Người Hà Nội ăn uống “thấy cưng”, cứ tháng ba về là nhặt hoa ướp đủ thứ
Chỉ nhìn cách người Hà Nội dùng hoa bưởi nấu ăn thôi, cũng đủ rung rinh với cốt cách thanh tao và nên thơ của thủ đô.
Nếu người Nhật nổi tiếng với hòa thực “mùa nào thức nấy”, với thơ Haiku luôn gắn với thời tiết và bốn mùa quanh năm, thì chính tại Hà Nội, cảm thức của con người với thiên nhiên cũng sâu sắc chẳng kém, thể hiện qua triết lý dùng hoa trong ẩm thực.
Tại sao lại gọi là “triết lý”? Vì với người Hà Nội, cây cỏ nói chung hay hoa bưởi nói riêng đã vượt xa cái ý nghĩa nguyên liệu trong món ăn. Người Hà Nội ăn không chỉ vì ngon, mà để thưởng thức cái hồn khí của đất trời. Chẳng ai bảo ai, cứ đến mùa thu là phải ăn cốm với chuối trứng cuốc. Những thứ đặc sản của mùa không chỉ ngon, mà còn là một phần quan trọng trong tâm thức của mỗi người Hà Nội. Mùa đông cúc họa mi, mùa xuân hoa đào, mùa thu cúc vàng, và cái mùa mãn xuân chuyển mình sang hạ, người ta chỉ nhớ cái hương nhẹ nhàng, mát rượi cả người của những món ăn ướp hoa bưởi.
Ông bà ta dùng hoa bưởi nấu ăn từ lâu rồi, cái thời xa xưa khi Hà Nội vẫn còn cái tên cũ Tràng An, Kẻ Chợ. “Kẻ chợ” chỉ những khu phố phường buôn bán sầm uất nhất Hà Nội, tập hợp những gia đình có điều kiện hoặc học thức, tạo nên tiền đề cho lối sống tao nhã “chẳng thơm cũng thể hòa nhài, dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An”. Khi đó người Hà Nội không quá giàu, nhưng cái cốt cách thanh tao vẫn hiện rõ qua ăn uống ứng xử hàng ngày: Con gái dùng hoa bưởi gội đầu, ép sổ tay, các chị mẹ thêm hoa bưởi vào món ăn giản dị hàng ngày.
Ngày nay, lối sống xưa của người Tràng An có thể đã mai một, nhưng hương hoa bưởi vẫn quẩn quanh trong góc bếp của các bà các mẹ vào mỗi đợt xuân vãn, hè về. Vì hoa bưởi mát và thanh, nên thường đi với những món ngọt ngày hè nhằm giải nhiệt. Ý nghĩa hoa bưởi không chỉ ngon mà còn tinh tế và bổ dưỡng, nhắc về một thời xa xưa chẳng giàu có gì, nhưng con người luôn cố giữ lối sống đẹp đẽ, trang nhã và thơm tho.
Nếu từng trải qua tuổi thơ ở Hà Nội, đa số chúng ta đều quen thuộc với hình ảnh hoa bưởi trong những món ăn dưới đây.
Hoa bưởi quý nhất ở hương, nên người Hà Nội đã tìm ra một cách cực tinh tế để ướp hương hoa bưởi với bột sắn mà không ảnh hưởng hương vị: sắn dây cho vào túi nylon, thêm vài bông hoa bưởi, buộc kín lại, treo nơi khô ráo. Hương hoa từ từ thấm vào từng hạt sắn dây, thơm mãi cho đến ngày sau. Vào mùa hè, mở gói sắn dây đã thấm đãm mùi hoa bưởi, pha với nước rồi thêm chút đá lạnh, liền có ngay món ăn giải nhiệt thanh mát khó quên.
