Người Kobani cảm thấy bị bỏ mặc
Không được Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa cho qua biên giới, cảm thấy bất lực, những người Kurd ở Syria muốn cộng đồng quốc tế giúp thị trấn vùng biên Kobani đang bị Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng giày xéo.
Bà Kurdish Rabia Ali cùng con trai Ali Mehmud hôm 11/10 gục bên mộ người thân, một chiến binh người Kurd thiệt mạng trong trận chiến với IS ở Kobani, Syria. Người đàn ông này được chôn cất tại một nghĩa trang ở Suruc, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.
Ở thị trấn Kobani thiếu thốn thiết bị y tế nên nhà hoạt động người Kurd Blesa Omar đưa ba đồng đội bị thương trong trận chiến chống lại IS tới một bệnh viện của Thổ Nhĩ Kỳ để chữa trị. Suốt 4 tiếng tiếp theo, người đàn ông này bất lực nhìn những người đồng chí của mình lần lượt qua đời, chỉ vì biên phòng của Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho họ qua.
“Với tôi, rõ ràng rằng họ chết vì phải chờ đợi quá lâu. Nếu họ nhận được sự giúp đỡ, thậm chí chỉ cần một tiếng trước cái chết của họ thì những người ấy có thể đã sống”, Omar, 34 tuổi, một người Kurd ở Iraq nhưng mang quốc tịch Thụy Điển, cho biết.
Theo Omar, khi các binh lính nhận ra những người ấy đã chết, họ mới nói “giờ thì anh có thể qua cùng với những thi thể này”.
“Tôi không thể quên được điều đó. Thực sự hỗn loạn, đó là một thảm kịch”, Omar vừa nói vừa nén nước mắt tuôn rơi.
Cái chết của các chiến binh người Kurd bị thương tắc nghẽn ở biên giới biến thành lời chỉ trích hướng về chính quyền Ankara. Người Kurd buộc tội chính quyền nước này quay lưng lại với cuộc chiến của láng giềng chống lại IS.
Cơn giận dữ đó đã mang tới bạo lực cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tuần trước, cộng đồng thiểu số người Kurd nổi dậy trong các cuộc bạo động làm ít nhất 35 người thiệt mạng. Hôm 14/10, các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã đánh bom quân du kích người Kurd lần đầu tiên trong hai năm qua.
Theo Hurriyet Daily News, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đã hào phóng với người Kurd khi mở cửa biên giới cho 200.000 người tị nạn từ khu vực thị trấn Kobani kể từ khi IS mở cuộc tấn công cách đây hai tuần.
Liên Hợp Quốc cảnh báo về một vụ thảm sát có thể xảy ra ở Kobani khi những chiếc xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ dàn trận ở biên giới nhưng không làm gì để bảo vệ thị trấn này.
Video đang HOT
Bức xúc vì Thổ Nhĩ Kỳ không cho qua biên giới để chữa bệnh, người Kurd cũng cảm thấy bị bỏ rơi khi trận chiến ở Kobani diễn ra ác liệt. Quỳ xuống ngôi mộ mới đắp của anh trai, Ali Mehmud vơ nắm đất vào lòng bàn tay rồi đưa lên môi hôn và nhẹ nhàng đặt chúng về ụ đất nhỏ.
Anh trai của Ali, Seydo, một tài xế xe tải và là cha của bốn người con ở thị trấn của người Kurd Ayn Bat ở Syria, bị giết bốn ngày trước ở Kobani. Tại đây, Seydo chiến đấu cùng các đồng đội người Kurd khác chống lại các tay súng IS.
“Có một ngọn lửa bên trong trái tim tôi”, Ali cất lời trong một nghĩa trang nhỏ ở huyện Suruc, Thổ Nhĩ Kỳ, khi cơn gió cuốn theo bụi và mùi khó chịu của người chết lẫn vào không khí. “Chỉ có người Kurd mới đang giúp chúng tôi, ngoài ra chẳng có ai cả. Không ai ở cộng đồng quốc tế nữa”.
Trong những khu trại tị nạn đông đúc, khu công cộng hay nơi hội họp của thị trấn nghèo nàn ở Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới với Syria, những lời tương tự như thế là câu cửa miệng của hàng nghìn người Kurd trốn chạy khỏi cuộc tấn công của IS từ giữa tháng 9.
Không ai tranh cãi rằng liên minh do Mỹ đứng đầu đã tiến hành hơn 40 cuộc không kích chống lại các tay súng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang bao vây Kobani, lẫn việc Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép hơn 200.000 người tị nạn qua biên giới.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd ở Syria cho rằng Mỹ và Thổ, cộng đồng quốc tế nói chung, phải nỗ lực hơn nữa để cứu giúp Kobani khỏi rơi vào tay IS.
“Tại sao thế giới không giúp Kobani? Nếu thấy con cá mà không có nước thì bạn phải chạy đi giúp nó chứ. Người Kobani không phải con người sao?”,ABC News dẫn lời Mohammed, thành viên của hội đồng địa phương hiện giúp quản lý một khu tị nạn ở Suruc, đặt câu hỏi. Người đàn ông này từ chối tiết lộ tên vì sợ gặp rắc rối với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. “Mỹ phải làm gì đó”, Mohammed nói.
Đến nay, ước tính 200.000 người chạy khỏi Kobani đã tìm thấy chỗ trú ẩn ở trại tị nạn tại Suruc và những ngôi làng xung quanh, chen chúc trong các tòa nhà công cộng hay nhà thờ Hồi giáo.
