Người lái xe Jeep chở Dương Văn Minh đi tuyên bố đầu hàng
Trưa 30/4/1975, được lệnh chở hai người đàn ông to béo, bệ vệ tới Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng nhưng ông Vân không biết đó là đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn.
Ngày 30/4/1975, chiến sĩ giải phóng quân Đào Ngọc Vân (quê Thanh Hoá) tròn 25 tuổi. Ông chính là người lái chiếc xe Jeep, biển số 15778, cùng đồng đội ở Trung Đoàn 66 áp giải Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập đến Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng.
Ông Đào Ngọc Vân vẫn nhớ như in thời khắc chở Dương Văn Minh đi đọc tuyên bố đầu hàng. Ảnh: Lê Hoàng
Ngồi trong căn nhà nhỏ trên phố Ngô Văn Sở (TP Thanh Hóa), người đàn ông tuổi lục tuần bắt đầu kể về một thời binh nghiệp hào hùng. 18 tuổi, ông xung phong vào chiến trường nhưng vì không đủ cân (lúc đó chỉ nặng 30kg) nên bị đơn vị từ chối vì nghĩ “còn trẻ con chưa thể cầm nổi cây súng huống hồ ra trận đánh giặc”.
Kế hoạch bất thành, ông làm đơn xin vào làm công nhân ở Đội giao thông thuộc Phòng Thị chính, thị xã Thanh Hoá. Thời gian này, ông lái máy ủi san đường cho xe bộ đội qua cầu Hàm Rồng. Năm 22 tuổi, khi ông đang là công nhân giao thông thì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất.
Theo lệnh Tổng động viên, mùa xuân năm 1972 ông Vân lên đường nhập ngũ. Khi quân và dân miền Bắc phải gồng mình đánh trả các cuộc oanh tạc chiến lược B52 của Mỹ, thì miền Nam bắt đầu bước vào tổng tiến công khắp chiến trường.
Hai tháng sau, ông cùng đơn vị có mặt tại chiến trường Quảng Trị và biên chế vào Đại đội 14, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Đại đội có nhiệm vụ phụ trách pháo lực của Trung đoàn. Đây cũng là lần đầu ông được thử sức bằng trận đánh Đường 9 Nam Lào. Chính trận này, Đào Ngọc Vân đã ngồi vào chiếc xe Jeep, biển số 15778, là chiến lợi phẩm thu được sau trận chiến.
“Thấy chiếc xe quân địch bỏ lại, trong lúc cao hứng, tôi lao lên cầm vô lăng rồi đạp côn, vào số, nhấn ga, đạp phanh, cua trái, quành phải khá thông thạo. Đồng đội ngạc nhiên mắt tròn mắt dẹt, cứ vỗ tay rào rào. Thế là thủ trưởng Trung đoàn 66 chấp nhận cho tiểu đội của tôi thu giữ chiếc xe”, ông Vân nhớ lại.
Sau khi được Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ giao nhiệm vụ toàn quyền quản lý chiếc xe chiến lợi phẩm, ông Vân trực tiếp lái xe chở chỉ huy cùng các chiến sĩ tham mưu trên đường vào Nam chiến đấu.
Video đang HOT
Chiếc xe Jeep đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh tư liệu.
7h sáng 30/4/1975, đơn vị ông Vân được lệnh tiến vào xa lộ Biên Hòa, vượt cầu Sài Gòn, mặc cho các loại súng tăng, súng máy của quân địch nổ rền. Ông bảo, “sung sướng nhất là chiếc Jeep này có mái xe, vách thoáng, nên nghe được đủ thứ âm thanh của trận đánh cuối cùng. Tiếng thét của lính, tiếng reo hò của quân dân, mệnh lệnh của chỉ huy các binh chủng… chúng tôi đều nghe rõ mồn một. Tôi nhấn mạnh ga, hòa theo đoàn xe giải phóng ào ào qua cầu Sài Gòn”.
