Người Hà Nội ‘nhường cơm, sẻ áo’ với người nghèo đô thị trong mùa dịch Covid-19
“Ai cần cứ đến lấy, nếu khó khăn, hãy lấy 1 gói mỗi ngày” là thông điệp san sẻ yêu thương với người nghèo đô thị trong mùa dịch Covid-19 đang lan tỏa tại Hà Nội.
Chương trình chia sẻ thực phẩm hàng ngày với người nghèo đô thị ở Hà Nội kéo dài đến 15.4 Ảnh: Mạnh Dũng
Chiều 3.4 Hà Nội mưa nặng hạt, nhưng vẫn có nhiều người nghèo đội mưa đến nhận những phần quà của chương trình “Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua Covid-19″ tại số 63 – 54 Hàm Long, quận Hoàn Kiếm.
Chị Nguyễn Thúy Hòa, quê Phú Xuyên (Hà Nội) bán rau ở chợ Trại Găng (quận Hai Bà Trưng) khi đi ngang qua phố Hàm Long, tình cờ ngang nhìn thấy tấm băng rôn “Điểm tặng thực phẩm hàng ngày”, sau một hồi nấn ná, chị rẽ vào xin một gói.
Chị Hòa bộc bạch: “Mấy ngày hôm nay, người dân ở nhà tránh dịch Covid-19, chợ búa ế ẩm, tôi đưa rau vào phố bán cho người quen. Dịch bệnh thế này giờ muốn về quê cũng không dám về. Còn chút tiền phòng thân, tôi phải tiết kiệm nhỡ mai mốt dịch căng thẳng thì không biết sống sao. Thế nên một miếng khi đói bằng 1 gói khi no, suất quà của các nhà hảo tâm khiến chúng tôi ấm lòng hơn trong lúc khó khăn”.
Người nghèo đội mưa đến nhận quà Ảnh: T.Hằng
Ông Nguyễn Phúc Thành (quê Yên Bái), nhân viên bảo vệ một quán cafe ở đường Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm được một người đồng nghiệp chia sẻ thông tin về chương trình cũng đã đến nhận túi quà gồm: mì tôm, trứng, xúc xích…
Ông Thành kể: “Lương của tôi trước đây 4 triệu/tháng. Khi dịch bệnh, quán vắng khách, lương giảm xuống 3 triệu. Mọi khi buổi trưa, quán còn lo cho mình bữa ăn. Từ 1.4, quán đóng cửa, giữ 1 bảo vệ trực quán, coi như mình nhịn bữa trưa. Tôi thật sự biết ơn tấm lòng của những người đã “nhường cơm sẻ áo” cho người nghèo chúng tôi”.
Là một chủ doanh nghiệp ở Hà Nội, cũng gặp không ít khó khăn bởi dịch Covid-19, nhưng nghĩ đến những người nghèo ở đô thị còn khó khăn hơn mình rất nhiều, anh Nguyễn Phan Huy Khôi đã nảy ra ý tưởng khởi xướng chương trình “Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua Covid-19″.
Anh Nguyễn Phan Huy Khôi, người khởi xướng chương trình “Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19″ Ảnh T.Hằng
Anh Khôi bộc bạch: “Trước đây, vợ chồng tôi cũng hay tham gia các hoạt động từ thiện xã hội tại vùng sâu, vùng xa. Đợt dịch Covid-19 này làm mình cảm nhận rõ và nhận ra trong bao nhiêu năm làm từ thiện xã hội, có một đối tượng mà mình quên mất, đó là người nghèo ở đô thị. Họ sống cùng chúng ta trong đô thị, nên chúng ta thường quên nghĩ đến họ như những người cần giúp đỡ”.
Theo anh Khôi, người nghèo đô thị có mấy nhóm, có nhóm từ nông thôn di dân vào thành phố để lao động chân tay, có nhóm thị dân lao động, có nhóm lang thang vô gia cư… Nhiều người còn nghèo hơn, khó sống hơn cả người nghèo ở nông thôn, làng bản. Họ dễ sống nhất, nhưng cũng mong manh nhất, dễ tổn thương nhất, và dễ bị lãng quên nhất.
“Dịch bệnh xảy ra, những người về được với ruộng vườn thì đã về rồi, còn có những người không thể về, không có chỗ về, họ đang và sẽ sống thế nào nếu dịch dã cứ kéo dài mãi thế”, anh Khôi trăn trở.
Mỗi phần quà bao gồm mỳ tôm, trứng, xúc xích Ảnh T.Hằng
Nhận thấy đây là hoạt động có ý nghĩa và cần phải làm ngay trong những ngày cách ly xã hội, khi chia sẻ ý tưởng này với bạn bè trên Facebook, anh Khôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Người góp 1.000 quả trứng, người góp 1.000 gói mì, người góp tiền, góp gạo, góp khẩu trang…Riêng vợ chồng anh Khôi ủng hộ chương trình 100 triệu đồng và 393 kg gạo.
Trước mắt, mỗi phần quà trị giá 20.000 đồng, sẽ được chia theo set cho 1 người ăn: gồm 2 gói mì tôm, 2 quả trứng gà, 2 thanh xúc xích. “Tới đây, mình cũng sẽ điều chỉnh thêm các suất có thể gia giảm hoặc tăng thêm các nhu yếu phẩm khác như gạo, khẩu trang… Ai cần có thể ghé qua lấy tự nhiên, mỗi người một gói đủ dùng trong ngày. Chương trình sẽ kéo dài hết mùa dịch, bọn mình đã chuẩn bị nguồn thực phẩm thoải mái, không sợ hết, không sợ thiếu. Mọi người chỉ cần không tụ tập đông, nhớ đeo khẩu trang và đứng cách nhau 2 m”, anh Khôi nói.
Theo anh Khôi, việc triển khai hoạt động này không khó, có rất nhiều người ủng hộ và nhiều người cần. Cái khó ở đây, trong bối cảnh dịch mình phải làm thế nào vừa đảm bảo tổ chức hoạt động tặng quà, vừa đảm bảo yếu tố an toàn phòng dịch.
Anh Khôi chia sẻ: “Mình muốn liên hệ với chính quyền địa phương lựa chọn các địa điểm, cách thức hiệu quả để đưa những phần quà đến trực tiếp cho những người có nhu cầu. Mọi người đến nhận quà phải giữ khoảng cách an toàn 2 m, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa nước rửa tay sát khuẩn”.
Hàng ngày người nghèo có thể đến các điểm tặng quà để nhận thực phẩm đủ dùng trong ngày Ảnh: T.Hằng
Về địa điểm, anh dự kiến tổ chức 10 điểm tặng thực phẩm hàng ngày cho người có nhu cầu tại Hà Nội từ ngày 3 – 15.4. Trước mắt, sẽ thực hiện tại 65 Hàm Long và ký túc xá Mễ Trì, đường Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân, đường Lê Văn Lương…
Không chỉ là những món quà chia sẻ khó khăn với người nghèo đô thị. Thông qua chương trình, anh Khôi còn muốn gửi đi thông điệp hãy san sẻ yêu thương với người nghèo, chung tay chiến thắng dịch bệnh Covid-19.
Thu Hằng
Phố cổ Hà Nội tĩnh mịch lạ thường trong những ngày chống dịch Covid-19
Khác với hình ảnh ồn ào, tấp nập xe cộ, hàng quán chật kín khách qua lại, phố cổ Hà Nội những ngày qua trở nên yên ắng, tĩnh mịch lạ thường trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
20h phố cổ Hà Nội tĩnh mịch như 2h đêm, chuyện chỉ có trong thời Covid-19
"Đây đúng là cảnh tượng chưa từng thấy, mới 8 giờ tối mà như 2,3 giờ đêm!", ông Phạm Văn Tú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thốt lên như vậy khi chứng kiến cảnh những tuyến đường, ngõ phố xung quanh Hồ Gươm vốn tấp nập, nhộn nhịp nay lại im ắng lạ thường vì dịch Covid-19.
Ông Tú giữ thói quen đi dạo quanh Hồ Gươm để tập thể dục nhiều năm nay. Mọi khi, ông bắt gặp hàng chục người cao tuổi cũng đến đây đi bộ, hít thở không khí, nhưng nay thì "ôi, mới hiếm hoi làm sao".
"Khách du lịch hay các bạn trẻ cũng không lui tới đây nữa, vắng như chùa Bà Đanh. Nhà tôi ra đây vốn phải đi qua phố Tạ Hiện lúc nào cũng đông nghịt thế mà 2, 3 hôm nay đóng cửa kín hết cả. Hàng ăn, cà phê... đến cửa hàng quần áo cũng đóng từ sớm. Mọi người chấp hành rất nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", ông Tú chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân trí vào lúc 20h tối 26/3, hầu hết các cơ sở kinh doanh tại quận Hoàn Kiếm đã đóng cửa. Các tuyến đường vốn đông đúc khách du lịch, tấp nập buôn bán nay yên ắng, vắng vẻ.
Số ít người dân đang di chuyển trên dường dừng lại ghi lại những bức hình phố cổ vắng lạ thường.
Từ tối 25/3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã ra lệnh đóng cửa tất cả hàng quán trên địa bàn đến ngày 5/4, trừ hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Khu vực phố Tạ Hiện vắng vẻ mặc dù trước kia luôn là tụ điểm tập trung đông người
Lực lượng chức năng đi tuần tra khắp các tuyến phố trên địa bàn quận, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân.
Đường phố và các khu vực công cộng rất ít người qua lại sau khi có ca nhiễm virus Covid-19 liên tục tăng trong những ngày qua.
Trước tượng đài Lý Thái Tổ là một địa điểm vui chơi, giải trí của nhiều bạn trẻ mỗi buổi tối, thế nhưng giờ đây chỉ lác đác vài người đi bộ tập thể dục.
20h30 tại Nhà thờ lớn khung cảnh đìu hiu, vắng lặng. Những quán trà chanh nhà thờ - địa chỉ quen thuộc của giới trẻ Hà thành đều đã đóng cửa.
Nhà hát lớn không còn những nhóm bạn trẻ tụ tập như trước đây, thay vào đó là cảnh tượng vắng lặng không một bóng người.
Toàn Vũ
BV Nhi T.Ư phát hiện người mắc Covid-19 đi Hà Giang, Huế, Quảng Nam Một cô gái người Đan Mạch xét nghiệm ở Bệnh viện Nhi T.Ư được xác định dương tính với SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19). Bệnh nhân này đã đến Hà Giang, Huế, Quảng Nam. Trong khi chờ xét nghiệm, bệnh nhân có ngồi đợi ở cửa hàng Circle K Chùa Láng. Ông Võ Nguyên Phong - Chủ tịch UBND quận Đống Đa (Hà Nội)...