Người Hà Nội về quê ăn Tết có phải cách ly 21 ngày?
Nhiều người Hà Nội đang lo ngại về việc về quê ăn Tết sẽ phải cách ly 21 ngày để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Ngày 4/2, PGS. TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định hiện nay thì người đi từ vùng dịch về các địa phương sẽ phải cách ly tập trung 21 ngày.
Vùng dịch là nơi được cơ quan thẩm quyền xác định là có dịch và được phong toả chặt chẽ. Vì vậy, theo ông Phu, căn cứ vào tình hình dịch hiện nay thì chưa cấm việc người Hà Nội không nằm trong vùng dịch đi các nơi. Nghĩa là không phải cứ người ở Hà Nội đi về các địa phương là phải thực hiện biện pháp cách ly tế (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) trong 21 ngày.
(Ảnh minh hoạ)
Người Hà Nội hay bất kỳ địa phương nào về quê ăn Tết đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh bằng việc không đi lại những chỗ không cần thiết, có thể di chuyển bằng phương tiện xe riêng hoặc thuê xe là tốt nhất.
“Nếu đi bằng các phương tiện công cộng thì phải chấp hành theo quy định của đơn vị vận chuyển (nhà xe, hãng hàng không, bến tàu…) như ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn…”, ông Phu nói.
Vụ việc vừa qua cho thấy nguy cơ lây lan dịch bệnh ở Việt Nam rất lớn khi chúng ta vừa nới lỏng một số hoạt động… Do đó, để hạn chế nguy cơ lây lan và tăng hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, người dân cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của chính quyền.
Mỗi người cần có trách nhiệm hơn trong phòng chống dịch, tuân thủ khai báo y tế đầy đủ, thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế về thông điệp 5K: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”.
“Trong dịp Tết này nhu cầu đi lại của mọi người rất lớn nên cần đặc biệt tuân thủ các biện pháp phòng bệnh. Tôi nghĩ, trong lúc này chúng ta không nên tổ chức những việc không cần thiết như liên hoan tất niên, gặp gỡ tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt không cần thiết vì sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hy vọng, chúng ta sẽ khống chế được dịch để người dân đón Tết an lành” , ông Phu nói.
Theo quy định, việc cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 hiện bao gồm các hình thức sau:
Cách ly tại nhà, nơi cư trú theo quyết định 879.
Tại cơ sở cách y tế tập trung theo quyết định 878.
Tại khách sạn theo quyết định 1246.
Cách y y tế vùng có dịch theo quyết định 3986.
Cách ly y tế tại cơ sở khám chữa bệnh theo quyết định 151.
'Tôi vào khu cách ly, ăn tết cùng con'
"Tôi không lo điều kiện ăn ở của con có vấn đề, mà muốn vào để động viên, ăn Tết cùng cho cháu đỡ tủi thân", anh Hải nói khi quyết định cùng con trải qua 21 ngày cách ly ở trường.
Chị Hương (trú tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không quên được buổi tối "bão táp" mà cả nhà phải chuẩn bị đồ đạc cho con đi cách ly ngay trong đêm. Từ 6h chiều 30/1, khi Bộ Y tế công bố thêm danh sách các ca bệnh mới, tin nhắn trong nhóm lớp học của con chị liên tục đổ về. Các phụ huynh bày tỏ sự sốt ruột khi danh sách ca bệnh có tên một phụ huynh của lớp.
Cả buổi tối hôm đó, chị Hương cầm điện thoại không rời. Vợ chồng chị ngồi suốt mấy giờ trong tâm trạng bồn chồn, thấp thỏm, liên tục cập nhật thông tin từ nhóm chat của phụ huynh.
Đến 22h, điều mà anh chị không mong muốn nhất ập đến. Cô giáo thông báo Hà Nội ghi nhận thêm ca mới mắc Covid-19, là bạn học cùng lớp với con gái chị. 57 học sinh lớp 3E, trường Tiểu học Xuân Phương, vừa từ F2 trở thành F1. Chị Hương nhận được tin con mình phải đi cách ly tập trung ngay trong đêm.
"Con bé ôm chị nó rồi cả 2 khóc như mưa. Vợ chồng tôi lúc ấy cũng lo đến phát khóc, nhưng phải cố gắng bình tĩnh để chuẩn bị đồ đạc cho cháu", chị Hương kể.
Tiếp tế đồ chơi, truyện tranh cho trẻ trong khu cách ly
Trường tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) đang cách ly nhiều học sinh sau khi tiếp xúc với ca mắc Covid-19. Phải ở đây qua Tết, nhiều phụ huynh chuẩn bị bánh chưng, đồ chơi cho các em.
Cả nhà là F2
Sau khi nhận thông tin con phải cách ly ngay trong đêm, chị Hương nén nỗi lo, vội vàng đi chuẩn bị quần áo và một số vật dụng cá nhân cho con. Không thể mang đồ đạc quá cồng kềnh, chị tự nhủ sẽ tiếp tế đồ cho con những ngày tới.
Cả đêm đó, cả nhà chị không ai chợp mắt nổi. Chỉ trong vài giờ, con gái chị bỗng nhiên trở thành F1 và cả nhà là F2. Đủ thứ suy nghĩ hỗn độn xuất hiện lúc đó nhưng chị không dám nghĩ đến điều tồi tệ nhất.
Nhiều phụ huynh mang sách, truyện và đồ cá nhân vừa tiếp tế cho con mình đang cách ly ở trường Tiểu học Xuân Phương, vừa ủng hộ nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà.
Đến hôm sau, em gái chị Hương là giáo viên của trường Tiểu học Xuân Phương thông báo sẽ vào khu cách ly của trường. Dì sẽ vừa chăm cháu, vừa chăm sóc những bạn học sinh khác của lớp trong 21 ngày tới. Nỗi lo của chị Hương giảm còn một nửa.
"Đêm đầu tiên cách ly, cháu còn lạ lẫm nên khá lo lắng, khóc nhiều. Nhưng đến hôm nay, tâm lý ổn định hơn, lại thấy có cô giáo và các bạn cùng lớp nên cháu vui vẻ hơn nhiều, đã chơi đùa với các bạn và đọc sách, học tập theo hướng dẫn của các cô", chị Hương kể sau 2 ngày xa con.
Nhắc đến cái Tết đang cận kề trong khi con gái và em gái của chị chắc chắn ăn Tết trong khu cách ly, chị Hương nói rằng điều đó không còn quan trọng với chị nữa. Điều chị quan tâm nhất hiện tại là tình hình sức khỏe của con. Với chị, không gì sung sướng hơn khi được nhìn thấy kết quả xét nghiệm âm tính của hai dì cháu.
Phụ huynh xin cách ly cùng con
Cùng tâm tư với chị Hương, anh Hải (phụ huynh của học sinh lớp 3E) nhận được thông tin con phải đi cách ly trong khi đang làm việc ở xa. Mặc dù đã có vợ ở nhà quán xuyến mọi việc, anh vẫn trở về và quyết định sẽ vào khu cách ly cùng con.
Chiều 1/2, anh đến trước cổng khu cách ly, đề xuất với lực lượng chức năng được vào trong để cách ly 21 ngày cùng con. Hai vợ chồng anh mang theo một vali quần áo, vài đồ đạc cá nhân, thấp thỏm đứng bên ngoài chờ quyết định của đơn vị quản lý khu vực cách ly.
Anh Hải tạm biệt vợ, vào trong khu cách ly tập trung để chăm sóc con trai trong 21 ngày tới. Ảnh: Mỹ Hà .
Nhận được yêu cầu bất ngờ từ phụ huynh, bà Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Phương, giải thích rõ với anh Hải rằng ở trong khu cách ly, cô giáo và nhà trường đã đảm bảo chăm sóc sức khỏe, ăn uống và sinh hoạt hàng ngày cho các cháu một cách tốt nhất. Nếu phụ huynh có công việc cần giải quyết, có thể yên tâm trở về nhà và liên lạc hàng ngày với con qua điện thoại.
Nhưng lời giải thích của nhà trường không xoa dịu được nỗi lo lắng trong lòng anh. Sau vài phút cân nhắc, anh quyết định vẫn vào cách ly cùng con. "Tôi không lo điều kiện ăn ở của con có vấn đề, mà chủ yếu muốn vào để động viên con, ăn Tết cùng con cho cháu đỡ tủi thân", anh Hải giải thích về quyết định của mình.
Xách vali tiến về phía cổng trường của con, nay đã trở thành điểm cách ly tập trung, anh ngoái lại, hất tay ra hiệu cho vợ đi về. Hàng rào cách ly trở thành vật cản khiến gia đình anh chia cách, anh vào trong với con trai lớn, chị trở về nhà chăm sóc con nhỏ. Gia đình anh sẽ ăn Tết ở hai nơi, dù chỉ cách nhau vài trăm mét.
Điểm tiếp tế sách, đồ chơi
Chiều 1/2, sau hai ngày thực hiện việc cách ly cho các học sinh lớp 3E tại trường Tiểu học Xuân Phương, nhiều đoàn xe tiến về phía hàng rào trước cổng trường. Nhiều phụ huynh mang thêm truyện, đồ chơi theo mong muốn của các cháu.
Chia sẻ với Zing , anh Phí Thành Công (trú tại phường Xuân Phương) cho biết cháu của anh là một học sinh lớp 3E. Sau khi có thông báo cháu phải cách ly tập trung, em gái anh - mẹ của cháu - cũng theo vào khu cách ly để chăm sóc cho con.
"Mẹ cháu bảo công tác cách ly được phục vụ rất tốt, đồ ăn uống theo bữa và tráng miệng đầy đủ. Tâm lý cháu cũng thoải mái, chỉ đòi một số đồ chơi. Ở nhà, bố cháu phải chăm bà nội, nhà neo người nên tôi tranh thủ công việc, mang thêm đồ vào cho 2 mẹ con", anh Công chia sẻ.
Đoàn giáo viên trường Mầm non Yên Hòa tiếp tế bánh chưng cho các đồng nghiệp và học sinh lớp 3E, trường Tiểu học Xuân Phương. Ảnh: Duy Anh.
Bên cạnh những món đồ tiếp tế của phụ huynh, nhiều đoàn xe khác đến từ các trường trên địa bàn thành phố và những phụ huynh ở trường khác cũng mang theo một số vật phẩm, với mong muốn được chia sẻ với nhà trường.
Dẫn đầu đoàn của trường Mầm non Yên Hòa, bà Cao Thị Thơm, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết bà nghe thông tin về điểm cách ly của trường Tiểu học Xuân Phương trên báo. Bản thân là người làm giáo dục nên bà rất hiểu và thương các thầy cô, cũng như những học sinh đang phải thực hiện cách ly tập trung.
Với mong muốn bày tỏ tấm lòng của mình, bà cùng các giáo viên của trường Mầm non Yên Hòa đã đặt và mang 72 chiếc bánh chưng đến điểm tiếp tế của khu cách ly. Những chiếc bánh này sẽ được chuyển thẳng vào trong để cô trò có thể sử dụng.
"Cùng làm trong ngành nên hơn ai hết, chúng tôi hiểu được những khó khăn của nhà trường và các cháu lúc này. Chúng tôi mong muốn góp chút tấm lòng để động viên nhà trường trong đợt dịch bệnh này", bà Thơm nói trong xúc động.
Cũng trong buổi chiều hôm qua, nhiều đoàn xe tương tự đã tiến vào điểm tiếp nhận để trao tặng nhà trường những thùng sách, truyện và đồ chơi cho các cháu. Những món đồ không được trao nhận trực tiếp, nhưng các đoàn tiếp tế đều vui vẻ, vì họ biết rằng món đồ mình gửi đi sẽ giúp những ngày cách ly sắp tới của các con trôi qua nhanh hơn.
Tối 30/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông báo thành phố ghi nhận thêm một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đó là N.Đ.N.K., nam, 9 tuổi, học sinh trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Bệnh nhi này là con trai của ông N.Q.M. (nam, 41 tuổi, trú tại Xuân Phương, Nam Từ Liêm), người được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 vào tối 30/1. Đây là trường hợp tiếp xúc gần với nguồn lây virus khi đi dự đám cưới ở Hải Dương. Gia đình bệnh nhân này có 7 người, gồm bố mẹ, vợ, em vợ và 2 con. Đến nay, 6 người trong số này đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Trong đêm 30/1, trường Tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) trở thành khu cách ly tập trung sau khi cơ quan chức năng xác định nhiều học sinh, giáo viên ở đây tiếp xúc với người mắc Covid-19. Các học sinh, phụ huynh và giáo viên trường Xuân Phương cùng thân nhân của K. trở thành F1, phải cách ly tập trung.
Hiện tại, trường Tiểu học Xuân Phương là nơi cách ly của 57 học sinh, 11 giáo viên, 47 phụ huynh theo trông con. Thời gian cách ly từ 30/1 đến hết 20/2.
Lo ngại dịch COVID-19, người dân ùn ùn rời TPHCM về quê ăn Tết Dù còn gần một tuần nữa mới đến ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhưng do lo sợ dịch bệnh COVID-19, những ngày qua, hàng chục nghìn người đã ồ ạt đến các bến xe ở TPHCM để về quê ăn Tết. Ghi nhận của phóng viên, từ ngày 1/2, sau khi các trường đại học cho sinh viên nghỉ sớm...