Người giàu Việt rủ nhau mua xe sang “né” thuế
Bắt đầu có hiện tượng nhóm người hoặc đại lý gom xe đắt tiền, đợi khi giá tăng bán ra kiếm lời.
Trao đổi với chúng tôi khi đang tìm hiểu mua xe tại một showroom của hãng xe nhập khẩu ở quận 7 (TP.HCM), ông Hoàng Dương, một khách hàng, cho biết ban đầu gia đình tính năm sau mới mua xe. nhưng khi nghe thông tin Chính phủ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với dòng xe sang có dung tích động cơ trên 3,0 L, ông quyết định mua luôn trong năm 2015.
“Nhiều bạn bè của tôi cũng rủ nhau mua dòng xe trên và họ đều muốn giao xe trước thời điểm áp thuế TTĐB. Hơn nữa, ký hợp đồng đặt cọc từ bây giờ thì tới khoảng tháng 3-2016 mới được nhận xe, còn chậm hơn nữa đại lý không dám chắc chắn” – ông Dương nói.
Lượng người Việt mua ô tô tăng mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: QUANG HUY
Đầu cơ xe sang
Ông Phạm Vũ, đại diện kinh doanh đại lý chính thức Honda ô tô Việt Nam tại quận 11, TP.HCM, cho hay thời gian gần đây, lượng người mua các dòng xe phổ thông, dung tích động cơ nhỏ diễn ra bình thường, không có gì đột biến. Nhưng dòng xe sang, có dung tích động cơ lớn thì lượng khách hàng tăng.
Một số ý kiến cho rằng thời điểm cuối năm nên ô tô bán chạy hơn bình thường, trong đó có dòng xe sang. Tuy nhiên, ông Phạm Vũ nhận định thông tin sẽ tăng mạnh thuế TTĐB đối với ô tô có dung tích động cơ lớn mới là nguyên nhân chính khiến nhiều người rủ nhau đi mua dòng xe này.
Chẳng hạn, với xe có dung tích động cơ 3,0-4,0 L sẽ tăng từ mức 60% hiện nay lên 90%. Với mức thuế trên, đến thời điểm sau 1-7-2016, giá bán về Việt Nam dự báo có thể tăng thêm 50%.
“Mua xe trước thời điểm trên khách hàng sẽ tiết kiệm được một số tiền lớn vì những dòng xe 3,0 L trở lên đều có giá hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng/xe” – ông Vũ nói.
Video đang HOT
Theo thống kê của ban tổ chức, chỉ trong năm ngày diễn ra triển lãm Motor Show 2015 vừa tổ chức tại Hà Nội, gần 200 hợp đồng bán xe đã được ký kết, chủ yếu là dòng xe sang có dung tích động cơ lớn trên 3,0 L. Trong đó hãng xe sang Audi ký 45 hợp đồng bán xe; các dòng xe BMW, Mini… có tới 59 xe được ký hợp đồng.
Ông Trương Kim Phong, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị Công ty Ford Việt Nam, đánh giá: “Đây là hiện tượng xảy ra khi chính sách thay đổi, thuế tăng, giá tăng khiến khách hàng mua xe trước né thuế. Tuy vậy, số lượng cá nhân mua xe sang không nhiều mà có thể do các đại lý hoặc nhóm khách hàng mua né thuế để đầu cơ, khi giá xe tăng bán ra kiếm lợi nhuận”.
Bài toán cạnh tranh
Nhiều hãng sản xuất, lắp ráp trong nước cho rằng việc tăng thuế TTĐB đối với dòng xe sang có dung tích động cơ lớn và giảm thuế cho xe có dung tích nhỏ dưới 2 l với mức giảm 5%-25% là hợp lý.
Bên cạnh đó, đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) nhìn nhận lộ trình giảm thuế TTĐB mà Chính phủ đưa ra sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ô tô trong nước có thời gian thực hiện chiến lược cạnh tranh với xe giá rẻ nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia… Tuy nhiên, Chính phủ cần giảm thuế nhập khẩu linh kiện phụ tùng – hiện nay phải chịu 15%-20% để các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước có thể cạnh tranh.
Ở góc nhìn khác, một số ý kiến lại cho rằng nếu giảm mạnh thuế TTĐB với xe nhỏ sẽ khiến các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với xe nhập khẩu giá rẻ.
Để hóa giải khó khăn này, ông Trương Kim Phong, đại diện Ford Việt Nam, nói: “Việt Nam phải biết mình đang ở đâu trong chuỗi cung ứng của ASEAN và toàn cầu. Mình tập trung sản xuất xe con trong khi cả thế giới cũng đang sản xuất dòng xe này. Có điều với tiềm lực, công nghệ yếu thì Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các nước. Do vậy Việt Nam nên xem xét có thể sản xuất được linh kiện, phụ tùng nào, có giá trị gia tăng cao thì tập trung vào sản xuất cái đó”.
Ông Phong cũng thông tin ngành ô tô Việt đang tập trung vào công nghiệp cơ khí nhưng dự báo trong khoảng 20 năm nữa, ngành ô tô thế giới sẽ chuyển sang sản xuất xe điện. Xe điện rất đơn giản, chỉ cần môtơ gắn vào bốn bánh xe, cộng với bộ cảm biến điều khiển là xong. Và theo dự báo có thể 30 năm nữa, thế giới sẽ không còn ô tô động cơ đốt trong nữa, khi đó họ đã chuyển sang ngành công nghiệp điện-điện tử.
“Vì vậy Việt Nam phải biết lượng sức mình, đón đầu những công nghệ mới của xe điện. Nếu cứ thấy thế giới đã chạy một quãng đường xa rồi Việt Nam mới chạy theo thì không bao giờ đuổi kịp, thậm chí thiệt hại nặng nề. Không khéo thế giới bỏ đi rồi mình mới nhảy vào” – ông Phong cảnh báo.
Bùng nổ ô tô nhập khẩu Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, tổng số lượng ô tô nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm lên 94.610 chiếc và trị giá đạt 2,31 tỉ USD; tăng 182,8% về lượng và tăng mạnh tới 200,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cả năm 2014 người Việt nhập khẩu 72.000 ô tô nguyên chiếc với giá trị đạt 1,57 tỉ USD. Như vậy, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm nay đã vượt cả năm 2014, xét cả về số lượng và giá trị. Thuế Việt Nam cao hơn các nước Theo dự thảo tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế, được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại Quốc hội ngày 27-10, hiện mức thuế TTĐB các dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2 lít và chín chỗ ngồi trở xuống ở Việt Nam là 45%, cao hơn so với mức trung bình của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Tỉ lệ này ở Indonesia, Singapore chỉ 20%. Trong khi Thái Lan, Campuchia là 30%.
Theo Quang Huy ( Pháp luật TPHCM)
Chính thức điều chỉnh cách tính thuế: Xe nhập lại có cơ hội tăng giá?
Chưa kịp chờ thuế nhập khẩu giảm về 0% theo lộ trình các hiệp định thương mại tự do, xe ô tô nhập khẩu dưới 24 chỗ lại có "cơ hội" tăng giá nhờ đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt?
(Ảnh minh hoạ).
Chính thức thay đổi cách tính thuế
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có quy định mới về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đó, Nghị định hướng dẫn chi tiết cách xác định giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong trường hợp cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ bán hàng cho các cơ sở kinh doanh thương mại.
Cụ thể, đối với cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở nhập khẩu nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Giá vốn xe nhập khẩu bao gồm: Giá tính thuế nhập khẩu thuế nhập khẩu (nếu có) thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nhập khẩu.
Đối với cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.
Trường hợp giá bán của cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu và giá cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Liên quan tới chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô, cụ thể là cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đã vấp phải nhiều ý kiến tranh luận trái chiều kể từ khi dự thảo này được công bố hồi giữa năm nay.
Theo Nghị định vừa được Chính phủ ký ban hành, giá tính thuế đối với xe nhập xác định trên giá bán ra của nhà nhập khẩu trong khi hiện nay đang tính dựa trên giá nhập khẩu (CIF) và thuế nhập khẩu.
Lo ngại giá xe nhập sẽ tăng?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai từng lý giải, quy định mới này được đưa ra trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thuế nhập khẩu ô tô sẽ hạ dần và xuống 0% vào năm 2018 đối với ASEAN sẽ đảm bảo công bằng giữa nhà nhập khẩu , nhà sản xuất trong nước.
"Với các cam kết thuế tới đây, rõ ràng giá tính thuế đối với doanh nghiệp sản xuất là giá bán của nhà sản xuất, trong khi nhà nhập khẩu chỉ là giá nhập tới cửa khẩu chưa công bằng. Do đó, căn cứ vào luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất giá tính thuế là giá bán ra của nhà nhập khẩu bao gồm cả chi phí bán hàng", bà Mai nói.
Thứ trưởng cũng khẳng định, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm các nước cho thấy: Một số nước đang áp dụng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá buôn; một số áp giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cuối cùng, qua nhiều khâu thương mại; có một số ít các nước áp giá nhập khẩu trên giá CIF và thuế nhập khẩu.
"Hiện nay, một nước láng giềng của Việt Nam như Thái Lan cũng đang áp giá tính thuế là giá CIF nhưng cũng đang chuyển dần, dự kiến sẽ áp trên giá bán lẻ", bà Mai nói.
Trước đó, các lãnh đạo từ Bộ Tài chính nhiều lần khẳng định, phương pháp giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới nhằm bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp tham gia thị trường.
Đối với lo ngại phương án giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới sẽ khiến giá ô tô nhập khẩu đội lên 5 - 10%, thậm chí là 15 - 20% khiến giấc mơ ô tô giá rẻ ngày càng xa vời, một lãnh đạo Bộ Tài chính từng khẳng định: "Giá tăng nhiều hay ít, tất cả mới chỉ là phỏng đoán. Giá tăng hay không tăng phụ thuộc vào cơ chế thị trường, có lúc nhập về không bán được thì giá có hạ không hay bán bằng giá cũng chả bán được?".
Theo vị này, nếu ô tô trong nước chất lượng tăng thêm thì rõ ràng là tự nhiên cạnh tranh trong nước tăng lên, giá giảm và người dân được lợi từ đó. "Không phải có kết cấu thuế một tí vào đấy thì giá tăng, có lúc không có thuế, giá vẫn tăng vù vù mà có khi có thuế giá vẫn có thể giảm", ông nói.
Phương Dung
Theo Dantri
Fiat trình làng xe bán tải Toro Fiat Brazil đã phát hành hình ảnh chính thức đầu tiên về chiếc chiếc xe tải nhỏ Fiat Toro. Trước đó, có nhiều hình ảnh bị rò rỉ của mẫu xe vào hồi đầu tháng tại các trên dây chuyền lắp ráp tại nhà máy Pernambuco ở Brazil và bây giờ nó được tung ra những hình ảnh ra mắt chính thức của...