Người Hàn ngày càng mất thiện cảm với Trung Quốc
Lee JH không mất một giây cân nhắc trước khi ký vào kiến nghị phản đối kế hoạch xây dựng phố người Hoa ở tỉnh Gangwon, phía đông Hàn Quốc.
Lee, người vẽ tranh minh họa 29 tuổi ở Bucheon, cách Seoul khoảng 20 km, mất niềm tin vào Trung Quốc sau nhiều tranh cãi liên quan tới việc quốc gia này tuyên bố quyền sỡ hữu với văn hóa Hàn Quốc và những lo ngại cái gọi là “Thị trấn Văn hóa Hàn – Trung”, đang được People’s Daily hỗ trợ xây dựng, sẽ kéo theo nguồn vốn từ Trung Quốc đổ vào quốc gia này.
Lee là một trong khoảng 500.000 người Hàn Quốc ký vào bản kiến nghị chính phủ từ chối kế hoạch thu hút khách du lịch, được lên kế hoạch từ năm 2017 với mục đích giới thiệu văn hóa Trung Quốc. Thông qua hệ thống kiến nghị trực tuyến do Nhà Xanh vận hành, chính phủ Hàn Quốc được yêu cầu đưa ra phản hồi cho bất kỳ kiến nghị nào thu hút từ 200.000 người ủng hộ.
“Chúng tôi từng phải đối mặt với Dự án Đông Bắc của Trung Quốc nhằm lấy đi lịch sử cổ đại của chúng tôi và gần đây, lịch sử của chúng tôi đã bị bóp méo trên các trang tìm kiếm của Trung Quốc”, Lee đề cập tới một sáng kiến gây tranh cãi của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc bị cáo buộc viết lại lịch sử, trong đó xem nhiều triều đại của Hàn Quốc là một phần của Trung Quốc.
Lính gác cung điện Deoksugung ở thủ đô Seoul hồi tháng 2/2020. Ảnh: Nikkei Asia.
Đối mặt làn sóng phản đối ngày càng tăng, chính quyền tỉnh Gangwon nhấn mạnh dự án nhằm xây dựng một điểm thu hút khách du lịch, chứ không phát triển khu cư dân Trung Quốc và không được hỗ trợ bằng công quỹ. Giới chức cũng bác bỏ tuyên bố dự án được xây dựng phía trên một địa điểm lịch sử, khi cho biết địa điểm thực tế của dự án nằm cách đó 20 km.
“Chúng tôi quyết định tham gia dự án với hy vọng nó mang lại lợi ích cho ngành du lịch và nền kinh tế nông nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi không phải nhà đầu tư dự án”, một người phát ngôn của chính quyền tỉnh Gangwon nói.
Quan điểm giống Lee ngày càng xuất hiện nhiều ở Hàn Quốc, nơi nhận thức của công chúng về Trung Quốc dần trở nên trái ngược với chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, vốn nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh ngay cả khi nước này phụ thuộc vào Washington về an ninh theo một liên minh được hình thành sau chiến tranh Triều Tiên.
“Nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nghĩ sẽ có cơ hội để tách Hàn Quốc khỏi Mỹ với các hành động gây hấn, ông ấy nhầm to rồi”, Yang Uk, cố vấn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và hiện là giảng viên tại Đại học Hannam, nói.
Video đang HOT
Yang dự đoán người Hàn Quốc sẽ ngày càng “ít khoan dung” hơn với Trung Quốc nếu nước này tiếp tục “tỏ ra ngạo mạn với các nước láng giềng”.
Gần 60% người Hàn Quốc xem Seoul và Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất, là đối thủ, theo khảo sát được Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago công bố tuần trước. Khảo sát cũng chỉ ra nhận thức của người Hàn về Trung Quốc ở mức trung bình 3,1 trên thang 10 điểm, giảm từ 4,8 năm 2019.
Một cuộc thăm dò khác gần đây cũng chỉ ra xu hướng “ghét Trung Quốc” gia tăng. Theo dữ liệu mà Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố tháng 10 năm ngoái, tỷ lệ người Hàn có thiện chí với Trung Quốc đã giảm từ 66% năm 2002 xuống 34% năm 2019 và 24% năm 2020, trong khi tỷ lệ người có ác cảm với Trung Quốc trong cùng giai đoạn tăng từ 31% lên lần lượt 63% và 75%. Khảo sát cũng chỉ ra tỷ lệ người Hàn không có niềm tin vào Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc xử lý các vấn đề quốc tế cũng tăng từ 74% năm 2019 lên 83% năm 2020.
Kết quả thăm dò của Pew cho thấy xu hướng ghét Trung Quốc đang tập trung vào giới trẻ Hàn Quốc. 82% người Hàn trong độ tuổi 30-49 có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc, trong khi nhóm 18-29 tuổi là 80% và nhóm trên 50 là 68%, theo dữ liệu khảo sát Pew tháng 10 năm ngoái.
Trong nhiều tháng qua, người Hàn Quốc tỏ ra phẫn nộ về một danh sách món ăn Hàn Quốc, trong đó có kimchi và súp samgyetang, được công cụ tìm kiếm Baidu xem là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Làn sóng bất bình bắt nguồn từ một bản tin của Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, về việc một sản phẩm bắp cải muối của nước này được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) công nhận. Global Times cho rằng chứng nhận ISO này là “tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kimchi do Trung Quốc dẫn đầu”.
Trong bối cảnh dân Hàn – Trung đấu khẩu về nguồn gốc của các món ăn, Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Hình Hải Minh hồi tháng 2 khẳng định cuộc tranh cãi này không đại diện cho dư luận chính thống và các bên “nên tăng cường tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Hàn Quốc”.
Tháng trước, đài truyền hình SBS cũng hủy chiếu bộ phim Joseon Exorcist (Pháp sư trừ tà Triều Tiên) sau hai tập đầu do vấp phản ứng dữ dội rằng bộ phim đã xuyên tạc lịch sử, bao gồm việc sử dụng văn phong và trang phục Trung Quốc.
Choo Jae-woo, giáo sư về chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Kyung Hee ở Seoul, cho biết giới trẻ Hàn Quốc đã lớn lên với các cuộc tranh cãi liên quan tới Trung Quốc, gồm “bụi vàng” và nhiều vấn đề ô nhiễm khác bắt nguồn từ đất nước này, cũng như vụ bạo lực liên quan tới sinh viên Trung Quốc nhằm chống lại các nhà hoạt động nhân quyền trong lễ rước đuốc Olympic 2008 ở Seoul, hay việc Bắc Kinh từ chối lên án Triều Tiên sau khi các nhà điều tra quốc tế cho rằng Bình Nhưỡng có trách nhiệm trong vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc năm 2010.
Những ký ức đó đang được bồi đắp thêm bằng tranh cãi về văn hóa cũng như việc mất niềm tin vào Bắc Kinh trong xử lý các vấn đề toàn cầu, gồm đại dịch Covid-19.
“Họ lớn lên trong môi trường xung quanh không thân thiện hay có cảm tình với Trung Quốc. Bản thân họ cũng chứng kiến nhiều điều tiêu cực hơn là tích cực về đất nước này kể từ khi sinh ra, như vấn đề bụi mịn”, Choo nói. “Mọi người coi Trung Quốc là kẻ bắt nạt”.
Lim Jin-hee, giáo sư tại Viện Quan hệ Hàn – Trung thuộc Đại học Wonkwang ở Iksan, cách Seoul khoảng 180 km về phía tây nam, cho rằng phương tiện truyền thông cũng góp phần làm suy giảm thiện cảm về Trung Quốc.
“Tin tức giật gân với cách tường thuật phiến diện và xuyên tạc cũng gây nên sự phẫn nộ và khinh miệt không cần thiết với Trung Quốc”, Lim nói.
Biểu tình kêu gọi chính phủ Hàn Quốc cấm du khách Trung Quốc tại thủ đô Seoul hồi tháng 1/2020. Ảnh: AP.
Làn sóng “chán ghét” của công chúng đối với Trung Quốc làm dấy lên nhiều hoài nghi về tính bền vững lâu dài của nỗ lực củng cố quan hệ với Bắc Kinh, sau thời gian lạnh nhạt vì Seoul quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ vào năm 2016.
Trong một cuộc khảo sát được báo Donga Ilbo thực hiện tháng trước, gần 53% người Hàn Quốc nói họ ủng hộ quốc gia tham gia vào nỗ lực chống Bắc Kinh của chính quyền Tổng thống Joe Biden, đặc biệt với nhóm ở độ tuổi 20, tỷ lệ này tăng lên 66%.
Tuy nhiên, cố vấn Bộ Quốc phòng Yang nói rằng Washington không thể mặc định rằng Seoul sẽ ủng hộ một liên minh an ninh chặt chẽ hơn nữa hoặc tham gia vào nỗ lực đối đầu Bắc Kinh. Ông chỉ ra Hàn Quốc đã nhận được rất ít ủng hộ từ đồng minh khi Trung Quốc khởi xướng cuộc tẩy chay không chính thức với ngành du lịch nước này để “trả đũa” quyết định triển khai THAAD.
“Mỹ cần giành thêm niềm tin từ người dân của chúng tôi”, ông nói.
Tuy nhiên, giáo sư Lim của Đại học Wonkwang nhận định quan hệ Hàn – Trung sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng bởi xu hướng chống Trung Quốc tại Hàn Quốc. “Dư luận là thứ có thể làm lung lay chính trị và kinh tế”, giáo sư Lim cảnh báo.
Bị phạt hơn 4.000 USD vì uống rượu say lái xe điện mini
Uống rượu say sau đó lái xe điện mini di chuyển trên đường, một người đàn ông Hàn Quốc đã bị tòa án yêu cầu nộp khoản tiền phạt 4.200 USD.
Cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ một người đàn ông 37 tuổi lái xe điện mini (e-scooter) trong tình trạng say xỉn. Vụ việc xảy ra ở quận Hongcheon thuộc tỉnh Gangwon của Hàn Quốc.
Ban đầu, người đàn ông còn có hành động chống lại người thi hành công vụ khi cự cãi với một sĩ quan cảnh sát và không chấp nhận kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở.
Trong phiên tòa diễn ra hôm 31/12/2020, Thẩm phán Cheong Moon-sik của Tòa án quận Chuncheon đã tuyên phạt bị cáo nộp phạt 5 triệu won (4.200 USD) vì hành vi vi phạm Luật Giao thông Đường bộ.
Cảnh sát Hàn Quốc kiểm tra một người điều khiển xe điện mini. (Ảnh: Yonhap)
Trước đó, phiên toà lần đầu tiên diễn ra hôm 15/7 với cáo buộc người đàn ông không chấp hành yêu cầu của cảnh sát về kiểm tra nồng độ cồn. Theo lời sĩ quan cảnh sát trực tiếp yêu cầu người đàn ông dừng lại để kiểm tra, khuôn mặt của người điều khiển xe điện ửng đỏ nghi do tác động từ rượu. Ngoài ra, chiếc xe điện di chuyển trong tình trạng lạng lách.
Lúc bị cảnh sát bắt lại, người đàn ông còn hét lớn, "Đây chỉ là xe đạp điện chứ có phải ô tô đâu? Đúng là chuyện đùa" và sau đó từ chối thổi nồng độ cồn.
Giải thích cho việc đưa ra hình phạt 4.200 USD đối với bị cáo, Thẩm phán Cheong cho hay, "Bị cáo đã tái phạm tội, bởi trước đó người này từng 2 lần bị bắt vì uống rượu rồi điểu khiển phương tiện giao thông. Sự việc trở nên tồi tệ hơn bởi ngoài hành vi uống rượu lái xe, người này còn cản trở những nỗ lực của sĩ quan cảnh sát trong việc đảm bao an toàn giao thông cho người dân".
Theo luật pháp Hàn Quốc, những người được phép sử dụng xe điện mimi là từ 13 tuổi trở lên và tốc độ di chuyển tối đa chỉ là 25 km/h.
Nhằm đối phó trước thực trạng ngày càng nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan tới xe điện, chính phủ Hàn Quốc đã cho sửa đổi luật để tăng tính răn đe và phạt nặng những trường hợp gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Điển hình như ở thành phố Guri của tỉnh Gyeonggi, kể từ tháng 9/2020, lực lượng chức năng địa phương đã tịch thu 380 chiếc xe điện đỗ sai quy định để đảm bảo an toàn giao thông công cộng, cũng như tránh để xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc.
Thủ tướng Australia dùng WeChat trấn an cộng đồng người Hoa Thủ tướng Morrison đăng thông điệp trên WeChat khẳng định vụ "hình ảnh giả mạo" sẽ không gây tổn hại đến tới cộng đồng người Hoa ở Australia. Trong một bài đăng trên WeChat tối 1/12, Thủ tướng Scott Morrison khẳng định những tranh cãi về ngoại giao liên quan đến việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên...