Người đưa Singapore lên ‘Thế giới thứ nhất’ – Kỳ 7: Cố vấn của thế giới
Tầm ảnh hưởng của ông Lý Quang Diệu vượt ngoài biên giới Singapore, bởi các lãnh đạo trên thế giới trước nay đều công nhận ông là một nhà chiến lược quốc tế lỗi lạc.
Ông Henry Kissinger viếng ông Lý Quang Diệu. Bên cạnh là bà Ho Ching (Hồ Tinh), phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long – Ảnh: Reuters
Cựu cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng qua nhiều đời tổng thống Mỹ Henry Kissinger, trong bài điếu văn trên tờ The Washington Post ngay sau khi ông Lý qua đời hôm 23.3, viết: “Thật xúc động khi chứng kiến trong mấy thập niên qua, Lý Quang Diệu từ vai trò ngang với thị trưởng một thành phố cấp trung trở nên nổi bật trên nghị trường quốc tế như một nhà cố vấn chiến lược toàn cầu”. Hai người gặp nhau lần đầu năm 1967 khi ông Lý đến thăm ĐH Harvard nơi ông Kissinger đang giảng dạy.
Lịch sử ghi nhận
Hôm 28.3, ông Kissinger, 91 tuổi, đến tòa nhà quốc hội Singapore viếng linh cữu người bạn thân thiết nhỏ hơn mình 4 tháng tuổi trước sự xúc động của nhiều người. Nói chuyện với báo chí sau đó về ông Lý, ông Kissinger nói: “Ông ấy đã dạy chúng tôi về cách mà người châu Á suy nghĩ trước các vấn đề và giải thích với chúng tôi ý nghĩa của sự phát triển một cách thực tế nhất”. Chính nhờ những giải thích “cực kỳ hữu ích” của ông Lý về vận hành chính trị nội bộ, cách điều hành kinh tế của các lãnh đạo Trung Quốc đã giúp Washington định hình chính sách ngoại giao với Bắc Kinh, ông Kissinger thừa nhận và cho biết thêm các đời tổng thống Mỹ liên tục đến nay vẫn tìm đến ông Lý để hiểu về châu Á.
Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình gọi sự ra đi của ông Lý là “một mất mát đối với cộng đồng quốc tế”. Ông Tập được bố trí gặp ông Lý lần đầu tiên tại Bắc Kinh vào tháng 11.2007. Đó cũng là cuộc gặp một lãnh đạo nước ngoài đầu tiên của ông Tập sau khi được bầu làm Ủy viên thường trực Bộ Chính trị. Qua cuộc gặp, ông Lý hiểu rằng ông Tập đã được nhắm cho vị trí lãnh đạo cao nhất trong tương lai, theo tiết lộ trong cuốn Nhận định của Lý Quang Diệu về thế giới xuất bản 2013.
Bên cạnh đó, công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc được khởi đầu sau chuyến thăm của ông Đặng Tiểu Bình đến Singapore tháng 11.1978 và choáng ngợp trước sự phát triển kinh tế, đô thị của đảo quốc này. Lần đó, ông Đặng “đã ném sang một bên lịch trình đã lên sẵn để trò chuyện hàng giờ với ông Lý” nhằm tìm hiểu quá trình xây dựng Singapore. Sự ra đời của các khu kinh tế dọc bờ biển Trung Quốc sau đó được giới quan sát đánh giá là mang đậm dáng dấp của Singapore.
Video đang HOT
“Ngạo mạn” nhưng trung thực
Không chỉ với Mỹ và Trung Quốc, Lý Quang Diệu còn tư vấn cho nhiều nước khác. Sự tự tin cộng với kiến thức sâu rộng cộng thêm lối nói “thẳng ruột ngựa” của ông đôi lúc khiến người nghe có cảm giác bị xúc phạm. Không ít người cho rằng ông Lý ngạo mạn. Tuy vậy, qua thời gian, người ta thấy ông nói đúng. Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm 25.3 phát biểu rằng chính câu nói của ông Lý trong chuyến thăm Úc năm 1980 – rằng nếu không mở cửa nền kinh tế và nỗ lực giảm lạm phát, thất nghiệp, Úc có nguy cơ trở thành “tro tàn của châu Á” – đã “thúc đẩy nước Úc thay đổi tốt hơn tại một thời điểm nguy ngập trong lịch sử”.
Các chính trị gia Ấn Độ những ngày qua cũng thừa nhận ngay từ năm 1966, ông Lý đã nhìn thấy vai trò của nước này trong hợp tác với Đông Nam Á đồng thời khuyên Ấn Độ nên hợp tác kinh tế với Nhật Bản. Sau đó, ông Lý gần như trở thành cố vấn cho nhiều lãnh đạo Ấn Độ. Tiến sĩ Sanjaya Baru, cố vấn báo chí của cựu Thủ tướng Manmohan Singh, tiết lộ trong một lần gặp ông Lý, ông Singh đã hỏi ý kiến về cách ứng xử với giới lãnh đạo Trung Quốc.
Trong quá trình hợp tác với VN từ đầu thập niên 1990, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng gọi ông Lý Quang Diệu là “một người bạn thật sự”, bởi ông đã “đưa ra những lời khuyên chân thực và chí tình, dù đôi lúc nghe rất đau lòng”, ông Lý viết trong hồi ký Câu chuyện Singapore: 1965 – 2000. Trong sổ tang tại Đại sứ quán Singapore ở Hà Nội ngày 23.3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết: “Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ tình cảm và sự giúp đỡ quý báu của Ngài Lý Quang Diệu dành cho Việt Nam”.
Bình luận về sự ra đi của ông Lý Quang Diệu, Chủ tịch kiêm Tổng biên tập Tập đoàn báo chí Forbes Media (Mỹ), nơi xuất bản tạp chí Forbes danh tiếng, ông Steve Forbes viết: “Thật không may mắn khi thế giới văn minh của chúng ta đã mất đi một tiếng nói trí tuệ giữa thời buổi đầy biến động này”.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Theo Thanhnien
Những lời tạm biệt nghẹn ngào của gia đình với Lý Quang Diệu
Gia đình cựu thủ tướng Lý Quang Diệu tối nay chia sẻ những cảm xúc về người cha, người ông của mình để thay lời tiễn biệt trong một buổi lễ đầy xúc động tại đài hóa thân Maidan.
Đội nghi lễ gấp cờ sau khi đặt linh cữu của cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu tại hội trường đài hỏa táng Maidan. Ảnh: Strait Times
Theo Strait Times, xe chở linh cữu ông Lý Quang Diệu tới đài hóa thân Maidan vào lúc 18h10. Đưa tiễn ông ở chặng cuối cùng này chỉ có gia quyến, những người bạn thân thiết lâu năm, các trợ lý gắn bó với ông trong thời gian dài, và vệ sĩ.
Bà Lý Vỹ Linh, con gái ông Lý Quang Diệu, đặt tấm di ảnh trước linh cữu. Quốc kỳ phủ trên lĩnh cữu từ từ được nhấc lên, gấp lại ngay ngắn và trao cho con trai cả, ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore đương nhiệm.
Nắp linh cữu được mở lần cuối để các thành viên trong gia đình lần lượt chia sẻ kỷ niệm về người cha, người ông kính yêu.
"Chúng con tề tựu ở đây để nói lời vĩnh biệt cha Lý Quang Diệu. Sau những nghi lễ trang trọng, trong giờ phút cuối cùng này, cha chỉ nằm đây bên gia đình, những người bạn chí cốt, những nhân viên tận tụy, đội ngũ an ninh, y bác sĩ tận tâm", ông Lý Hiển Long nói. "Rất nhiều lời đã được nói ra trước công chúng về cha, nhưng chúng con có đặc ân được biết cha với tư cách là người cha, ông, anh lớn, một người bạn, một lãnh đạo nghiêm khắc và tận tụy, một người chủ gia đình", ông tiếp tục chia sẻ.
Bà Lý Vỹ Linh, trong bộ quần áo màu đen, nhiều ngày qua không xuất hiện trước công chúng, giấu nỗi đau cho riêng bản thân. Bà tự nhận mình là người có nhiều điểm giống cha nhất sau khi kể lại câu chuyện về sự ngoan cố của cha khi nhất quyết không chịu sử dụng hệ thống thang máy được lắp đặt trong nhà để giúp ông lên xuống dễ dàng hơn.
Bà kể đã có cảm giác tan nát cõi lòng sáng nay, khi người giúp việc đưa chiếc ghế bên bàn ăn tối của ông Lý sát vào bức tường. "Nhưng con không thể suy sụp", bà nói.
"Cảm ơn cha vì đã là cha của con", ông Lý Hiển Dương tiếp nối. "Cha luôn ở đó hướng dẫn chỉ bảo, nhưng cũng luôn sẵn sàng lùi lại để con tự tìm lấy đường đi và đôi cánh của mình".
Một trong số những người cháu của ông Lý Quang Diệu cho hay luôn muốn trở thành người giống ông nội. "Ông đã chỉ cho tôi thấy rằng bạn có thể làm nên điều khác biệt đối với thế giới này. Không những thế, bạn có thể thực hiện điều đó mà vẫn ngẩng cao đầu", anh nói. "Bạn không cần phải lừa dối hay cướp đoạt của ai đó. Bạn cũng không cần phải quyến rũ hay xu nịnh ai. Bạn không cần quan tâm đến những thứ phù phiếm hay các cuộc chơi ngớ ngẩn. Bạn chỉ cần làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống của chính mình. Và cách hay nhất để làm điều đó là tự tạo ra những nguyên tắc và hành xử đúng đắn".
Sau những lời ai điếu, mỗi thành viên gia đình đi quanh linh cữu ông Lý, thả vào một bông hồng. Cuối cùng, các vệ sĩ lâu năm nâng ông lên và đưa ông đi. Cựu thủ tướng Singapore được hỏa táng.
Sinh thời, ông đã đề nghị được trộn tro cốt của ông với vợ, bà Kha Ngọc Chi, và đặt cạnh nhau trong tháp. "Chúng ta đã cùng chia sẻ cuộc sống, và ta muốn tro của chúng ta được để chung sau khi từ giã cõi đời".
Ông Lý Hiển Long và vợ, bà Hồ Tinh, nhìn cha lần cuối. Ảnh: Strait Times
Vũ Hoàng
Theo VNE
Chùm ảnh hàng chục ngàn người đội mưa vĩnh biệt ông Lý Quang Diệu Hàng chục ngàn người ngày 29.3 đội mưa xếp hàng trên những con đường ở Singapore để vĩnh biệt ông Lý Quang Diệu. Người dân Singapore xếp hàng trên một con đường nơi đoàn xe tang đưa linh cữu của ông Lý Quang Diệu đi ngang qua vào ngày 29.3. Mọi người xuất hiện từ rất sớm, xếp hàng trên những khu vực...