Cũng là mượn hương từ hoa bưởi, nhưng món ăn này cầu kì hơn một chút, cũng đậm chất “Hà Nội xưa” hơn. Ít ai ngờ cái món ăn vặt thanh cảnh, chơi chơi vậy thôi mà lắm công phu. Hoa ướp mía phải là bông to, không chọn nụ vì nở chưa hết, hương chưa đủ “chín”, lại càng không nên chọn những hoa có cánh cong hẳn, hương đã phai dần. Để có những nguyên liệu này, người nội trợ phải đi chợ từ sáng sớm. Về nhà chẻ đôi mia, ướp với hoa, tới trưa lấy ra nhâm nhi. Dẫu là món ăn vặt giải tỏa cơn thèm giữa ngày, nhưng mía ướp hoa bưởi không hề nặng nề ngọt ngấy, trái lại nhẹ nhàng và thanh nhã hết sức.
Nước đường hoa bưởi cho các loại chè, bánh hay hoa bưởi pha trà
Tào phớ và chè Hà Nội là món gây thương nhớ số một cho ai đi xa, bí quyết sau xa nằm ở nước đường thơm mùi hoa bưởi. Bởi vì hoa bưởi tháng 3 là đặc sản đất kinh kỳ, chỉ đất này mới có hương vị ấy mà thôi. Người ta chọn một chiếc lọ sạch, xếp từng lớp hoa bưởi và đường xen kẽ. Ủ ít nhất 10 ngày, đường sẽ tan ra, hòa quyện với mùi hoa bưởi, tạo nên loại nước đường đặc trưng trong tào phớ, chè bưởi, chè hoa cau, vỏ bánh dẻo… ở Hà Nội.
Một điều thú vị nữa là hoa bưởi thiên biến vạn hóa, mỗi nhà lại dùng hoa bưởi theo nhiều cách khác nhau. Có nhà ướp trà mạn, có nhà dùng làm bánh theo bí quyết riêng. Chỉ chắc chắn một điều rằng, người Hà Nội đã và vẫn luôn yêu hoa bưởi nhiều lắm. Hoa bưởi năm nay vẫn trải khắp phố phường, như cái cốt cách thanh lịch của ngày xưa vẫn lặng lẽ tồn tại, theo mùi hương hoa len lỏi qua từng tường gạch, nhà cao.
Theo Trí Thức Trẻ
Bánh khúc cô Lan phục vụ hàng nghìn suất ăn cho các nhà báo quốc tế
Một trong những đặc sản Hà Nội phục vụ các nhà báo đưa tin tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 là món bánh khúc. Bà Nguyễn Thị Lan, chủ nhân thương hiệu "bánh khúc cô Lan" chia sẻ về niềm vui, sự tự hào khi phục vụ sự kiện lớn này.
Tranh thủ đầu giờ chiều ngày 26/2, khi các nhà báo đã đi tác nghiệp, bà Nguyễn Thị Lan rời Trung tâm báo chí quốc tế trên phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trở về cửa hàng số 20 phố Lê Duẩn để chỉ đạo nhân viên in ấn, thiết kế logo thương hiệu "Bánh khúc cô Lan" cho ngày mai (27/2).
Bà Nguyễn Thị Lan gói bánh khúc cho khách. Mỗi chiếc bánh khúc bán lẻ khoảng 13.000 đồng.
"Ngày mai (27/2) sẽ chính thức diễn ra sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội, các nhà báo, phóng viên có thể sẽ đông hơn, nên tôi phải trang trí, quảng bá gian hàng của mình chuẩn chỉ hơn, đồng thời làm thủ tục cho nhân viên vào Trung tâm báo chí quốc tế hỗ trợ đưa suất ăn", bà Lan chia sẻ.
Bánh khúc (xôi khúc) của bà Lan, cùng với nhiều món đặc sản khác như phở, bánh cuốn, cà phê trứng, bún thang... được chọn để phục vụ các nhà báo, phóng viên tới Hà Nội đưa tin về sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2. TP Hà Nội mong muốn thông qua sự kiện này sẽ quảng bá ẩm thực phong phú của Thủ đô, qua đó phát triển du lịch.
