Người được thuê chặt tay chân có nguy cơ ngồi tù
Dù được chị N. thuê chặt tay chân nhưng hành vi của anh D. là trái pháp luật, có dấu hiệu hình sự và anh này có thể phải ngồi tù.
Anh D. tường trình tại cơ quan điều tra.
Vừa qua, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khám phá vụ việc chấn động, chị Lý Thị N. (30 tuổi, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thuê Doãn Văn D. (SN 1995, ở huyện Phúc Thọ) chặt chân, tay của mình rồi tạo hiện trường giả vụ tai nạn giao thông đường sắt nhằm trục lợi bảo hiểm.
Theo khai nhận của chị N. và anh D., hai người thỏa thuận, chị N. trả cho anh D. số tiền 50 triệu đồng để chặt chính tay, của mình.
Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty luật Minh Bạch) cho biết, hành vi của anh D. đặc biệt nguy hiểm bởi nó đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của con người.
“Hiến pháp 2013 nói rất rõ, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Dù được chị N. thuê nhưng điều đó không có nghĩa anh D. được phép xâm phạm sức khỏe chị N. bởi pháp luật hiện hành của Việt Nam cấm mọi hành vi xâm phạm sức khỏe người khác và cũng chưa có điều luật nào cho phép giúp người khác chết hoặc hủy hoại thân thể”, luật sư Tuấn Anh nói.
Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP năm 2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 104 Bộ luật Hình sự nêu: Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân là làm mất một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm mất chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân.
Video đang HOT
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, hành vi của anh D. là có dấu hiệu phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104, Bộ luật Hình sự. Hành vi này để lại hậu quả nặng nề khiến chị N. bị cố tật, cụt một phần tay và chân.
Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý hình sự đối với anh D., chị N. phải giám định thương tích ở cơ quan chuyên môn.
“Với việc chị N. bị cố tật ở tay chân thì chỉ cần chị N. giám định sức khỏe thì anh D. có thể bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”, bởi theo Khoản 1, Điều 104, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên, nếu như hành vi của anh D. chỉ rơi vào khoản 1 với tỷ lệ thương tích dưới 11% thì bắt buộc chị N. phải có đơn đề nghị xử lý thì cơ quan điều tra mới có căn cứ khởi tố vụ án hình sự đối với anh D.
Trong trường hợp, thương tích chị N. được xác định từ 11% cộng với việc các dấu hiệu chị N. gặp cố tật nhẹ và anh D. sử dụng hung khí nguy hiểm thì cơ quan điều tra sẽ không cần đơn đề nghị của chị N vẫn có đủ căn cứ khởi tố hình sự”, luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Tuấn Anh cho rằng, hành vi của cả chị N. và anh D. đều quá nguy hiểm và may mắn không xảy ra án mạng.
“Chị N. quá mạo hiểm khi thuê người chặt tay, chặt chân mình vì việc này hoàn toàn có thể khiến chị tử vong. Còn anh D. đã may mắn khi chị N. sống sót và chỉ bị cố tật. Nếu xảy ra án mạng, anh D. có thể sẽ phải ngồi tù về hành vi “Cố ý gây thương tích dẫn tới chết người”, người phạm tội này có thể bị phạt tới 15 năm tù giam”, luật sư Tuấn Anh phân tích.
Theo Xuân Lực (Dân Việt)
Hậu trường ly kỳ vụ thuê chặt tay, chân trục lợi 3,5 tỷ
Ngày 4/8, cảnh sát đã triệu tập được Doanh, N. và cuối cùng cả hai đã khai nhận toàn bộ sự việc.
Hiện trường vụ chặt tay chân do N. và Doanh tự dựng lên để đánh lừa cơ quan điều tra
Với manh mối từ mảnh giấy ghi nợ tiền công... chặt chân, tay thuê với giá 50 triệu, cảnh sát đã điều tra làm rõ vụ việc chấn động, lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam.
Những dấu vết bất thường tại hiện trường
Trao đổi với PV Báo Giao thông ngày 24/8, Trung tá Đỗ Đức Khang, Đội trưởng Đội CSGT, trật tự, phản ứng nhanh Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội kể lại: "Hôm đó, khoảng 0h5 đêm 5/5, đúng ca tôi trực, có người chạy vào báo: "Mấy anh công an ơi, ra ngay, đằng kia có vụ tai nạn tàu hỏa". Lập tức tôi cử một tổ công tác ra khám nghiệm hiện trường". Người báo tin sau đó được xác định là Doãn Văn Doanh (SN 1995, trú Vân Phúc, Phúc Thọ, Hà Nội).
Địa điểm xảy ra vụ tai nạn là Km16 820 thuộc tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển, địa phận phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Lúc này, cảnh sát phát hiện chị Lý Thị N. (SN 1986, quê Hàm Yên, Tuyên Quang, thường trú tại xã Xuân Phú, Phúc Thọ, Hà Nội) đang nằm cạnh đường tàu, bị đứt một bàn tay và một bàn chân cùng bên trái. "Từ công tác khám nghiệm hiện trường, dấu vết để lại, tôi nghi ngay đây là vụ phạm pháp hình sự chứ không phải tai nạn đường sắt. Vì thông thường tai nạn tàu hỏa như vậy thì các phần cơ thể phải bắn tung tóe, chứ đằng này hiện trường rất gọn gàng, vết thương không dập nát, người, quần áo của nạn nhân cũng không có dấu hiệu gì cho thấy đây là một vụ tai nạn", vị Trung tá nhiều năm kinh nghiệm làm án nhận định.
Đúng như phán đoán, quá trình khám nghiệm đầu máy của đoàn tàu và các toa xe, cảnh sát không hề phát hiện dấu vết nào có liên quan. Trong khi lời khai của lái tàu và các nhân chứng đều trùng khớp thì lời khai của chị N. có nhiều điểm mâu thuẫn với kết quả khám nghiệm của cảnh sát. Ngay sau đó, vụ việc đã được chuyển đến Đội Cảnh sát điều tra Công an quận để giải quyết theo thẩm quyền.
Khai báo quanh co
Trung úy Nguyễn Quang Vũ, cán bộ trực tiếp điều tra vụ việc cho biết, ngay từ ban đầu, cơ quan điều tra đã xác định đây không phải là vụ TNGT đường sắt, vì thương tích do vật sắc gây ra chứ không phải bánh tàu. Kết luận giám định sau đó cũng cho thấy, tỷ lệ tổn thương cơ thể của chị N. là 79%, thương tích tại vùng tay trái, chân trái do vật sắc gây nên.
Sau khi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện 198, chị N. đã được các bác sỹ nối lại bàn tay trái và bàn chân trái. Đến ngày 8/5, chị N. xin chuyển đến Bệnh viện Việt Đức điều trị nhưng do vết thương hoại tử nên bác sỹ đã tháo bỏ phần bị đứt rời (cả bàn chân và bàn tay).
Tại hiện trường sau khi xảy ra sự việc, N. khai là do bị tàu chạy qua hút vào, sau đó bất tỉnh không biết gì. Khi ra viện, đối tượng lại khai bị cướp dây chuyền và điện thoại. Đối với người báo tin, Doanh khai đang trên đường về phòng trọ đi tắt qua đường sắt thì phát hiện có người bị tai nạn đường sắt nên báo công an. Cả chị N. và Doanh đều khai nhận không có mối quan hệ gì với nhau.
Tuy nhiên, quá trình làm việc tại cơ quan điều tra, N. khai nhiều điểm bất hợp lý. Tập trung đấu tranh, cảnh sát xác định N. vừa mua bảo hiểm thân thể tại hai công ty với số tiền chi trả tới 3,5 tỷ đồng. Đối với Doanh, sau khi xảy ra sự việc đã cung cấp sai tên, tuổi và địa chỉ cho cơ quan công an. Ngoài ra Doanh còn mua sim và điện thoại mới để cơ quan công an không liên lạc được. Khi xác định được nhân thân của Doanh, đồng thời có dấu hiệu bỏ trốn.
Kế hoạch tinh vi được chuẩn bị từ trước
Bằng biện pháp nghiệp vụ, cảnh sát đã có được tờ giấy ghi nợ do N. ký với nội dung nợ Doanh 50 triệu đồng tiền công... chặt tay, chân thuê. Ngày 4/8, cảnh sát đã triệu tập được Doanh, N. và cuối cùng cả hai đã khai nhận toàn bộ sự việc.
Theo đó, do N. làm ăn thua lỗ nợ tiền của nhiều người không có khả năng chi trả nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của công ty bảo hiểm. Để thực hiện âm mưu, N. thuê Doanh chặt chân và chặt tay N. với giá 50 triệu đồng. Doanh đồng ý nhưng do N. chưa có tiền nên mới tạm ứng cho Doanh 3 triệu và viết một giấy nhận nợ Doanh 50 triệu. Khoảng 23h15 ngày 4/5, cả hai đi ra khu vực đường ray nơi vắng người, ngồi đợi đoàn tàu số hiệu D12E-627 đi qua rồi thực hiện hành vi, sau đó báo công an.
Theo Trung úy Vũ, từ lời khai và các tài liệu thu thập được cho thấy kế hoạch thuê người chặt tay, chân trục lợi tiền bảo hiểm đã được N. lên kế hoạch rất tỉ mỉ. Các gói bảo hiểm mà N. mua đều trong tháng 3 và 4, cách thời điểm xảy ra sự việc chỉ 1 - 2 tháng. Điều khoản để bồi thường là tình trạng bị mất hoàn toàn chức năng và không thể phục hồi như: hai tay; hai chân; hai mắt; một tay và một chân... Điều này chứng tỏ không phải ngẫu nhiên mà N. thuê chặt cả tay trái và chân trái của mình.
Đánh giá vụ việc trên là một thủ đoạn mới của tội phạm, gây dư luận song Trung úy Vũ cũng cho biết, rất khó để khởi tố vụ án. Bởi lẽ, căn cứ vào các quy định pháp luật thì không có điều khoản nào quy định về việc thuê một người gây thương tích cho mình (nếu gây thương tích cho người thứ ba mới có thể xử lý tội "Cố ý gây thương tích").
Hơn nữa, phía bảo hiểm cũng chưa chi trả tiền bồi thường và CQĐT đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, tài sản chưa chiếm đoạt được nên chưa cấu thành tội phạm. Vì vậy, chỉ có thể xử phạt N. về hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản với mức phạt 1,5 triệu đồng; Xử phạt Doanh về hành vi báo thông tin giả đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mức phạt 750.000 đồng.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: Động cơ của một số đối tượng mua bảo hiểm để trục lợi là rất cao vì sức hút từ khoản lợi nhuận siêu lớn nếu được bồi thường. Chính vì thế, hành vi trục lợi bảo hiểm (cả nhân thọ và phi nhân thọ) đang có xu hướng gia tăng. Trong khoảng 10 năm qua, cơ quan điều tra đã khám phá và phát hiện hàng chục trường hợp trục lợi bảo hiểm nhân thọ với những hành vi khá đa dạng. Có trường hợp nhờ người ký khống giấy tờ, lập hồ sơ tham gia bảo hiểm khống; Có người biết bị ung thư hay HIV rồi mới đi mua bảo hiểm của 3, 4 doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau nhằm khi chết đi (thậm chí sau đó tự tử), người nhà được thụ hưởng bảo hiểm; Có người đã chết trước thời điểm tham gia bảo hiểm nhưng người thân làm giấy chứng tử gian lận thời gian chết để đòi thụ hưởng bảo hiểm... Tuy nhiên, hành vi tự chặt chân tay, tạo dựng tai nạn giả để được hưởng bảo hiểm thì đây là lần đầu tiên xuất hiện. Hoàng Ngân (Ghi)
Theo Văn Thanh (Báo Giao thông)
Thuê người chặt tay chân: Phạt hành chính 1,5 triệu CQĐT không khởi tố vụ người phụ nữ thuê người chặt chân tay mình để trục lợi 3,5 tỷ tiền bảo hiểm. Người này và người được thuê chặt tay, chân chỉ bị đề nghị xử phạt hành chính. Hiện trường của vụ chặt tay chân Ngày 24/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho...