Người Hà Nội thu nhập bình quân 50 triệu đồng
Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, thu nhập của người dân thủ đô tăng từ 1.697 USD năm 2008 lên 2.257 USD năm 2012.
Chiều 16/7, trao đổi với báo chí, ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết, UBND thành phố đã hoàn tất báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội.
Theo đó, sau 5 năm kinh tế thủ đô luôn duy trì tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân đạt 9,45% mỗi năm. Nhờ vậy, bình quân thu nhập đầu người là 2.257 USD vào năm 2012, tăng 1,3 lần so với con số 1.697 USD vào năm 2008.
Ngân hàng, thông tin truyền thông, thương mại, du lịch… là các ngành kinh tế mũi nhọn có mức tăng trưởng cao. Số khách du lịch đến Hà Nội tăng hàng năm 6,3%. Hà Nội vẫn khẳng định được vai trò đóng góp cho nền kinh tế đất nước với mức 10% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu, 13% giá trị sản xuất công nghiệp và 23% tổng vốn đầu tư xã hội. Kinh tế thủ đô giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển kinh tế phía Bắc.
Số du khách đến Hà Nội vẫn tăng hơn 6% mỗi năm. Ảnh: Hoàng Hà.
Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh với việc xây dựng thêm 370 dự án trung tâm thương mại, siêu thị lớn, văn phòng cao cấp, khách sạn, nhà ở, với 520.000 căn hộ, tương đương 82 triệu m2 sàn. Nhiều khu nhà ở xã hội được xây dựng đáp ứng nhu cầu cho người khó khăn về nhà, cho công nhân, sinh viên.
Video đang HOT
Hạ tầng cho khu vực nông thôn cũng có bước phát triển nhanh, các phòng học tạm, phòng học cấp 4 đã được xóa triệt để, 100% các xã có điện lưới, 86% dân cư dùng nước hợp vệ sinh…
Tuy nhiên, ông Quý cũng cho biết, Hà Nội vẫn tồn tại nhiều vấn đề hạn chế sau 5 năm sáp nhập. Đó là kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa xứng với tiềm năng, đầu tư công dàn trải, triển khai các dự án chậm, có tình trạng cung vượt quá cầu trong các dự án bất động sản.
Công tác quản lý đất đai cũng có hạn chế, Hà Nội đã rà soát 642 đồ án, kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai 329 đồ án phù hợp với quy hoạch Hà Nội mở rộng và đề xuất cho dừng, giãn và hoãn, chuyển đổi mục đích với các dự án không phù hợp quy hoạch.
Nhân tổng kết 5 năm mở rộng địa giới hành chính, trong tháng 7, Hà Nội sẽ có nhiều hoạt động như triển lãm các thành tựu đạt được, hội thảo đánh giá các lĩnh vực kinh tế, xã hội…
Theo VNE
Giám đốc Sở Lao động Hà Nội: 'Tôi sẽ cố gắng hơn'
"Ý kiến qua các lá phiếu tín nhiệm phản ánh đúng. Bản thân tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa", ông Nguyễn Đình Đức (Giám đốc Sở Lao động Hà Nội), người có số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất chia sẻ với báo chí.
Trao đổi với báo chí chiều 4/7, ông Đức cho rằng, kết quả tín nhiệm đã "phản ánh đúng". Theo ông, tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay khiến cử tri, người dân chưa thỏa mãn và đòi hỏi cá nhân ông cũng như ngành lao động, thương binh, xã hội cần phải làm nhiều hơn.
"Với vai trò là ủy viên UBND thành phố, tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa, tham mưu nhiều giải pháp để giải quyết việc làm, đào tạo nghề, củng cố nâng cao đời sống an sinh xã hội, nhất là những đối tượng ngành đang quản lý như xóa nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng bảo trợ xã hội", ông Đức nhìn nhận.
Ông Nguyễn Đình Đức trả lời báo chí sau cuộc họp chiều nay. Ảnh: Nguyễn Hưng
Theo kết quả kiểm phiếu được công bố, ông Nguyễn Đình Đức là người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất với 23 trên tổng số 93 phiếu, kế tiếp là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ngô Văn Quý với 22 phiếu tín nhiệm thấp.
Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam, người không có phiếu tín nhiệm thấp nào, cũng cho rằng, kết quả phiếu tín nhiệm phản ánh đúng tình hình của Hà Nội. Thành phố sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008 có nhiều bộn bề và lãnh đạo UBND thành phố cần sự chia sẻ. Dù khối HĐND nhận ít phiếu tín nhiệm thấp hơn song theo ông Nam, kết quả cho thấy các đại biểu vẫn đòi hỏi các ban của HĐND phải đổi mới hơn.
Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: Nguyễn Hưng
"Cá nhân tôi không bị sức ép gì khi bỏ phiếu và tôi cũng nghĩ các đại biểu khác cũng như vậy", vị đại biểu thường xuyên có những phát biểu, câu hỏi chất vấn sắc sảo ở HĐND chia sẻ.
Đánh giá về 2 lãnh đạo Sở Kế hoạch đầu tư và Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Nam cho rằng, có thể vừa rồi chỉ số CPI của thành phố bị đánh tụt nên tác động đến suy nghĩ của đại biểu. "Tất nhiên đồng chí đó mới nhận chức song là sở tham mưu của thành phố nên bị ảnh hưởng. Và trong tình hình khó khăn, liên quan đến giải quyết việc làm, các chính sách an sinh thì có khó khăn nhất định nên các đại biểu yêu cao hơn, là lời nhắc nhở các đồng chí cố gắng hơn", ông nói.
Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh thì khẳng định, kết quả tín nhiệm là cơ sở đánh giá cán bộ để sắp xếp, phân công cán bộ. Trước đánh giá tín nhiệm thấp nghiêng về các chức chức danh ở lĩnh vực nóng, va chạm nhiều bà cho rằng, kết quả này chỉ phản ánh một phần chứ không phải tất cả. "Tôi nghĩ các đồng chí ở UBND thành phố đã hết sức cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Còn kết quả thực hiện đến đâu, ghi nhận tới đâu thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố", bà nói.
Qua lần lấy phiếu đầu tiên này, nữ Chủ tịch HĐND cho rằng, Quốc hội cần có điều chỉnh, bổ sung bởi đây sẽ là hoạt động thường xuyên của HĐND các cấp. Theo đó, cần có hướng dẫn cụ thể hơn của trung ương trong nội dung báo cáo của các chức danh. "18 báo cáo của Hà Nội không có sự thống nhất mà mỗi người theo cách hiểu của mình. Một số báo cáo có đề xuất phương hướng khắc phục nhưng có báo cáo không nêu", bà Thanh cho hay.
Riêng về đối tượng lấy phiếu, các đại biểu Hà Nội cũng phân ra 2 loại ý kiến. Có ý kiến cho rằng nên mở rộng thành phần đến nhóm đối tượng khác là giám đốc các sở, thủ trưởng ngành thuộc UBND. Loại ý kiến còn lại đề nghị thu hẹp, không lấy phiếu tín nhiệm chức danh trưởng ban HĐND.
Là người đứng đầu UBND Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo gửi lời cảm ơn vì sự tín nhiệm của đại biểu HĐND với bản thân ông và các thành viên của UBND thành phố. Theo ông, trên cơ sở phiếu tín nhiệm, các cá nhân UBND thành phố sẽ tự xem xét bản thân và công tác quản lý điều hành trong thời gian qua để đáp ứng mong muốn của đại biểu và của cử tri.
Theo VNE
Giám đốc Sở Lao động Hà Nội có tín nhiệm thấp nhất Ông Nguyễn Đình Đức - Giám đốc Sở Lao động và ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Đầu tư nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất. Còn Chủ tịch HĐND và Giám đốc Công an thành phố nhận được nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất. Nhấn vào ảnh để xem số phiếu tín nhiệm của từng chức danh. Chiều 4/7, 93%...