Người Hà Nội kém hào phóng hơn người Sài Gòn?
“Tính hào phóng của người Nam Bộ, người Bắc không thể sánh bằng”, Nhà nghiên cứu về Hà Nội Giang Quân nhận xét .
LTS: Như thông tin Khampha.vn đưa, nghiên cứu “Đóng góp từ thiện tại Việt Nam” do Trung tâm nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương ở Hà Nội thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Châu Á cho thấy, tại thời điểm khảo sát, ở Hà Nội có 8% doanh nghiệp đang tham gia ít nhất vào một hoạt động từ thiện, trong khi ở TP.HCM lên tới 66%. Trung bình mỗi năm các doanh nghiệp ở TP.HCM đóng góp cho hoạt đông từ thiện số tiền nhiều hơn khoảng 8 – 9 lần so với doanh nghiệp ở Hà Nội.
Có nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ có sự chênh lệch trên bởi người Hà Nội kém hào phóng hơn Sài Gòn. Lý giải vấn đề này, PV có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Giang Quân với 30 đầu sách về Hà Nội, Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011.
Người Sài Gòn chia sẻ với người nghèo đang hằng ngày vật lộn với bộn bề lo toan
Có ý kiến cho rằng, người Sài Gòn làm từ thiện gấp 10 lần Hà Nội bởi người Nam Bộ có tinh thần hào hiệp hơn, ông nghĩ sao?
Có thể người Sài Gòn hào hiệp hơn, nhưng tôi nghĩ trường hợp này không nên so sánh bởi người Hà Nội làm từ thiện âm thầm, không nói ra nên không ai biết để thống kê. Theo tôi, đây cũng là một phần đặc trưng tính cách người Hà Nội. Họ luôn sâu lắng, kín đáo.
Trong khi đó có thể doanh nghiệp ở Sài Gòn cũng làm từ thiện, nhưng họ muốn quảng bá thương hiệu. Rõ ràng, con số trên không phản ánh bản chất vấn đề, tạo ra suy nghĩ không đúng đắn.
Ông vừa nhắc đến đặc trưng tính cách của người Hà Nội, ông có thể nói cụ thể hơn?
Hà Nội là Thủ đô – nơi hội tụ tinh hoa trăm phương. Những người dân từ khắp nơi đổ về Hà Nội đều mang theo văn hóa địa phương. Trong đó, có nét tinh hoa được người Hà Nội sàng lọc, tiếp thu, nhân rộng thành bản chất.
Có thể nói, qua hàng nghìn năm tích tụ tinh hoa đã tạo nên nét thanh lịch – đặc trưng riêng của người Hà Nội. Lời ăn, tiếng nói sinh hoạt của người Hà Nội luôn thanh tao, kín đáo giàu không ai biết, nghèo không ai hay. Vì thế, người Hà Nội có chiều sâu hơn những nơi khác.
Tôi nhớ có lần tôi chứng kiến một gia đình Hà Nội sang hàng xóm vay gạo về ăn. Nhưng gia đình nhà này mang cái tráp đựng trầu đi vay gạo, như thể biếu nhau một cài gì đó. Họ giấu kín không cho người ngoài biết thực tế của họ.
Người Sài Gòn thì sao, thưa ông?
Người Nam Bộ đi khai phá vùng đất mới, luôn phải chống chọi với gian khổ nên họ thương yêu đùm bọc gắn bó nhau. Khi kiếm được đồng tiền, họ coi đó là sức lao động của mọi người nên sẵn sàng san sẻ.
Video đang HOT
Theo tôi, cuộc sống của người đi khai hoang cũng tạo nên tính phóng khoáng, không cần biết ngày mai. Hôm nay kiếm được ăn hết, ngày mai lại làm lại ăn. Tính hào phóng của người Nam Bộ, người Bắc không thể sánh bằng.
Nhà nghiên cứu Giang Quân
Tại sao người Hà Nội có vẻ như kém hào phóng hơn Sài Gòn?
Vì cuộc sống ngoài miền Bắc kham khổ. Trong lịch sử, miền Bắc luôn bị các thế lực xâm lược nên tính chịu đựng người Bắc hơn hẳn miền Nam (ít phải hứng chịu hơn).
Về điều kiện kinh tế, cánh đồng miền Nam phì nhiêu do thiên nhiên ưu đãi, còn miền Bắc khắc nghiệt, một năm hàng chục trận bão. Vì thế, người miền Bắc tiết kiệm hơn, miền Nam có điều kiện ăn tiêu rộng rãi hơn.
Hiện nay, mức lương nhân viên trong miền Nam cao hơn miền Bắc, giá cả sinh hoạt trong miền Nam cũng đắt đỏ hơn. Nhìn chung, sự chi tiêu của miền Nam lớn hơn miền Bắc. Trở lại vấn đề từ thiện vừa nói ở trên, doanh nghiệp ở TP.HCM đóng góp cho hoạt đông từ thiện số tiền nhiều hơn khoảng 8 – 9 lần so với doanh nghiệp ở Hà Nội cũng không nằm ngoài quy luật này.
Thưa ông, dường như trong suy nghĩ mỗi người Việt, khi nhắc đến tính cách người Hà Nội thường có sự so sánh với Sài Gòn và ngược lại. Vậy, tại sao người ta hay có thói quen như vậy?
Sự so sánh giữa hai miền cũng là chuyện thường, bởi mỗi miền có một đặc trưng rất riêng tưởng như đối lập nhau. Tuy nhiên, đó không phải sự đối lập mà là hỗ trợ, bổ sung cho nhau.
Ví dụ, khi nhắc đến sự phóng khoáng, mạnh bạo dám nghĩ dám làm của người miền Nam, người ta cũng nghĩ đến người miền Bắc vốn thận trọng, điềm tĩnh. Đây không phải là đối lập mà tác động tích cực đến nhau.
Hiện nay, người dân thường truyền nhau khái niệm “người Hà Nội gốc”, ông nghĩ sao về điều này?
Người đến ở Hà Nội sinh sống, một, hai đời sẽ trở thành người Hà Nội gốc. Con người ta khi chuyển đến một vùng đất mới đều phải “nhập gia tùy tục” theo nếp sống ở nơi ấy.
Nhưng đừng nóng vội bắt họ theo ngay, phải có thời gian để “thấm” nét thanh lịch của Hà Nội. Đừng vội trách người nông thôn đến làm Hà Nội xô bồ…
Tôi ở đây 70 năm đến đời thứ 4 rồi nhưng vẫn chưa dám nhận mình là người Hà Nội gốc. Tôi là công dân Hà Nội mang tính cách người Hà Nội.
70 năm ở Hà Nội, điều gì làm ông yêu Hà Nội để cho ra đời gần 30 cuốn sách nghiên cứu về Hà Nội?
Đó là con người Hà Nội thanh lịch, giao tiếp ứng xử với nhau đôn hậu. Cuộc sống ở đây cũng trầm lặng, hợp với tôi, khác hẳn Sài Gòn ầm ĩ, náo động.
Đặc biệt, cảnh vật ở đây như góc phố cổ, ngõ nhỏ ngoẳn ngoèo, những căn nhà ống 40 – 50 thước sâu vào trong… tất cả in sâu vào tâm hồn tôi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo khampha
Người Sài Gòn làm từ thiện gấp 10 lần HN?
"Tôi có cảm nhận rằng, người Nam hào hiệp hơn, bởi lịch sử văn hóa dân di cư, người cũ thường giúp người mới đến khó khăn", GS.TS Nguyễn Đình Cử phân tích.
Như thông tin Khampha.vn đưa, nghiên cứu "Đóng góp từ thiện tại Việt Nam" do Trung tâm nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương ở Hà Nội thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Châu Á gần đây cho thấy tại thời điểm khảo sát, ở Hà Nội có 8% doanh nghiệp đang tham gia ít nhất vào một hoạt động từ thiện, trong khi ở TP.HCM lên tới 66%. Trung bình mỗi năm các doanh nghiệp ở TP.HCM đóng góp cho hoạt đông từ thiện số tiền nhiều hơn khoảng 8 - 9 lần so với các doanh nghiệp ở Hà Nội.
Người ở SG thoáng hơn
TS. Đặng Nguyên Anh trưởng nhóm nghiêm cứu cho rằng, cần nhìn góc độ làm từ thiện của doanh nghiệp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ thị trường. Bản chất thị trường TP. Hồ Chí Minh "động và mở" hơn Hà Nội. Doanh nghiệp muốn quảng bá hình ảnh, được nhiều người dân biết đến nên làm từ thiện nhiều hơn.
"Ở Miền Nam, doanh nghiệp thoải mái và cởi mở hơn so với miền Bắc. Họ cho rằng, cần phải làm từ thiện mới đem lại hình ảnh đẹp cho doanh nghiệp, thể hiện trách nhiệm xã hội", ông Đặng Nguyên Anh nói.
Theo ông Anh, ở Hà Nội, cơ chế xin cho mạnh nên doanh nghiệp có làm từ thiện cũng không quyết định đến sự thành công, bởi còn phụ thuộc nhiều vấn đề khác.
"Tôi không hiểu tại sao, nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội rất ngại công bố việc làm từ thiện. Một phần họ không muốn khai báo do lo bị đóng thuế, bị hỏi han... Do vậy số tiền và tỷ lệ từ thiện thấp", ông Anh lý giải.
Những suất cơm từ thiện được phát đến tận tay người dân
Ông Anh không đồng tình quan điểm, sự khác nhau về văn hóa hai miền dẫn đến khác nhau trong cách làm từ thiện. Bởi di cư làm văn hóa hai miền khá hòa hợp, trong TP. Hồ Chí Minh rất nhiều người Hà Nội vào làm ăn. Sự khác nhau này ở vấn đề thị trường và cơ chế.
GS.TS Nguyễn Đình Cử (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) tỏ ra nghi ngờ con số thống kê trung bình các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đóng góp cho hoạt đông từ thiện số tiền nhiều hơn khoảng 8 - 9 lần so với Hà Nội. Theo ông Cử, con số chênh lệch quá cao. Tuy nhiên, ông Cử không tỏ ra bất ngờ trước thông tin doanh nghiệp Hà Nội làm từ thiện ít hơn Sài Gòn.
"Tôi có cảm nhận rằng, người Nam hào hiệp hơn, bởi lịch sử văn hóa dân di cư, người cũ thường giúp người mới đến khó khăn".
Ngoài ra, GS Nguyễn Đình Cử cho rằng, thị trường từ thiện ở TP. Hồ Chí Minh tốt hơn, có tổ chức thống kê rõ ràng, chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, cũng có thể, người miền nam làm từ thiện tốt hơn vì họ khá giả hơn; cơ chế dễ dàng hơn, cho là cho luôn, không cần qua tổ chức nào.
Ngồi quán nhậu cũng làm từ thiện hàng tỷ đồng
Trao đổi với PV, nhà văn Lê Lựu - Giám đốc Trung tâm Văn hoá Doanh nhân Việt Nam cho rằng, con số doanh nghiệp Sài Gòn làm từ thiện hơn gần 10 lần Hà Nội đơn thuần là số liệu thống kê, không phản ánh đúng bản chất thực thế.
Theo nhà văn Lê Lựu, sự phân biệt vùng miền đối với doanh nghiệp trong hoạt động từ thiện không rõ ràng. "Vì gần một nửa doanh nghiệp miền Nam là người Bắc vào".
Nhiều khi công ty ở phía Nam nhưng do người Bắc làm chủ doanh nghiệp; Cũng có khi, công ty ở Hà Nội nhưng có chi nhánh ở TP. Hồ Chí Minh, nếu chi nhánh đó làm từ thiện vẫn phải coi là công ty Hà Nội.
Nhà văn Lê Lựu - Giám đốc Trung tâm Văn hoá Doanh nhân Việt Nam
Tuy nhiên, ông Lê Lựu cũng cho rằng, đúng là cách làm từ thiện của các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh có thoáng hơn ở Hà Nội. Điều đó xuất phát từ cơ chế làm việc của doanh nghiệp phía Nam đơn giản, gọn nhẹ hơn, kinh tế vững mạnh hơn.
Nếu ở Hà Nội, doanh nghiệp muốn làm từ thiện phải chỉn chu giấy tờ, trên dưới, quen biết..., còn doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh có khi ngồi quán nhậu cũng làm từ thiện hàng tỷ đồng ngay tại đó.
Ông Lê Lựu cho hay, một phần doanh nghiệp phía Nam "thoáng" làm từ thiện hơn bởi họ tin vào những trung tâm kêu gọi từ thiện. Họ tin chắc rằng, số tiền mình bỏ ra sẽ đến đúng địa chỉ, không bị lãng phí.
Theo nhà văn Lê Lựu, nói doanh nghiệp phải làm từ thiện để nổi tiếng, lấy đó làm ăn cho dễ là cách giải thích "hớt váng". Cách giải thích này cho thấy, không hiểu sâu nguồn gốc vấn đề
"Doanh nghiệp làm từ thiện từ tình cảm và lòng thương của họ với người nghèo. Nếu người thực sự có tâm, họ sẽ chủ động đi làm từ thiện. Nếu không có tâm sẽ viện đủ lý do từ chối".
Theo Dương Tùng (Khampha.vn)
Giải mã chuyện người Sài Gòn làm từ thiện "Ở Hà Nội có 8% doanh nghiệp tham gia các hoạt động từ thiện, trong khi ở TPHCM, tỷ lệ này lên tới 66%". Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu văn hóa lâu năm, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM)...