Người lao động nhập cư oằn vai với tết
Họ xa chồng con, có người nhiều năm chưa về ăn tết, tảo tần và nuôi hy vọng một ngày con cái họ cũng xa quê nhưng để học hành, làm việc chứ không phải để gánh trên vai những gánh hàng rong.
Từ 20 tết, Sài Gòn sẽ vắng những gánh hàng rong. Họ sẽ về với gia đình ăn tết sau một năm vật lộn mưu sinh. Những niềm mơ ước và hy vọng về tương lai con cái đã mang họ đến và giữ chân họ ở đất Sài Gòn. Và cũng có những đứa trẻ trưởng thành và thành đạt từ những đồng tiền chắt chiu của cha mẹ chúng trong hàng vạn gánh hàng rong đó.
Chị Bạch Cúc với gánh hàng rong. Ảnh: Q.VIỆT
Mong tết để được gặp con
Anh Nguyễn Bé Tư 30 tuổi, quê ở xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang, bán dừa tươi trước cổng Hội trường Thống Nhất cho biết hai đứa con anh đang trông chờ ngày 29 tết cha sẽ về, mang theo quần áo mới và bánh mứt cho chúng. Trước đây anh làm phụ hồ nhưng sau một lần bị té giàn giáo, anh không còn làm việc nặng được. Có người bạn cùng quê rủ anh gánh dừa đi bán. Giờ quen việc, cũng kiếm được 200.000 đồng/ngày. Trừ tiền thuê nhà, ăn uống, một tháng anh tiết kiệm được chừng 3 triệu đồng gửi về nuôi vợ con. “Gần tết, định ít hôm nữa ra chợ Tân Bình mua vài bộ đồ gửi về cho tụi nhỏ mừng” - anh Tư tâm sự.
Chị Trần Thị Bạch Cúc (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) tâm sự rằng ở quê chị, những phụ nữ có tuổi, không có nghề bỏ làng vào Sài Gòn bán hàng rong như chị nhiều lắm. Mọi năm cứ đến ngày đưa ông Táo là chị ra Bến xe Miền Đông đi xe dù cỡ 350.000 đồng để về quê. Năm nay không rõ giá vé có tăng lên hay không, chị thấy lo lo.
Mỗi ngày chị thức dậy từ 5 giờ sáng, ra chợ tranh thủ mua hàng đi bán rong. Chi tiêu tằn tiện, mỗi tháng chị gửi 2 triệu đồng về nhà để chồng nuôi hai đứa con. Mấy chị em cùng phòng trọ hùn nhau mua cái điện thoại rẻ tiền rồi cùng nhau nạp tiền, thỉnh thoảng gọi về thăm con cho đỡ nhớ. “Con gái tui năm nay 15 tuổi. Nhìn mấy đứa nhỏ ở Sài Gòn ăn mặc đẹp vào mua hàng, hỏi bộ đồ bao nhiêu tiền, mấy cháu trả lời khoảng hơn 1 triệu đồng, tui không dám hỏi nữa. Đi bán ngang mấy cái chợ, thấy người ta đổ quần áo bán giảm giá, tranh thủ vào lựa. Mỗi ngày mua một món cho đỡ xót, ngày này mua cho đứa này, hôm sau mua cho đứa khác. Giờ tui đã mua xong quần áo cho sắp nhỏ và hai cái áo cho chồng rồi” - chị Cúc tâm sự.
Video đang HOT
Cô Lương Thị Thanh không thể về quê với số tiền ít ỏi kiếm được từ việc bán báo mỗi ngày. Ảnh: Khắc Huy.
Tảo tần với niềm hy vọng
Cô Lương Thị Thanh 58 tuổi, quê Quảng Nam, bán báo trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 đã gần 10 năm trời kể từ khi cùng người con gái duy nhất vào Sài Gòn. Hai bàn tay trắng, cô cố gắng làm việc nuôi con ăn học, hết phổ thông rồi lên đại học. Sạp báo của cô chỉ là một vài tấm giấy cứng trải ra trên dải phân cách rồi đặt báo lên trên . “Con gái tui nửa ngày đi học, nửa ngày phụ mẹ bán báo. Nhà nhèo nhưng cũng tạ ơn trời vì đứa con gái biết nghe lời, chăm chỉ học hành. Nhiều khi thấy con đến trường, bàn tay còn lấm lem mà tội nghiệp”. 10 năm nay, cô chỉ về quê được bốn lần. “Về quê ngày tết thì ai mà chẳng muốn nhưng riêng tiền xe đã hơn cả triệu rồi. Dành dụm cả năm, về xong vào lại trắng tay. Chỉ mong sao hai mẹ con không bệnh tật, có sức khỏe mà đi làm tự nuôi mình là được rồi”.
Chị Tôn Nữ Huỳnh Cẩm từ Huế vào Sài Gòn được hai năm. gánh hàng của chị hôm là mì, bún gạo xào, hôm thì bánh bèo, bánh đúc. Chị kể: “ Năm rồi tui không có tiền về quê, giá vé cao quá. Tết năm nay tui phải về vì nhớ con quá, chỉ nghe chúng nó nói chuyện qua điện thoại, giọng nói cũng khang khác, chắc do con mình trổ mã. Nghe chồng nói con lớn và cao lắm. Tui chỉ mong đến tết để về chơi với con, động viên con cái cố gắng học hành, dù mình có cực nhọc thế nào cũng được”.
Những người không biết tết
Anh Lê Minh Tài 40 tuổi, quê ở Tây Ninh nhưng anh em bỏ vào Sài Gòn sống từ bé. Thời đó, anh hay đi bốc vác mướn ở chợ Cầu Muối. Sau này chợ dời đi, thế là anh thất nghiệp rồi đi học nghề vá xe, dán keo xe, dán cửa nhà. Chỗ ngồi của anh là lề đường ngay ngã ba Sương Nguyệt Anh – Cách Mạng Tháng Tám. Không vợ con, anh Minh sống với anh chị và các cháu. 15 năm rồi anh không biết tết. với anh, tết là dịp kiếm thêm tiền vì người ta muốn dán cánh cửa mới, chiếc xe mới. Đó là dịp để anh kiếm tiền phòng những lúc đau ốm hay những ngày ế khách.
Hai mẹ con chị Lương Thị Tài trên đường mưu sinh.
Ảnh: Khắc Huy.
Đã 10 giờ tối, chị Lương Thị Tài, quê Sóc Trăng và đứa con gái mới bốn tuổi vẫn lặng lẽ cầm tập vé số đi bán ở những con đường quanh làng đại học Thủ Đức. Cả hai vợ chồng chị đều đi làm thuê, việc đón tết là một điều gì đó xa lạ bởi tám năm nay, chị chưa mua nổi một bộ quần áo mới, trong đầu chị giờ chỉ có nỗi lo lớn nhất là chỗ ở. “Nghe nói mấy tháng nữa người ta giải tỏa, lúc đó túp lều ở khu hầm đá (Dĩ An, Bình Dương) mà chị cất tạm không còn, chẳng biết ở đâu” – chị tâm sự. Nói rồi, như chợt nhớ điều gì, chị gọi tên đứa con đang nghịch ngợm đống cát gần đó. Hai người khuất dần trong bóng tối. Trên tay chị vẫn cầm mấy chục tờ vé số chưa bán hết.
Theo Phapluat
Chặn đầu xe tải... mưu sinh
Người ta chặn đầu những xe tải đang lao vun vút trên quốc lộ để... bán đủ loại hàng.
Hàng ngày, trên tuyến Quốc lộ 1A (QL1A) đoạn từ cầu vượt Linh Xuân đến cầu vượt Bình Phước (thuộc quận Thủ Đức) có một số người bán hàng rong. Mỗi khi dừng đèn đỏ hoặc kẹt đường, họ len lỏi giữa dòng xe cộ đông đúc để chào mời các tài xế mua những thứ như cà phê pha sẵn, cây kẹo, tờ báo...
Xe đang chạy nhưng người đàn ông vẫn lao ra giữa đường để mời chào
"Chợ di động" trước đầu xe tải
Giữa cái nắng chang chang, trên đường nườm nượp xe cộ qua lại là cảnh mua bán vô cùng mạo hiểm của những người bán rong. Khi xe dừng đèn đỏ hoặc ùn tắc, họ bám vào cabin để chào mời, sau đó nhảy xuống một cách nhẹ nhàng mặc xe cộ qua lại tấp nập. Một số người còn đứng giữa đường trong lúc xe đang chuyển bánh để chặn trước đầu xe mong bán được một món gì đó. Họ bán chủ yếu là kẹo bánh, nước mía, cà phê, vé số, báo chí...
