Người giàu lo nhiễm virus, người nghèo còn lo chết đói vì Covid-19
Thu nhập quá thấp không cho phép họ nghỉ không hưởng lương, và khi bị bệnh, họ vẫn phải tiếp tục làm việc và tiếp xúc với những người khác.
Hơn 30 năm qua, Joyce Barnes đã làm công việc chăm sóc bệnh nhân tại nhà ở Richmond, Virginia với mức lương 8,25 USD/giờ mà không có bất kỳ ngày nghỉ ốm nào. Cô không thể mất thu nhập, bởi vậy dù ốm, cô vẫn luôn phải gắng gượng đi làm, đeo khẩu trang để tránh khách hang nhìn thấy.
Tháng 7 năm ngoái, Barnes bị lây bệnh từ một bệnh nhân, khiến cô phải nhập viện hơn một tuần. Cô phải nhờ vả người thân với các hoá đơn vì không có thu nhập khi nghỉ ốm, và vẫn phải thanh toán trả góp đều đặn hàng tháng khoản tiền hàng ngàn USD chi phí y tế, mặc dù có bảo hiểm y tế.
“Một xét nghiệm đã tiêu tốn 3.000 USD và tôi vẫn đang phải trả dần khoản tiền đó”, Barnes nói thêm.
Theo bài viết trên Guardian, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lan rộng trên toàn nước Mỹ, hàng triệu lao động thu nhập thấp làm việc trong các ngành dịch vụ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương do không được hưởng các phúc lợi về y tế phù hợp và chính sách nghỉ có hưởng lương.
Chuyên gia lo ngại nhóm đối tượng này này có khả năng nhiễm bệnh cao, hoặc, do thiếu bảo hiểm y tế và nghèo đói, sẽ làm lây lan virus nhanh trong cộng đồng vì vẫn phải tiếp tục làm việc nếu nhiễm bệnh.
Nhiều người lao động có thu nhập thấp, ví dụ như nhân viên sân bay, đang ở tuyến đầu trước sự bùng phát của virus corona nhưng vẫn không được bảo vệ hay điều trị y tế đầy đủ. Ảnh: Elaine Thompson/AP.
Không thể làm việc từ xa
Theo Guardian, hơn 32 triệu người lao động ở Mỹ không có ngày nghỉ ốm hưởng lương, và những người có thu nhập thấp lại càng ít có khả năng được hưởng chế độ này. Đối tượng này cũng ít có khả năng tiếp cận với các phúc lợi y tế và chăm sóc sức khoẻ, khiến họ trở nên đặc biệt dễ bị ảnh hưởng khi dịch bệnh bùng phát và lây lan.
Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Lao động, 69% người lao động thu nhập thấp không được hưởng chính sách nghỉ ốm có hưởng lương.
Harry Holzer, một giáo sư về chính sách công tại Đại học Georgetown, cho biết: “Thu nhập quá thấp không cho phép họ nghỉ không hưởng lương, và khi bị bệnh, họ vẫn phải tiếp tục làm việc và tiếp xúc với những người khác”.
“Bởi vậy hoàn toàn có lý do để ủng hộ chính sách nghỉ phép hưởng lương, trường hợp này nó không chỉ vì lợi ích của người lao động, mà còn vì lợi ích của cả cộng đồng”.
Tiến sĩ Erica Groshen, giảng viên Đại học Cornell, giải thích những tiến bộ công nghệ đã giúp người lao động trí óc làm việc tại nhà dễ dàng hơn, giúp họ ít có khả năng nhiễm bệnh và có thể xoay sở được trong điều kiện dịch bệnh.
Nhưng những người lao động có thu nhập thấp lại càng dễ bị tổn thương hơn khi họ chịu áp lực mất việc. Họ cũng thường là lao động phổ thông với những công việc chân tay không thể làm tại nhà. Điều đó có nghĩa là virus corona có thể khiến họ mất đi sinh kế, cũng như sức khỏe và thậm chí là tính mạng của mình.
Nhiều người lao động có thu nhập thấp, ví dụ như nhân viên sân bay, đang ở tuyến đầu tiếp xúc với sự bùng phát của virus, nhưng vẫn không được bảo vệ hay điều trị y tế đầy đủ.
Số ca nhiễm virus corona chủng mới đã vượt 1.000 ở Mỹ, tính đến ngày 10/3. Ảnh: Reuters.
Leila Benitez làm công việc dọn dẹp máy bay tại Sân bay Quốc tế Miami trong tám năm mà không có bảo hiểm y tế hoặc hưởng lương khi nghỉ ốm.
“Khi tôi cuối cùng cũng phải nghỉ một ngày vì ốm nặng quá, tôi phải trả hàng trăm USD để đi bác sĩ”, Benitez nói. Cô thường phải đến Cộng hòa Dominica để khám sức khoẻ và chữa trị vì chi phí ở đó chỉ bằng một phần nhỏ ở Mỹ.
“Khi tôi lau dọn máy bay, có chất thải, rác, khăn giấy bẩn. Chúng tôi không có đủ thời gian để rửa tay. Găng tay bảo hộ thì mỏng và cũng không vừa”.
Nếu nghỉ thì lấy đâu thu nhập?
Một số tiểu bang và thành phố ở Mỹ đã ban hành luật bắt buộc chủ lao động có chính sách cho phép người lao động nghỉ hưởng lương. Một nghiên cứu năm 2017 công bố trên Tạp chí Kinh tế Công cộng cho thấy các thành phố ở Mỹ bắt buộc cho phép người lao động nghỉ ốm đã có tỷ lệ người bị cúm theo mùa giảm tới 40%. Nhưng vẫn còn rất nhiều người lao động thu nhập thấp ở trong tình cảnh bắt buộc phải đi làm khi có bệnh.
Nhiều công ty đã cho nhân viên làm việc từ xa, nhưng không phải công việc nào cũng có thể làm từ xa. Ảnh: Reuters.
Bang Maryland đã thông qua luật nghỉ ốm hưởng lương vào năm 2018 mà theo đó, chủ lao động phải cho phép người lao động hưởng một giờ nghỉ ốm có lương với mỗi ba mươi giờ làm việc, nhưng các trợ giảng thường chỉ tích lũy được vài giờ mỗi học kỳ và phải tuân theo những điều khoản hạn chế về thời gian và cách sử dụng nó.
“Tháng trước, tôi phải dạy trong khi bị ốm và nó làm căn bệnh kéo dài. Tôi đã lo lắng học sinh có thể bị lây. Tôi không nghỉ được vì không thể mất thu nhập”, Val Pappas-Brown, một trợ giảng ở khu vực Baltimore cho biết.
Joan Bevelaqua, trợ giảng cho một số trường đại học ở Maryland trong 20 năm qua, cho biết cô chưa bao giờ nghỉ ốm vì sợ mất thu nhập. Cô có bảo hiểm y tế nhưng đang nghỉ việc do gãy xương đùi.
Cô đang cố gắng sắp xếp dạy thêm trong hè để kiếm bù phần thu nhập đã mất trong học kỳ này, đồng thời tham gia thúc đẩy các nhà lập pháp của bang thông qua đạo luật có quy định về chương trình bảo hiểm nghỉ ốm cho người lao động ở Maryland.
“Chúng tôi làm trợ giảng với hy vọng sẽ trở thành giảng viên toàn thời gian, và rồi ngày qua ngày tôi vẫn là một trợ giảng”, cô nói. “Tiền lương của chúng tôi rẻ mạt hơn nhiều, lại không có trợ cấp, và chúng tôi không có chế độ nghỉ ốm thoả đáng, nên dù bệnh, chúng tôi vẫn phải đến trường”.
Theo news.zing.vn
Covid-19: Thành phố Trung Quốc vừa dỡ lệnh phong tỏa 30 phút, vội áp dụng trở lại
Cơ quan chức năng thành phố Tiềm Giang, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm di chuyển, nhưng phải áp dụng trở lại ngay 30 phút sau.
Ngày 11/3, chính quyền Tiềm Giang - thành phố cách tâm dịch Vũ Hán 150 km, cho biết tất cả lệnh cấm di chuyển đối với người và phương tiện giao thông sẽ được dỡ bỏ vào lúc 10h. Tuy nhiên, đến 10h30 các lệnh cấm lại được khôi phục trở lại.
"Thành phố sẽ tiếp tục các lệnh hạn chế di chuyển với phương tiện giao thông và cư dân", cơ quan chức năng thông báo.
(Ảnh minh họa)
Khoảng 2 tiếng sau, chính quyền Hồ Bắc tiếp tục tuyên bố áp dụng hạn chế khác nhau cho mỗi thành phố trong tỉnh. Tiềm Giang được phân loại là "nguy cơ cao", nên tất cả các phương tiện công cộng vẫn chưa được lưu thông.
" Tất cả mọi người đều lo lắng vì lệnh phong tỏa ban hành hơn 1 tháng qua. Nhiều người mất thu nhập vì không thể đi làm. Người dân yêu cầu quan chức cho họ đi làm, nhưng làm sao chúng tôi có thể cho phép trong tình hình dịch bệnh này", một quan chức Tiềm Giang nói.
Theo nhà bình luận chính trị tại Hàng Châu Wen Kejian, tình hình ở Tiềm Giang cho thấy những khó khăn của chính phủ trong nỗ lực khôi phục lại hoạt động kinh tế, trong khi vẫn phải chiến đấu với dịch Covid-19. Do đó, áp lực đang đè nặng lên quan chức địa phương.
" Dù họ biết dịch bệnh hủy hoại nền kinh tế, nhưng chỉ một sai lầm nhỏ có thể kết thúc sự nghiệp của họ. Cho nên, phần lớn quan chức chọn phương án an toàn", ông Wen Kejian chia sẻ.
Video: Nữ bác sĩ Trung Quốc nhận lời cầu hôn từ khu cách ly
Trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Vũ Hán ngày 10/3, nhiều thành phố ở Hồ Bắc không phát sinh thêm ca nhiễm nCoV mới.
Do đó, lãnh đạo tỉnh này yêu cầu các thành phố chuẩn bị đưa hoạt động kinh tế trở lại bình thường, đồng thời triển khai hệ thống mới theo dõi sức khỏe cộng đồng.
Trong chuyến đi, ông Tập Cận Bình cũng cho rằng, các quan chức nên tiếp tục tăng cường phòng và kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, những nơi nào ổn định, có thể cho hoạt động trở lại.
PHƯƠNG ANH (Nguồn: South China Morning Post)
Theo vtc.vn
Tù nhân Đài Loan ngày đêm may khẩu trang chống Covid-19 Đằng sau hàng rào dây thép gai ở nhà tù Đài Bắc, nhóm tù nhân còng lưng làm việc ngoài giờ bên máy may để sản xuất khẩu trang phục vụ chống dịch Covid-19. Những phạm nhân nam thuộc nhà tù Đài Bắc, thành phố Đào Viên, Đài Loan thường lao động bằng việc sản xuất đồng phục tại các xưởng may. Nhưng...