Người Đông Nam Á tin Nhật Bản hơn Mỹ và Trung Quốc
Kết quả một cuộc khảo sát ý kiến cho thấy người dân các nước ASEAN đang mất niềm tin với Washington nhưng vẫn giữ những hoài nghi sâu sắc về Bắc Kinh.
Các nước Đông Nam Á “tin tưởng” Nhật Bản hơn là Mỹ và Trung Quốc trong việc đóng góp cho an ninh và thịnh vượng của khu vực, theo kết quả một khảo sát được công bố hôm 7/1 của Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof-Ishak tại Singapore.
Báo cáo có tên The State of Southeast Asia: 2019 còn chỉ ra rằng Đông Nam Á ngày càng hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với khu vực, trong khi nhiều người cho rằng Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng cả về kinh tế và chính trị.
Cuộc khảo sát có sự tham gia của hơn 1.000 người từ tất cả 10 nước của Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thuộc các giới chính phủ, học giả, doanh nhân, xã hội dân sự và truyền thông.
“Nhật Bản, vốn không được đánh giá cao như Trung Quốc hay Mỹ về sức mạnh cứng và ảnh hưởng khu vực, lại được nhìn nhận rộng rãi là nước lớn đáng tin cậy nhất tại khu vực”, báo cáo khảo sát nêu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP.
Gần hai phần ba số người được hỏi (65,9%) cho biết họ “tin tưởng” hoặc “rất tin tưởng” rằng Nhật Bản sẽ “làm điều đúng đắn” trong các vấn đề toàn cầu. Trong khi đó, con số này cho Trung Quốc là 19,6% và cho Mỹ là 27,3%.
Kết quả khảo sát cho thấy ASEAN đang mất niềm tin với Washington nhưng vẫn giữ những hoài nghi sâu sắc về Bắc Kinh. Hơn 68% người được hỏi nghi ngờ sự đáng tin của Mỹ với tư cách “đối tác chiến lược và bảo đảm an ninh”. Cùng lúc, chỉ 8,9% xem Trung Quốc là một “cường quốc hiền lành và rộng lượng”.
Video đang HOT
Gần 60% người được hỏi cho rằng sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ đã suy yếu hoặc thực sự suy yếu so với cách đây một năm. Trong khi đó, hơn 45% cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành một “cường quốc xét lại với ý đồ biến Đông Nam Á thành khu vực ảnh hưởng của mình”.
“Kết quả này… là tiếng chuông thức tỉnh cho Trung Quốc để nước này cải thiện hình ảnh tiêu cực của mình tại Đông Nam Á, dù Bắc Kinh liên tục cam đoan về sự trỗi dậy hiền lành và hòa bình”, báo cáo viết.
Theo các tác giả, cuộc khảo sát nhằm cho thấy những thái độ phổ biến trong những người “có thể thông báo hay ảnh hưởng đến chính sách chính trị, kinh tế cũng như các vấn đề và mối quan tâm tại khu vực”.
Tiến sĩ Tang Siew Mun, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện Yusof-Ishak và là đồng tác giả khảo sát, nói mức độ nghi kỵ đối với ý định của Trung Quốc là điều nằm ngoài dự liệu.
“Những quan ngại về sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã nóng dần lên trong một thập kỷ qua, và giờ đây đang tiến đến điểm sôi. Khảo sát phản ánh tâm lý lo lắng tăng cao”, vị chuyên gia nói với South China Morning Post.
Khảo sát cũng cho thấy sự cảnh giác tại ASEAN về chương trình “Vành đai và Con đường” mà Bắc Kinh đang thúc đẩy. Gần một nửa số người được hỏi cho rằng sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đưa ASEAN “gần hơn vào quỹ đạo của Trung Quốc”. Trong khi đó, một phần ba nói rằng dự án này thiếu minh bạch và 16% dự đoán nó sẽ thất bại.
Phần đông, khoảng 70%, mà nhiều nhất ở Malaysia, Philippines và Thái Lan, cho rằng các chính phủ “nên cẩn trọng trong khi đàm phán về ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’, tránh rơi vào các khoản nợ tài chính thiếu bền vững với Trung Quốc”.
Đông Phong
Theo Zing.vn
Mỹ thông qua đạo luật khiến Trung Quốc thêm đau đầu
Sự cạnh tranh Mỹ - Trung ở châu Á, đặc biệt trên biển Đông, sẽ càng gay gắt hơn sau khi Washington thông qua một đạo luật nhằm khẳng định sự cam kết của Mỹ với khu vực này, các nhà phân tích đánh giá.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký thông qua đạo luật mới. (Ảnh: NYT)
Đạo luật Bảo đảm châu Á mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật trong tuần này là tín hiệu cho thấy Mỹ muốn duy trì quan hệ với các đồng minh và có thể huy động họ để đối phó với Trung Quốc nếu cần thiết, các nhà quan sát và nhận định.
Theo đạo luật, Mỹ sẽ tái khẳng định những cam kết an ninh của họ với các đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, và sẽ chi 1,5 tỷ USD trong 5 năm để tăng cường hiện diện ở khu vực. Mỹ cũng sẽ xây dựng các quan hệ đối tác an ninh ở Đông Nam Á.
Một phần trong chiến lược của Mỹ sẽ là hoạt động tuần tra tự do hàng hải cùng các đồng minh ở biển Hoa Đông và biển Đông - điều mà Bắc Kinh coi là cớ để Mỹ phô trương sức mạnh quân sự.
Đạo luật cũng cho phép Mỹ trừng phạt các tổ chức hoặc chính phủ đánh cắp sở hữu trí tuệ - một vấn để gây căng thẳng khác giữa Trung Quốc và Mỹ.
Theo ông Collin Koh, một chuyên gia về an ninh biển tại ĐH Công nghệ Nanyang ở Singapore, dù căng thẳng ở khu vực dịu xuống trong thời gian gần đây, đạo luật bao hàm cả khu vực nói lên rằng chúng ta "sẽ chứng kiến tác động từ từ lên quan hệ cạnh tranh Mỹ - Trung ở Đông Nam Á.
Bắc Kinh và Washington ngày càng ngược nhau vể vấn để biển Đông, tuyến hàng hải là nơi hàng tỷ đô la hàng hoá được vận chuyển qua mỗi năm. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến vùng biển này để tuần tra, dẫn đến ít nhất một vụ suýt va chạm.
Một dấu hiệu cho thấy sự đối đầu đó sẽ tiếp tục là việc quyền Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan trong tuần này nói trước các lãnh đạo của Lầu Năm góc rằng Trung Quốc sẽ vẫn là ưu tiên cao nhất của quân đội Mỹ.
Cạnh tranh Mỹ-Trung đang gây lo lắng ở khu vực. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gần đây cảnh báo các nước nhỏ ở Đông Nam Á có thể bị buộc phải chọn đứng về phe Mỹ hoặc Trung Quốc.
Ông Koh cho rằng sự tham gia của các đồng minh của Mỹ vào khu vực sẽ khiến cơn đau đầu của Trung Quốc nặng hơn.
Đạo luật này được ký thành luật trong bối cảnh đồng hồ sắp điểm giai đoạn đình chiến 90 ngày đã hết để Mỹ và Trung Quốc phải đàm phán được để chấm dứt chiến tranh thương mại.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng đạo luật này không phải chiến thuật để gây sức ép buộc Trung Quốc nhượng bộ thương mại.
Ông Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng tại hãng Rand Corporation, cho rằng đạo luật mới là tín hiệu cho sự cam kết của Mỹ với khu vực.
"Quan điểm của tôi thì đây là ví dụ hữu hình nhất cho sự lo lắng thực sự trong chính phủ Mỹ về ảnh hưởng ngày càng lớn và hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và an ninh trước mắt Mỹ với các đồng minh và đối tác", ông Grossman nói.
BÌNH GIANG
Theo TPO
Theo SCMP
Tình hình Đông Nam Á sẽ phức tạp hơn nếu Anh đặt căn cứ quân sự Kế hoạch lập căn cứ quân sự mới tại Đông Nam Á của Anh có nguy cơ khiến bối cảnh chiến lược vốn rối ren tại đây thêm phức tạp. Anh có kế hoạch lập thêm căn cứ quân sự ở nước ngoài sau khi rời EU - Ảnh: Bloomberg Bộ trưởng Quốc phòng Anh cuối tuần trước cho biết nước này lên...