cổ tay. Khi kéo, dây tời được buộc vào càng pháo.
Bộ đội ta kéo pháo chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chỉ huy phân chia đơn vị thành 3 tốp, mỗi tốp khoảng 30 người, thay nhau kéo pháo suốt ngày đêm. Lúc kéo, hai tay nắm chặt dây tời, chân dạng ra thật chắc, khi người chỉ huy hô "Hai, ba nào!" thì tất cả gồng sức lên mà kéo và hễ bánh pháo nhích được tí nào thì hai đồng chí pháo thủ liền nhích thanh gỗ chèn lên theo, không cho pháo tụt trở lại. Ở những đoạn dốc đứng, chúng tôi phải buộc tời trên đỉnh dốc, ra sức quay tời quấn vào những gốc cây to, những người ở bên dưới thì cố hết sức đẩy lên từng tí một.
Kéo pháo lên dốc đã khó, kéo xuống dốc lại càng khó hơn. Chúng tôi phải ghìm chặt đầu pháo và cho pháo lăn xuống từ từ. Khẩu pháo nặng hơn 2 tấn, chỉ cần sơ sẩy một chút, pháo sẽ kéo luôn cả người xuống vực. Trên đỉnh Pha Sông có chỗ dốc đến 70 độ, kéo pháo qua đây phải dùng đến 7 sợi dây tời để bộ đội đứng phía sau kéo lại và anh em thường gọi vui đó là "Dốc 7 tời"... Sau 7 ngày đêm, trung đoàn đã đưa được 4 khẩu pháo lớn lên các điểm cao khống chế", Báo Đà Nẵng dẫn lời kể Đại tá Đỗ Thanh Hùng - chiến sĩ Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Sau đó, Bộ tư lệnh Chiến dịch thay đổi phương tâm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Vì vậy, bộ đội ta một lần nữa buộc phải kéo pháo ra. Kéo vào đã khó, kéo ra khó gấp vạn lần do đường kéo phá đã bị lộ, địch bắn phá dữ dội. Tuy nhiên, bộ đội ta vẫn hoàn tất việc đưa pháo ra và bố trí lại trận địa sẵn sàng nổ súng. "Hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung"
Trong chiến dịch, nhằm đối phó với lực lượng trinh sát tối tân của quân Pháp, bộ đội pháo binh Việt Nam đã đào hầm vào lòng núi để làm công sự cho pháo khi chiến đấu.
Nóc hầm được ghép bằng các thân cây gỗ có đường kính từ 20cm trở lên rồi đổ đất đá lên trên, đảm bảo chống được sức công phá của bom, pháo địch. Bên ngoài trận địa được ngụy trang kỹ lưỡng, không để lộ một dấu vết. Do đó, khi các khẩu pháo đã yên vị trong công sự, nòng hướng vào cứ điểm của Pháp trong thung lũng mà các máy bay Pháp không hề hay biết.
Thông thường các khẩu pháo được đặt theo từng cụm gồm vài khẩu đặt một chỗ thành một trận địa. Nhưng ở Điện Biên Phủ, quân ta đã đặt các khẩu pháo 105mm rải rác khắp các ngọn núi xung quanh thung lũng. Việc đặt pháo phân tán và làm hầm cho pháo nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể có khi bị địch phản pháo.
Tuy pháo đặt phân tán nhưng pháo binh ta lại đo đạc các phần tử bắn rất cẩn thận cho từng khẩu để đảm bảo mỗi khi khai hỏa vào một mục tiêu, dù các khẩu pháo đặt ở vị trí khác nhau đều có thể bắn trúng mục tiêu đó. Lối đánh này được nêu thành phương châm "hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung".
Ngoài ra, bộ đội ta còn lập các trận địa pháo giả dùng gỗ thui đen làm giả pháo, ngếch nòng lên, khi trận địa thật phát hỏa thì bộ đội ta ném bộc phá tung lên không trung làm giả chớp lửa đầu nòng. Điều đó đánh lừa phương tiện trinh sát của quân Pháp, làm cho 80% đạn pháo của chúng tấn công nhầm vào trận địa giả.
"Ông vua" pháo binh Việt Nam 1954 đồng loạt khai hỏa dội bão lửa lên đầu quân Pháp ở Điện Biên Phủ.
Với những cách làm như thế, pháo binh Việt Nam đã đè bẹp được pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ với thiệt hại nhỏ nhất.
Sau khi chuẩn bị kỹ càng, 17h ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn với việc 40 khẩu pháo 75mm và súng cối 120mm đồng loạt bắn cấp tập vào cứ điểm Him Lam. Trong trận pháo kích này ta đã bắn tới 2.000 quả đạn, kéo dài 2 tiếng. Đây là lần đầu tiên quân đội ta bắn nhiều đạn pháo đến như vậy.
Sau Him Lam, các cứ điểm còn lại ở phân khu Bắc tiếp tục bị tấn công và chịu chung số phận. Lực lượng pháo binh Pháp cũng bắn trả mãnh liệt. Chỉ mới đến ngày 15/3, họ đã bắn trả lại hơn 10.000 quả đạn nhưng không gây được chút tổn thương nào cho các khẩu pháo của ta, ngược lại còn bị mất 2 khẩu 105mm và 1 khẩu 155mm.
Pháo binh Việt Nam đã làm cho viên chỉ huy pháo binh Pháp Charles Piroth phải hoảng sợ tột độ và đã tự sát trong hầm của mình.
Cuốn Tướng Navarre với Trận Điện Biên Phủ viết: "Trung tá Piroth đã dành trọn một đêm (13/3) quan sát hỏa lực dần dần bị đối phương phản pháo chính xác một cách kinh khủng vào trận địa pháo của ông, 2 khẩu pháo 105mm bị quét sạch cùng pháo thủ, một khẩu 155mm bị loại khỏi vòng chiến đấu".
Trung tá André Trancart, chỉ huy phân khu Bắc (bạn thân của Piroth) kể lại, khi đó Piroth đã khóc và nói: "Mình đã mất hết danh dự. Mình đã bảo đảm với Castries và tổng chỉ huy sẽ không để pháo binh địch giành vai trò quyết định, và bây giờ, ta sẽ thua trận. Mình đi thôi".
Trong suốt nhiều ngày tiếp theo của chiến dịch, bộ đội pháo binh tiếp tục "sát cánh" với bộ binh tấn công các cứ điểm địch cho tới ngày chiến thắng (7/5/1954).
Theo một số tài liệu, trong trận chiến ở Điện Biên Phủ, quân Pháp đã bắn hết hơn 110.000 đạn pháo cỡ 105mm trở lại. Trong khi đó, quân ta chỉ bắn hất khoảng 20.000 quả pháo 105mm. Một con số thấp hơn nhiều lần, nhưng hiệu quả đạt được lại rất cao.
Văn Biên
Theo_Kiến Thức
Gặp người chiến sỹ Điện Biên gần 90 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng Người chiến sỹ Điện Biên năm ấy vẫn phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, ra sức phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương. Ông là Vi Chi, thương binh hạng 4/4 , tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện đang sinh sống tại phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La). Sinh năm 1928, ông...