Từ sáng 26/2, ngày làm việc đầu tiên tại Trung tâm báo chí quốc tế, hàng trăm suất bánh khúc của bà Lan đã được phục vụ các nhà báo, phóng viên trong và ngoài nước. Dự kiến trong cả sự kiện, hàng nghìn suất bánh khúc sẽ được bạn bè quốc tế thưởng thức. Đây là món quà vặt dân dã của người Hà Nội, bánh khúc có thể ăn bất cứ lúc nào mỗi khi "đói lòng".
"Theo tôi quan sát thì những vị khách nước ngoài rất yêu thích món bánh khúc. Tôi đã đi nhiều nước nên biết, với người nước ngoài, ngoài hương vị ngon, thì việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng", bà Lan cho hay.
Bà Lan phục vụ bánh khúc tại Trung tâm báo chí quốc tế.
Theo bà Lan, gạo nếp làm bánh khúc được lựa chọn kỹ từ loại ngon nhất, lá khúc sau khi rửa sạch sẽ được giã nhỏ, trộn cùng với bột nếp để làm vỏ bánh. Nhân bánh gồm đậu xanh được đồ lên, giã nhuyễn cùng với thịt lợn thái miếng, được tẩm ướp gia vị và hạt tiêu. Thịt lợn là loại thịt ba chỉ, không nạc, cũng không mỡ quá. Phần bánh (gồm nhân đậu xanh - thịt và vỏ bột nếp) sẽ được rải một lớp gạo nếp bên ngoài và đồ lên, trong nồi luôn có rải lớp lá chuối xanh cho thơm. Khi xôi chín sẽ được đưa vào nồi đất lớn để giữ nhiệt trước khi được gói lại nóng hổi và thơm mùi lá dong, lá chuối. Bánh khúc ăn kèm chút muối vừng rất hợp.
Từ một quầy bánh nhỏ trên khu chợ Nguyễn Công Trứ, được khách hàng yêu thích, ủng hộ, món bánh khúc dân dã đã giúp bà Lan nuôi nấng con cái và còn làm từ thiện. Hiện, bà đã mở thêm nhiều cơ sở tại Thụy Khuê, Nguyễn Thái Học... để phục vụ khách hàng.
"Bánh khúc cô Lan" lúc nào cũng đông khách.
Nhiều khách thuê shipper giao đồ ăn nhanh.
Bà Lan rất vui vì món ăn gia truyền của gia đình đã được chọn để phục vụ sự kiện quốc tế, chứ không phải là một món sơn hào hải vị nào khác.
"Tôi rất tự hào khi được phục vụ sự kiện quốc tế này. Mỗi người Việt Nam đều góp một phần công sức vào thành công chung của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, qua đó khẳng định uy tín trên thế giới", bà Lan tự hào nói.
Những ngày đông khách, mỗi cửa hàng của bà Lan tại Hà Nội bán đến hơn nghìn chiếc bánh khúc.
Gánh xôi khúc của bà Lan sẽ phục vụ các phóng viên, nhà báo đến hết ngày 1/3.
Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các nhân viên hậu cần phục vụ các phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 các món như phở, nem, xôi khúc... để qua đó quảng bá ẩm thực Việt Nam.
Hoàng Dương
Theo Báo Tin tức
Những món ăn bình dân Việt được các lãnh đạo nước ngoài yêu thích Trà đá, bánh mì, bún chả hay phở bò là những món ăn dân dã được nhiều lãnh đạo nước ngoài như Hoàng tử Anh, tổng thống Mỹ, thủ tướng Australia thưởng thức khi sang Việt Nam. Giới trẻ gợi ý ông Trump ăn kem hồ Tây, uống trà đá khi tới Hà Nội Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn...