Người đổ xô tích trữ khẩu trang, người bình thản giữa dịch corona
Bên cạnh số đông người dân lo lắng mua sắm khẩu trang, tìm cách phòng dịch, nhiều người khác tỏ ra bình tĩnh, cho rằng không cần sợ hãi quá mức.
Rời quê từ ngày mùng 5 Tết, khi những thông tin về dịch viêm phổi cấp do virus corona đang gây hoang mang cho cả cộng đồng, Hà Phương (24 tuổi, nhân viên văn phòng) và gia đình cũng không khỏi lo lắng.
Mẹ dặn cô lên hiệu thuốc mua khẩu trang mang theo. Phương đã học rồi làm việc ở Hà Nội đã 5 năm nay nhưng chưa năm nào cha mẹ cô tiễn con gái trở lại thủ đô sau Tết mà phải lo lắng nhiều như lần này.
“Là đứa chủ quan nên trước đó mình cũng không quan tâm đến dịch corona, cứ nghĩ nó đẩu đâu bên Trung Quốc thôi. Nhưng lúc lên hiệu thuốc lớn nhất xã mua khẩu trang, mình bất ngờ khi hộp khẩu trang 35.000 đồng ngày thường giờ đã có giá cả trăm nghìn. Đi sang siêu thị ở xã bên xem giá cả có rẻ hơn không thì khẩu trang đã hết nhẵn. Mình đành quay lại mua chỗ cũ sau khi tham khảo thêm vài chỗ khác”, Phương kể với Zing.vn.
Từ ngày bắt đầu có dịch, hình ảnh người đeo kín khẩu trang dễ dàng bắt gặp ở mọi nơi. Ảnh: Quỳnh Trang.
Vừa ra Hà Nội vài ngày đã dính cảm, suốt ngày sụt sịt. Giữa tình hình dịch bệnh lây lan chưa thấy điểm dừng, cô bạn thân ngay lập tức đưa Phương đến bệnh viện khám.
Ngồi ở phòng chờ của bệnh viện, Phương lo lắng khi thấy cô gái ngồi cạnh mình ho liên tục. Những người xung quanh có chút hốt hoảng khi nghe cô gái lạ kể trước Tết vừa đi du lịch Trung Quốc về.
“Sau khi khám, mình chỉ bị cảm thông thường nhưng vì ngồi cạnh cô gái kia nên trong lòng vẫn hoang mang, suy nghĩ mãi về việc liệu cô ấy có mang mầm bệnh trong người không và liệu mình có nguy cơ lây nhiễm”, Phương thừa nhận mình có lo sợ.
Khi tình hình dịch bệnh vẫn đang gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại, không chỉ riêng Hà Phương mà rất nhiều người dân cũng sốt sắng tìm cách bảo vệ bản thân và gia đình trước dịch bệnh mới.
Bên cạnh đó, nhiều người giữ tâm lý thoải mái, không hoảng loạn mà bĩnh tĩnh tìm hiểu thông tin và chuẩn bị phương án đối phó hợp lý để chống lại nguy cơ lây nhiễm.
Nhiều người dân lo lắng, đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay để phòng ngừa lây nhiễm virus corona.
‘Nhìn người khác ho cũng sợ’
Trà (Hà Nội) chia sẻ tâm lý hoang mang khi biết được những thông tin về dịch bệnh đang bùng phát. Ngay khi đọc được những khuyến cáo của Bộ Y tế, Trà đã ngay lập tức đi ra siêu thị gần nhà để mua khẩu trang, nước rửa tay, nước sát khuẩn. Cô không lạ khi hàng trăm người cũng đổ xô đi mua vật dụng cần thiết giống mình.
“Khung cách không đến mức khủng khiếp nhưng rõ ràng ai ai cũng đang lo lắng. Mình thấy một bác lớn tuổi dùng cả một chiếc xe đẩy chỉ để mua khẩu trang, chắc là tích trữ. Mình may mắn mua được hai hộp khẩu trang y tế nhờ bác bảo vệ chỉ chỗ thùng hàng mới mang về bởi người ta cũng mua gần như hết sạch rồi. Lúc đấy thiếu tiền, không chắc mình mua thêm mấy hộp nữa”, Trà kể.
Video đang HOT
Trà cẩn thận mua 2 loại khẩu trang khác nhau. Một loại có giá 50.000 đồng một chiếc để chống bụi mịn khi đi đường, một loại là khẩu trang y tế dùng một lần.
Giữa dịch corona, cơ quan của Trà không cho nhân viên làm việc ở nhà mà bắt buộc phải lên văn phòng.
“Lên cơ quan, mọi người đều đeo khẩu trang kín mít, những cuộc tám chuyện rôm rả thường ngày cũng ít hẳn đi. Giờ ăn trưa, mọi người ngồi cách xa nhau hơn, ít cười nói. Ngay ngày đầu nhân viên trở lại sau Tết, công ty mình cũng trang bị thêm nước rửa tay, khẩu trang, xịt khuẩn toàn văn phòng”, cô kể.
Nhiều người dân lo lắng, hoang mang trước tình hình dịch bệnh chưa thể kiểm soát. Ảnh: Việt Linh.
