Người Hà Nội còn xa mới có thu nhập 80 triệu đồng/năm
Thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội năm nay dự kiến đạt 46,6 triệu đồng, còn rất xa mục tiêu mà thành phố đặt ra cho năm 2015 là 82 – 86 triệu đồng.
Ảnh minh hoạ – nguồn internet.
Báo cáo Kinh tế – xã hội phục vụ kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội ước tính thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố trong năm 2012 đạt 46,6 triệu đồng, tăng 4,7 triệu đồng so với năm 2011. Mức tăng này chỉ cải thiện nhẹ so với năm ngoái (4,6 triệu đồng), chủ yếu do tăng trưởng GDP thấp hơn dự báo. Năm nay Hà Nội dự kiến chỉ tăng trưởng 8,1%, trong khi chỉ tiêu đề ra là 10-10,5%.
Video đang HOT
Trong kế hoạch 2013, Ủy ban Nhân dân Thành phố đưa ra 8 phương án tăng trưởng, thấp nhất là 7% và cao nhất 11%. Ứng với các phương án này, thu nhập bình quân đầu người sẽ dao động từ 51,5 đến 53,5 triệu đồng..
Theo Kế hoạch Kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015 được Hội đồng Nhân dân thành phố phê duyệt, Hà Nội sẽ phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 82 – 86 triệu đồng. Như vậy, với tốc độ tăng hiện tại (4,5 – 7 triệu đồng một năm), khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra là rất khó khăn.
Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt hồi đầu năm nay, trong giai đoạn 2011 – 2020, Hà Nội cần nâng thu nhập bình quân đầu người từ mức 1.700 USD lên 7.100 – 7.500 USD. Con số đến năm 2030 là 17.000 tức là 350 triệu đồng theo tỷ giá hiện hành.
Để đạt mức tăng này, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Hà Nội phải tăng bình quân hàng năm đạt 12-13% trong giai đoạn 2011 – 2020 và 9,5-10% trong những năm sau đó. Năm nay, con số này mới đạt 8,1%.
Theo laodong
Ông Bá Thanh khuyên doanh nghiệp đi kiện
Ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành uỷ TP.Đà Nẵng - đã khuyên Cty TNHH Khải Hoàn Nguyên khởi kiện UBND thành phố nếu trong tháng 12.2012 này vẫn không được giao đất.
Ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng
Sự thể là Cty Khải Hoàn Nguyên đã đóng 10,2 tỉ đồng cho ngân sách của thành phố để được giao 5.638m2 đất làm nhà xưởng. Thế nhưng tiền thì đóng đã 2 năm nay, mà đất thì đến nay vẫn chẳng thấy đâu. Chính xác hơn là thấy thì vẫn thấy, nhưng giao thì vẫn chẳng được giao. Một ngàn lẻ một lý do đã được các ban, ngành của thành phố đưa ra để giải thích tại sao "tiền đã trao" mà "cháo lại chưa múc".
Tại buổi làm việc với các ban, ngành của thành phố về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Thanh đã đề nghị hoặc là UBND TP giao đất (có tính đến thiệt hại của Cty) ngay trong tháng 12 này, hoặc là Cty sẽ đứng ra khởi kiện UBND trước toà án. Và ông sẽ hỗ trợ cho Cty trong việc kiện tụng này.
Mới nghe qua, việc này có vẻ thật giống với việc "quân ta đánh quân mình". Thế nhưng, nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy cách hành xử như vậy là rất cần thiết để bảo đảm sự thượng tôn pháp luật và để xây dựng nhà nước pháp quyền. Mà đây lại chính là lợi ích lâu bền nhất, đáng giá nhất của thành phố!
Rõ ràng, khi giao đất có thu tiền, Nhà nước (địa phương) đã tham gia vào một quan hệ dân sự. Lúc này, UBND TP và Cty Khải Hoàn Nguyên là hai đối tác hoàn toàn bình đẳng với nhau trước pháp luật. Hai bên đều bị ràng buộc bởi những quyền và nghĩa vụ mà họ đã cam kết.
Không thể có chuyện chỉ có Cty Khải Hoàn Nguyên phải đóng tiền đúng thời hạn, còn UBND thì muốn giao đất lúc nào cũng được, muốn giao đất theo kiểu gì cũng được. Bên nào vi phạm hợp đồng thì bên đó phải bị chế tài của pháp luật. Bên nào vi phạm hợp đồng khi Cty Khải Hoàn Nguyên đóng tiền đã 2 năm mà vẫn chưa được giao đất thì đã quá rõ. Vấn đề chỉ còn là công lý và pháp luật sẽ được thực thi như thế nào mà thôi.
Công lý và pháp luật được thực thi như thế nào thì quả thực là một vấn đề không hề đơn giản. Nếu không được ông Nguyễn Bá Thanh ủng hộ thì việc kiện UBND TP là rất rủi ro. Lý do thứ nhất là vì chế định đất đai ở nước ta là hết sức phức tạp, rối rắm. Mọi chuyện càng rối rắm hơn khi quyền chủ sở hữu đối với đất đai của thể nhân thì không được công nhận, mà của pháp nhân thì cũng không hoàn toàn được làm rõ.
Trong điều kiện như vậy, chuyện "xử kiểu gì cũng được" là rất dễ xảy ra. Lý do thứ hai là vì một nền tư pháp độc lập vẫn còn là thứ chúng ta mong muốn, chứ chưa hẳn là thứ mà chúng ta đã có. Mà như vậy thì chắc gì ông thẩm phán toà án thành phố đã đủ tự tin để xét xử ông chủ tịch thành phố.
Cuối cùng, cũng phải nói thật, tất cả các doanh nghiệp đều thừa khôn ngoan để hiểu cái chuyện "kiện củ khoai": Cứ kiện cho sướng đi rồi thì đừng có mà làm ăn ở thành phố này nữa.
Theo laodong
Sơn La: 10.000 hộ dân mất nước vì nước thải cà phê Sau 3 ngày liên tục bị mất nước sinh hoạt, đến sáng 3-12, hơn 10.000 hộ dân ở TP Sơn La, tỉnh Sơn La đã có nước máy trở lại. Trước đó, vào ngày 1-12, khi phát hiện nguồn nước sinh hoạt bỗng nhiên có mùi hôi thối, đổi màu khác lạ, Xí nghiệp Cấp nước số 1 TP Sơn La đã buộc...