Người Libya và nỗi ám ảnh Gadhafi
Khi phe đối lập phá tan cổng vào khu dinh thự Bab al-Aziziya của Gadhafi cách đây 2 ngày, Abdul Rahman Sharif đã xúc động đến nỗi dẫn theo ba con gái của mình đến chứng kiến cảnh tượng đó, bất chấp tiếng súng nổ bên tai.
Ngay cả khi các binh lính phe đối lập đã phá tan khu Bab al-Aziziya, nhiều người Libya vẫn mang trong mình nỗi ám ảnh về Gadhafi. Ảnh: AP
Sau khi trời tối, Sharif còn đưa vợ quay lại đó. Ngày hôm sau, giữa làn đạn, ông lại đến khu dinh thự cùng người mẹ đã 90 tuổi của mình. Ngoái nhìn sự sụp đổ nhanh chóng của sức mạnh Gadhafi khi ông và mẹ lái xe về nhà, ông nói rằng người Libya bây giờ sẽ phải đối mặt với một thử thách đáng sợ hơn.
“Chúng tôi cần từ bỏ hình ảnh của Muammar Gadhafi trong mỗi người”, tờ New York Times dẫn lời Sharif và ông mô tả thêm cảm giác lẫn lộn giữa lo âu, hoài nghi suốt 4 thập kỷ dưới chế độ Gadhafi. “Có người căm ghét ông ta, có người sẵn sàng chết vì ông ta, nhưng thậm chí dù họ có không thích thì ông ta vẫn ảnh hưởng đến họ”, Sharif, 56 tuổi nói thêm.
Người dân Tripoli tiếp tục diễu hành trên những đường phố khi phe nổi dậy tràn ngập tại khu dinh thự Bab al-Aziziya, biểu tượng cho chế độ cầm quyền của Gadhafi, và Quảng trường Xanh. Nhiều người nói rằng giống như nhiều bạo chúa khác, sức mạnh của Gadhafi bắt nguồn chủ yếu trong nỗi sợ hãi mà ông gieo rắc vào người dân Libya.
“Khi phe đối lập bắt đầu nổi dậy cách đây 6 tháng, chúng tôi biết cuộc chiến này sẽ rất đẫm máu, vì ông ta là một kẻ khát máu”, Sharif nói. “Thậm chí khi Bab al-Aziziya đã sụp đổ, nhiều người Tripoli vẫn mang trong mình cảm giác sợ hãi. Tin đồn Gadhafi đã bỏ độc vào nguồn nước để trả thù lan khắp thành phố”.
Một vài ngày trước, những người dân ngạc nhiên chứng kiến cảnh các lực lượng quân đội và cảnh sát mà họ sợ hãi bấy lâu sụp đổ chỉ trong phút chốc. Ali el-Ayan, một kĩ sư bảo dưỡng máy bay, cho biết anh đã nhìn thấy binh sĩ của Gadhafi tràn ngập nhiều nơi với vũ khí trên tay khi dự đoán phe đối lập sắp tổng tiến công vào đêm thứ 7 ngày 20/8.
Video đang HOT
Khi hay tin quân nổi dậy đã chiếm được Quảng trường Xanh, Ayan chạy ra ngoài để chứng kiến cảnh họ ồ ạt tràn vào từ mọi hướng. “Đó là một kế hoạch xuất sắc”, Ayan nói. “Trong vòng một giờ, quảng trường đã sạch bóng quân đội Gadhafi. Họ để lại vũ khí, trang thiết bị, quân phục và chạy trốn. Đó là một đêm vĩ đại với người Libya”.
Giống như nhiều người dân khác, Ayan cho biết anh luôn cảm thấy rùng mình bất cứ khi nào đi qua Bab al-Aziziya. Khi các bức tường của khu dinh thự Gadhafi bị phá vỡ, anh đã nghĩ về hình ảnh biểu tượng khi chiến tranh lạnh kết thúc trước đây. “Người Libya đã làm những gì cần phải làm”, Ayan nói thêm.
Người dân Benghazi ăn mừng chiến thắng của quân nổi dậy. Ảnh: China Daily
Nhiều người cho rằng cuộc đào tẩu gần đây của các quan chức cấp cao trong chính phủ Gadhafi đã đẩy cuộc chiến đến bước ngoặt. Sharif là nhân viên của Công ty Đầu tư quốc gia Libya. Nhiều năm qua, anh phải ngồi yên chứng kiến cảnh những đồng nghiệp được thăng chức vì anh từ chối gia nhập bộ máy chính trị và các “ủy ban kháng chiến”.
“Ông ta leo rất cao trong ủy ban kháng chiến, mọi thứ rất êm xuôi, và ngày hôm sau, tôi nhìn thấy ông ta đã bỏ trốn”, Sharif nói về giám đốc của công ty. Khi ông chủ đào tẩu, Sharif biết hồi kết của cuộc chiến đang đến gần. Sau buổi cầu nguyện đêm 20/8, anh nghe thấy những người đàn ông trẻ ở các vùng lân cận và trong thành phố đổ ra thánh đường và hét vang ca ngợi thánh Allah.
Anh chạy ra khỏi nhà mình để hòa vào những âm thanh rộn rã ấy. “Tôi 56 tuổi nhưng cuộc chiến này làm tôi cảm thấy mình như trẻ lại”, Sharif bày tỏ. Hôm qua, mẹ ông đã mang lọ nước hoa truyền thống của Libya đến Bab al-Aziziya và rưới lên khu vực này để tưởng nhớ sự hy sinh của những người được coi là “anh hùng cách mạng”.
