Người đứng đầu IAEA xác nhận sẽ có chuyến thăm Nga
Bên lề phiên họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/9, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tham gia vào một cuộc hội đàm với Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi. Ảnh: IAEA
Theo hãng thông tấn TASS, ông Lavrov và ông Grossi đã cùng thảo luận về khả năng của một chuyến thăm Nga của người đứng đầu IAEA. Trả lời các phóng viên sau buổi thảo luận, ông Grossi xác nhận rằng ông sẽ sớm tới thăm Nga, tuy nhiên không đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Trước đó trong khuôn khổ buổi gặp mặt với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Grossi cũng đặt vấn đề về một chuyến thăm Kiev tiềm năng trong tương lai gần.
Video đang HOT
Ngoài thảo luận về chuyến thăm, người đứng đầu IAEA cùng Ngoại trưởng Nga còn thảo luận về các chủ đề khác, ví dụ như về vấn đề đảm bảo an toàn hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, nơi phái đoàn IAEA đang làm nhiệm vụ.
TASS trích dẫn thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao Nga sau cuộc họp cho biết ông Lavrov và ông Grossi “đã trao đổi ý kiến về các lĩnh vực chính trong công việc của IAEA”. Công tác đảm bảo an ninh tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye cũng đã được thảo luận chi tiết.
Phía Nga tái khẳng định cam kết hợp tác hơn nữa với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhằm hạn chế các mối đe dọa với Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, đặc biệt là các mối đe dọa được nước này cho là “tờ từ Kiev”. Nga đã nhiều lần cáo buộc quân đội Ukraine pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân này.
Thêm vào đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm Ngoại trưởng Sergey Lavrov còn nhắc tới vấn đề phương Tây cung cấp cho Ukraine vũ khí có chứa uranium nghèo cũng như các “tác động tàn phá lâu dài” của chúng.
Từ ngày 19/9, tuần lễ cấp cao của phiên họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã khai mạc tại New York. Theo truyền thống, tuần lễ này có sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ cũng như các bộ trưởng ngoại giao và đại diện của các tổ chức quốc tế trên toàn cầu. Tuần lễ cấp cao năm nay lần đầu tiên được tổ chức mà không có bất kỳ hạn chế nào về mặt y tế kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan trên toàn cầu.
Ngoại trưởng Nga đặt chân tới New York ngày 20/9 sau chuyến bay kéo dài 11 giờ 40 phút. Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga dự kiến sẽ tham gia vào khoảng 20 cuộc gặp song phương bên lề sự kiện này, với sự kiện đầu tiên diễn ra ngay sau khi ông tới New York với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi.
Ông cũng sẽ gặp các quan chức cấp cao của các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Sự kiện quan trọng nhất trong lịch trình làm việc của ông Lavrov tại New York trong những ngày tới sẽ là bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 23/9.
IAEA đảm bảo chia sẻ thông tin về nước xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Ngày 23/8, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo sẽ thông tin thường xuyên với Chính phủ Hàn Quốc về hoạt động của Nhật Bản xả nước thải đã xử lý phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Các bể chứa nước thải tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản ngày 21/2/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong thông cáo báo chí, Tổng giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi cho biết hai bên đã nhất trí lập khuôn khổ chia sẻ thông tin nhằm giải quyết những lo ngại của Hàn Quốc. Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu xả nước thải nói trên từ ngày 24/8.
IAEA khẳng định kế hoạch xả thải của Nhật Bản "đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của IAEA, vốn được dùng làm hệ quy chiếu toàn cầu để bảo đảm an toàn cho người dân và môi trường".
Thông cáo báo chí nêu rõ IAEA đã mở một văn phòng thường trực tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima và sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động xả thải để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và sẽ "cung cấp thông tin cập nhật" cho phía Hàn Quốc. IAEA cũng sẽ công khai các dữ liệu giám sát thời gian thực về hoạt động này.
IAEA và Chính phủ Hàn Quốc đang lên kế hoạch tổ chức họp trực tuyến định kỳ, trong khi các chuyên gia của Hàn Quốc sẽ được thường xuyên thăm Văn phòng IAEA tại nhà máy trên.
Ông Grossi nhấn mạnh: "Cách duy nhất để giải quyết những lo ngại chính đáng của người dân là thông tin cho họ biết".
Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị ảnh hưởng. TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý hàng trăm bể chứa hơn 1 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.
Năm 2021, giới chức Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch xả dần nước thải đã qua xử lý ra biển. Nhật Bản cho biết nước thải nhiễm phóng xạ sẽ trải qua hệ thống lọc để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro. Các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.
Trong báo cáo an toàn của IAEA hồi tháng 7, cơ quan này khẳng định việc Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ sẽ có tác động không đáng kể đối với người dân và môi trường.
IAEA không phát hiện chất nổ ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia Ngày 4/8, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết cơ quan này đã được phép tiếp cận các khu vực của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine và không phát hiện chất nổ ở đây. Thành viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thị sát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine, ngày...