Người lính biên phòng có 2 con bị bệnh hiểm nghèo
Để có tiền chống chọi với bệnh máu khó đông của hai con trai suốt 10 năm qua, trung úy Nghĩa vừa công tác vừa nuôi thêm gà, trồng rau, còn cô giáo Hường phải nghỉ dạy học ngược xuôi vay tiền đưa con đi viện.
‘Cò em’ đang chỉ cho bố chân bị đau. Ảnh: Bình Minh.
Vừa thấy người đàn ông mặc quân phục xách cặp vào phòng, hai cậu bé bụ bẫm reo vui và ôm chầm lấy cổ bố. Đã vài tháng nay, hai đứa mới được ngồi vào lòng bố, bởi bình thường chúng chỉ được gặp bố qua điện thoại. Không biết nói gì, cậu bé Nguyễn Khả Nhật Khánh (5 tuổi) ngọng líu đọc một bài thơ thật dài cho bố nghe, còn anh lớn Nguyễn Khả Trọng Anh (10 tuổi) ngồi hỏi han, chuyện trò.
Gặp con, trung úy Nguyễn Khả Nghĩa (35 tuổi, Đồn Biên phòng Cô Ba, Cao Bằng) ôm chặt rồi hôn lên mặt hai “cò”. Bàn tay anh vừa sờ nắn chân tay con vừa hỏi “con đau chỗ nào”. “Cò anh” vạch áo cho bố xem vết tụ máu trên vai phải rồi nũng nịu chỉ vào một bên chân teo đau, còn “cò em” cũng bóp bóp vào bên chân tập tễnh của mình.
Nhìn con phụng phịu, nhăn nhó, người lính trẻ gương mặt sạm đi vì nắng gió ngậm ngùi trực trào nước mắt. Vợ anh (chị Đào Thị Hường, 33 tuổi) lặng lẽ nhìn 3 bố con quấn quýt với nhau, đôi mắt ánh lên hạnh phúc. Giây phút đoàn tụ trong phòng bệnh ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương của gia đình trung úy Nghĩa khiến những người có mặt lúc đó xúc động.
Ngồi ở góc giường, thỉnh thoảng chị lại “chỉnh đốn” cậu “cò con” hiếu động và hay mếu để bố hỏi thăm anh cả. Với chị, nhìn thấy các con không đau, mọi lo toan tiền bạc và những suy nghĩ vẩn vơ tan biến. Chị cho biết, sự động viên cùng tình yêu của chồng đã giúp chị vượt qua khổ đau và vất vả.
Anh chị quen nhau khi tình cờ đi cùng chuyến xe lên Cao Bằng hơn 10 năm trước. Khi ấy, chị Hường còn là cô sinh viên cao đẳng sư phạm còn anh Nghĩa là chiến sĩ biên phòng. Cưới nhau năm 2002, anh chị dự tính sẽ ở lại Cao Bằng lập nghiệp. Nhưng đứa con đầu lòng mắc bệnh hemophilia bẩm sinh khiến anh đành phải gửi vợ con về Thái Bình để tiện cấp cứu khi con đau.
Sống xa nhau vài trăm cây số nên mọi việc gia đình và chăm sóc con cái đều một tay chị Hường lo liệu. Lương giáo viên Văn cấp 2 chỉ đủ cho mẹ con sống tằn tiện, còn tiền đi viện của con, chị lại ngóng anh gửi lương về hàng tháng.
Đứa đầu được 5 tuổi, anh chị mới sinh thêm cháu thứ hai với hy vọng “không sao”. Tưởng con “thoát nạn”, gia đình chị mở tiệc ăn mừng nhưng đến tháng thứ 6, cậu bé bắt đầu phát bệnh. Cúi đầu giấu đi đôi mắt đỏ hoe, chị Hường nhớ lại cảm giác biết “cò em” cũng bị bệnh giống anh trai. Ngày ấy, chị “thực sự tuyệt vọng và nản”.
Video đang HOT
Mỗi lần đưa nhau lên viện, mẹ con chị lại mất khoảng 10 triệu đồng. Có tháng, ba mẹ con bám bệnh viện 3 – 4 lần. Mỗi khi con đau, chị lại ngược xuôi đi xoay tiền để đưa con đi viện. Có lần chẳng biết vay đâu, chị nhắm mắt để “cò anh” ở nhà ngâm chân trong chậu nước đá khiến chân con bị teo lại và đi đứng khó khăn. Sau lần ấy, chị Hường cắm sổ lương, thậm chí nhờ ông bà thế chấp sổ đỏ lấy tiền chữa bệnh cho con và không dám liều như vậy nữa.
Nhắc tới bệnh tình của con, người mẹ trẻ nở nụ cười để ngăn nước mắt. Chị bảo, giờ đã chai sạn, phải “kiên cường” và “không được phép ốm”. Nhớ những ngày đầu chứng kiến con đau, chảy máu không cầm được, chị hoảng sợ và xót xa. Đợi đến lúc con ngủ, chị mới dám khóc cho thỏa.
Ai hỏi “cháu đau không”, “cò con” đáp rành mạch: “Cháu phải kiên cường chứ”. Ảnh: Bình Minh.
Lần anh Nghĩa được nghỉ phép, “cò con” hiếu động bị đập mồm vào ghế, chảy máu nhiều phải đi cấp cứu. Vừa từ bệnh viện về, cậu bé tiếp tục ngã chảy máu, cả nhà lại bồng bế nhau trở lại viện.
Bị bệnh nên Trọng Anh và Nhật Khánh không được chơi đùa thoải mái cùng bạn bè. Những hôm khỏe được phép chơi, Trọng Anh mừng rỡ gặp nhóm bạn thân, còn bình thường ở lớp, cậu chỉ dám ngồi một chỗ. Con bị bệnh nên, chị không gây áp lực học hành nhưng Trọng Anh vẫn là học sinh giỏi và được vào lớp chọn.
Trường học của 3 mẹ con ở cạnh nhau nhưng giờ tan lại khác nhau. “Nhiều hôm thấy trống bên trường ‘cò anh’ vang lên, tôi sốt ruột vì vẫn chưa hết bài giảng để sang đón. Để lớp nghỉ giải lao vài phút, tôi chạy sang cõng con về. Có hôm, thấy mẹ chưa đến, Trọng Anh tự đi bộ nên bị vỡ khớp và khóc thét giữa đường”, chị Hường kể.
Bố mẹ hai bên đều đã già yếu, chồng lại công tác xa, một mình chị xoay sở với hai cậu con bị bệnh. Những hôm Trọng Anh đau, chị đưa con lên viện rồi ngược về Thái Bình trông “cò em”. Hết đợt điều trị vài ngày, chị lại nhờ xe ôm quen đưa con ra bến đón xe về nhà. Những ngày một mình ở viện, Trọng Anh biết tự mua cơm và chăm sóc mình. Nhiều người cùng phòng thương tình hay mua cơm cho cậu bé.
Có lần, mẹ đưa “cò em” lên điều trị, vừa quay về đến nửa đường, ông bà gọi điện báo “cò anh” đau lắm. Mẹ con chị đành bắt xe trở lại Hà Nội đợi “cậu cả” lên. Triền miên cùng con đi viện, công việc ở trường của chị cũng bị ảnh hưởng và phải thường xuyên nhờ đồng nghiệp dạy giúp hoặc thuê giáo viên trẻ dạy hộ.
Mỗi lần muốn đưa con lên viện, chị lại phải “ngó” xem chỗ nào có thể mượn tiền được. Nghĩ ngợi nhiều quá nên lắm khi chị thấy mình “ngơ ngơ”, đi quá nhà mới biết. Ngay từ lúc sinh Trọng Anh bị bệnh, chị đã có ý định giải thoát cho chồng để anh tìm hạnh phúc mới. Đến Nhật Khánh cũng mắc hemophilia, suy nghĩ ấy càng khiến chị muốn thực hiện bởi chị thấy có lỗi và áy náy với chồng. Áp lực từ nhiều phía khiến anh chị từng có thời gian không liên lạc với anh.
Giây phút đoàn tụ của gia đình trung úy Nguyễn Khả Nghĩa khiến những người có mặt trong phòng bệnh xúc động. Ảnh: Bình Minh.
Nhắc đến chồng, chị đỏ mặt mỉm cười rồi tâm sự, anh Nghĩa tâm lý, chu đáo và thương ba mẹ con. “Nếu anh ấy không mạnh mẽ và bản lĩnh thì có lẽ chúng tôi đã chia tay. Biết tôi có ý định ấy, anh mắng rồi động viên tôi rất nhiều. Tôi hiểu nỗi khổ tâm và áp lực đè nặng lên chồng”, chị Hường nói.
Để có thêm tiền chữa bệnh cho con, anh Nghĩa tăng gia nuôi gà và trồng rau. Bán được tiền, anh dành dụm mua đồ cho con. Ngoài ra, anh còn tình nguyện xin về những vùng sâu, xa để lương cao hơn đỡ đần thêm cho vợ. Muốn về gần nhưng sợ lương thấp không đủ tiền cho “hai cò” chữa trị nên đến giờ anh chị chấp nhận sống mỗi người một nơi.
Đợt bão vừa rồi, căn nhà lợp mái tôn ở Thái Bình của anh chị bị tốc mái. Giữa đêm tối, ba mẹ con dắt díu nhau chạy trong mưa sang trú nhờ nhà ông bà ngoại gần đấy. Được nghỉ phép, anh Nghĩa mới về lợp lại nhà cho ba mẹ con.
Chị Hường tâm sự, từ ngày lấy nhau, vợ chồng chị chưa có ngày nào vắng lo toan. Hôm 20/11 vừa rồi, lần đầu tiên nhận được món quà của chồng và con trai, chị hạnh phúc nghẹn ngào.
“Tôi đang ở trường thì thấy chồng gọi điện bảo về nhà một chút. Về đến nơi, ‘cò anh’ tặng mẹ bông hồng rồi nói nhỏ vào tai mẹ ‘bố cũng có quà cho mẹ đấy’. Tôi bật khóc trước mặt ba bố con”, chị Hường xúc động kể lại.
Lên Hà Nội thường xuyên nhưng chưa lần nào chị đưa các con đi chơi vì “không có tiền”. Chị ước, có ngày Trọng Anh và Nhật Khánh không đau, chị sẽ dẫn con đi siêu thị, vào công viên. Còn hiện giờ, những hôm được nằm xoa lưng, ôm con vào lòng, chị thấy mình dịu lại, chẳng còn nỗi lo lắng bệnh tật.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa điều trị Hemophilia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho hay, bệnh nhân bị hemophilia sẽ phải chung sống cả đời với bệnh. Người bệnh dễ bị chảy máu ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể và mỗi lần như vậy sẽ rất đau đớn và đi lại khó khăn.
“Trường hợp Trọng Anh và Khả Anh rất đặc biệt vì cả đều bị bệnh, bố lại công tác xa. Hai cháu cần được gia đình chăm sóc vì còn rất nhỏ, chưa ý thức giữ gìn để tránh bị thương. Mới đây, nhờ được cấp sổ hộ nghèo nên gia đình chỉ phải trả 5% chi phí nhưng cũng là một gánh nặng với anh chị. Ngoài trợ giúp về mặt y tế, chúng tôi cũng tìm nhiều nguồn hỗ trợ bên ngoài để giúp đỡ hai cháu”, bác sĩ Mai cho biết thêm.
Theo VNE
Cô bé mắc bệnh lạ mong được giúp đỡ
Em Nông Thị Oi, sinh năm 1996, ở xóm Bản Mỏ, xã Mông Ân (Bảo Lâm) mắc căn bệnh hiểm nghèo đang rất cần sự giúp đỡ.
Khi được sinh ra, em Oi vẫn phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng đến tháng 6/2008, tự nhiên em mắc phải căn bệnh lạ ở miệng. Ban đầu thấy em kêu đau răng và sưng lợi, sau thấy lợi mọc hạt trắng to bằng hạt ngô, 2 tuần sau thì lợi và miệng của em đã sưng to như hòn bi. Gia đình đưa em đi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Bảo Lâm chữa, rồi chuyển sang BVĐK tỉnh Hà Giang chữa trị nhưng bệnh của em không giảm.
Đến năm 2009, lợi của em sưng to lồi hẳn ra ngoài khiến em không thể nói được. Gia đình em chạy vạy khắp nơi cũng không tìm ra cách gì chữa khỏi bệnh cho em, tài sản duy nhất của gia đình chỉ có 1 con bò nhỏ và ngôi nhà sàn rách nát, cộng với các khoản nợ do vay mượn để chữa bệnh cho em, nên gia đình em đã nghèo càng nghèo hơn.
Em Nông Thị Oi, xóm Bản Mỏ, xã Mông Ân (Bảo Lâm)
Ông Hoàng Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mông Ân cho biết: Gia đình cháu Nông Thị Oi là gia đình nghèo nhất của xóm Bản Mỏ, cháu lại bị bệnh hiểm nghèo. Từ khi biết thông tin, xã kêu gọi các cấp chính quyền, bà con góp tiền ủng hộ gia đình để đưa cháu đi chữa trị, nhưng cho đến nay bệnh tình của cháu vẫn không thuyên giảm, hy vọng Nhà nước, các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình đưa cháu đi chữa bệnh.
Mẹ em Oi tâm sự: Con tôi bị mắc bệnh đã 4 năm nay, cháu ăn uống rất khó khăn và không nói, không cười được. Gia đình tôi rất nghèo nhưng vì thương con nên cũng đã tìm đủ mọi cách, vay mượn tiền khắp nơi để có tiền đưa con đi chữa trị, đến giờ gia đình không còn khả năng chạy chữa cho con nữa.
Rất mong các tổ chức xã hội, các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ để em Oi được đi chữa bệnh.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Nông Thị Oi, xóm Bản Mỏ, xã Mông Ân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.
Theo 24h
Chung tay tương trợ gia đình giáo viên qua đời Từ những hình ảnh khốn khó của người thân ở lại khi một giáo viên, công nhân viên nào đó qua đời, ngành giáo dục Vĩnh Long đã chung tay tương trợ, góp phần chia sẻ phần nào khó khăn với gia đình các giáo viên đã khuất. Chúng tôi được thầy Phạm Văn Báo - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục...