Người già không phiền con nhưng con không được vô tâm bỏ mặc cha mẹ
Cha, mẹ nên tự chủ cuộc đời mình, kể cả lúc về già nhưng những người con cũng phải có trách nhiệm yêu thương, quan tâm họ để nối dài sợi dây tình cảm gia đình.
Chỉ trong vòng 1 tuần, hàng nghìn bình luận, email của các độc giả đã được gửi về báo VietNamNet sau khi diễn đàn làm thế nào để người già sống tự do, hạnh phúc, bớt phụ thuộc con cháu được đăng tải.
Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, ngoài trách nhiệm sinh và nuôi con khôn lớn, các bậc cha, mẹ cũng nên tích lũy, chuẩn bị cho giai đoạn tuổi cao sức yếu.
Không ít độc giả cũng nhấn mạnh, về phần các con, nếu không có điều kiện chu cấp cho đấng thân sinh, cũng nên báo hiếu, quan tâm ở nhiều hình thức khác nhau. Bởi từ ngàn đời xưa, với người Việt, chữ “hiếu” luôn được đặt lên hàng đầu.
Hãy để “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”
Độc giả có tựa đề bình luận là “Không nên” đã bày tỏ quan điểm: “Đời người giống như một vòng tròn vô tận. Chúng ta được sinh ra, nuôi lớn, lấy vợ sinh con và nuôi con khôn lớn.
Sau đó, con chúng ta lại lấy vợ, sinh con, nuôi con khôn lớn… Ai cũng sẽ được nuôi và phải nuôi.
Xét về khía cạnh tuần hoàn thì chẳng ai nợ ai, chỉ là được cho và phải cho. Về khía cạnh quan hệ huyết thống, ai cũng phải có trách nhiệm và bổn phận (Bạn sinh con, bạn phải nuôi nó khôn lớn. Các con phải chăm cha, mẹ lúc ốm đau, bệnh tật về già)”.
Từ đó độc giả này rút ra kết luận: “Bởi vậy, chúng ta không nên có tư tưởng phụ thuộc vào con cái”.
Tương tự, độc giả Lê Phương nhấn mạnh: “Chúng ta hãy tự lo cho mình, đừng dựa vào người khác kể cả con. Bố mẹ cần phải tích lũy lúc còn khỏe, để lo khi về già. Quan niệm “con cái là của để dành” hiện nay đã không còn chuẩn nữa”.
Video đang HOT
Đồng quan điểm trên, độc giả Anh Đào cũng “hiến kế” cách đối phó với tuổi già. Chị khuyên các bậc làm cha làm mẹ nên có các loại quỹ:
1. Quỹ dành cho con.
2. Quỹ tham gia BH nhân thọ: Đề phòng rủi ro bất trắc xảy ra trong cuộc sống. Nếu bình an, kết thúc hợp đồng, chúng ta cũng có một khoản tiền.
3. Quỹ hưu trí: Mặc dù có BHXH tham gia trong quá trình đi làm tuy nhiên số tiền quá nhỏ, chúng ta nên để dành thêm một khoản nữa.
4. Quỹ đầu tư nhàn rỗi: Quỹ này có thể mua vàng, USD tích trữ, làm phương tiện kinh doanh sau khi về hưu hoặc dùng khi về già.
Độc giả này cũng nhấn mạnh: “Thương con đến mấy nhưng không được bán nhà qua ở chung với con. Vì nhà mình mình ở, nhà con con ở. Con khi có gia đình sẽ là người trưởng thành và có cuộc sống riêng. Tuổi già nên tập thể dục, đi du lịch những nơi mình muốn đến nhất”.
Bạn đọc Anh Đào khẳng định thêm, chúng ta không nên mạo hiểm đầu tư lớn vào con vì nó như canh bạc cuộc đời. Chúng ta cũng phải tự biết chia quỹ để chăm lo tuổi già, không lệ thuộc vào con. Bởi như thế bạn là gánh nặng cho con, đặc biệt khi kinh tế của chúng không vững vàng.
Cha mẹ hiện đại phải nhìn xa trông rộng, thay đổi quan niệm tư duy để có được cuộc sống tự do, hạnh phúc và không lệ thuộc vào bất cứ ai.
Báo hiếu có thể dưới nhiều hình thức
Mặc dù mỗi thế hệ đều phải có trách nhiệm với chính cuộc đời mình, không thể trông cậy, dựa dẫm vào người khác nhưng tình cảm gia đình luôn là sợi dây cần được gìn giữ.
Theo đó, cha mẹ có thể chủ động kinh tế, tự lập về già nhưng con cái phải có trách nhiệm yêu thương, động viên họ, đặc biệt những lúc đau ốm, mệt mỏi. Đây cũng chính là quan điểm của nhiều độc giả, trong đó có bạn đọc ký tên NTTP.
Độc giả này chia sẻ: “Đã là người trong gia đình thì cần có trách nhiệm với nhau. Con cái phải có trách nhiệm với bậc sinh thành và ngược lại, kể cả anh em cũng còn phải có trách nhiệm với nhau khi có khó khăn. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ khái niệm “Trách nhiệm” không có nghĩa là cứ phải sống cùng và ở thật gần”.
Dù không ở cạnh nhưng các con không thể bỏ bê, vô tâm với cha mẹ. Họ có thể thể hiện chữ hiếu bằng cách hỏi thăm, động viên cha mẹ thường xuyên để gắn kết tình cảm gia đình.
Độc giả Nguyễn Kiêm Dũng cũng phân tích, trách nhiệm của cha mẹ là nuôi dạy con khôn lớn thành người. Trách nhiệm của con cái là phải báo hiếu cha mẹ khi cha mẹ già yếu. Từ ngàn đời xưa, cổ nhân đã dạy: “Trẻ cậy cha, già cậy con”, chân lý ấy không bao giờ thay đổi.
Nhưng mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, do sự phát triển của khoa học, công nghệ và đời sống văn hóa, vật chất mà “trẻ cậy cha, già cậy con” cũng có những thay đổi về nội dung và hình thức thể hiện.
Các độc giả đều cho rằng, có nhiều cách để có thể làm tròn trách nhiệm với cha mẹ, không chỉ là sự chia sẻ về vật chất, tiền bạc. Dù cách nào, cũng phải thể hiện sự biết ơn, trân trọng người đã sinh thành, nuôi dưỡng mình.
Độc giả ở email Lean…@gmail.com viết: “Sinh con, ai cũng muốn con tự lập tốt. Người cha, người mẹ nào cũng muốn không làm phiền nhiều đến con khi mình tuổi già. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta vô tâm, bỏ mặc cha mẹ”.
Độc giả này chia sẻ thêm: “Không cần thiết sống chung, các con có thể ghé qua nhà tặng mẹ một cái áo, hộp thuốc bổ, một gói bánh cha mẹ thích ăn.
Hay đơn giản, một sáng, ta nhấc máy gọi điện nhắc nhở cha, mẹ giữ ấm khi ra đường. Tôi tin không người cha, người mẹ nào lại không thể cảm động”.
Khi còn trẻ, hãy suy nghĩ và chuẩn bị 'nếu mai này mình già đi'
Người già ở nước ta đang thật sự yếu thế, cô độc và lẻ loi trong nhịp sống ngày càng nhanh và vội hiện nay.
Đọc bài viết Cha mẹ lúc trẻ bớt "yêu" con, về già được tự do, hạnh phúc trên báo VietNamNet, tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của tác giả và đặc biệt rất tâm đắc với lời nhắn gửi: "Hiếu thuận không phải là sống chung cùng nhau suốt đời, hay ở cạnh nhau về mặt địa lý. Hiếu thuận là khi đứa con luôn nghĩ đến niềm vui, sức khỏe của cha mẹ dù chúng có ở đâu đi chăng nữa".
Chữ hiếu trong đạo lý người Việt bao đời đã quàng lên vai con cái bổn phận chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc về già. Đó là lẽ sống, niềm vui của biết bao thế hệ yêu thương, kính trọng và một lòng một dạ hiếu thảo với mẹ cha. Nhưng đó cũng là gánh nặng của không ít người xem việc nuôi dưỡng, chăm sóc người già là cực hình.
Đối với không ít người, cảnh cha mẹ nhớ nhớ quên quên chuyện ăn, ngủ, nghỉ cần được thông cảm lại hóa thành chuyện bực mình, bức xúc.
Công lao một đời hy sinh nuôi con nên vóc nên hình của cha mẹ bỗng hóa hư vô, còn lại đó là thực tại mỗi ngày phải đối diện với chuyện bực mình và nỗi bức xúc. Khi cha mẹ hóa thành "cái gai trong mắt" của con cái thì lời lẽ và hành động bạo hành xảy ra là lẽ tất nhiên.
Gương xấu về hành vi ngược đãi, bạo hành cha mẹ già yếu đầy ra đó. Vậy mà tấm lòng yêu thương và lặng thầm hy sinh của bậc sinh thành trao trọn cho con cái khó mà hao hụt. Bản thân tôi vẫn nguyện sống vì con, sống cho con và chưa bao giờ thấy chênh chao chuyện thương con ít lại một tí, cho con ít lại một tẹo để dành riêng cho mình lúc về già.
Và những người quanh tôi cũng thế, một lòng một dạ nuôi nấng, dạy dỗ con cái chẳng tiếc thứ gì. Đất đai nhà cửa chia đều cho con, tài sản tích cóp cũng dần dà dấm dúi cho con mỗi khi con cái làm ăn thất bại. Ngay cả tiền lương hưu cũng xén bớt gửi sang nuôi cháu. Rồi những ngày tháng tuổi già đáng lẽ an yên sau một thời thanh xuân vất vả nuôi con khôn lớn, dựng vợ gả chồng giờ lại quanh quẩn giữ cháu, chăm sóc cháu, đón đưa cháu tới trường...
"Vòng đời" của cha mẹ Việt chúng ta bao đời đã thế. Đổi lại những hy sinh lặng thầm ấy là nỗi chờ mong con cháu hiếu thuận, chăm sóc lúc cha mẹ về già.
Nhưng truyền thống gia đình hai, ba thế hệ của người Việt đang lung lay. Nhiều cặp vợ chồng trẻ cưới nhau xong lại rón rén đến quyết liệt đòi "ra riêng", bỏ mẹ cha già trong ngôi nhà trống huếch trống hoác. Chúng ta có thể giữ rịt con cháu trong ngôi nhà đó không? Tôi nghĩ là rất khó, nếu giữ được thì có lẽ cũng chẳng thể quản được ước vọng dắt díu nhau lập tổ ấm riêng lẻ luôn len lỏi trong suy nghĩ của bọn trẻ!
Thêm vào đó là những đổi thay trong nếp sống, nếp nghĩ của thế hệ trẻ giữa vô vàn biến động của cuộc sống hiện đại khiến hiếu đạo dần thay đổi. Nhiều người xem việc phụng dưỡng cha mẹ già chỉ đơn thuần là gửi ít tiền hàng tháng rồi bỏ mặc cha mẹ xoay sở với nỗi buồn hiu quạnh. Nhiều người thản nhiên mượn cớ nghèo, khổ, khốn khó để phân bua và so bì tị nạnh chuyện phụng dưỡng cha mẹ với anh em...
Người già ở nước ta đang thật sự yếu thế, cô độc và lẻ loi trong nhịp sống ngày càng nhanh và vội hiện nay. Chính vì vậy, kiến nghị của tác giả Văn Vĩnh rất đáng suy ngẫm: Cha mẹ lúc trẻ bớt yêu con, về già được tự do, hạnh phúc!
Nhưng để "đánh thức" bậc sinh thành thoát khỏi quan niệm hy sinh tất thảy cho con đã ăn sâu mọc rễ qua nhiều thế hệ, thiết nghĩ chúng ta cần phải có một chiến lược lâu dài nhằm đảm bảo an sinh cho người già. Đó là phải tăng cường các chế độ phúc lợi xã hội dành cho người cao tuổi, mở rộng và hoàn thiện hệ thống viện dưỡng lão, các dịch vụ chăm sóc người già...
Dù giàu hay nghèo, mỗi người cũng cần phải suy nghĩ nghiêm túc về cuộc sống lúc lẩn thẩn nhớ nhớ quên quên lúc về già của mình để mà chuẩn bị ngay từ lúc còn thanh xuân.
Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Làm thế nào để về già được sống tự do, hạnh phúc, bớt phụ thuộc con cháu? Hãy gửi cho chúng tôi suy nghĩ của bạn bằng cách viết vào phần bình luận phía cuối bài hoặc gửi về địa chỉ mail: bandoisong@vietnamnet.vn. Những ý kiến hay sẽ được biên tập và đăng tải trên mục Đời sống của báo. Trân trọng cảm ơn.
Cha mẹ lúc trẻ bớt 'yêu' con, về già được tự do, hạnh phúc Sự việc cô con gái ở Long An đánh đập mẹ già xôn xao báo chí mấy ngày qua chắc chắn là một hành vi đáng lên án cả về góc độ luật pháp lẫn đạo đức. Tuy nhiên, tôi cho rằng câu chuyện này cũng đặt ra một vấn đề khác trong văn hóa gia đình Việt. Lâu nay, người Việt luôn...