Người khát, cây chết, heo không lớn nổi… vì hạn
Nắng nóng và hạn hán kéo dài đến giữa tháng 4 tại Lâm Đồng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân các huyện Đức Trọng, Di Linh và TP.Bảo Lộc. Thậm chí, nhiều hộ dân ở các xã trực thuộc TP.Bảo Lộc đang phải đi mua nước sinh hoạt về dùng.
Tại xã Lộc Châu (TP.Bảo Lộc), từ nhiều tuần nay người dân phải đi đến các xã khác để mua nước sinh hoạt với giá từ 8.000-10.000 đồng/m3 để sử dụng hằng ngày. Anh Nguyễn Thái Học ở thôn 1, xã Lộc Châu, than thở: “Cách nay 1 tháng, gia đình phải thuê thợ xuống vét giếng rồi đào thêm 5-6m nữa nhưng vẫn không có nước. Bây giờ phải đi mua từ các gia đình có giếng khoan để về sử dụng nhưng nguồn nước nhiễm phèn khá nặng. Có ngày phải để đến 3 tiếng sau mới sử dụng nhưng nước vẫn đục trắng”.
Ông Lê Viết Thống – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Bảo Lộc bên vườn cà phê đang dần chết khô vì nắng hạn. Ảnh: Q.H
Anh K’Huân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Châu cho biết, từ nhiều tuần nay trên địa bàn xã đã xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng do hạn hán kéo dài. “Đầu tháng 4 vừa qua có xe của PCCC thành phố xuống địa bàn tiếp nước sinh hoạt cho người dân nhưng cũng chỉ có một lần, sau đó người dân phải chạy sang các địa bàn các xã khác mua nước giếng khoan về dùng” – anh K’Huân nói.
Video đang HOT
Để khẩn cấp chống khát cho bà con, UBND xã Lộc Châu cũng phối hợp các ban ngành, phòng tài nguyên môi trường để khảo sát khoan thêm 5 giếng khoan công cộng ở các thôn nhưng sau khi khoan xong thì dù có nước nhưng vẫn không sử dụng được. Theo anh K’Huân, các giếng nước khoan này dù bơm liên tục trong 2 ngày nhưng vẫn có màu đục như sữa tươi nên không thể sử dụng và phải bỏ đi.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng diễn ra tại các địa bàn xã Đại Lào, Dambri, phường Lộc Tiến… Theo ông Cao Văn Lưu – Chủ tịch Hội Nông dân phường Lộc Tiến (TP.Bảo Lộc), do từ tết đến nay hầu như không có mưa nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân và công tác sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi… “Hiện nay nhiều hộ nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học trên địa bàn xã cũng đang gặp khó khăn do nắng nóng khiến heo chậm lớn, ngoài ra nhiều diện tích cà phê trên địa bàn cũng đang chết khô dần. Nếu từ nay đến cuối tháng mà không có mưa thì chắc chắn diện tích cà phê trong vùng sẽ mất trắng” – ông Lưu thông tin thêm.
Liên quan đến tình trạng hạn hán và nắng nóng kéo dài, ông Lê Viết Thống – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Bảo Lộc cho biết, hiện nay toàn địa bàn TP.Bảo Lộc nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung chưa có mô hình chống hạn nào. Chỉ có một số hộ ở xã Đambri và phường Lộc Phát có các mô hình tự phát gồm nhiều gia đình cùng tổ chức nạo vét ao hồ… để trữ nước.
Theo Danviet
Cần 20.000 tỷ đồng khắc phục thiệt hại
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa công bố các số liệu mới nhất về tình hình và hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn tại các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Theo số liệu tổng hợp ban đầu từ các địa phương, nhu cầu đề xuất hỗ trợ trước mắt của các địa phương là khoảng 4.020 tỷ đồng, hỗ trợ lâu dài là 15.198 tỷ đồng và hỗ trợ thêm khoảng 12.064 tấn gạo.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đề xuất hỗ trợ thêm 12.060 viên khử khuẩn Aquatabs, 2.024 thiết bị lọc nước, 15.692 thiết bị và 6.800 can chứa nước, 15,033 tấn chất khử trùng.
Ruộng múa bị mất trắng ở Bạc Liêu do xâm nhập mặn. Ảnh: Thanh Liêm
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phát động phong trào "Chung tay góp sức cùng đồng bào miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn". Chương trình sẽ cứu trợ khẩn cấp nước uống, can nhựa đựng nước và viên khử khuẩn Aquatabs cho 11 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ trì cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai bàn giải pháp ứng phó hạn hán và mặn xâm nhập khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long hôm 15.4, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh rằng, các đơn vị cần quyết liệt chỉ đạo và huy động mọi nguồn lực ứng phó hạn hán và mặn xâm nhập. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trước mắt các đơn vị cần tập trung chủ yếu đảm bảo lương thực và nước sinh hoạt cho nhân dân, không để nhân dân thiếu đói và nước sinh hoạt hoặc phải mua nước với giá cao.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, các địa phương, các cơ quan liên quan rà soát, kiểm kê nguồn nước và dự báo sát tình hình thời tiết, thông tin đến người dân và các cấp chính quyền để chủ động đối phó với khả năng hạn hán kéo dài và mở rộng.
"Các địa phương tiến hành điều chỉnh cơ cấu mùa vụ tại các nơi không đảm bảo nguồn nước, không để người dân sản xuất tại những nơi thiếu nước và có nguy cơ thiệt hại kép" - Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị. Theo báo cáo của các địa phương vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, ước tính tổng thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn tính đến ngày 13.4 đã lên đến khoảng 5.161 tỷ đồng. Những địa phương thiệt hại nhiều nhất là Kiên Giang khoảng gần 1.500 tỷ đồng, Đăk Lăk khoảng 1.110 tỷ đồng...
Theo Danviet
Nông dân Tây Nguyên chưa thể vui với mưa đầu mùa Mấy ngày qua, tại các tỉnh Tây Nguyên đã có mưa nhưng chỉ xuất hiện cục bộ, nhiều nơi lượng mưa rất ít không thể đủ nước "giải khát" cho hàng chục ngàn ha cây trồng đang khô hạn. Mấy ngày qua, tại các tỉnh Tây Nguyên đã có mưa nhưng chỉ xuất hiện cục bộ, nhiều nơi lượng mưa rất ít không...