Khoảng 12 giờ trưa, mặt trời đứng bóng, những tia nắng chói chang như muốn thiêu đốt người đi đường. Nhân lúc kẹt xe, người đàn ông trạc 50 tuổi, mặt mũi xám xịt, ôm chồng báo, vai còn mang theo "một gian hàng tạp hóa" len lỏi vào những khe hở nhỏ nhoi của dòng xe cộ để mời tài xế mua hàng. Thoạt nghe một tiếng "ới" anh ta lao nhanh như sóc, tiến về chiếc xe tải đang chờ chuyển bánh để đưa bịch cà phê cho tài xế, nhận vài ngàn tiền lẻ. Anh ta vừa đi vừa suy nghĩ thì bỗng nghe tiếng "kẹt", một chiếc xe container đang nằm chình ình trước mặt mình. Trong cabin xe container, một tiếng quát lớn "không muốn sống nữa à?". Anh ta mặt tái mét, nói lí nhí vài tiếng như muốn xin lỗi, sau đó nhanh chân tiếp tục cuộc "hành trình" tới những chiếc xe khác.
Bên kia ngã tư Gò Dưa, trong lúc dòng xe tải, xe khách, xe container... đang chờ đèn đỏ thì đội ngũ bán hàng rong lại đổ xô ra giữa đường cố len vào những làn xe chật hẹp để bán hàng. Họ xô đẩy, tranh lấn nhau, tạo ra một cảnh nhốn nháo. Có những tiếng cãi cọ, văng tục làm xôn xao cả một đoạn đường. Khi đèn tín hiệu sắp chuyển sang màu xanh, họ cố luồn lách, chen lấn giữa dòng xe cộ sắp chuyển bánh để vào lề đường một cách nhanh nhất.
Một người bán hàng rong lâu năm trên đoạn đường này tâm sự: "Vẫn biết rất nguy hiểm nhưng phải chấp nhận luồn lách qua đầu xe tải để bán hàng chứ ngồi một chỗ trong lề đường thì biết đến khi nào người ta mua cho. Lúc đầu còn thấy sợ nhưng riết rồi cũng quen".
Người phụ nữ này đứng chặn trước đầu xe tải để bán báo
Những cái chết được báo trước
Đây là một trong những cửa ngõ lớn vào trung tâm thành phố nên lượng xe cộ lưu thông qua lại nhiều, vì thế tình trạng kẹt xe cũng xảy ra thường xuyên. Vì vậy nó đã vô tình tạo điều kiện cho những người bán hàng rong trên xa lộ có cơ hội để hoạt động rầm rộ hơn, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của chính họ và những người tham gia giao thông. Do khoảng cách giữa các xe rất hẹp, chỉ cần một chút sơ sẩy thì hậu quả sẽ khôn lường. Hơn nữa, đây là tuyến đường giao thông trọng yếu, lưu lượng xe cộ đông, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hàng năm, trên đoạn đường này đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, làm chết nhiều người mà trong đó nạn nhân chủ yếu là những người bán hàng rong. Có mặt trên đoạn đường này, chúng tôi đã chứng kiến nhiều cảnh "làm xiếc" của giới hàng rong làm cho tài xế nhiều phen hú vía. Trong lúc đang ngồi nghỉ trưa, thấy chiếc xe tải đang chạy chầm chậm để chờ đèn đỏ thì bỗng trong lề đường có một người phụ nữ cồng kềnh với những thứ hàng tạp hóa lao ra giữa đường để chào mời, lúc này tài xế thắng gấp. Rất may lúc đó chiếc xe tải đi sau cũng chạy với tốc độ chậm nên xử lý kịp thời, còn nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Một người hành nghề xe ôm ở khu vực này lắc đầu ngao ngán "những chuyện như vậy xảy ra như cơm bữa trên đoạn đường này, nhiều lúc thấy lạnh người vì sự liều mạng của họ. Không ít vụ TNGT chết người xảy ra vì những kiểu bán hàng như vậy".
Chợ hàng rong trên đoạn đường này đã tồn tại từ lâu, gây mất an ninh trật tự, cản trở giao thông, làm nguy hiểm đến tính mạng của con người. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm có những biện pháp xử lý thích hợp để tái lập tình hình an ninh trật tự tại cửa ngõ ra vào thành phố.
Theo Báo Công An
Những đứa trẻ ở xã "cơm đen" Những đứa trẻ trong sáng, vô tư, hồn nhiên lẽ ra phải được ôm ấp yêu thương nay phải chịu cảnh "mồ côi", những cụ già ở cái tuổi gần đất xa trời lẽ ra phải được chăm sóc, phụng dưỡng nay lại thẫn thờ ôm cháu... Đó là hệ lụy, kết cục buồn của những mảnh đời chỉ vì hám tiền, dấn...