Người Hàn Quốc tại TP.HCM: Rất may khi chúng tôi đang ở Việt Nam
Người Hàn Quốc sống tại TP.HCM cho rằng họ không quá lo lắng khi đang ở nơi an toàn và cầu nguyện cho vùng dịch ở quê nhà không trở thành Vũ Hán thứ 2.
Sáng đầu tuần, khu đô thị Phú Mỹ Hưng ( quận 7, TP.HCM) – nơi có khoảng trên 20.000 người Hàn Quốc đang sinh sống – không đông đúc như thường lệ. Nhiều người tỏ ra lo lắng cho gia đình ở quê nhà nhưng họ lạc quan cho rằng Hàn Quốc sẽ sớm dập được đại dịch.
“Hàn Quốc không thành Vũ Hán thứ 2 đâu. Tình hình có tệ nhưng chúng tôi đang tuân thủ tốt việc phòng dịch như chính quyền yêu cầu”, chị Eun Ji (36 tuổi) quả quyết.
Không phải lo lắng
Theo lời bà Mai (43 tuổi), quản lý nhà hàng chuyên bán đồ ăn Hàn Quốc tại khu chung cư Sky Garden (quận 7, TP.HCM), nơi này thưa người Hàn Quốc qua lại kể từ khi có thông tin về dịch bệnh bùng phát ở quê hương của họ. Lượng khách tới quán ăn giảm nhiều nhưng bù lại lượng khách đặt hàng về nhà tăng đột biến.
“Mọi ngày hàng chục đến hàng trăm khách đến ăn trưa tại quán nhưng mấy ngày nay chỉ có vài người. Họ đặt đồ ăn giao tận nhà, nhờ đưa lên phòng nhiều hơn”, bà Mai nói.
Khu chung cư Sky Garden (quận 7, TP.HCM). Ảnh: Quang Huy.
Chị Eun Ji, một người dân Hàn Quốc đã cùng gia đình gắn bó với TP.HCM hơn 3 năm, cho biết tại quê nhà của chị, tình hình dịch bệnh lây lan nhanh khiến ai cũng căng thẳng. Nhưng tại TP.HCM và nhiều nơi ở Việt Nam, mọi việc vẫn diễn ra bình thường, nơi đây thực sự an toàn.
“Thời gian này các trường học đều đóng cửa vì dịch, tôi vẫn dắt các con đi dạo hàng ngày vì lo chúng nó ở trong nhà nhiều dễ mang bệnh hơn”, chị Eun Ji chia sẻ.
Cùng suy nghĩ trên, anh Park Seok (32 tuổi, chủ tiệm thời trang trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7) cho hay ngoài việc cửa hàng của anh vắng khách hơn thường lệ, cuộc sống của anh và người Hàn tại khu vực này không có quá nhiều xáo trộn.
Park Seok thông tin khu vực anh ở chủ yếu là những người đã tới đây sinh sống và làm việc từ lâu, anh chưa biết tới trường hợp nào mới sang ở thời điểm dịch bệnh bùng phát tại Hàn Quốc.
“Tôi nghĩ không có gì đáng lo ở đây, công tác y tế của Việt Nam khá kịp thời. Hơn nữa tôi biết virus corona sẽ khó tồn tại ở môi trường nóng như TP.HCM”, anh Park Seok nói.
Video đang HOT
Người Hàn Quốc tại TP.HCM không lo lắng với tình hình dịch bệnh. Ảnh: Quang Huy.
Nói về tình hình tại quê nhà, anh tỏ ra lo lắng cho cha mẹ mình và cho biết vẫn thường xuyên gọi điện để hỏi thăm gia đình, cập nhật diễn biến dịch bệnh qua các trang thông tin của Hàn Quốc.
“Cha mẹ tôi sống ở vùng núi, cách khá xa những nơi có dịch bệnh nhưng tôi vẫn thấy khá lo. Chúng tôi có trang web hiển thị nơi có người nhiễm bệnh theo bản đồ, mỗi sáng thức dậy thấy quê nhà mình chưa có chấm đỏ, tôi mới tạm yên lòng”, chủ tiệm người Hàn Quốc chia sẻ.
Trao đổi với Zing.vn, ông Đào Gia Vượng, Phó chủ tịch UBND quận 7, cho biết khi có thông tin về dịch Covid-19, ban quản trị các khu chung cư tại Phú Mỹ Hưng đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi tòa chung cư đều trang bị máy đo thân nhiệt, nước khử trùng cho người ra vào.
“Khu vực Phú Mỹ Hưng có nhiều người Hàn Quốc sinh sống, họ thực hiện khá tốt và có ý thức trong việc phòng, chống dịch. Đến nay, dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt tại khu vực trên và toàn quận”, ông Đào Gia Vượng cho hay.
Người Việt tại Hàn Quốc lo lắng
Gumi là một thành phố nông nghiệp nằm sát tâm dịch Daegu, trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát, không khí nơi đây càng thêm tĩnh mịch. Quốc Thái (26 tuổi, sinh viên năm 3) cho biết dù chưa phải tâm dịch, nhưng thành phố vừa phát hiện trường hợp thứ 7 dương tính với virus corona.
“Người dân bắt đầu mua đồ tích trữ để không phải ra khỏi nhà. Ngoài đường, mùi thuốc tẩy trùng, người đi vội vã khiến ai cũng cảm thấy không khí nặng nề bao trùm”, anh Thái nói về những điểm bất thường tại nơi mình đang sống.
Hàn Quốc phun thuốc tẩy trùng những nơi bệnh nhân nhiễm dịch Covis-19 đã tới. Ảnh: Yonhap.
Thái cho biết hàng ngày, anh cùng mọi người vẫn theo dõi thông tin dịch bệnh qua Internet. Những ngày gần đây, du học sinh tại thành phố ngày càng hoang mang khi số ca nhiễm bệnh, số người chết tăng nhanh nhưng số người được chữa khỏi vẫn không đổi.
“Nhiều công ty đóng cửa vì nguyên liệu từ Trung Quốc chưa thể nhập. Nhiều du học sinh về nước nghỉ Tết cũng chưa đặt vé quay lại”, du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc cho hay.
Các quầy bán mỳ đóng cửa trong một khu chợ truyền thống ở Daegu, Hàn Quốc ngày 21/2. Ảnh: AP.
Giới chức Hàn Quốc ngày 24/2 thông báo nước này vừa có thêm nhiều ca nhiễm virus corona mới, nâng tổng số người nhiễm trong nước lên 833. Với số lượng người nhiễm này, nơi đây thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.
Số ca nhiễm virus corona tại Hàn Quốc trong lần công bố trước vào chiều 23/2 là 602, khiến chính phủ nước này phải nâng mức cảnh báo lên cấp độ cao nhất. Dù các nỗ lực kiểm dịch đã được tăng cường, Hàn Quốc tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm gia tăng, với ít nhất 7 người đã tử vong vì virus corona chủng mới.
Hầu hết ca nhiễm tập trung tại thành phố Daegu lớn thứ tư đất nước này và tỉnh Bắc Gyeongsang lân cận. Ca tử vong thứ bảy là một người đàn ông 62 tuổi, người có liên hệ với một bệnh viện ở huyện Cheongdo, phía nam Hàn Quốc. Hơn 110 người, trong đó có 9 nhân viên y tế tại bệnh viện Daenam đã được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới.
Theo news.zing.vn
Đà Nẵng cách ly 80 người đến từ Daegu
80 hành khách từ TP Daegu (Hàn Quốc) đến Đà Nẵng được cách ly 14 ngày, giới chức y tế phát hiện một người bị sốt.
6h52 sáng 24/2, chuyến bay VJ871 xuất phát từ TP Daegu (Hàn Quốc) bay thẳng về Đà Nẵng. Trên tàu bay, ngoài phi hành đoàn có 22 khách Hàn Quốc và 58 người Việt Nam là du học sinh, người lao động về nước.
Đoàn xe đón 80 hành khách tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.
Theo kế hoạch, máy bay hạ cánh lúc 10h43, hành khách sẽ được về nhà hoặc đi du lịch. "Tuy nhiên để đảm bảo an toàn trong bối cảnh chống dịch, lúc 10h, Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu cách ly toàn bộ hành khách trong 14 ngày", ông Phạm Trúc Lâm (Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng) thông tin.
Do thời gian gấp gáp, các lực lượng chức năng đã áp dụng kế hoạch đón công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc trước đây, để đón đoàn khách từ Hàn Quốc. Hành khách Việt Nam được đưa vào cách ly tại Trung tâm huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Người Hàn Quốc vào cách ly ở Bệnh viện Phổi (quận Liên Chiểu).
Phi hành đoàn được thông báo trước nội dung trên để phối hợp. Máy bay đáp xuống ở khu vực riêng, thuận tiện cho việc di chuyển về các khu cách ly. Nhân viên y tế của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng đến hướng dẫn toàn bộ phi hành đoàn mặc quần áo bảo hộ, làm tờ khai y tế và đo thân nhiệt hành khách ngay trên máy bay.
"Trong lúc đo thân nhiệt, chúng tôi phát hiện một hành khách người Việt Nam bị sốt. Bệnh nhân sau đó lên xe cứu thương để về Bệnh viện Phổi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm", ông Lâm nói.
Vẻ mặt lo lắng của du học sinh, lao động từ Hàn Quốc trở về qua cửa kính ôtô. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ba xe ôtô khách vào sân bay, trong đó hai xe đón khách Việt Nam. Các tài xế cũng mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang. Phía ngoài sân bay, một số người thân biết tin người nhà về đã đến nghe ngóng thông tin. Họ được lực lượng quân đội giải thích và động viên ra về.
Hành khách không được di chuyển bằng đường ống, mà xuống cầu thang bộ để lên xe khách. Lúc 12h, xe dẫn đường đưa các đoàn khách về khu cách ly. "Quá trình làm tờ khai y tế, thông báo việc cách ly, tất cả hành khách Việt Nam và Hàn Quốc đều tỏ ra hợp tác vì họ hiểu được tình hình dịch bệnh", ông Lâm thông tin.
Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng cho biết thêm, đây là chuyến bay cuối cùng trong dịp này từ TP Daegu về Đà Nẵng. Máy bay VJ871, hệ thống cầu thang, hành lang và phương tiện chở đoàn 80 người được phun tiêu độc khử trùng để đảm bảo an toàn tối đa.
Lái xe, nhân viên y tế đều được trang bị đồ bảo hộ. Ảnh: Nguyễn Đông.
Cũng trong sáng nay, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tiếp nhận thêm 3 trường hợp là người dân địa phương được cách ly để theo dõi, do có yếu tố dịch tễ nghi vấn sau tiếp xúc với khách Trung Quốc, Hàn Quốc.
Hôm qua, Bệnh viện Phổi cũng tiếp nhận một bệnh nhân là người Việt Nam trở về từ Hàn Quốc; Bệnh viện Phụ sản - Nhi tiếp nhận một bệnh nhi 6 tuổi đến từ vùng dịch của tỉnh Vĩnh Phúc. Cộng dồn đến nay, Đà Nẵng đã theo dõi, cách ly cho 160 người, trong đó 155 người xuất viện. Thành phố chưa ghi nhận ca dương tính với virus corona.
Trong ngày 23/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng đã giám sát 42 tàu bay, 2 tàu biển với 3.144 người nhập cảnh. Trong đó 954 người phải khai báo y tế.
Đến sáng 24/2, Cục Hàng không chưa có quyết định dừng bay đến Hàn Quốc. Lãnh đạo Cục cho hay đang theo dõi diễn biến của dịch và của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch corona để có các biện pháp tiếp theo. Trong khi đó, Bộ Y tế đã quyết định bắt buộc khai báo y tế tại các cửa khẩu đối với các hành khách đến từ Hàn Quốc từ 15h chiều 23/2.
Truyền thông Hàn Quốc sáng 24/2 dẫn nguồn giới chức y tế ghi nhận thêm 161 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số người nhiễm lên 763 và trở thành ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới.
Đà Nẵng là địa phương thu hút nhiều khách du lịch Hàn Quốc, với khoảng 30 chuyến bay đến mỗi ngày. Trong năm 2019, khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng gần 1,8 triệu lượt, chiếm hơn 50% tổng lượng khách quốc tế đến thành phố này.
Nguyễn Đông
Theo vnexpress.net
"Cảm nhận bằng mắt" Bí quyết giúp các bậc cha mẹ Hàn Quốc nuôi dạy con thông minh, thành công xuất chúng Euny Hong - một nhà văn, nhà báo người Mỹ gốc Hàn đã có những chia sẻ về phương pháp nuôi dạy con đặc biệt của người Hàn Quốc. Dưới đây là chia sẻ của Euny Hong về phương pháp Nunchi: Khi còn nhỏ, một trong những từ đầu tiên tôi được học là "Nunchi" (phát âm là noon-chee), dịch theo nghĩa đen:...