Lúc này, người dân đã đứng chật kín hai bên đường. Chiếc xe Jeep chạy đến một ngã tư, đang chưa biết đi theo lối nào thì được người đàn ông trạc 40 tuổi tay cầm lá cờ giải phóng nhảy lên bám vào xe rồi chỉ hướng đi. Chốc chốc ông Vân lại hét lên hỏi người cầm cờ “Sắp đến nơi chưa?” Anh này mỉm cười “Qua Gia Long rồi, sắp tới”. Không ai bảo ai nhưng có lẽ người dẫn đường cũng biết chiếc xe Jeep đang muốn tiến vào Dinh Độc Lập.
“Khi đến cổng Dinh, xe tăng của quân ta đã lao thẳng hất tung cánh cổng chính, xe chúng tôi theo sát xe tăng do anh Lê Đăng Toàn chỉ huy tiến thẳng vào trong sân. Chúng tôi lao nhanh ra khỏi xe rồi chạy lên tầng 2 tòa nhà. Khá đông lãnh đạo Ngụy quyền bị dồn vào phòng trong tòa nhà… Ít phút sau, tôi được lệnh ra xe tiếp tục làm nhiệm vụ”, người lái xe Jeep kể.
Khoảng 10h30, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ tay cầm súng ngắn cùng các chiến sĩ dẫn hai quan chức Ngụy quyền người béo mập, đeo kính trắng, đi giầy đen ra xe. Phía sau là rất đông cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng. “Ngồi vào xe, sát tay lái tôi là vị to béo, tôi đoán đó là vị quan chức vì ông ta rất bệ vệ, bên phải ông ta là ông Thệ. Một thanh niên mặc áo trắng dẫn đường cho xe tiến thẳng về Đài phát thanh Sài Gòn”, ông Vân kể và cho hay, mãi sau này mới biết mình chở Dương Văn Minh đi đọc lời tuyên bố đầu hàng.
Tướng Dương Văn Minh (người ngồi bên phải) chuẩn bị đọc lời tuyên bố đầu hàng tại Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh do phóng viên ảnh hãng thông tấn AP thực hiện.
11h30 ngày 30/4, những chiếc loa phóng thanh ở Sài Gòn đồng loạt vang lên lời tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng miền Nam do Tổng thống Dương Văn Minh đọc: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam”. ( Nghe tại đây)
Tiếp đó, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng tuyên bố: “Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Thành phố Sài Gòn – Gia Định đã hoàn toàn giải phóng”! Mọi người mừng vui ôm chầm lấy nhau, nước mắt chảy dài rồi thét lớn: “Giải phóng hoàn toàn miền Nam rồi”.
Theo VNE
Ngày chiến thắng, tướng Thước nói về gìn giữ chủ quyền
Nhân ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tướng Nguyễn Quốc Thước nói về gìn giữ chủ quyền Tổ quốc yêu thương.
38 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), phóng viên TS đã phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội Cựu chiến binh Việt Nam về sự kiện lịch sử trọng đại này cũng như vấn đề bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trong thời đại mới. - Từ thắng lợi 30/4/1975, ông nghĩ gì về vấn đề bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước Việt Nam trong thời đại hiện nay?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (Ảnh: Minh Quân)
Chiến thắng 30/4 đến nay là 38 năm, nhưng trong trí óc của người dân Việt Nam chỉ mới như ngày hôm qua. 88 triệu dân Việt Nam chưa bao giờ quên.
Đó là bài học về sức mạnh của đường lối dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với 3 khẩu hiệu: "Thà chết chứ không chịu làm nô lệ", "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".
Ý chí của Đảng đã quy tụ được Nhân dân Việt Nam từ Nam tới Bắc đồng tình ủng hộ. Có thể nói, Đảng có đường lối đúng, quyết tâm đúng sẽ thu phục được lòng dân.
30/4 là thắng lợi của ý chí toàn dân tộc, của tư tưởng Hồ Chí Minh. Chưa có cuộc chiến nào dài hơi như chiến tranh chống Pháp, Mỹ của Việt Nam.
Bác Hồ đã kế thừa truyền thống đoàn kết dân tộc từ mấy nghìn năm lịch sử của đất nước.
Lúc mất nước chính là lúc thời nhà Nguyễn phân ly. Cho nên, nhắc tới ngày 30/4, cần phải nhắc đến sức mạnh của toàn dân tộc dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh. Cả nước Việt Nam khi đó đã cùng dồn toàn lực đánh giặc.
Hiện nay, về mặt chính trị, kinh tế, toàn dân phải dồn toàn lực bảo vệ biển đảo. Đất nước giờ đã hòa bình, nhưng vẫn còn rất nhiều ngốn ngang.
Về mặt khách quan, nguy cơ uy hiếp nhất là 1 triệu km2 trên biển - sự tồn vong lâu dài của dân tộc ta cho muôn đời mai sau, nguồn tài nguyên vô tận khiến nhiều nước nhòm ngó, đặc biệt Trung Quốc.
Nếu không giữ đượ chủ quyền biển đảo thì dân tộc ta sẽ bị lệ thuộc vào nước ngoài. Bằng mọi giá, cả dân tộc phải tập trung vào việc xây dựng, bảo vệ biển đảo.
Vừa qua, Đảng ta đã có những cố gắng để chăm lo, hỗ trợ cho người dân ra đánh cá, bảo vệ dàn khoan... Như vậy là có cố gắng, nhưng chưa đủ.
Người dân ra khơi đánh cá không chỉ vì cuộc sống mưu sinh mà họ còn góp phần bảo vệ tương lai đất nước. Nếu chỉ có vài chục, vài trăm thuyền ra khơi sẽ bị Trung Quốc bắt, đuổi. Tóm lại, khó gì thì khó, 88 triệu dân phải dồn sức người, sức của hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản, canh biển và bảo vệ biển
Việc giải quyết tranh chấp có nhiều cách, không nhất thiết bằng vũ lực quân sự. Đừng nên hiểu rằng cứ có tranh chấp là phải cầm súng đấu tranh. Đó là phương sách cuối cùng chúng ta phải làm.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Cần phải tạo điều kiện cho các ngư dân càng ra xa khơi càng tốt vì không chỉ đánh cá, họ còn có nhiệm vụ bám biển như không quân canh trời.
Phải tăng cường sức mạnh về quốc phòng, đặc biệt hải quân, không quân mới kịp ứng cứu cho đảo. Đất liền phải là chỗ dựa cho người làm kinh tế trên biển đảo.
- Sự thật đằng sau chuyện "Trung Quốc thiết lập chủ quyền đối với các hòn đảo ở biển Đông" là gì thưa Trung tướng?
Việc Trung Quốc tuyên bố lập chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam kịch liệt phản đối.
Chúng ta sẽ đi đến tận cùng để giành lại và giữ vững giang sơn, đất nước mà cha ông đã để lại cho chúng ta bằng con đường đấu tranh hòa bình.
Không chỉ Việt Nam, tất cả các nước trên thế giới đều phản đối. Về mặt lịch sử, pháp lý, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ để khẳng định chủ quyền và được nhiều nước trên thế giới đồng tình. Ý đồ thiết lập chủ quyền của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc thực ra muốn độc chiếm biển Đông.
Hải quân Việt Nam tập luyện bảo vệ chủ quyền biển đảo (Ảnh: VnExpress)
Việc Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Đông bị các nước phản đối, lên án. Tôi nghĩ rằng, họ làm vậy chỉ làm xấu thêm bộ mặt của Trung Quốc mà thôi và càng gây rắc rối cho thế giới trong vùng châu Á - Thái Bình Dương.
Con đường tốt nhất là cùng nhau trao đổi, giải quyết bằng đấu tranh hòa bình mọi tranh chấp như người Việt Nam từng tuyên bố, được nhiều nước đồng tình để ổn định làm ăn. Đừng biến biển Đông thành khu vực nhạy cảm chung cho các nước trên thế giới.
- Trung Quốc muốn thể hiện và chứng tỏ sức mạnh quân sự bằng cách triển khai cả không lực và lực lượng hải quân, trong đó có cả hàng không mẫu hạm mới tại vùng biển lân cận. Họ muốn thị uy để các nước khác không đưa thêm các tuyên bố chủ quyền?
Việc các nước tổ chức lực lượng của họ hùng mạnh để bảo vệ đất nước, chúng ta không phản đối. Việt Nam dù còn khó khăn nhưng vẫn xây dựng lực lượng quân sự vững mạnh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Quốc gia nào cũng phải làm vậy.
Mỗi nước đều có quyền và có trách nhiệm xây dựng quân sự hùng mạnh để bảo vệ giang sơn, chủ quyền của đất nước. Nếu tăng cường lực lượng vũ trang để có mưu đồ xấu, uy hiếp, xâm lược các nước khác thì ta kiên quyết phản đối!
Ngày xưa Mỹ hùng mạnh đến vậy trong khi nước ta mới thoát khỏi khó khăn, nhưng với ý chí của cả dân tộc, chúng ta đã kiên quyết đứng lên chống lại đế quốc hùng mạnh nhất trên thế giới đó và chúng ta đã chiến thắng.
Nhân dân Việt Nam rất hiền, rất hòa hiếu, nhưng đừng ai cho rằng chúng ta hèn yếu. Lịch sử 4000 năm chưa có cuộc xâm lược nào Nhân dân Việt Nam quy phục cả. Không riêng gì vấn đề biển Đông, động tới một tấc đất tổ tiên để lại, Nhân dân Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ chống lại để bảo vệ.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Bài học đó nhắc nhở cho con cháu chúng ta hay bất cứ ai có ý đồ xâm lược các nước khác rằng thời đại này không còn thích hợp nữa rồi.
Thời đại này, tất cả các nước đều dồn sức giữ vững hòa bình, phát triển kinh tế mang lại hạnh phúc cho người dân chứ không phải dương oai, giễu võ để uy hiếp các nước khác. Hành động đó bất kì dân tộc nào cũng phản đối!
- Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy của Việt Nam từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng với chủ nghĩa bá quyền và ý đồ thâu tóm biển Đông của Bắc Kinh, thì việc đàm phán với Trung Quốc là điều không hiệu quả. Ý kiến của ông ra sao?
Tôi nghĩ rằng, thời đại này, bất kì nước nào cũng không thể dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp dù là Mỹ, Pháp, Trung Quốc hay các nước hùng mạnh khác ở châu Âu...
Khi có tranh chấp, họ đều phải giải quyết bằng con đường đấu tranh hòa bình, bằng ngoại giao.
Đó là hướng thể hiện được thiện chí, cùng nhau giải quyết tranh chấp, còn ổn định, làm ăn.
Lịch sử càng phức tạp, cuộc đấu tranh để giải quyết bằng con đường hòa bình, pháp lý, ngoại giao, chính trị là tốt hơn cả và phải kiên trì. Nếu dùng vũ lực chỉ gây thiệt hại cho cả hai bên và nếu dùng vũ lực sẽ bị thế giới kịch liệt phản đối trong thời đại ngày nay.
- Là một nước nhỏ đàm phán với một đối tác lớn như Trung Quốc, liệu chúng ta có bị lép vế?
Vấn đề không phải nhỏ khi nào cũng thua, lớn là thắng. Quan trọng là biết giải cách một cách công bằng, bình đẳng, vì lợi ích cả hai bên thì việc gì cũng giải quyết được cả.
Việt Nam đâu có mạnh hơn Pháp, Mỹ nhưng trong cuộc đấu tranh vũ trang Việt Nam đã thắng. Chúng ta không bao giờ ở thế yếu cả.
Chúng ta ở thế bảo vệ lợi ích của mình, tôn trọng lợi ích của Trung Quốc. Đã thương lượng là có được, có mất, có nhân nhượng để dễ chấp nhận, nhưng không có chuyện nhân nhượng phạm tới cốt lõi.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần xã hội chủ nghĩa thì hai nước càng phải bình đẳng, tôn trọng nhau trong đó nước lớn phải nhân nhượng với nước nhỏ chứ không được dùng sức mạnh để chèn ép nước nhỏ.
Hai anh em cùng theo con đường xã hội chủ nghĩa mà đấu đá, tranh chấp với nhau chỉ có lợi cho người ngoài.
Gần đây, có dư luận cho rằng Việt Nam quá "hiền" trước sự bành trướng ngang ngược của Trung Quốc, đặc biệt sự gia tăng các động thái xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông của họ. Ông có bình luận gì về nhận định trên?
Nhân dân Việt Nam rất hiền, rất hòa hiếu, nhưng đừng ai cho rằng chúng ta hèn yếu. Lịch sử 4000 năm chưa có cuộc xâm lược nào Nhân dân Việt Nam quy phục cả. Không riêng gì vấn đề biển Đông, động tới một tấc đất tổ tiên để lại, Nhân dân Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ chống lại để bảo vệ.
Còn việc giải quyết tranh chấp có nhiều cách, không nhất thiết bằng vũ lực quân sự. Đừng nên hiểu rằng cứ có tranh chấp là phải cầm súng đấu tranh. Đó là phương sách cuối cùng chúng ta phải làm.
Cũng đừng ai hiểu rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc mềm yếu. Chúng tôi chỉ hòa hiếu, chứ động đến vấn đề cốt tử thì Việt Nam không bao giờ chấp nhận!
Người dân ra khơi đánh cá không chỉ vì cuộc sống mưu sinh mà họ còn góp phần bảo vệ tương lai đất nước (Ảnh: Internet)
Vấn đề biển Đông là vấn đề khá phức tạp với không chỉ riêng Việt Nam. Lịch sử càng phức tạp, cuộc đấu tranh để giải quyết nó càng phức tạp nên Nhân dân Việt Nam quyết giữ vững đất nước của mình bằng con đường có lợi nhất, ít tổn thất nhất.
Đó là một thiện chí. Tư tưởng của Hồ Chí Minh đã dạy Nhân dân Việt Nam trong thời đại cách mạng như vậy và chúng tôi quyết thực hiện theo lời di chúc đó. Nhân dân Việt Nam không sợ bị ai bắt nạt, nhưng cũng không bắt nạt ai nên khi Việt Nam đấu tranh chống lại những kẻ xấu đều được nhân dân thế giới ủng hộ.
- Ông từng nói, đây là một trong những giai đoạn khó khăn, cam go nhất của Đảng trong hơn 80 năm hoạt động nên cần có liều thuốc mạnh. Vậy gốc rễ của tình trạng này là ở đâu và liều thuốc mạnh ông muốn nói tới là gì?
Lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung, lịch sử trong thời đại Hồ Chí Minh nói riêng đã rút ra một bài học rằng Đảng, Nhà nước và Nhân dân cùng đoàn kết một lòng thì chúng ta không sợ bất kì thế lực nào cả. Đó là yếu tố quyết định chiến thắng trong mọi cuộc kháng chiến. Mất yếu tố đó là mất sức mạnh cơ bản của dân tộc.
Hiện tại, Đảng ta đang có vấn đề, như Nghị quyết Trung ương 4 đã đề cập là sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên từ Trung ương trở xuống. Mối quan hệ giữa Nhà nước và dân nếu không được giải quyết tốt thì khi có vấn đề nghiêm trọng xảy ra sẽ gây tổn thất lớn cho cách mạng.
Sự suy thoái, hư hỏng đó bắt nguồn từ cán bộ các cấp từ trên xuống dưới. Đảng ta đang kiên quyết sửa. Nhân dân mong rằng Đảng thực hiện đúng như nghị quyết đã xác định, kiên quyết đẩy lùi, quét sạch những suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức để dân tin Đảng, Đảng quy tụ được lòng dân.
Liều thuốc mạnh ở đây là nội bộ Đảng có gì sai phải sửa, nhất là vấn đề tham nhũng. Đảng tự sửa là đúng, nhưng cũng phải để dân có tiếng nói để xây dựng Đảng để Đảng thực sự mạnh vì Đảng từ dân ra, nếu Đảng làm đúng thì dân mới theo.
- Xin cảm ơn Trung tướng!
Theo vietbao
Hiên ngang tư thế người chiến thắng Cách đây 40 năm, những chiến sĩ cách mạng bì địch bắt tù đày ở nhà tù Phú Quốc đã trở về trong tư thế hiên ngang của người chiến thắng. Nhưng để có được này trở về trong vinh quang đó, họ đã phải trải qua những ngày tháng đấu tranh cực kỳ kiên trung, bất khuất... Đòn thù không làm nhụt...