Người đưa Singapore lên ‘Thế giới thứ nhất’ – Kỳ 2: Bảo vệ nền cộng hòa non trẻ
Đột ngột tách khỏi liên bang Malaysia năm 1965 trở thành một nền Cộng hòa độc lập, Singapore đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi thù trong giặc ngoài.
Ông Lý Quang Diệu (trái) gặp Thủ tướng Pháp Jacques Chirac khi thăm Paris năm 1974 – Ảnh: AFP
Tháng 9.1963, hòn đảo tự trị Singapore quyết định nhập với bán đảo Malaya ở phía bắc, hình thành nên liên bang Malaysia dưới sự hân hoan và ủng hộ của “mẫu quốc” Anh. Tuy nhiên, mâu thuẫn sắc tộc không thể dung hòa giữa người Malay đa số ở phần bán đảo do chính quyền trung ương chi phối và người Hoa đa số ở đảo sư tử dưới sự quản lý của chính quyền Lý Quang Diệu, Thủ tướng Malaysia khi đó là Abdul Rahman đã đề nghị Singapore tách khỏi liên bang. Cay đắng và tự ái, ông Lý có phần nóng vội tuyên bố “chia tay” vào ngày 9.8.1965, lập nên nước Cộng hòa Singapore với 2 triệu dân, đa phần người Hoa. Phát biểu tuyên bố độc lập trong nước mắt, ông Lý nói: “Kể từ hôm nay, ngày 9.8.1965, Singapore sẽ vĩnh viễn là một quốc gia tự chủ, dân chủ và độc lập, được hình thành trên các nguyên tắc tự do và công lý, và mưu cầu ấm no và hạnh phúc cho người dân mình trong một xã hội công bằng và bình đẳng hơn”.
Tuy nhiên, cái cam kết “tự chủ, dân chủ và độc lập” trong “ấm no và hạnh phúc” lập tức trở nên quá khó đối với một nhà lãnh đạo 42 tuổi khi ông Lý nhận ra chính sự an toàn của bản thân và vợ con ông còn bị treo trên chỉ mành. “Ngay sau khi chia tách, người cảnh sát giữ nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho tôi đã cảnh báo tôi là kẻ bị ghét số 1 trên các tờ báo, radio và truyền hình tiếng Malay ở Malaysia”, ông Lý kể trong cuốn hồi ký Câu chuyện Singapore: 1965-2000. Nguy cơ bị bắt cóc bởi những phần tử cực đoan trong Tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất (UMNO-Ultras) cầm quyền ở Malaysia vốn hằn học trước sự độc lập của Singapore khiến gia đình ông Lý phải sống tạm ở nhiều nơi, có khi phải bao kín cửa sổ bằng thép “như nhà tù”. Bởi sau khi chia tách, lực lượng an ninh tại Singapore chỉ gồm 2 tiểu đoàn lính và cảnh sát gồm toàn người Malay, nhận chỉ đạo trực tiếp từ Kuala Lumpur.
Ngoài ra, cuộc đối đầu giữa Indonesia với sự hình thành liên bang Malaysia (Konfrontasi) cũng là một mối đe dọa an ninh khác. Tháng 3.1965, hai thủy quân lục chiến Indonesia đã đánh bom một tòa nhà thương mại của Singapore khiến 3 thường dân thiệt mạng và 33 người bị thương khiến hai nước mâu thuẫn dai dẳng về sau. Trong khi đó, ngay trong lòng Singapore, một số tổ chức và nghiệp đoàn công nhân hoạt động chống chính quyền, thậm chí tuyên bố “đập vỡ” nền cộng hòa và tiêu diệt Lý Quang Diệu.
Đó là hai nỗi lo lớn nhất khiến ông Lý mất ngủ triền miên trong những ngày đầu lập quốc, khiến vợ ông phải nhờ bác sĩ kê thuốc ngủ cho ông. Giữa lúc đó, chính phủ của Thủ tướng Harold Wilson ở Anh đang bị áp lực nặng nề phải rút hết quân ở phía đông kênh đào Suez, gồm Malaysia và Singapore, theo cam kết quốc tế. Vì vậy, thông tin từ London về việc rút 50.000 lính Anh đang đóng tại Singapore, chậm nhất là đến năm 1971, khiến ông Lý càng thêm bấn loạn. “Trước đây, không ai yêu cầu chúng tôi đẩy người Anh ra khỏi Singapore. Nhưng vì lòng tự đại, chúng tôi đã làm việc đó. Giờ đây, chính chúng tôi phải gánh trách nhiệm bảo vệ an ninh và đem lại sinh kế cho 2 triệu con người… Làm cách nào? Chẳng ai chỉ cho tôi biết phải làm sao”, ông Lý cay đắng.
