Người Hồi giáo trên thế giới bắt đầu tháng lễ Ramadan trong đại dịch Covid-19
Hơn 1,8 tỷ người Hồi giáo trên thế giới ngày 24-4 đã chính thức bước vào tháng lễ Ramadan, tháng lễ linh thiêng của người Hồi giáo, trong bối cảnh đặc biệt khi nhiều quốc gia áp dụng lệnh hạn chế ra ngoài và tụ tập đông người do đại dịch Covid-19 lan rộng.
Các tín đồ Hồi giáo sẽ thực hiện các nghi thức truyền thống trong tháng lễ Ramadan tại nhà cùng gia đình (Ảnh: THESTAR)
Tháng lễ Ramadan năm nay kéo dài từ ngày 24-4 đến 23-5. Trong tháng lễ Ramadan, người Hồi giáo trưởng thành và khỏe mạnh sẽ thức dậy từ sớm để ăn một bữa trước bình minh gọi là suhoor, và sau khi mặt trời lặn, họ sẽ ăn một bữa tối “xả chay” được gọi là iftar, kết thúc quá trình chay tịnh trong ngày. Mọi người cũng tụ tập tại các thánh đường Hồi giáo để cầu nguyện. Sau khi mặt trời lặn, các thánh đường Hồi giáo hay những gia đình có điều kiện thường tổ chức các bữa iftar lớn, đặc biệt dành cho những người nghèo khó.
Nhưng năm nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, hầu hết các quốc gia đều áp dụng lệnh cấm tụ tập, hạn chế tập trung đông người khiến các thánh đường Hồi giáo đều đóng cửa, yêu cầu người dân làm lễ cầu nguyện tại nhà để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Tại thánh địa Mecca thiêng liêng của người Hồi giáo tại A-rập Xê-út, nhà chức trách đã cấm các tín đồ tập trung cầu nguyện tại các thánh đường. Nhà vua Salma của A rập Xê-út nói trong tuyên bố: “Tôi đau buồn rằng tháng lễ thánh tới trong hoàn cảnh khiến chúng ta không thể cầu nguyện theo nhóm và thực hiện Taraweeh-buổi cầu nguyện tối đặc biệt trong tháng Ramadan, tại các thánh đường bởi các biện pháp phòng ngừa để bảo đảm sinh mạng và sức khỏe của người dân trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19″.
Tuy nhiên, có một số quốc gia Trung Đông đã nới lỏng một số quy định hạn chế trong tháng lễ Ramadan.
Tại Ai Cập, nơi ghi nhận hơn 3.600 ca nhiễm Covid-19, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly ngày 24-4 thông báo quốc gia này sẽ rút ngắn một tiếng thời gian giới nghiêm vào ban đêm, bắt đầu từ 21 giờ tối hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau, và được áp dụng trong suốt tháng lễ Ramadan. Tuy nhiên, chính phủ vẫn cấm tụ tập đông người, nhà chức trách đã hối thúc các tín đồ cầu nguyện tại nhà khi tất cả các thánh đường trong nước đều đóng cửa.
Do đó, người dân không thể chia sẻ các bữa ăn iftar với những người khó khăn theo truyền thống trong tháng Ramadan. Thay vào đó, từ hôm qua, các tổ chức phi chính phủ tại đây đã phân phát lương thực như mỳ và đường tới những người dân nghèo.
Chính phủ Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) ngày 23-4 thông báo quyết định nới lỏng lệnh phong tỏa hoàn toàn xuống mức chỉ còn giới nghiêm trong tám tiếng mỗi tối và mở lại một phần các chợ và trung tâm thương mại.
Tại Indonesia, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới, ngày 23-4, Bộ trưởng các vấn đề Tôn giáo Fachrul Razi kêu gọi cộng đồng người Hồi giáo trên toàn quốc hạn chế các hoạt động tín ngưỡng đông người, các buổi cầu nguyện Tarawih, việc thăm viếng phần mộ của người thân và di chuyển về quê trong tháng lễ.
Những hoạt động tụ tập đông người này có nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bối cảnh Indonesia đang chứng kiến số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất Đông-Nam Á với 647 ca trong tổng số hơn 6.770 ca nhiễm. Bộ trưởng Razi cũng khuyến cáo những người nhịn ăn cần lưu ý tới dinh dưỡng để bảo đảm tăng cường hệ miễn dịch.
Tại các quốc gia láng giềng Malaysia, Singapore, các thánh đường Hồi giáo cũng đóng cửa theo quy định giãn cách xã hội của chính phủ nhằm cắt đứt chuỗi lây lan của Covid-19. Chính phủ kêu gọi các tín đồ Hồi giáo thực hiện cầu nguyện tại nhà, hạn chế tụ tập đông người.
Video đang HOT
Ngay cả hoạt động hội chợ chính trong tháng Ramadan, nơi người Hồi giáo mua thực phẩm trước bữa iftar cũng bị cấm tại Malaysia. Thay vào đó, người Hồi giáo Malaysia được phép mua đồ theo hình thức trực tuyến “e-bazaars”, hàng hóa sẽ được chuyển tới tận nhà.
Tụ tập đông người 'hiệu ứng chùm' châm ngòi cho COVID-19
Nước nào bị COVID-19 tác động mạnh nhất đều có chung đặc điểm là có nhiều cuộc tụ tập tôn giáo, văn hóa, xã hội đông người ở khoảng cách gần.
Tờ The Guardian (Anh) dẫn lời ông Niki Popper, nhà toán học tại Đại học Kỹ thuật Vienna, Áo: "Sự kiện đông người là cơ hội hoàn hảo cho virus vì mọi người toàn gặp người lạ. Nếu có 100 hay 200 người ở đủ thời gian trong phòng với một người nhiễm virus, thì ví dụ như sẽ có thêm 20 người nhiễm virus và sau vài ngày ủ bệnh, họ sẽ truyền cho các thành viên gia đình, đồng nghiệp, giả sử thêm 10 người nữa. Chỉ trong vài ngày, virus có thể nhân lên 200 lần chỉ với một ca nhiễm và cứ tiếp tục như thế".
Tiệc tùng, lễ hội
Con phố vắng người ở Gangelt, Đức. Ảnh: Getty Images
Ngày 15/2, đám đông tập trung tại tòa thị chính Gangelt, một thị trấn nhỏ ở phía Tây nước Đức gần biên giới Hà Lan để tham gia lễ hội. 350 người mặc trang phục đẹp đẽ đan tay vào nhau múa hát, uống rượu bia rồi đi giao lưu khắp các bàn tiệc.
Virus SARS-CoV-2 xuất hiện trên lãnh thổ Đức lần đầu tiên cách đó hai tuần không làm họ bận tâm. Tuy nhiên, giờ đây, con virus này là lý do duy nhất khiến lễ hội ở Gangelt thu hút sự chú ý của các nhà khoa học toàn thế giới. Bảy người dự lễ hội về sau xét nghiệm dương tính với virus.
Gangelt thuộc khu vực Heinsberg, có 42.000 dân và từ đó tới nay đã có 1.442 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 43 ca tử vong, nhiều nhất so với các khu vực ở Đức. Báo chí Đức đã gọi Gangelt là "Vũ Hán của Đức".
Lễ hội truyền thống Mardi Gras bị coi là chất xúc tác để COVID-19 bùng phát mạnh ở thành phố New Orleans, Mỹ.
Ngày 25/2, toàn thành phố với gần 400.000 dân hòa vào không khí âm nhạc, hóa trang của lễ hội Carnival.
Theo truyền thống, người dân thành phố New Orleans tụ tập và diễu hành từ nhiều tuần trước đó, khoảng 6/1. Nhiều người mở toang cửa nhà đón bạn bè, gia đình, hàng xóm, người lạ để nhảy múa, ôm hôn, ăn uống cùng nhau. Trong lễ Carnival, không có hạn chế xã hội nào.
Người dân tập trung dự lễ hội ở New Orleans ngày 25/2. Ảnh: EPA
Chỉ vài tuần sau, ngày 20/3, Thị trưởng New Orleans ban bố lệnh ở nhà. Hai ngày sau, bang Louisiana ban bố lệnh trên toàn bang, đóng cửa trường học và mọi doanh nghiệp không cần thiết.
Ngày 13/3, New Orleans có ca tử vong đầu tiên. Tới ngày 22/3, bang Louisiana có 873 ca, trong đó 70% đều ở New Orleans. Ngày 1/4, tổng số người chết ở bang là 273.
Bà Rebekah Gee, chủ nhiệm khoa dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Đại học Bang Louisiana nói: "Lễ Mardi Gras là điều kiện hoàn hảo để virus lây lan. Mọi người uống chung cốc, ở chung không gian, tiếp xúc gần. Giờ đã rõ khi mọi người đều nhiễm virus".
Với giới chức y tế vẫn đang tìm cách lần theo và kiềm chế các ca nhiễm cá nhân tại giai đoạn này, những người đi dự tiệc tùng là thách thức lớn với họ vì họ sẽ đi hết nơi này tới nơi khác, nước này tới nước khác, thậm chí châu lục này tới châu lục khác.
Ví dụ như ở Australia, ít nhất 30 người đã nhiễm virus sau khi dự bữa tiệc khiêu vũ đông người ở bãi biển Bondi ngày 15/3. Bữa tiệc diễn ra ban đêm trước khi lệnh cấm tụ tập trên 500 người có hiệu lực. Khu vực Waverley bao gồm cả Bondi giờ trở thành điểm nóng COVID-19.
Cầu nguyện, đám tang
Mục sư Samuel Peterschmitt (phải) trong một buổi thuyết giảng năm 2015. Ảnh: Getty Images
Trong tuần từ 17 tới 21/2, khoảng 2.500 tín đồ tập trung tại nhà thờ Thiên chúa giáo Porte Ouverte ở Alsace, miền Đông nước Pháp để dự sự kiện được mong chờ nhất theo lịch Phúc Âm.
Họ tới từ khắp nơi trên nước Pháp và cả lãnh thổ hải ngoại của Pháp để dự tuần lễ cầu nguyện và nhịn ăn thường niên được tổ chức suốt 25 năm qua.
Bà Nathalie Schnoebelen, phát ngôn viên nhà thờ, sau này kể lại: "Trong 5 ngày, các tín đồ chào hỏi nhau, hôn má nhau, nắm tay trong khi cầu nguyện".
Sự kiện đó cách thời điểm Pháp phong tỏa toàn quốc gần một tháng và không ai nghĩ tới COVID-19. Lúc đó, mới chỉ có một chùm ca bệnh nhỏ tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Contamines ở dãy núi Alps và phần lớn ca đều liên quan Trung Quốc.
Chỉ sau khi các tín đồ ở Porte Ouverte tỏa đi khắp nơi và một số người xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì người ta mới lo ngại.
Trong số người mắc bệnh có mục sư chính của nhà thờ, ông Samuel Peterschmitt. Tổng cộng 18 người trong gia đình ông đã xét nghiệm dương tính với virus.
Khi chưa biết nhà thờ là ổ virus, các tín đồ đã vô tình lây virus cho người khác. Một y tá có mặt tại nhà thờ là nguồn gốc chùm ca bệnh gồm 250 đồng nghiệp tại bệnh viện của Đại học Strasbourge
Hai tín đồ nghỉ hưu về nhà tại vùng Ajaccio trên đảo Corsica và hòn đảo này giờ có ít nhất 263 ca dương tính và 21 ca tử vong.
Khu vực xung quanh nhà thờ là một trong những nơi bị COVID-19 tác động mạnh nhất nước Pháp.
Sự kiện thể thao
Cổ động viên ăn mừng khi đội Atalanta ghi bàn ngày 19/2. Ảnh: Shutterstock
Tại Italy, nơi có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, trận đấu bóng đá trong khuôn khổ giải vô địch giữa đội Atalanta và đội Valencia của Tây Ban Nha ngày 19/2 ở Milan bị coi là "quả bom sinh học", biến miền Bắc Italy thành tâm dịch của cả nước.
Trận đấu đã thu hút hàng chục nghìn người tới cổ vũ. Trong số 40.000 cổ động viên của đội Atalanta, có người nhiễm virus và lây lan cho người khác. Họ bổ nhào nằm đè lên nhau để ăn mừng chiến thắng của đội nhà và mang virus về khắp Bergamo. Thị trưởng Bergamo nói: "Xui xẻo là chúng tôi đã không biết điều đó. Không ai biết virus đã có ở đó. Không thể tránh khỏi".
Hiện không thể biết có bao nhiêu ca bệnh trực tiếp liên quan tới trận bóng đá giữa Atalanta và Valencia, nhưng có điều chắc chắn là Bergamo sau đó đã trở thành tâm chấn cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Bắc Italy. Tổng số người chết ở thành phố này tiếp tục tăng lên.
Sau trận đấu lượt đầu tiên ngày 19/2, Valencia thông báo hơn một phần ba số cầu thủ và nhân viên đội bóng dương tính với virus SARS-CoV-2. Về đội Atalanta, chỉ có một ca dương tính là cầu thủ nhưng có ít nhất 8 nhân viên câu lạc bộ nhiễm virus.
Thùy Dương
Thành phố Hàn Quốc vắng tanh vì nCoV Daegu, thành phố lớn thứ 4 Hàn Quốc, vắng bóng người, hàng quán đóng cửa, khẩu trang cháy hàng khi xuất hiện hàng chục ca nhiễm nCoV. Lo lắng đang bao trùm thành phố Daegu, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 240 km về phía tây nam, nơi có 2,5 triệu dân. Đường sá trong thành phố vắng tanh, các hàng...