Người đoạt giải Nobel hòa bình bị dọa giết
Liên Hợp Quốc đã triển khai lực lượng bảo vệ bác sĩ Congo Denis Mukwege, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2018, sau khi ông bị dọa giết.
Bác sĩ Mukwege gần đây bị đe dọa qua mạng xã hội và qua các cuộc điện thoại trực tiếp tới gia đình ông, “sau hành động lên án của ông về việc giết hại dân thường ở miền đông Congo và những kêu gọi của ông về trách nhiệm liên quan vấn đề vi phạm, lạm dụng nhân quyền”, Liên Hợp Quốc hôm 10/9 cho hay.
Gia đình và đồng nghiệp của ông Mukwege tại bệnh viện Panzi, ở Bukavu, thủ phủ của tỉnh Sud-Kivu, Congo, cũng bị nhắm mục tiêu đe dọa. Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet đánh giá Mukwege phải đối mặt với “rủi ro nghiêm trọng”.
“Chúng tôi hoan nghênh việc triển khai lực lượng MONUSCO tới Panzi sáng nay để đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân và nhân viên của chúng tôi”, ông Mukwege đăng Twitter hôm 10/9. “Cảm ơn Liên Hợp Quốc đã đảm bảo an toàn cho chúng tôi”. MONUSCO là phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Congo.
Bác sĩ Denis Mukwege phát biểu tại họp báo ở Oslo, Na Uy, tháng 12/2018. Ảnh: AP.
Bác sĩ phụ khoa Mukwege, cũng là một nhà hoạt động nhân quyền, đã cống hiến cho sự nghiệp y tế Congo hơn 20 năm. Ông đã điều trị cho hàng chục nghìn nạn nhân bị cưỡng hiếp trong cuộc chiến kéo dài nhiều năm ở Congo. Ông cùng với nhà hoạt động nhân quyền Nadia Murad được trao giải Nobel hòa bình năm 2018 vì những nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực tình dục trong chiến tranh.
Đe dọa đối với ông Mukwege diễn ra vài tuần sau bài phát biểu của nhà hoạt động này tại Liên Hợp Quốc, nơi ông lên án các cuộc xung đột kéo dài 16 năm ở Congo và kêu gọi công lý. Bác sĩ này cũng khuyến nghị điều tra về báo cáo năm 2010 của Liên Hợp Quốc, thống kê hơn 600 vụ bạo lực xảy ra ở Congo từ năm 1993-2003.
Báo cáo dài 550 trang chỉ ra vai trò của quân đội Rwanda và các bên gây ra cuộc nội chiến ở Congo, khiến hàng triệu người thiệt mạng. Tổng thống Rwanda Paul Kagame đã phủ nhận các cáo buộc này trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình quốc gia cuối tuần trước, gọi báo cáo trên là vô nghĩa. New Times, một tờ báo được cho là thuộc sở hữu nhà nước ở Rwanda, hồi tháng 8 cũng dẫn báo cáo trên của Liên Hợp Quốc, chỉ trích đây là “báo cáo giả tạo”.
Video đang HOT
Bác sĩ Mukwege đã lên án đợt tấn công mới kể từ tháng 7 tại các tỉnh phía nam Kuvu và Ituri của Congo, do quân đội nước ngoài và phiến quân thực hiện. Mukwege cũng đăng Twitter, chỉ trích các nhóm tội phạm đã cưỡng hiếp dã man hàng loạt phụ nữ và trẻ em gái tại các khu vực thuộc Congo trong ba năm qua.
Mukwege từng bị dọa giết trong quá khứ và bị ám sát hụt vào tháng 10/2012, khi một tay súng xông vào nhà ông, xả súng khiến vệ sĩ của ông thiệt mạng. Phó giám đốc khu vực Đông Phi của Tổ chức Ân xã Quốc tế hôm 4/9 cho rằng cần bảo vệ bệnh viện nơi bác sĩ Mukwege làm việc, bởi “bệnh viện này chứa hàng nghìn hồ sơ y tế của những người được bác sĩ Mukwege cứu sống sau các vụ cưỡng hiếp” nhằm vào họ.
Mỏ uranium Mỹ xóa khỏi bản đồ trong Thế chiến II
Mỏ uranium Shinkolobwe tại Congo cung cấp gần như toàn bộ nguyên liệu cho Dự án Manhattan, bao gồm hai quả bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản năm 1945.
"Cái tên Shinkolobwe khiến tôi đau đớn và buồn bã", nhà sử học Susan Williams tại Viện Nghiên cứu Thịnh vượng chung ở Anh cho hay. Có lẽ ít người biết Shinkolobwe là gì hoặc ở đâu. Tuy nhiên, mỏ uranium nhỏ ở tỉnh Katanga phía nam Congo này lại góp phần gây ra một trong những sự kiện tàn khốc nhất lịch sử.
"Khi nói về vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki, chúng ta không bao giờ nhắc tới Shinkolobwe", Isaiah Mombilo, nhà hoạt động vì quyền của người Congo tại Nam Phi, cho biết. "Một phần lịch sử của Thế chiến II đã bị lãng quên và đánh mất".
Câu chuyện về Shinkolobwe bắt đầu từ khi nguồn uranium phong phú được phát hiện tại đây vào năm 1915, trong thời kỳ Bỉ cai trị Congo. Khi đó nhu cầu uranium rất ít, nên thay vì khai thác tài nguyên này, công ty Union Miniere của Bỉ tập trung tìm kiếm radium, loại chất phóng xạ đã được vợ chồng Marie và Pierre Curie tách thành công.
Khu vực mỏ Shinkolobwe tại tỉnh Katanga, phía nam Congo, trong bức ảnh công bố năm 1960. Ảnh: AFP.
Đến năm 1938, với việc Otto Hahn khám phá ra phản ứng phân hạch hạt nhân, tiềm năng của uranium mới trở nên rõ ràng. Sau khi nghe tin về phát hiện này, nhà bác học Albert Einstein ngay lập tức viết thư cho tổng thống Mỹ lúc đó là Franklin Roosevelt để trình bày ý tưởng sử dụng uranium tạo ra nguồn năng lượng khổng lồ, thậm chí là những quả bom uy lực.
Năm 1942, các chiến lược gia của quân đội Mỹ quyết định mua nhiều uranium nhất có thể nhằm theo đuổi kế hoạch phát triển bom nguyên tử có tên Dự án Manhattan. Dù bang Colorado và Canada cũng có các mỏ uranium, không nơi nào trên thế giới khi đó nhiều nguyên liệu hạt nhân như Congo.
"Cấu tạo địa chất của Shinkolobwe được mô tả như một nơi kỳ dị của tự nhiên", Tom Zoellner, nhà báo người Mỹ từng đến khu mỏ của Congo, cho biết. "Không khu mỏ nào khác có uranium với độ tinh khiết cao như Shinkolobwe. Chưa từng có nơi nào như vậy được tìm thấy".
Theo thỏa thuận giữa Mỹ với công ty Union Miniere, Washington sở hữu 1.200 tấn uranium từ Congo, mang về lưu trữ trên đảo Staten, và 3.000 tấn uranium khác cất ngay tại mỏ Shinkolobwe. Dưới ách thống trị của Bỉ, công nhân Congo phải làm việc quần quật ngày đêm để gửi hàng trăm tấn quặng tới Mỹ mỗi tháng.
"Shinkolobwe góp phần định đoạt ai là lãnh đạo tiếp theo của thế giới. Mọi chuyện bắt đầu từ đó", nhà hoạt động Mombilo nhận xét.
Toàn bộ kế hoạch của Mỹ được thực hiện trong bí mật, nhằm không đánh động phe Trục về sự tồn tại của Dự án Manhattan. Shinkolobwe thậm chí bị xóa khỏi bản đồ, trong khi các điệp viên được phái tới khu vực để cố tình lan truyền thông tin sai lệch về các hoạt động khai thác tại đây. Uranium được gọi là "đá quý", hay đơn giản chỉ là "nguyên liệu thô". Cụm từ "Shinkolobwe" không bao giờ được nhắc tới.
Bí mật về Shinkolobwe vẫn bị che giấu suốt thời gian dài sau Thế chiến II. "Những nỗ lực được tiến hành nhằm truyền đi thông tin rằng nguồn uranium tới từ Canada, như một cách đánh lạc hướng sự chú ý khỏi Congo", nhà sử học Williams cho biết, thêm rằng quá trình này kỳ công đến mức nhiều người giờ đây vẫn tin những quả bom nguyên tử được chế tạo bằng uranium của Canada.
Mặc dù một số lượng uranium nhất định được khai thác tại Canada và bang Colorado, phần lớn nguyên liệu hạt nhân của Mỹ vẫn đến từ Congo. Một phần uranium từ Congo còn được tinh chế ở Canada trước khi vận chuyển đến Mỹ.
Sau Thế chiến II, nhờ kỹ thuật làm giàu uranium được nâng cao, các cường quốc phương Tây bớt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu tại mỏ này. Tuy nhiên, nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của những nước khác, Washington quyết kiểm soát Shinkolobwe. "Dù không cần uranium tại đây, Mỹ vẫn không muốn Liên Xô tiếp cận được với nó", Williams giải thích.
Sau khi Congo giành độc lập từ tay Bỉ vào năm 1960, Shinkolobwe bị đóng cửa, đổ bê tông bít chặt lối vào. Tuy nhiên, phương Tây vẫn muốn chính phủ kiểm soát khu mỏ này đứng về phía quyền lợi của họ. "Do đó, Mỹ cùng nhiều cường quốc đã cố gắng để không ai có thể chạm tới Congo. Bất cứ ai muốn lãnh đạo Congo đều phải chịu sự kiểm soát của họ", Mombilo nói.
Theo nhà báo Zoellner, phương Tây đề cao tầm quan trọng của mục tiêu này đến mức sẵn sàng hỗ trợ lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ đầu tiên của Congo do thủ tướng Patrice Lumumba lãnh đạo, sau đó hậu thuẫn Mobutu Sese Seko lên nắm quyền vào năm 1965, mở ra hàng thập kỷ lầm than của đất nước dưới chính quyền độc tài.
Một người đàn ông chui vào hầm khai thác tại mỏ Shinkolobwe hồi năm 2004. Ảnh: AP.
Mobutu cuối cùng cũng bị lật đổ vào năm 1997. Tuy nhiên, "bóng ma" của Shinkolobwe tiếp tục ám ảnh Congo, khi các thợ mỏ bắt đầu tự do khai thác tại khu vực này để tìm đồng và coban quanh những giếng mỏ bị niêm phong. Đến cuối thế kỷ 20, ước tính 15.000 thợ mỏ và gia đình họ đã có mặt tại Shinkolobwe, tiến hành hoạt động khai thác trái phép mà không có bất cứ biện pháp nào đề phòng quặng phóng xạ.
Do đó, những tai nạn thường xuyên xảy ra. Năm 2004, 8 thợ mỏ thiệt mạng và hơn 10 người bị thương khi một đường hầm bị sập. Thêm vào đó, nỗi lo ngại uranium đang bị buôn lậu cho các nhóm khủng bố, hoặc những quốc gia bất mãn với phương Tây, thúc đẩy quân đội Congo giải tỏa ngôi làng của các thợ mỏ ở Shinkolobwe vào cùng năm.
Bất chấp trữ lượng khoáng sản phong phú tại Shinkolobwe, kể từ khi công ty Union Miniere rút khỏi đây vào đầu những năm 1960, chưa từng có hoạt động khai thác an toàn và hiệu quả nào được triển khai để mang lại lợi ích cho người dân Congo. Sau sự cố phóng xạ hạt nhân ở nhà máy Fukushima của Nhật Bản năm 2011, mọi lợi ích từ việc khai thác uranium cho mục đích dân sự đều bị cấm.
Tới nay, nhiều tài liệu về Shinkolobwe của Mỹ, Anh và Bỉ vẫn bị phân loại là hồ sơ mật, gây cản trở nỗ lực ghi nhận đóng góp của Congo cho chiến thắng của phe Đồng minh, cũng như việc điều tra tác động về môi trường và sức khỏe của khu mỏ. Nhà sử học Williams cho rằng điều này nên được coi là một phần trong lịch sử trục lợi từ Congo lâu dài của các thế lực phương Tây.
"Quá nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng, như y tế, chính trị và kinh tế. Chúng ta không thể biết những tác động tiêu cực của phóng xạ vì các hoạt động bảo mật đó", nhà hoạt động Mombilo nêu ý kiến, chỉ ra rằng nhiều trẻ em sinh ra trong khu vực được báo cáo bị dị tật, nhưng rất ít hồ sơ bệnh án được lưu trữ.
Nhiều người chịu ảnh hưởng từ mỏ Shinkolobwe đang vận động để được thừa nhận và đền bù. Tuy nhiên, họ cũng nhận thức được rằng khó có thể tìm ra người chịu trách nhiệm nếu thiếu thông tin về khu mỏ và những gì từng diễn ra tại đây.
"Shinkolobwe là một lời nguyền với Congo", Mombilo nói.
Hành trình Việt Nam chinh phục Tank Biathlon Việt Nam khởi đầu Tank Biathlon 2020 với tư cách đương kim á quân Bảng 2 và giành chức vô địch đầu tiên sau 5 trận đấu đầy khó khăn. Đội xe tăng với nòng cốt là ba kíp thi đấu, mỗi kíp ba người, cùng 10 đội tuyển khác của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 10/8 lên đường tới Nga...