Người dùng đánh giá Audi TT 10 năm tuổi: Dù phải sống chung với lũ, tôi vẫn cảm thấy mình được nhiều hơn mất
Bỏ hơn 600 triệu để mua một chiếc xe thể thao 10 năm tuổi, Anh Quang Long, một doanh nhân tuổi tứ tuần tại Hà Nội vẫn cảm thấy hài lòng dù chiếc xe cũng có những căn bệnh riêng.
Tôi trở thành một doanh nhân ngay sau ngày rời khỏi cánh cổng đại học. Tới nay, đến ngưỡng cửa tuổi tứ tuần, bản thân nghĩ đã đến lúc để trở lại với những thú vui của riêng mình. Đó là niềm ưa thích xe thể thao.
Khác với đa số người mua xe lần đầu và khác với xu hướng thời đại là xe đa dụng, tôi có định hướng rõ ràng, rằng mình sẽ tìm mua một chiếc xe thể thao 2 chỗ đã qua sử dụng, có mui trần để phục vụ cá nhân. Tất nhiên, đây không phải chiếc xe đầu tiên của tôi. Vì nếu mua một chiếc xe 2 chỗ cho gia đình, thì chắc một là ôi phải bỏ vợ, hai là tôi phải bỏ con. Còn nếu bạn thắc mắc tôi phục vụ gia đình bằng cách nào, thì tôi còn tới 2 chiếc Mercedes-Benz C-Class ở trong garaga, nhưng thôi, đó không phải là câu chuyện mà tôi muốn nói tới hôm nay.
Bất kì ai khi tìm mua xe đều phải trải qua quãng thời gian nhòm ngó, và cỗ máy làm trái tim tôi thổn thức như một thanh niên tuổi 20 chính là BMW Z4. Mẫu xe này sở hữu một vẻ đẹp mà theo tôi là huyền thoại nhất trong số những đối thủ của nó, và cả trong tầm tiền mà tôi có thể chi ra cho thú vui của mình.
Nhưng cũng chắc vì đẹp quá mà BMW Z4 thuộc diện khó chiều. Tôi lân la khắp chốn trên Internet, các group trong/ngoài nước, ai cũng khen chạy hay, chạy thích, chạy cảm xúc, nhưng dở một cái là xe rất hay mắc lỗi, mà toàn là dạng lỗi phải sửa đi sửa lại. Tôi cùng tìm đến một vài showroom xe cũ và chạy thử, có những chiếc BMW Z4 vừa nổ máy lên đã báo lỗi động cơ, hỏi thì chủ showroom cũng chỉ biết trả lời tránh né. Tôi gần như từ bỏ ý định mua BMW Z4 sau khi một ông chủ nhập khẩu xe tư nhân nổi tiếng thốt lên rằng ông ta sẽ “cạch” chuyện nhập BMW Z4 về Việt Nam. Vì xe quá ế ẩm và hay bị người dùng than phiền vì lỗi động cơ.
Tôi quên chưa nói rằng ngân sách dành cho việc mua xe của tôi là từ 1 tỷ đồng đổ lại. Và bên cạnh BMW Z4, Audi TT cũng là một sự lựa chọn không tồi, chỉ trách là kém “manly” hơn. Bù lại, Audi TT thì không khó để tìm mua, và tôi cũng ít thấy người ta chê bai lỗi lầm về dòng xe này.
Lại nói chuyện cũ, hai chiếc Mercedes-Benz C-Class W204 và C-Class W205 tôi từng mua đều là xe cũ. Thế nên, cá nhân tôi cũng có chút ít kinh nghiệm chọn mua xe cũ nói chung và sử dụng xe Đức cũ nói riêng.
Với một chiếc xe đã 10 năm tuổi, lại còn là 10 năm tuổi ở Việt Nam thì thực sự khó tránh khỏi một chiếc xe đã va chạm. Đây là điều người mua xe cũ cũng nên xác định luôn từ đầu. Nhưng quan trọng, va chạm đó chưa ảnh hưởng đến máy và khung gầm, thì mọi thứ đều có thể làm lại được.
Thật tình, tôi cũng không rõ chiếc Audi TT mà tôi chọn ban đầu nhìn thế nào, vì tôi đến xem khi xe đã được thay toàn bộ cản trước và mặt ca-lăng, nhìn mới coóng. Nhưng sau khi cho xe lên cầu, xem thấy động cơ và khung gầm chưa ảnh hưởng, các chi tiết mô-tơ điện hoạt động ổn, chạy thử nghe tiếng máy lên, tiếng pô ra vẫn tròn, xe chạy không bỏ máy, tôi quyết định chốt lấy chiếc Audi TT.
Giá bán ban đầu được chủ showroom đưa ra là 710 triệu đồng. Sau một hồi thương thảo, chiếc Audi TT thuộc sở hữu của tôi với giá 670 triệu đồng, rẻ ngang một chiếc Mazda3 2019.
