Người Kurd tỉnh mộng Mỹ, rơi lệ cầu cứu Nga
SDF và giới chức người Kurd ở miền bắc Syria đã đặt cược vào Mỹ, tuy nhiên sau khi Mỹ rút quân, họ đã lâm vào cảnh khốn cùng.
Theo SF ngày 12/10, Redur Khalil – Phát ngôn viên đồng thời là quan chức cấp cao trong Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo đã rớt nước mắt trên truyền hình khi nói về cuộc tiến công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông bắc Syria .
Động thái trên diễn ra trong bố cảnh lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm được ít nhất 18 ngôi làng, giành quyền kiểm soát thị trấn Ras al-Ayn và thị trấn Tell Abyad.
SDF và giới chức người Kurd ở miền bắc Syria đã đặt cược vào sự hỗ trợ của Mỹ, tuy nhiên sau khi Mỹ rút quân, họ đã lâm vào cảnh khốn cùng. Chính vì vậy, người Kurd đang đổ lỗi cho Mỹ về “cú đâm sau lưng”.
Ông Redur Khalil phát biểu trên truyền hình.
SDF kêu gọi Washington giúp đỡ để có thể “nối lại đàm phán” với Damascus và Nga. Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ giúp đỡ, họ cũng không thể thay đổi được thực tế.
Mới đây, chính phủ Syria tuyên bố không giúp đỡ SDF theo lời kêu gọi của lãnh đạo lực lượng người Kurd. Lý do được đưa ra là khi Mỹ còn hiện diện ở miền bắc Syria, người Kurd đã mặc cả với Damascus, đòi quyền tự trị.
Giờ đây, khi lâm vào đường cùng, SDF mới kêu gọi sự giúp đỡ từ Nga và Damascus thì đã quá muộn.
“Từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu cuộc tấn công, họ (quân đội Mỹ) đã không ngừng tấn công người Kurd bằng tên lửa và pháo. Tất cả những gì chúng tôi cần bây giờ là một vùng cấm bay”, ông Khalil nói.
Video đang HOT
Theo Khalil, SDF đã từng có rất nhiều bạn bè khi đứng lên chống lại nhóm khủng bố IS, thế nhưng giờ đây họ (ám chỉ Mỹ và đồng minh) đã phản bội người Kurd. “Họ rời bỏ chúng tôi khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tấn công, họ đã đâm sau lưng chúng tôi”, ông nói.
Giới quan sát cho rằng, thông qua bài phát hiểu, vị quan chức SDF hi vọng có thể tạo ra một hình ảnh đẹp (hoặc nạn nhân đáng thương) trên truyền thông, giúp họ có lại sự ủng hộ từ Mỹ một lần nữa nhằm ngăn chặn những bước tiến từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, sau gần 5 ngày khởi động chiến dịch Mùa xuân Hòa bình, quân đội nước này đã giết chết 415 tay súng YPG, trong khi đó Đài quan sát nhân quyền Syria (SOHR) thông báo chỉ có 74 tay súng YPG thiệt mạng.
4 binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng 49 tay súng phiến quân được Ankara hậu thuẫn thiệt mạng. Số dân thường thiệt mạng là 20 người trong khi 100.000 người khác phải rời bỏ nhà cửa.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 11/10 tuyên bố, quân đội nước này sẽ chỉ dừng tiến công nếu lập được vùng đệm rộng 30 km dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria để ngăn chặn YPG xâm nhập lãnh thổ, đồng thời đưa người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ về nước.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria phải được khôi phục hoàn toàn.
Tất cả các lực lượng nước ngoài nên rút quân, kể cả Nga nếu Damascus quyết định không cần Moscow giúp đỡ nữa.
“Tất cả các lực lượng được triển khai bất hợp pháp bên trong bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào – trong trường hợp này là Syria – đều phải rời đi. Điều này đúng với tất cả mọi quốc gia.
Nếu chính phủ hợp pháp của Syria quyết định rằng họ không cần sự hiện diện của quân đội Nga nữa, thì Nga cũng sẽ phải rời đi, không ngoại lệ”, ông Putin nói.
Tổng thống Putin nhấn mạnh quan điểm của Moscow về vấn đề Syria vẫn không thay đổi. Đồng thời, quan điểm này cũng đã được truyền tải đến các đối tác Mỹ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trung Thành
Theo baodatviet
Mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria, Mỹ gieo mầm sống cho IS
Lực lượng người Kurd cảnh báo, việc Mỹ mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào miền Bắc Syria cũng có thể khiến IS quay trở lại.
Nhà Trắng đã bật đèn xanh cho một cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền bắc Syria, đồng thời rút lực lượng ra khỏi khu vực - đánh dấu một sự thay đổi đột ngột trong chính sách đối ngoại mà nhiều chuyên gia nhận định chẳng khác nào "cuộc ly hôn" với đồng minh lâu năm trong cuộc chiến ở Syria - người Kurd.
Lính Mỹ đi qua một chiếc xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP.
Lực lượng người Kurd đã đi đầu trong chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong khu vực, nhưng chính sách của Washington với lực lượng này được cho là đã đảo chiều sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoan hôm 6/10.
Trong một tuyên bố ngày 6/10, Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham khẳng định quân đội Mỹ đã tiêu diệt được tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong khu vực. Theo đó, từ thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có trách nhiệm xử lý các tay súng IS bị bắt giữ tại đây và hiện bị lực lượng người Kurd quản lý.
"Lực lượng Mỹ sẽ không hỗ trợ hoặc tham gia vào hoạt động và sẽ không còn trực tiếp hiện diện ở khu vực này. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục tiến bước với các hoạt động đã được lên kế hoạch từ lâu ở phía Bắc Syria", Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham nói.
Hiện không rõ liệu tuyên bố của Nhà Trắng có đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ rút một phần trong số 1.000 quân đang có mặt ở đây hay rút toàn bộ lực lượng khỏi miền Bắc Syria.
Tuyên bố trên của Washington cũng đặt ra nghi vấn về số phận của các tay súng thuộc lực lượng Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tham gia trong chiến dịch quân sự chống IS của Mỹ. YPG được Mỹ hậu thuẫn nhưng lại bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức vốn bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.
Gieo mầm bất ổn mới
Động thái này của Chính quyền Tổng thống Trump ngay lập tức kích hoạt những tranh cãi trong nội bộ Mỹ. Có những ý kiện thậm chí còn cho rằng, Tổng thống vẫn tiếp tục đưa ra những quyết định thất thường và dường như không được tham khảo qua ý kiến của các nhà ngoại giao có kiến thức và hiểu biết về tình hình Syria.
"Cho phép Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển vào miền Bắc Syria là một trong những động thái gây bất ổn nhất mà chúng ta có thể tạo ra ở Trung Đông. Người Kurd sẽ không bao giờ tin tưởng nước Mỹ nữa. Họ sẽ tìm kiếm những liên minh hoặc tự củng cố sức mạnh để bảo vệ chính mình", Ruben Gallego - một cựu chiến binh từng tham chiến ở Iraq viết trên Twitter.
Các chuyên gia Syria thì cảnh báo việc Mỹ từ bỏ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) sẽ tạo ra một mặt trận mới trong cuộc xung đột kéo dài 8 năm qua ở Syria và có thể đẩy người Kurd tìm cách dàn xếp với lực lượng của Tổng thống Bashar Al-Assad.
Trong khi đó, người Kurd ở Syria ngày 7/10 đã lên tiếng cảnh báo cuộc xâm lược của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gieo mầm cho sự hồi sinh của tổ chức khủng bố IS.
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) trong một tuyên bố nhấn mạnh: "Một chiến dịch như vậy sẽ đảo ngược thành quả nhiều năm chiến đấu của người Kurd để đánh bại các nhóm vũ trang. Các lực lượng Mỹ đã không thực hiện cam kết của họ khi rút quân khỏi khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara hiện đang chuẩn bị cho một chiến dịch xâm lược miền Bắc và miền Đông Syria".
"Các mối đe dọa mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tạo ra nhằm mục đích biến cơ chế an ninh thành một cơ chế chết chóc, khiến mọi người phải rời bỏ nhà cửa và biến một khu vực ổn định, an toàn thành khu vực xung đột và chiến tranh vĩnh viễn", tuyên bố nói thêm.
Yusuf Erim, nhà phân tích chính trị và chiến lược tại đài truyền hình TRT, cảnh báo vẫn còn quá sớm để có thể nắm bắt được toàn bộ ý đồ của Mỹ trong quyết định này: "Đó là một chiến dịch đơn phương đi kèm với một thỏa thuận song phương. Mỹ sẽ nói rằng, tôi không giúp các anh nhưng cũng sẽ không cản đường. Ankara coi quan điểm của Mỹ là hết sức tích cực. Mối quan tâm chính của Ankara chính là khả năng đối đầu với binh sĩ Mỹ. Chúng ta có thể thấy rằng, Mỹ sẽ rút quân khỏi khu vực để làm giảm thiểu nguy cơ trên bàn đàm phán"./.
Theo Hùng Cường/VOV.VN
Tổng hợp
Quân đội Mỹ ở Bắc Syria 'hứng đạn lạc' từ Thổ Nhĩ Kỳ Washington yêu cầu Ankara tránh các hành động "có thể kích hoạt phản ứng phòng thủ ngay lập tức". Quân đội Mỹ đóng tại thị trấn biên giới Kobani ở miền bắc Syria phải hứng chịu hỏa lực pháo binh từ các vị trí gần đó của Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tin trên được công bố bởi phát ngôn viên Lầu Năm Góc,...