Người Kiểm sát viên của buôn làng
Việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân, nhất là với nhân dân các dân tộc thiểu số vùng biên giới ngày càng được coi trọng.
Thông qua công tác hòa giải, những mâu thuẫn của người dân sẽ được giải quyết ngay từ cơ sở. Cùng với các cấp, các ngành, cán bộ, Kiểm sát viên nhiều VKSND luôn quan tâm nắm địa bàn giúp người dân giải quyết những mâu thuẫn thường ngày từ cơ sở.
Một buổi tuyên truyền, phổ biển, giáo dục pháp luật của VKSND huyện Tây Giang cho đồng bào dân tộc.
Trong những năm qua, cùng với các cấp, các ngành, cán bộ, Kiểm sát viên, nhất là cán bộ, Kiểm sát viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới luôn sát cánh cùng người dân, nắm địa bàn, làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Tại Quảng Nam có một cán bộ, Kiểm sát viên như thế, đó là đồng chí A Tinh Vót – Viện trưởng VKSND huyện Tây Giang.
Đồng chí A Tinh Vót là một người con của dân tộc Cơ Tu, sinh ra và lớn lên ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Năm 2004, đồng chí A Tinh Vót được bố trí công tác tại VKSND huyện Tây Giang. Trải qua quá trình nỗ lực phấn đấu; thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hiện đồng chí A Ting Vót đang giữ chức Viện trưởng VKSND huyện Tây Giang.
Tại tỉnh Quảng Nam, huyện Tây Giang là một huyện miền núi biên giới, giáp với nước bạn Lào. Dân số tại huyện Tây Giang có tới 90% là người đồng bào dân tộc Cơ Tu, trình độ hiểu biết pháp luật của đồng bào còn chưa cao, vì vậy, những năm qua, việc phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho đồng bào là một việc làm được lãnh đạo VKSND huyện Tây Giang rất quan tâm.
Từ khi còn là một KSV, đến khi được bổ nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng, hay Viện trưởng VKSND huyện Tây Giang, đồng chí A Tinh Vót luôn là người gần gũi với nhân dân, với đồng bào dân tộc mình. Cũng là người dân tộc Cơ Tu nên đồng chí A Tinh Vót am hiểu văn hóa địa phương, thông thạo tiếng nói của dân tộc mình. Chính vì vậy, trong năm 2018, ngoài công tác của đơn vị, đồng chí A Tinh Vót còn được cử tham gia hội đồng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của huyện Tây Giang.
Đồng chí A Tinh Vót (thứ 2 bên trái) trong một buổi tiếp xúc.
Video đang HOT
Trong thời gian này, đồng chí A Tinh Vót được giao phụ trách các xã vùng cao của huyện Tây Giang. Ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chỉ đạo điều hành hoạt động của VKSND, đồng chí còn dành nhiều thời gian xuống cơ sở. Vượt qua những khó khăn về điều kiện giao thông đi lại, đồng chí A Tinh Vót luôn bám địa bàn, gần dân, sát dân, tìm phương pháp phù hợp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân một cách hiệu quả.
“Khi đi tuyên truyền, hòa giải cho người đồng bào, ngoài kiến thức về pháp luật, mình phải giải thích bằng tiếng của đồng bào để đồng bào thấy gần gũi, hiểu được, nắm bắt được và thực hiện được tốt hơn”, đồng chí A Tinh Vót cho biết.
“Với vai trò là một Kiểm sát viên, khi xuống tuyên truyền cho người dân thì người dân rất vui. Đồng thời những lời nói, việc làm của đồng chí A Tinh Vót rất thực tế, gần với người dân nên người dân nghe, theo và tuân thủ pháp luật hơn”, ông Briu Liếc – Bí thư Huyện ủy Tây Giang nhận xét về đồng chí A Tinh Vót.
Cũng theo ông Briu Liếc, nhờ Hội đồng tuyên truyền, giáo dục pháp luật của huyện trong đó có những người như đồng chí A Tinh Vót nên người dân ngày càng hiểu hơn, tuân thủ pháp luật hơn, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn vì thế cũng được bảo đảm.
Trong mục “Giới thiệu tấm gương Kiểm sát viên nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” của VKSND tỉnh Quảng Nam có đoạn: “Đồng chí A Tinh Vót là một Kiểm sát viên gương mẫu, tận tụy bám bản vùng cao biên giới điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, nhưng đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Cũng theo VKSND tỉnh Quảng Nam, hơn 14 năm công tác trong ngành Kiểm sát, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau nhưng ở bất cứ cương vụ nào, đồng chí cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lãnh đạo Viện, cán bộ, Kiểm sát viên và Kiểm tra viên trong đơn vị tín nhiệm. Trong đó, có 2 năm liên tục (2016 -2017), đồng chí A Tinh Vót được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen.
Xuân Nha
Theo BVPL
Chuyện cứu người ở vùng biên giới Tây Giang
Đã bước sang năm thứ 11 kể từ ngày Trạm quân dân y kết hợp Axan (nay là Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan) được khánh thành và đi vào hoạt động.
Nhờ sự tận tâm, tận lực của y, bác sĩ mà hàng nghìn lượt bệnh nhân ở các xã vùng cao biên giới huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cũng như các bản giáp biên của huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào đã được khám, chữa bệnh miễn phí, được tiếp cận với các loại hình dịch vụ y tế hiện đại, được chăm sóc sức khỏe ngày một tốt hơn, dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.
Cán bộ quân y BĐBP khám, chữa bệnh cho nhân dân ở Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan. Ảnh: Hồng Anh
Rất dễ để nhận ra Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan bởi đó là dãy nhà khang trang trong khuôn viên hơn 400m2 nằm sát quốc lộ đi qua trung tâm xã Axan, huyện Tây Giang. Phòng khám được biên chế 10 y, bác sĩ, 8 giường bệnh và nhiều thiết bị y tế hiện đại nên không khác gì một "bệnh viện thu nhỏ".
Tiếp chúng tôi là Trung tá Lê Đức Mạnh, bác sĩ chuyên khoa 1, Trưởng phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan. Mới nhận Trưởng phòng khám được 3 năm, nhưng trước đó, Trung tá Lê Đức Mạnh đã có nhiều năm gắn bó với mảnh đất này khi làm cán bộ quân y của Đồn Biên phòng Axan, vậy nên, mọi thứ cũng không khó để vào guồng.
Anh bảo, trước nay vẫn thế, đường lên biên giới không chỉ xa xôi, mà còn gần như tê liệt vào mùa mưa, vậy mà tất cả việc chăm sóc sức khỏe của bộ đội, bà con nhân dân ở 4 xã Axan, Gary, Ch'ơm, Tr'hy gần như phụ thuộc hoàn toàn vào phòng khám quân dân y kết hợp này. Ý thức được điều đó nên anh vẫn động viên mọi người vừa làm, vừa đúc kết kinh nghiệm, vừa tự học hỏi để nâng cao trình độ (bản thân bác sĩ Mạnh cũng từ y sĩ học lên bác sĩ chuyên khoa cấp 1). Trong quá trình công tác, anh mày mò tự học tiếng Cơ Tu, tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào để có thể biết thêm nguyên nhân gây bệnh, từ đó, có phương pháp điều trị phù hợp.
Việc các y, bác sĩ Việt Nam khám chữa bệnh cho người Lào không chỉ mang tính nhân đạo mà qua đó, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, góp phần giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị.
Chứng kiến bác sĩ Mạnh vừa khám, vừa trò chuyện với bệnh nhân bằng cả tiếng phổ thông lẫn tiếng Cơ Tu, chúng tôi ai nấy đều nể phục. Và nể phục hơn nữa là những câu chuyện cứu người thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" trong gang tấc của các thầy thuốc mang quân hàm xanh nơi đây.
Khó có thể kể hết chuyện các anh chị đã tài tình thế nào, chỉ biết rằng, đi đến các bản làng đều được nghe người dân kể với lòng biết ơn sâu sắc, xem như ân nhân và người thân trong gia đình. Như chuyện của chị Pơ Loong Thị Nưới, ở thôn A Rầng 1, xã Axan, là một ví dụ. Cách đây 2 năm, chị Nưới được đưa tới phòng khám trong tình trạng sinh khó, ra máu nhiều, nguy kịch đến tính mạng, nhưng không thể chuyển lên tuyến trên do đường xa, sức khỏe yếu. Bác sĩ Lê Đức Mạnh và y sĩ Zơ Râm Thị Hằng cùng các đồng nghiệp đã vừa động viên tinh thần, vừa trợ sức cho sản phụ. Và rồi cậu bé 3,5kg đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui khôn tả của mọi người xung quanh.
Chị Nưới bảo: "Lúc sinh con, em không có tiền, lại một thân một mình nên khi nghe nói phải xuống bệnh viện huyện, em đã nghĩ, thế là hết rồi. Vậy mà các bác sĩ đã cứu được cả em và con, giờ mẹ con em không biết lấy gì để trả ơn mọi người".
Cũng ở thôn A Rầng 1, ông A Lăng Tơơnh (80 tuổi) bị trâu húc, gãy 3 xương sườn và thủng bụng. Người nhà đưa tới phòng khám, nhưng cũng không hy vọng nhiều vì ông tuổi đã cao mà vết thương quá nặng. Vậy nhưng, sau 1 tuần được bác sĩ Mạnh chăm sóc, ông Tơơnh đã được về nhà và giờ vẫn sống khỏe mạnh.
Nhắc lại chuyện cũ, ông Tơơnh cảm phục: "Trước đây, mọi người ốm đau đều nhờ thầy cúng, vừa tốn kém mà lâu khỏi. Sau lần bác sĩ Mạnh cứu khỏi, tôi hoàn toàn tin tưởng vào việc điều trị bằng thuốc. Giờ thì mọi người trong bản mỗi khi ốm đau đều đến phòng khám để các y, bác sĩ khám và chữa bệnh cho, không còn mời thầy mo về cúng nữa".
Nhưng có lẽ chuyện bác sĩ Mạnh nhiều lần cứu được người ăn lá ngón khiến ai cũng phải nể phục. Chị A Rất Thị Nhuận, ở thôn A Rầng 2, xã Axan không thể nào quên được cái đêm ác mộng, chỉ vì mâu thuẫn với chồng, chị quyết định ăn lá ngón quyên sinh dù lúc ấy mới sinh con được 2 tháng... Bác sĩ Mạnh cùng mọi người đã trắng đêm túc trực, rửa ruột, truyền nước để cứu bà mẹ trẻ. Cảm động hơn là những ngày sau đó, bác sĩ Lê Đức Mạnh và nữ hộ sinh Bríu Thị Nhứ thường đến thăm hỏi tình hình sức khỏe mẹ con chị A Rất Thị Nhuận và hướng dẫn chị cách chăm sóc con một cách khoa học để bé khỏe mạnh.
Chị A Rất Thị Nhuận không phải là trường hợp duy nhất được các y, bác sĩ ở phòng khám cứu thành công khi tự tử bằng lá ngón, thậm chí có trường hợp tự tử bằng thuốc trừ sâu cũng đã được cứu sống kịp thời.
Với trường hợp bệnh nặng, bác sĩ Lê Đức Mạnh tới tận nhà để khám cho bệnh nhân. Ảnh: Hồng Anh
Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan không chỉ có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở các xã vùng cao biên giới của huyện Tây Giang, mà còn tiếp nhận hàng nghìn lượt khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho bà con các bản giáp biên của cụm Tà Vàng, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào. Do đường về trung tâm huyện Kà Lừm mất mấy ngày đường, vậy nên, mỗi khi ốm đau, người dân ở các bản của cụm Tà Vàng lại sang phòng khám để chữa bệnh. Nhiều trường hợp người bị bệnh đến khám, phải ở lại điều trị, nhưng lại không có anh em họ hàng ở Việt Nam để giúp đỡ. Những ngày ấy, các y, bác sĩ lại bớt khẩu phần ăn của mình để chia sẻ cho bệnh nhân.
Ông Bun Thoong chia sẻ câu chuyện của mình: "Tháng trước tôi bị đau bụng, không ăn, không ngủ được. Nay sang đây, bác sĩ Mạnh khám bảo bị đau dạ dày. Bác sĩ cấp thuốc cho, rồi dặn dò ăn uống cẩn thận để phòng tránh bệnh tật. Tôi tin lắm vì trong bản có nhiều người uống thuốc của bác sĩ Mạnh đều khỏi bệnh".
Ai cũng hiểu rằng, nhân dân hai bên biên giới nơi đây bao đời nay có mối quan hệ thân tộc, đều cùng là người Cơ Tu cả. Người dân Axan, Gary, Ch'ơm, Tr'hy vẫn hỗ trợ người dân Lào khi khó khăn, hoạn nạn. Cứ thế, các y, bác sĩ ở Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan thầm lặng, tận tụy, hết lòng vì nhân dân và viết nên những câu chuyện đầy nghĩa tình ở nơi vùng cao biên giới này.
Trúc Hà - Hồng Anh
Theo Bienphong
Quảng Nam: Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhiều tín hiệu mừng Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động thì công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện ở Quảng Nam đã có nhiều tín hiệu đáng mừng. Nếu như năm 2018 toàn tỉnh có 2.138 người tham gia thì 7 tháng đầu năm nay đã...