Video đang HOT
Tự cứu lấy mình
Nhiều lần thuyết phục London duy trì binh lính ở Đông Nam Á không thành, ông Lý quyết tâm cấp tốc xây dựng lực phòng vệ của riêng mình. Ông cầu viện Thủ tướng Ấn Độ Lal Bahadur Shastri, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser nhờ giúp nhưng đều bị lờ đi. Bí quá, ông Lý phải chấp nhận sự hỗ trợ của Israel, vốn là kẻ thù của người Hồi giáo chiếm tỷ lệ đa số ở Malaysia và kha khá ở tại Singapore.
Chưa hề có kinh nghiệm xây dựng quân đội, và trong số các bộ trưởng cũng không có ai tốt nghiệp ngành quân sự, ông Lý đành cử Bộ trưởng Tài chính Goh Keng Swee làm Bộ trưởng Nội vụ và Quốc phòng (MSD) nhằm tận dụng ít trang bị và nhân lực của lực lượng công an để xây dựng và huấn luyện binh lính. Bên cạnh thiếu kinh nghiệm, Singapore còn vấp phải một vấn đề thuộc về văn hóa, đó là quan niệm của người Hoa “Trai ngoan không đi lính, sắt tốt không thành đinh”. Vì vậy, việc tuyển dụng người Hoa vào quân đội là cực kỳ khó khăn.
Tuy nhiên, bằng nỗ lực tuyển quân và huấn luyện ngày đêm dưới sự hỗ trợ của Úc, New Zealand và Israel, đầu tư đúng trọng điểm, đến năm 1971, Singapore đã có 17 trung đoàn lính với 16.000 quân, 72 xe tăng AXM-13 do Pháp sản xuất mà Israel thanh lý giá rẻ, 170 xe quân sự 4 bánh V200, không quân Singapore được tập trận và diễn tập ở nhiều nơi như Brunei, Đài Loan, Úc, New Zealand…
Trong lễ kỷ niệm quốc khánh năm 1969, ông Lý đã cho lực lượng quân sự và các thiết bị đang có trình diễn qua lễ đài khiến Kuala Lumpur bất ngờ và lo lắng. Vào thời điểm ấy, Malaysia chưa hề có xe tăng. “Người dân bang Johor ở miền nam Malaysia, kề cận với Singapore sau khi xem truyền hình và báo chí ngày hôm sau đã lo lắng đặt câu hỏi: Liệu Singapore rồi có tấn công Johor hay không”, một quan chức của Malaysia nói với ông Lý.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Theo Thanhnien
Người đưa Singapore lên 'Thế giới thứ nhất' - Kỳ 1: Khát vọng tuổi trẻ
Sinh trưởng trong một gia đình gốc Hoa 4 đời làm kinh doanh, chỉ mỗi Lý Quang Diệu có xu hướng làm chính trị từ khá sớm.
Ông Lý Quang Diệu được người ủng hộ tung hô sau khi lãnh đạo PAP chiến thắng vào năm 1959 - Ảnh: AFP
Ông Lý sinh ngày 16.9.1923 giữa lúc Singapore nằm dưới sự đô hộ của Anh quốc. Được ông nội đặt tên nửa Anh nửa Hoa - Harry Lý Quang Diệu, sau này ông Lý đã làm mọi cách để xóa bỏ phần tên tiếng Anh "mang dấu ấn bạc nhược của một công dân thuộc địa", như con gái ông là Lý Vỹ Linh từng tiết lộ trên mặt báo.
Học giỏi, Lý Quang Diệu từng đứng đầu Trường trung học Raffles Institute và được học bổng Anderson danh tiếng để học dự bị đại học tại Raffles College của Singapore. Tại đây, ông chọn 3 môn tiếng Anh, kinh tế và toán học để chuẩn bị cho ước mơ học luật nhằm trở thành một luật gia độc lập chứ không đi làm thuê. Chàng thanh niên họ Lý cũng là một người có máu ganh đua ghê gớm. Khi hay tin có một cô Kha Ngọc Chi hơn mình về điểm thi cuối khóa môn tiếng Anh và kinh tế, Lý Quang Diệu vô cùng khó chịu và cảm thấy bất an cho cuộc đua giành học bổng du học duy nhất của Nữ hoàng Anh. Chưa hết, "tôi thường xuyên có cảm giác bị đe dọa, một nỗi sợ bị đè bẹp bởi những người Trung Quốc và Ấn Độ nhập cư vốn chăm chỉ và nhiều năng lượng", ông Lý tiết lộ trong cuốn hồi ký Câu chuyện Singapore: 1923 - 1965.
Nhờ lanh lợi và khôn ngoan, người anh cả trong gia đình có đến 5 anh em không chỉ sống sót qua giai đoạn "chiếm đóng" đen tối dưới ách thống trị của phát xít Nhật từ năm 1942 đến 1945, mà còn kiếm được khá nhiều tiền trong thời gian này. Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, chàng trai chưa đầy 23 tuổi này đã dùng tiền kiếm được từ chợ đen để thực hiện ước mơ du học tại "mẫu quốc" vào năm 1946, thay vì trở lại Raffles College tiếp tục học và chờ đợi cơ hội nhận học bổng của Nữ hoàng Anh.
Xu hướng chính trị bộc lộ khá sớm trong con người Lý Quang Diệu, dù cha chú ông chỉ đam mê kinh doanh, theo tiểu sử gia đình và chính ông tiết lộ tại các cuộc đối thoại công khai. Tham vọng này có lẽ được hình thành trong thời học dự bị đại học khi ông nhận ra "một sinh viên người Malay cùng lớp với tôi sắp trở thành thủ tướng của Malaysia. Anh ta là Abdul Razak bin Hussein, cùng học tiếng Anh và toán như tôi. Anh ta là con nhà quý tộc ở xứ Pahang", ông Lý kể. Và ngay trong thời gian du học ở Đại học Cambridge, ông Lý đã cùng những sinh viên từ Singapore và bán đảo Malaya tổ chức các sinh hoạt chính trị với mục tiêu sâu xa là xóa bỏ chế độ thuộc địa trên quê hương mình. Tốt nghiệp thủ khoa ngành luật Trường Fitzwilliam năm 1949 với một ngôi sao vinh dự hiếm hoi, Lý Quang Diệu thực tập thêm một năm và về nước vào tháng 8.1950 cùng vợ Kha Ngọc Chi - "đối thủ" năm xưa ở Raffles College - mà ông đã "cưới chui" trong lúc cả hai đang học tại Cambridge, bất chấp lễ giáo phương Đông và quy chế của nhà trường.
Lập thân
Sau khi cùng nhau về nước trong sự cổ vũ của báo chí (Kha Ngọc Chi cũng là thủ khoa ngành luật tại Trường Girton của Đại học Cambridge), cả hai đi làm cho một công ty luật. Tìm việc xong, Lý Quang Diệu một mình đến nhà Ngọc Chi xin phép làm đám cưới khiến cha cô đùng đùng nổi giận. Gia đình Ngọc Chi vốn thuộc diện danh gia thế phiệt, lễ giáo uy nghi, không ai mong đợi một chàng thanh niên 27 tuổi đến ngỏ lời xin cưới con gái mình.
Hành động này của Lý Quang Diệu một mặt cho thấy tính cách tự lập và quyết đoán của ông, mặt khác cũng thể hiện mối quan hệ hời hợt với cha đẻ, người lẽ ra phải đi hỏi vợ cho con. Xuyên suốt trong các quyển hồi ký của mình, ông Lý Quang Diệu ít nói về cha, có chăng chỉ là hình ảnh một người cha hay la mắng nhưng không có ảnh hưởng gì lên con cái. Một số người Singapore đương thời quen biết nhà ông Lý từng nói với Thanh Niên rằng cha ông Lý không có đóng góp gì trong sự nghiệp của con, trái lại nhiều lúc còn khiến con khó xử trong tư thế một thủ tướng. Ông Lý cũng tiết lộ người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời niên thiếu của ông chính là mẹ ông.
Dù vậy, nhà họ Kha cũng đồng ý, và lễ cưới lần thứ hai của Lý Quang Diệu và Kha Ngọc Chi diễn ra trang trọng tại khách sạn Raffles vào ngày 30.9.1950. Đây ít nhất là lần thứ hai Lý Quang Diệu bộc lộ khả năng ăn nói và tài thuyết khách. Lần đầu tiên chính là lúc sinh viên Lý Quang Diệu thuyết phục một loạt giám thị và giáo sư ở Đại học Cambrigde để họ chấp nhận cho người yêu Ngọc Chi sang Anh quốc nhập học sớm hơn 1 năm.
Sau khi có con trai đầu lòng năm 1952 là Lý Hiển Long (hàm nghĩa "con rồng vinh hiển", hiện là Thủ tướng Singapore), ông Lý cùng các cựu du học sinh tại Anh quốc thành lập đảng Nhân dân hành động (PAP) vào cuối năm 1954, tranh cử nghị viên và chính thức bước vào con đường chính trị. Cùng thời gian đó, ông cùng vợ và em trai kế Lý Kim Diệu thành lập Công ty luật Lee & Lee do ông đứng đầu. Ông bà có thêm con gái Lý Vỹ Linh (1955) và con trai út Lý Hiển Dương (1957). Tháng 6.1959, ông thắng cử và trở thành thủ tướng hòn đảo tự trị Singapore, trao quyền điều hành Lee & Lee lại cho vợ và em trai.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Theo Thanhnien
Ông Lý Quang Diệu: Nhà lãnh đạo từ chối xây tượng đài của chính mình Cựu Bộ trưởng cấp cao Singapore Lee Khoon Choy phát biểu, chưa từng có bất kỳ ai quan tâm đến quyền lợi và lợi ích của Singapore nhiều như ông Lý: "Ông dành cả ngày lẫn đêm để suy nghĩ về quốc gia". Nhà ngoại giao đã nghỉ hưu Joe Conceicao nhớ lại một buổi họp ông từng tham gia, khi đó cố...