Bà nói cha bà đã qua đời ở tuổi 90 năm 1972, ba năm sau khi Gadhafi lên nắm quyền. Bà nhớ cha mình đã nói với cả gia đình trước lúc lâm chung rằng: “Mọi người sẽ nhìn thấy một thời kỳ đen tối dưới sự cai trị của ông ta. Cảm ơn thánh Allah vì ta sẽ không còn ở đây để chứng kiến điều đó”.
Theo VNExpress
Các phóng viên quốc tế ở Libya được tự do
33 phóng viên nước ngoài bị mắc kẹt tại khách sạn Rixos ở thủ đô Tripoli đã rời đi an toàn, nhưng vừa có thêm 4 nhà báo Italy bị phe trung thành với Gadhafi bắt cóc.
Các phóng viên quốc tế bắt đầu rời khách sạn sang trọng bậc nhất ở Tripoli lúc 13h00 chiều qua theo giờ địa phương, AFP đưa tin. 33 phóng viên gồm nhiều quốc tịch khác nhau như Jordan, Trung Quốc, Mỹ, Anh... Họ làm việc cho nhiều hãng tin lớn như AP, BBC.
Ngoài các phóng viên, còn có hai người khác cũng bị giam lỏng tại khách sạn Rixos trong suốt 10 ngày qua. Đó là một cựu nghị sĩ người Mỹ và một nhà hoạt động vì hòa bình mang quốc tịch Ấn Độ.
Các phóng viên quốc tế và niềm vui sau khi được rời "nhà giam lỏng" Rixos. Ảnh: AFP
Henry Morton, một phóng viên tự do đang viết bài cho AP, chia sẻ rằng sẽ không bao giờ quên 10 ngày bị mắc kẹt tại khách sạn Rixos, và cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được phép rời khỏi nơi này. Morton cùng các phóng viên quốc tế khác cảm thấy lo sợ trước nguy cơ có thể bị lực lượng trung thành với ông Moammar Gadhafi dùng làm những lá chắn sống, để chặn bước tiến của quân nổi dậy và gây sức ép với liên quân NATO.
Nhận thức rõ nguy hiểm mà các phóng viên phải đối mặt, các lực lượng của NATO đã tính tới phương án tấn công vào khách sạn, nếu các tay súng trung thành với Gadhafi thể hiện ý đồ nêu trên.
Tuy nhiên, các phóng viên đã rời Rixos an toàn trong hòa bình. Một trong số các nhà báo nói tiếng Ảrập đã thuyết phục được hai tay súng phe Gadhafi đang canh gác phía ngoài khách sạn hạ vũ khí, và để 33 phóng viên cùng hai người nước ngoài rời đi.
Ngay khi những người này rời khỏi khách sạn Rixos trên con phố rất gần khu phức hợp Bab al-Azizia của đại tá Gadhafi, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đã giúp họ di chuyển tới một khách sạn khác an toàn hơn có tên Corinthia Bab Africa .
10 ngày sống trong sợ hãi của các phóng viên quốc tế cuối cùng cũng chấm dứt, ngay khi lương thực và nước uống tại khách sạn Rixos gần cạn kiệt. Với tiếng nổ và tiếng đọ súng ở ngay bên tai, họ phải sống trong điều kiện thiếu nước sạch, thiếu điện, không có truyền hình và cũng chẳng có Internet, trong khi tín hiệu điện thoại di động khá yếu.
Hai nhà báo ôm chầm lấy nhau vì vui mừng, sau khi tới được khách sạn Corinthia Bab Africa. Ảnh: AFP
"Tôi đã nghĩ rằng các tay súng của Gadhafi định biến khách sạn thành cứ điểm cuối cùng. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ ra sao. Không có lối thoát khả dĩ nào cả. Giữa cảnh giao tranh, chúng tôi chỉ có thể nghe mà không rõ điều gì xảy ra bên ngoài.", phóng viên Matthew Price của BBC nhớ lại.
Tuy nhiên, ngay sau khi 33 phóng viên quốc tế được "giải cứu", lại có thêm 4 nhà báo người Italy bị lực lượng trung thành với Gadhafi bắt cóc. Hai nhà báo khác mang quốc tịch Pháp bị thương trong khi tác nghiệp.
Quân nổi dậy bắt đầu tiến đánh thủ đô Tripoli từ hôm 20/8, rồi lần lượt chiếm được những địa điểm quan trọng từ tay của lực lượng trung thành với Gadhafi. Khu dinh thự Bab al-Azizia của nhà lãnh đạo 69 tuổi hôm qua thất thủ, nhưng không thấy ông tại đây.
Theo VNExpress
Gadhafi có thể sử dụng vũ khí hóa học Ngoại trưởng Anh William Hague hôm qua cảnh báo rằng, một số thành viên trong chế độ đang sụp đổ của đại tá Gadhafi có thể mở kho vũ khí hoá học để đối đầu với phe nổi dậy Libya trong cơn tuyệt vọng. Chiến binh nổi dậy đạp đổ bức tượng Gadhafi bên trong khu phức hợp Bab al-Azizya tại Tripoli. Ảnh:...