Người giết kẻ phân biệt chủng tộc bị xử chung thân
Nông dân người Nam Phi da đen Chris Mahlangu đã bị tuyên án tù chung thân ngày 22/8 vì giết một kẻ phân biệt chủng tộc da trắng, Eugene Terre’Blanche, hai năm sau khi vụ giết người làm dấy lên những lo ngại về tình trạng bạo lực sẽ lan rộng tại quốc gia từng sống qua chế độ apartheid này.
Chris Mahlangu trước tòa (Nguồn: AFP)
Mahlangu bị tuyên có tội giết Terre’Blanche vào tháng 4/2010 tại một nông trại thuộc sở hữu nhân vật cực hữu này. Terre’Blanche ở đây để lẩn tránh công chúng sau khi là người đứng đầu các nhóm vũ trang chiến đấu chống lại quá trình chuyển giao dân chủ cho mọi sắc tộc ở Nam Phi.
Video đang HOT
“Tôi không thấy có lý do gì để lật lại bản án trước đây,” Chánh án tòa tối cao Nam Phi, John Horn, nói và đồng ý với bản án tù chung thân do các công tố viên đề xuất. Mahlangu đã “không cho thấy sự ăn năn thực sự” và “không tôn trọng quyền được sống của người đã khuất,” theo lời ông Horn.
“Anh đã đi khỏi giới hạn khi cáo buộc người đã khuất là một kẻ kê gian, và rõ ràng đã làm tổn thương gia đình nạn nhân”, thẩm phán nói. Mahlangu tuyên bố Terre’Blanche, người đồng sáng lập Phong trào chống đối của người Phi (AWB), đã cưỡng hiếp anh ta và khiến anh bị lây HIV, nhưng tòa án không tìm thấy bằng chứng nào ủng hộ cho cáo buộc đó.
Bên ngoài tòa án ở thị trấn nông nghiệp nhỏ Ventersdorp, cảnh sát tiếp tục theo dõi cả những người ủng hộ AWB và Mahlangu, được chia ra theo màu da rõ ràng. Hãng tin eNCA phát đi hình ảnh một con búp bê bù nhìn màu đen được treo lủng lẳng trên một cành cây với chiếc áo sơ-mi có tên Mahlangu trên đó.
AWB, phong trào cực hữu của của Terre’Blanche vừa tuần hành vừa hát vang những bài ca tự hào của người da trắng và các khẩu hiệu thời apartheid. Vụ giết Terre’Blanche đã đẩy mâu thuẫn sắc tộc ở Nam Phi vào tình trạng nguy hiểm, khi đám tang ông ta thu hút hàng nghìn người ủng hộ tại nông trại của Terre’Blanche ở Ventersdorp, nơi những lá cờ thời apartheid được vẫy cao cùng biểu tượng chữ thập ngoặc của AWB. Nhưng may mắn là vào năm 2010, khi Nam Phi sắp sửa tổ chức World Cup, bạo lực đã không bùng phát.
Trong tranh luận trước tòa để xin giảm án, các luật sư của Mahlangu dẫn lời những chuyên gia tâm lý nói thân chủ của họ ít học, mồ côi từ nhỏ và lớn lên trên đường phố. Horn thừa nhận Mahlangu chỉ được trả số tiền rẻ mạt khi làm công cho nông trại của Terre’Blanche, nhưng nói đó không phải là lý do giải thích cho việc giết người chủ của mình.
Tuyên bố giết người để tự vệ của Mahlangu cũng bị tòa bác bỏ. Thẩm phán chấp nhận lập luận của bên công tố rằng vụ giết người là do tranh cãi về tiền lương. Đồng bị cáo với Mahlangu, Patrick Ndlovu, 18 tuổi, bị kết tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp, nhưng không có tội với các cáo buộc giết người và cướp của. Ndlovu bị tuyên hai năm án treo.
Terre’Blanche thời điểm năm 1999 (Nguồn: AFP)
Nam Phi là một trong những nước có tỉ lệ tội ác liên quan đến bạo lực cao nhất thế giới với khoảng 16.000 người, hầu hết là người da đen, bị sát hại trong năm ngoái.
Terre’Blanche, 69 tuổi khi bị sát hại, đồng sáng lập AWB, một tổ chức phản đối nền dân chủ đa sắc tộc ở Nam Phi và vận động thành lập một nhà nước tự trị cho người da trắng, đã tiến hành các vụ đánh bom trước cuộc bầu cử năm 1994 đưa ông Nelson Mandela, tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, lên nắm quyền./.
Theo TTXVN