Video đang HOT
Những hỏng hóc đầu tiên tới sớm hơn tôi nghĩ. Vừa tối hôm trước đi lấy xe về, ngày hôm sau đi đã thấy có gì đó không ổn. Vài km lái thử không cho tôi thấy được toàn bộ vấn đề của chiếc xe này. Trong quãng đường ngắn trước cửa showroom, mọi thứ đều diễn ra vô cùng mượt mà và hoàn hảo. Nhưng khi chạy nhiều hơn, chiếc Audi TT gặp phải hiện tượng “nghẹt ga” (máy không thoát, sang số không đều). Không mất nhiều thời gian, tôi phát hiện ra bộ phận bơm xăng gặp sự cố. Chi phí thay thế hết đâu đó 12-13 triệu đồng.
Tôi liên hệ ngay lập tức với showroom. Tôi cho rằng, đây là phần mà showroom cần chịu trách nghiệm toàn bộ. Bơm xăng nên được thay khi trải qua quãng đường 70.000 – 100.000 km. Nhưng thôi, để mọi chuyện nhanh chóng và êm xuôi, tôi chấp nhận mỗi bên thanh toán một nửa chi phí.
Chưa hết, tôi còn phát hiện ra xe bị lỗi turbo. Cụ thể là van turbo không mở hết. Lỗi này ban đầu tôi đoán già đoán non khi nghe tiếng động cơ. Vài bữa sau khi mua thêm máy chuyên dụng để đọc lỗi thì đúng là thế thật. Nhưng khách quan mà nói, lỗi này không ảnh hưởng quá nặng đến cảm giác vận hành, và tôi thì vẫn còn đang bù đầu với những dự án kinh doanh, nên tạm thời vẫn có thể nhắm mắt cho qua.
Nhiều người cứ lo mua xe sang với xe cũ sẽ gặp tình trạng thiếu phụ tùng rồi sửa chữa khó khăn. Nhưng thực ra với những hãng xe sang phổ thông chạy đầy đường Việt Nam, mọi vấn đề liên quan đến việc mua phụ tùng rất dễ dàng. Không khó để bạn tìm cho mình 1 garage ruột chuyên nhận đặt đồ từ nước ngoài, thời gian cũng vô cùng nhanh chóng. Ở châu Âu, tuổi đời của một chiếc xe có thể lên tới 2 thập kỷ, thậm chí hơn. Thế nên, nếu bạn đang dùng một chiếc xe 10 năm tuổi, phụ tùng xe có thể được tìm kiếm vô cùng đơn giản sau khi bạn cung cấp số Vin cho người bán.
Chuyện mua thì dễ lắm, bán thì khó hơn. Tôi có thay đổi bộ mâm đa chấu để phù hợp với thẩm mỹ cá nhân. Tổng thiệt hại hết 48 triệu đồng. Đương nhiên phần này thì dễ, còn phần khó hơn là bán đi bộ vành 18 inch cũ theo xe mà tôi kí gửi luôn ở cửa garaga tôi hay đặt đồ. Tới nay đã mấy tháng trôi qua, thậm chí còn chẳng có ai hỏi mua, dù tôi chỉ chào bán có vài triệu đồng.
Có lẽ những chiếc xe Đức đều đem đến cho người dùng phần nào đó những màu sắc tương đồng. Để so sánh giữa 2 xe, kích thước chắc chắn là điểm tạo nên sự khác biệt. Chiếc Mercedes-Benz C-Class ngày trước từng được tôi mở hết công suất lên ngưỡng hơn 250 mã lực, Audi TT thì khoảng 211 mã. Với điều kiện vận hành trong phố, Audi TT đích thị là chiếc xe nhỏ mà có võ. Cảm giác linh hoạt hơn nhiều so với chiếc C-Class trước đây. Sau giờ làm việc, tôi về nhà cũng nhanh hơn đôi ba phút. Đi chơi phố, việc đỗ xe cũng trở nên đơn giản hơn, đặc biệt là nếu hạ mui thì còn đơn giản hơn nữa.
Chạy Audi TT hay Mercedes-Benz C-Class, tôi cảm nhận mức độ thoải mái ở mức tương đương. Tất nhiên là nội thất của “Mẹc” thì sang chảnh hơn, rồi thì nước hoa này nọ. Nhưng xét đến yếu tố rộng rãi và thoải mái thì tôi thấy cũng vậy. Vì xe bố trí cho 2 người nên diện tích cũng khá tối ưu. Nếu năm vừa rồi tôi từng làm một chuyến xuyên Việt với Mercedes-Benz C-Class, thì năm nay hành trình đó với Audi TT cũng có được sự thoải mái tương đồng. Nhưng chắc chắn một điều là chiếc Audi TT không thể làm chủ màn đêm tốt như hệ thống chiếu sáng trên Mercedes-Benz. Còn lại, ở vận tốc từ 80-100 km/h, ngoài khả năng cách âm, có lẽ không có gì khác biệt nhiều. Đây cũng là dải vận tốc mà tôi cảm thấy là tối ưu nhất cho động cơ của Audi TT.
Ở vận tốc 100 km/h, Audi TT vẫn cho người lái cảm giác tự tin. Ở ngưỡng tốc độ này mới cảm thấy tác dụng thực sự của cánh gió, đuôi xe bị ghìm chặt xuống mặt đường. Ga vẫn còn dư, và nếu không giữ mình, chỉ trong chớp mắt bạn đã vượt quá tốc độ tối đa trên cao tốc.
Chiếc Audi TT mui trần này cũng có một vài nhược điểm mà nếu bạn đang có ý định mua giống tôi, thì bạn nên học cách chấp nhận.
Thứ nhất, khả năng tiết kiệm nhiên liệu chắc chắn sẽ khiến bạn phải ngán ngấm nếu như bạn không thoải mái về tài chính. Xe có mức tiêu hao nhiên liệu trung bình lên tới 16L/100 km. Nếu tắc đường, con số có thể tăng lên 30 lít/100km, ngang ngửa với một chiếc Rolls-Royce Ghost đứng nổ máy.
Nếu so sánh trực tiếp với chiếc Mercedes-Benz C-Class trước đây của tôi, Audi TT thua xa. Dù cùng sử dụng dung tích xy-lanh 2.0L, Mercedes-Benz C-Class chỉ tiêu thụ từ 6,5 – 7L/100 km đường xuyên Việt. Với Audi TT, con số này đạt ngưỡng 9 – 9,5L/100 km, đó là còn chưa bật chế độ Sport. Cả hai mức tiêu hao nhiên liệu đều được tôi ghi lại ở dải vận tốc từ 80 – 100 km/h.
Về nguyên nhân “uống” xăng, tôi nghĩ phần nào có thể do lỗi chưa mở hết van turbo gây ra. Hiện tượng chưa mở hết van turbo có thể làm xe không đốt hết lượng nhiên liệu còn dư, dẫn đến lãng phí. Hơn nữa, dù sao cỗ máy này cũng đã trải qua 1 thập kỷ vận hành.
Thứ hai, mui xe và cửa kính không hoàn toàn đóng khít lại với nhau, nên nếu gặp mưa to, và gió thổi đúng hướng, thì vẫn có khả năng cao bị hắt chút ít nước vào trong xe. Tuy nhiên lỗi này không quá đáng ngại, toàn bộ hệ thống mui mua mới có giá nhập về chỉ khoảng 1.000 USD, không khó để thay thế. Còn về cơ bản, nó vẫn đủ kín để nhanh chóng làm mát trong thời tiết mùa hè ở Hà Nội.
Nhược điểm cuối cùng mà chắc ai sử dụng xe Audi cũng cũng hiểu, đó chính là căn bệnh hao dầu kinh niên. Tôi phát hiện ra bệnh này lần đầu tiên khi xe báo dầu lúc đang chạy xuyên Việt. Đây là căn bệnh khiến chiếc Audi TT thi thoảng lại làm phiền chủ nhân nhiều hơn. Nhưng không phải là vấn đề đáng quan ngại về kỹ thuật hay kinh tế.
Thời gian tới, tôi dự định sẽ khắc phục hoàn toàn sự cố van turbo và cân chỉnh lại ECU để mang tới sức mạnh tối đa cho chiếc xe này. Tựu chung lại, nếu cân đo đong đếm, tôi vẫn cảm thấy mình được nhiều hơn mất khi mua Audi TT. Một chiếc xe mang đến nhiều cảm xúc hơn từ ngoại thất đến cảm giác vận hành. Bạn có đồng ý với tôi không, đây rõ ràng là một món trang sức mang đến nhiều giá trị hơn là một mẫu xe 4 bánh?
Theo Trí Thức Trẻ
Top 10 xe hơi cỡ trung bán chạy nhất thế giới: Toyota Camry 'vô đối'
Trong nửa đầu năm 2019, Toyota Camry đứng đầu danh sách 10 xe hơi cỡ trung bán chạy nhất thế giới. Doanh số của mẫu sedan này đạt mức 348.786 chiếc.
1. Toyota Camry (doanh số: 348.786 chiếc).
2. Honda Accord (doanh số: 263.413 chiếc).
3. Volkswagen Lavida (doanh số: 250.334 chiếc).
4. Mercedes-Benz C-Class (doanh số: 236.708 chiếc).
5. Nissan Sylphy (doanh số: 215.227 chiếc).
6. Volkswagen Passat (doanh số: 185.778 chiếc).
7. Skoda Octavia (doanh số: 178.177 chiếc).
8. BMW 3 Series (doanh số: 170.226 chiếc).
9. Audi A4 (doanh số: 165.600 chiếc).
10. Buick Excelle GT (doanh số: 152.119 chiếc).
Theo F2M
Mercedes-Benz C-Class 2021 lộ đèn pha mới Dù SUV và xe điện đang là 2 chủ đề tràn ngập trên các mặt báo thời gian qua, Mercedes vẫn đang dồn khá nhiều công sức và tiền bạc để phát triển phiên bản mới cho 2 chiếc sedan làm nên tên tuổi của họ là S-Class và C-Class... Trong khi S-Class sẽ lên đời trong năm sau thì C-Class cũng hứa...