Người Duy Ngô Nhĩ và vấn đề Tân Cương
Xin giới thiệu những nghiên cứu của học giả Nga Aleksei Volynhets trên báo “Russkaia Planheta” tháng 2/2014 về Tân Cương.
Bài viết gồm hai phần, xin lần lượt giới thiệu (người dịch không có ý kiến cá nhân).
Cảnh sát Trung Quốc trước bức tranh về người Duy Ngô Nhĩ. Ảnh: Andy Wong/AP
Phần một: Một số nét chính về lịch sử của người Duy Ngô Nhĩ đến những năm 1950
Dân tộc Duy Ngô Nhĩ là dân tộc thiểu số tại Trung Quốc được nhiều người trên thế giới biết đến nhất. Đây là một trong 3 dân tộc lớn (cùng với người Kurd và người Tuager) không có quốc gia riêng.
Trên lãnh thổ Trung Quốc hiện nay có hơn 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ, tuyệt đại đa số trong số đó – hơn 8 triệu người, sống trên lãnh thổ lịch sử của họ với tên gọi chính thức hiện nay là Khu tự trị Tân Cương- Duy Ngô Nhĩ.
Tân Cương (theo tiếng Hán – “cương vực mới”), là một khu vực rộng lớn ở cực Tây Bắc Trung Quốc nằm giữa Mông Cổ, các nước Cộng hòa Xô Viết cũ ở Trung Á, Afganistan và Tây Tạng. Chiều dài 2.000 km từ tây sang đông và ít hơn một chút từ bắc xuống nam.
Đây là khu vực có địa hình chia cắt – gồm các đồng bằng khô hạn có các ốc đảo, sa mạc và các dãy núi- là nơi “Con đường tơ lụa” chạy qua nối Trung Quốc với Địa Trung Hải.
Tân Cương có diện tích bằng 1/6 diện tích toàn Trung Quốc (gấp 3 diện tích nước Pháp). Khu vực này có đường biên giới với Kazakhstan (1.718 km), Kyrgyzstan (1.000 km), Tajikistan (450 km), Nga (55 km), Mông Cổ (1.400 km), và với Afganistan, Ấn Độ và Pakistan. Tổng chiều dài đường biên giới quốc gia là 5.600 km. Một phần ba lính biên phòng của Trung Quốc đóng quân tại khu vực này.
Tại Tân Cương (Nga thường gọi là Đông Turkestan, – để phân biệt với Tây Turkestan – khu vực lãnh thổ hiện nay các nước cộng hòa Xô Viết Trung Á cũ từng bị Nga chinh phục được trong thế kỷ XVII-XVIII) – từ trước đây rất lâu đã có nhiều dân tộc sinh sống như người Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan…
Trong thế kỷ thứ XVIII, Đế quốc Dzungarsk (trên khu vực Tân Cương hiện nay) là đế quốc du mục cuối cùng trên thế giới bị nhà Thanh tiêu diệt sau một cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài 10 năm.
Quân đội của Nhà Thanh đã sát hại gần 90% người Dzungarsk (người Mông Cổ ở phía Tây), những người sống sót chạy về phía Tây đến tận sông Volga và trở thành dân tộc Kalmức hiện nay tại Nga (sống trong nước Cộng hòa tự trị Kalmưkia).
Đến đầu thế kỷ thứ XIX, nhà Thanh chiếm toàn bộ Tân Cương, toàn bộ Kyrgyzstan và một phần phía nam của Kazakhstan cho đến tận hồ Balkhash.
Nhưng trước đó, cách đây 2.000 năm, người Hán đã từng chinh phạt Tân Cương – đó là vào thời kỳ Nhà Hán muốn thiết lập các tiếp xúc ngoại giao với Hoàng đế La Mã. Trong thế kỷ đầu sau công nguyên, trên vùng đất này bắt đầu xuất hiện các đồn binh Trung Quốc và người Hán bắt đầu di dân đến vùng đất này để kiểm soát “Con đường tơ lụa”.
Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc hiện nay vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách mà nhà Hán đã từng tiến hành tại khu vực này – sự trùng hợp còn làm người ta liên tưởng đến một điều – Trung Quốc ngày nay và nhà Hán trước kia đều do 2 người có nguồn gốc nông dân lập ra – Mao Trạch Đông và Lưu Bang.
Trong suốt hai nghìn năm đó, lịch sử Tân Cương là lịch sử của những chiến thắng và thất bại nối tiếp nhau trong cuộc đấu tranh của các quốc gia tại khu vực này với các hoàng đế Trung Hoa- từ hậu duệ Lưu Bang đến hậu duệ Mao Trạch Đông.
Video đang HOT
Trong thiên niên kỷ thứ nhất sau công nguyên, trên vùng đất này đã từng tồn tại 3 quốc gia tiền phong kiến lớn – kéo dài từ các thảo nguyên Kazakhstan đến tận bán đảo Triều Tiên ngày nay.
Từ hai thế kỷ trở lại đây
Sau khi những người Mãn Châu (Nhà Thanh) đánh bại vương triều Dzungarsk vào thế kỷ XVIII như đã nói ở trên và thành lập tỉnh Tân Cương – thì nơi này luôn là khu vực bất ổn nhất trong lãnh thổ “Thiên triều”. Người Duy Ngô Nhĩ thường xuyên nổi dậy chống lại sự đô hộ của chính quyền trung ương Bắc Kinh- đó là vào các năm 1816, 1825, 1830, 1847 và 1857.
Để bình định tỉnh mới cứng đầu này, chính quyền Bắc Kinh đã bố trí tại đây các đồn binh gồm người Trung Quốc (người Hán) và Mãn Châu, khuyến khích di dân từ các tỉnh miền trung Trung Hoa đến Tân Cương. Nhà Thanh cũng xây dựng các khu dân cư quân sự đặc biệt gồm toàn những cư dân được đưa từ Vùng Viễn Đông và Trung Á đến khu vực này.
Giành độc lập lần thứ nhất
Vào năm 1864, người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương đã tiến hành một cuộc khởi nghĩa lớn và đã giành thắng lợi. Cả vùng Tân Cương trong vòng hơn 10 năm đã trở thành một quốc gia Hồi Giáo hoàn toàn độc lập với tên gọi là Iettisha do Iaqub Beg – một người Tajikistan đứng đầu.
Các chiến binh của nhà nước Iettisha Ảnh : wetinim.org
Iaqub – Beg đã xây dựng được một quân đội mạnh, dựa vào địa hình núi non và sa mạc để đánh trả các đợt tấn công của quân đội nhà Thanh.
Nhưng vào thời kỳ này, một đế quốc khác ở Phương Bắc là Nga cũng đã chinh phục được phần lớn các vương quốc vùng Trung Á (được đặt tên là Tây Turkestan như đã nói ở trên) hoàn toàn không muốn có sự tồn tại ngay cạnh biên giới mới của mình một quốc gia Hồi giáo mạnh và (có thể thù địch).
Trong khi đó, Iaqub- Beg thực hiện chính sách đối ngoại tìm kiếm mối quan hệ đồng minh và sự giúp đỡ của một số nước, trước hết là Thổ Nhĩ Kỳ và thực dân Anh (lúc này đã chiếm được Ấn Độ và đang bắt đầu các nỗ lực chiếm Afghanistan) để chống lại Nhà Thanh.
Trong cuộc tranh chấp giữa Nga và Anh nhằm giành quyền kiểm soát khu vực Trung Á, Nga tính toán rằng, để đảm bảo an ninh cho Tây Turkestan (lúc này đã thuộc Nga) thì phương án tốt nhất là “nhường” lại trên danh nghĩa Đông Turkestan cho Bắc Kinh ở xa hơn và đang suy yếu chứ không thể “nhượng lại” cho Thực dân Anh hùng mạnh lúc này đã ở ngay sát cạnh Tây Turkestan.
Còn đối với Nhà Thanh, khó khăn lớn nhất trong việc lấy lại Tân Cương là đảm bảo giao thông, nói chính xác hơn là đảm bảo hậu cần cho các đội quân trong các cuộc hành quân hàng nghìn km ở khu vực núi hiểm trở và sa mạc.
Chính Nga, xuất phát từ những tính toán như đã nói ở trên đã giúp “Thiên triều” giải quyết khó khăn này – Tỉnh trưởng đầu tiên của Tây Turkestan là Kaufman, một người Nga gốc Đức đã cho tiến hành một chiến dịch đặc biệt để cung cấp lương thực cho đội quân tấn công của viên tướng Trung Quốc Tszo Tszuntan (không tìm được phiên âm Hán Việt – mong bạn đọc thông cảm-ND). Dĩ nhiên, Nhà Thanh đã phải mua lương thực của Nga với giá cắt cổ, tổng giá trị hơn 10 triệu rúp bạc.
Sau khi giải quyết xong khâu đảm bảo hậu cần bằng cách trên, quân đội nhà Thanh bắt đầu tấn công tàn sát quân khởi người Duy Ngô Nhĩ và người Dungan (người Trung Quốc theo Đạo Hồi) cùng toàn bộ gia đình của họ. Những người còn sống sót chạy sang khu vực lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Chính tại đây, người tổ chức tiếp nhận, bố trí nơi ăn ở và trực tiếp chữa chạy cho những người tỵ nạn là bác sỹ Vasili Frunze, tức cha đẻ của Mikhaiin Frunze nổi tiếng – là người mà 40 năm sau trong cuộc nội chiến đã lấy lại toàn bộ vùng Tây Turkestan cho chính quyền Xô Viết.
Quốc gia Hồi giáo Ietisha chấm dứt tồn tại, Nhà Thanh lại kiểm soát Tân Cương.
Trong thế kỷ XX
Độc lập lần thứ nhất
Trong thế kỷ XX, trên lãnh thổ Tân Cương cũng đã hai lần hình thành các quốc gia DuyNgô Nhĩ độc lập với Trung Quốc. Trong cuộc khởi nghĩa chống Trung Hoa năm 1932, Vương quốc Hotan được thành lập, và ngay trong năm sau- Nước cộng hòa Hồi giáo Đông Turkestan.
Tổng thống đầu tiên của Nước Cộng hòa này là Hodza Nhiaz – một người Duy Ngô Nhĩ. Trước đó, Tổng thống Nhiaz là một lính Hồng quân Liên Xô và đã từng tham gia nội chiến tại nước này.
Quốc gia độc lập mới này đã có thể tồn tại nếu Liên Xô vẫn giữ thái độ thù địch với Chính quyền Quốc dân đảng cầm quyền tại Trung Quốc lúc đó. Nhưng đến nửa sau những năm 30, một cục diện mới lại xuất hiện trên thế giới – cả Liên Xô và Trung Quốc Quốc dân đảng đều phải đối mặt với mối đe dọa chung từ nước Nhật Bản quân phiệt đang mạnh lên và bắt đầu tiến hành các chiến dịch bành trướng tại Châu Á.
Liên Xô lại quay sang ủng hộ chính quyền Quốc dân đảng Trung Quốc, một trong những việc làm thể hiện sự ủng hộ đó là giúp chính quyền này giành lại quyền kiểm soát Tân Cương.
Đội quân khởi nghĩa Hotan, những năm 1930. Ảnh: wetinim.org
Quân đội Liên Xô, kể cả không quân trực tiếp tham gia vào các trận đánh để đưa viên Tỉnh trưởng Tân Cương Thịnh Thế Tài quay lại trị nhậm khu vực này. Binh lính Liên Xô đóng giả làm lính bạch vệ chạy sang Trung Quốc để thực hiện các nhiệm vụ trên.
Thời gian đầu, Thịnh Thế Tài có quan điểm thân Liên Xô hơn là chính quyền trung ương Trung Quốc. Năm 1939, ông này thậm chí còn bí mật xin lãnh sự quán Liên Xô tại Tân Cương kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô – thẻ đảng (Cộng sản Liên Xô) của viên tỉnh trưởng người Trung Quốc được bí mật đưa đến thủ đô của Tân Cương. Cũng trong thời gian này, Liên Xô kiểm soát toàn bộ các cơ sở khai thác mỏ chủ chốt và các chuyên gia Xô Viết đã lần đầu tiên phát hiện ra mỏ titan tại đây.
Nhưng khi Đức tấn công Liên Xô, tướng Thịnh Thế Tài cho rằng ngày tàn của Liên Xô đã điểm. Ông này trục xuất tất cả các cố vấn Xô Viết và bắt đầu xử bắn các đảng viên cộng sản người Trung Quốc và người Duy Ngô Nhĩ. Trong số những người bị xử bắn có cả em trai của Mao Trạch Đông (Mao Trạch Dân- ND).
Và lần thứ hai
Mùa hè năm 1944, khi tình thế trên chiến trường Xô- Đức có những thay đổi mang tính bước ngoặt, tỉnh trưởng Thịnh biết mình đã tính nhầm và bỏ chạy về Trung Quốc. Cùng thời gian này, việc giao thương buôn bán của Tân Cương với Liên Xô bị đình trệ và tại khu vực này bắt đầu xảy ra khủng hoảng kinh tế.
Người Duy Ngô Nhĩ lại một lần nữa khởi nghĩa và đến mùa thu năm 1944, Nước Cộng hòa cách mạng Đông Turkestan lại được thành lập tại Tân Cương. Điều thú vị là trong số những người đứng đầu cuộc khởi nghĩa chống Trung Quốc có cả người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, người Kalmưc và người Tacta (cộng đồng người Tacta ở Kazan giữ một vai trò chủ chốt trong mối quan hệ thương mại giữa Nga- Liên Xô và Tân Cương).
Tổng thống Nước cộng hòa cách mạng Đông Turkestan mới (Tân Cương) Akhmedzan Kaswmov cũng là một người Duy Ngô Nhĩ. Ông từng tốt nghiệp phổ thông ở ở Alma-Ata (Liên Xô), tốt nghiệp Đại học tổng hợp ngành sư phạm tại Tashken (cũng Liên Xô), bảo vệ luận án tiến sỹ về lịch sử người Duy Ngô Nhĩ tại Trường đại học ngôn ngữ Phương Đông ở Moscow và là cán bộ của Quốc tế cộng sản.
Tư lệnh Quân đội nước Cộng hòa này là Thiếu tướng Bộ Nội vụ Liên Xô Ivan Polinov, còn Tổng tham mưu trưởng là cựu tướng Bạch vệ Varsonofi Mozarov (đã theo Hồng Quân).
Tháng 9/1945, dưới sức ép của các nhà ngoại giao Xô Viết và sau những thất bại liên tiếp trước Quân khởi nghĩa Duy Ngô Nhĩ, chính quyền trung ương Trung Quốc buộc phải thừa nhận “quyền tự trị” của người Duy Ngô Nhĩ.
Giới lãnh đạo Moscow cũng bắt đầu xem xét nghiêm túc đề nghị của Trung ương Đảng cộng sản Kazakhstan (Nước cộng hòa Trung Á của Liên Xô- nơi có cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ rất đông sinh sống) về việc thành lập Đảng Cộng sản Tân Cương – để “nhằm củng cố những thành tựu kinh tế và chính trị của những người Hồi giáo khởi nghĩa chống lại người Trung Quốc tại các khu vực phía Bắc Tân Cương và tiếp tục phát triển phong trào giải phóng dân tộc của những các tầng lớp quần chúng không phải là người Trung Quốc tại tỉnh này (Tân Cương).
Nhưng một lần nữa, quốc gia Duy Ngô Nhĩ mới thành lập này lại là nạn nhân của những tính toán địa- chính trị trong chính sách của hai nước lớn Xô – Trung. Đến năm 1949, kết cục cuộc nội chiến kéo dài tại Trung Quốc (từ năm 1911) đã rõ – đội quân của Mao Trạch Đông sẽ giành phần thắng.
Moscow cho rằng một liên minh chặt chẽ với Trung Quốc đỏ sẽ quan trọng hơn nhiều mối quan hệ với những người Duy Ngô Nhĩ vừa cộng sản vừa Hồi Giáo phức tạp này.
Và kết quả của những toan tính ấy là phái đoàn chính phủ nước Cộng hòa cách mạng Đông Turkestan bay từ Tân Cương đến Bắc Kinh trên máy bay của Liên Xô để đàm phán với Mao Trạch Đông đã không bao giờ đến được điểm cần đến. Theo công bố chính thức thì chiếc máy bay này đã gặp nạn ở đâu đó giữa Irkutsk và Chita.
Lực lượng vũ trang nước Cộng hòa Duy Ngô Nhĩ được thành lập với sự hỗ trợ của Liên Xô đã chính thức trở thành Quân đoàn số 5 của PLA. Trong rất nhiều năm sau, cho đến tận khi quan hệ giữa Khrushov và Mao Trạch Đông bắt đầu xấu đi thì quân đoàn này do một trung tướng Trung quốc gốc Nga (tướng Nga Hoàng cũ) là Foti Leskin chỉ huy.
Năm 1949, PLA tiến vào Tân Cương và ngày 01/10/1955, Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ – Tân Cương được thành lập, thay thế tỉnh Tân Cương.
Như đã thấy, những người ly khai Duy Ngô Nhĩ trong 2 thế kỷ vừa qua đã có không ít cơ hội giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống Trung Quốc để giành độc lập. Nhưng họ đã quá không may và luôn là nạn nhân của các tính toán địa chính trị và sự thỏa hiệp giữa các nước lớn, mà trước hết là Moscow và Bắc Kinh.
Lịch sử không có chữ nếu nhưng bản đồ chính trị khu vực Đông Turkestan (Tân Cương) đã có thể hoàn toàn khác.
Còn tiếp: “Người Duy Ngô Nhĩ trong cuộc chiến với Trung Quốc đỏ”
Theo_Báo Đất Việt
Trung Quốc thắt chặt an ninh tại Tân Cương
Trung quốc đã thắt chặt an ninh tại một thành phố chính ở khu tự trị Tân Cương vào hôm nay, đúng dịp tưởng niệm 5 năm xảy ra các cuộc bạo động đẫm máu vốn làm gần 200 người chết hồi năm 2009.
Các cảnh sát bán quân sự tuần tra tại Tân Cương.
Các cảnh sát mang súng trường tự động và xe bọc thép đã được triển khai quanh các khu vực, nơi nhiều người Duy Ngô Nhĩ thiểu số thường tập trung. Các binh sĩ cũng có mặt tại một tòa nhà của đảng Cộng sản Trung Quốc ở trung tâm thành phố.
Một quảng trường lớn phía trước tòa nhà của đảng Cộng sản đã bị phong tỏa, dường như là nhằm ngăn chặn mọi người tụ tập và gây rối.
Hôm nay là đánh dấu tròn 5 năm kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ biến thành bạo động đẫm máu tại khu tự trị Tân Cương. Giới chức Trung Quốc cho biết gần 200 người đã thiệt mạng trong cuộc bạo động hồi năm 2009.
Người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo trong khu vực đã bày tỏ sự bất bình về sự phân biệt đối xử giữa người Duy Ngô Nhĩ bản địa với người Hán di cư từ nơi khác đến, vốn thống trị nền kinh tế và chính trị khu vực.
An ninh tại Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương, đã suy giảm trong năm nay khi nhiều người thiệt mạng và bị thương trong các vụ tấn công nhằm vào một nhà ga tàu, một khu chợ và các mục tiêu khác.
Giới chức Trung Quốc đang thúc đẩy việc xây dựng một đường sắt cao tốc, đường sắt đầu tiên như vậy trong khu vực, nhằm đảm bảo sự ổn định thông qua phát triển kinh tế.
Trung Quốc cũng đang tăng cường cuộc trấn áp nhằm vào các phần tử ly khai Hồi giáo tại Tân Cương trong chiến dịch mà giới chức gọi là một cuộc chiến chống khủng bố.
An Bình
Theo Dantri/Xinhua
Giải mã động cơ khủng bố Tân Cương, Trung Quốc Trong sách xanh về an ninh quốc gia lần đầu tiên được Trung Quốc công bố hôm 6-5, Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan được xác định là nguy cơ khủng bố trực tiếp và lớn nhất. Vậy bản chất của tổ chức này và bản chất của những hành vi khủng bố là gì? Kẻ đứng sau "điểm nóng" Turkestan (còn gọi...