Tính riêng ở Suruc, ba trại tị nạn với những hàng lều xám thẳng hàng được dựng lên, và cái thứ tư sẽ mở cửa vào ngày mai. Các tình nguyện viên đi phát bánh mì cho người tị nạn. Những xe tải chở lương thực mới đây cũng phân phối gạo và đậu để họ nấu bữa tối. Sự cứu trợ này đến từ đảng Dân chủ Nhân dân, đảng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, và từ người dân Suruc, phần lớn là người Kurd.
Trở lại nghĩa trang Suruc, nơi thi thể anh trai Ali được đưa từ Syria sang và chôn cất tại đây, Ali cho rằng người Kobani như anh, hiện bị bỏ rơi và không chắc cảnh tha hương sẽ kéo dài bao lâu khi trận chiến vẫn đang tiếp diễn, biết ơn sự giúp đỡ trên.
“Người dân Suruc đang giúp chúng tôi. Người Kurd ở Suruc luôn bên cạnh chúng tôi”, Ali cho hay.
Bình Minh
Theo VNE
Nữ chiến binh người Kurd ở Kobani cầu cứu thế giới
Narin Afrin, lãnh đạo Các đơn bị Bảo vệ nhân dân YPG ở Kobani, Syria, mong thế giới gửi cho họ vũ khí chống tăng để chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Nữ thủ lĩnh 40 tuổi mong được hỗ trợ vũ khí chống tăng để bảo vệ thị trấn Kobani. Ảnh: Blick.
Cầm chặt khẩu Kalashnikov, đôi mắt tập trung nhìn về phía xa, mái tóc nằm gọn gàng trong chiếc khăn quấn quanh đầu, nữ thủ lĩnh đội quân du kích người Kurd, cô Mayssa Abdo, đưa ra lời cầu khẩn.
Mayssa Abdo, còn được biết tới với biệt danh Narin Afrin, đang chỉ huy YPG ở Kobani cùng với Mahmud Barkhodan.
Narin Afrin là thủ lĩnh của đội quân du kích Peshmerga của người Kurd bảo vệ thị trấn chiến lược vùng biên của Syria đang bị IS bao vây. Như một phong tục của các chiến binh người Kurd, người phụ nữ 40 tuổi này dùng bí danh có từ Afrin, tên quê hương của cô ở tỉnh Aleppo.
Hôm 13/10, Afrin phát đi lời khẩn cầu tuyệt vọng với thế giới mong được hỗ trợ vũ khí. Đội quân của cô đang trong cuộc chiến một mất một còn vì Kobani, kéo dài một tháng qua.
Afrin viết: "Chúng tôi sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để bảo vệ người dân. Đây là một trận chiến cho tất cả chúng tôi, một trận chiến vì tự do. Nếu các bạn không giúp chúng tôi thì một ngày nào đó chúng sẽ tìm đến các bạn".
Afrin cầu xin thế giới gửi những vũ khí chống tăng và cho biết các chiến binh của mình bị những chiếc xe tăng, do Mỹ sản xuất mà IS cướp từ quân đội Iraq, vô hiệu hóa.
"IS đang sử dụng nhiều vũ khí hạng nặng, đặc biệt là xe tăng. Thật không may, chúng tôi chẳng có vũ khí chống tăng nào. Chúng tôi vẫn sẽ bảo vệ thị trấn, nhưng vũ khí của chúng tôi rất thô sơ và đạn cũng hạn chế", Afrin cho hay.
Theo Afrin, hàng nghìn dân thường vẫn đang ở trong thành phố. Họ không thể đi bất cứ đâu bởi tứ phía đã bị phong tỏa. Nữ thủ lĩnh cũng buộc tội Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, chỉ "ngồi, xem và chờ đợi để chứng kiến tất cả dân thường bị chặt đầu".
Lực lượng dân quân người Kurd Peshmerga do Afrin lãnh đạo có nhiều chiến binh là phụ nữ, gồm thiếu nữ, thanh niên, đàn ông, thậm chí cả người lớn tuổi. Tất cả họ đều đang cố gắng ngăn chặn thị trấn rơi vào tay IS. Các chiến binh Peshmerga đều là tình nguyện viên. Nhiều người tham gia huấn luyện hai lần một tuần, số khác thì đều đặn hàng ngày.
Afrin mong thế giới hỗ trợ vũ khí chống tăng cho đội quân của cô chống lại IS. Ảnh: Breitbart.
Ca ngợi Afrin như một anh hùng, Maajid Nawaz, chủ tịch Quỹ Quilliam chống cực đoan ở London, viết trên Twitter: "Hãy nhớ tên cô ấy: Afrin. Tổng chỉ huy lực lượng người Kurd bảo vệ thành phố Kobani chống lại IS".
Theo Mustefa Ebdi, nhà hoạt động người Kurd ở Kobani, những ai biết Afrin đều nói rằng nữ thủ lĩnh đó "thông minh, có học và lạnh lùng".
Liên Hợp Quốc từng cảnh báo về "một cuộc thảm sát Srebenica khác" nếu thị trấn Kobani thất thủ. Hôm 5/10, nữ chiến binh người Kurd, Dilar Gencxemis, đánh bom tự sát ở ngoại ô Kobani trong một cuộc tấn công khiến hàng chục lính IS thiệt mạng. Cô trở thành phụ nữ Kurd đầu tiên đánh bom tự sát kể từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra năm 2011.
Bình Minh
Theo VNE
Obama họp với chỉ huy quân đội 20 nước chống IS Tổng thống Mỹ hôm qua bày tỏ lo ngại sâu sắc về thị trấn Kobani, Syria, đang bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo tấn công, trong cuộc họp với chỉ huy quân sự của 20 quốc gia trong liên minh chống cực đoan. Tổng thống Barack Obama phát biểu trong cuộc họp với hơn 20 chỉ huy quân sự từ các nước...