Trà cho rằng điều khiến mọi người lo lắng, hoang mang một phần do những thông tin, hình ảnh tràn ngập mạng xã hội. Không ít người thấy rối giữa tin tức thật – giả cũng là yếu tố gây nên tâm lý cảnh giác cao độ.
Trà chia sẻ, cô cảm thấy không khí thủ đô những ngày có dịch khá trầm lắng hơn thường nhật bởi mọi người ngại phải ra đường, đi đến nơi đông đúc.
“Những ngày này khiến mình bị nhạy cảm quá mức, chỉ cần thấy người bên cạnh ho mấy tiếng lại hoang mang, bụng dạ đánh lô tô hết cả lên vì sợ người ta có bệnh. Mong dịch sẽ trôi qua thật nhanh”, Trà bày tỏ.
Không nên quá sợ hãi gây nên hỗn loạn
Vừa từ quê ra Hà Nội để làm việc, Hiền (25 tuổi, giáo viên tại trung tâm) đã nhận thông báo công ty cho nhân viên nghỉ một tuần không lương để tránh dịch corona.
Thay vì về lại quê như các đồng nghiệp khác, Hiền chọn ở lại. Cô cho rằng dịch bệnh không quá đáng sợ nếu mỗi người biết tự bảo vệ bản thân.
“Mình thấy cứ sợ hãi cũng không giúp nguy cơ mình bị nhiễm bệnh mất đi. Biết đâu vội vã về lại quê ‘trốn dịch’ mình lại dính phải nó trên chuyến xe khách đông đúc. Thế nên cứ bĩnh tĩnh thì hơn”, Hiền nói.
Nghe theo hướng dẫn về cách phòng dịch, Hiền đeo khẩu trang lúc đi đường, chăm chỉ rửa tay, vệ sinh cá nhân sạch sẽ và chú ý khi tiếp xúc với người khác. Bản thân cô không quá dè chừng mọi thứ, vẫn thoải mái khi đi ăn ở ngoài hay đi cà phê với bạn.
“Năm nay cứ như có 2 kỳ nghỉ Tết liên tục. Mình cũng có chút lo lắng nhưng không thấy quá sợ hay nghiêm trọng hóa tình hình. Lạc quan mà nói mình thấy ổn khi những chỗ đông người nay vắng hơn một chút, giờ tan tầm mình ra ngoài ít gặp tắc đường hơn. Dù không biết tuần sau tình hình sẽ ra sao, sẽ đi làm hay công ty tiếp tục nghỉ, nhưng trước mắt mình tin dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt”, Hiền bày tỏ.
Nhiều người dân chú ý phòng dịch nhưng không nặng nề về tâm lý. Ảnh: Windy Wedding.
Nguyễn Dung (23 tuổi, giáo viên) cho hay Nghệ An – quê của cô – là một trong số ít những tỉnh chưa có thông báo cho học sinh nghỉ học để tránh dịch.
“Tâm lý của mọi người ở chỗ khá ổn định, có thể một phần do chưa có người lây nhiễm nên thấy an tâm. Nhưng dù sao nếu hoảng sợ quá cũng không giải quyết được vấn đề”, Dung bày tỏ.
Trường cấp 2 cô dạy, học sinh và giáo viên được phổ biến mọi lưu ý về cách phòng, chống lây nhiễm virus corona.
Các học sinh trong lớp đeo khẩu trang cẩn thân, các em dùng nước rửa tay do nhà trường chuẩn bị hoặc mang theo từ nhà để dùng.
“Theo mình, không nên quá sợ hãi gây nên hỗn loạn, quan trọng là bình tĩnh, tìm hiểu nguồn thông tin chính thống để nắm bắt được tình hình. Số ca nhiễm tại Việt Nam có tăng nhưng mình khá an tâm khi số ca được chữa khỏi cũng nhiều lên, đó là dấu hiệu đáng mừng”, Dung nói.
Theo Zing
"4 vành đai" áp dụng để cách ly, tìm kiếm, ngăn chặn virus Corona
GS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, với các biện pháp dự phòng "dày đặc" mà chúng ta đang thực hiện, Việt Nam hy vọng sẽ ngăn chặn được virus Corona lan rộng ra cộng đồng và sớm đánh bại dịch bệnh.
GS Nguyễn Thanh Long đánh giá, đến thời điểm hiện nay (ngày 5/2), tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) vẫn diễn ra khá phức tạp ở Trung Quốc, số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh từng ngày. Tuy nhiên, hôm nay, Trung Quốc cũng đã thông tin là có các dấu hiệu lạc quan khi số ca nghi nhiểm đang tăng chậm lại, số người dược điều trị khỏi tăng lên. Như vậy, hy vọng trong thời gian tới, số ca mắc và ca tử vong sẽ giảm.
Về virus Corona, GS Phong cho biết, virus này có cái tên rất đẹp Corona (có nghĩa là vương miện) vi soi dưới kính hiển vi có hình như chiếc vương miện. Virus này có 7 chủng, chủ yếu gây bệnh ở động vật. Tuy nhiên, khi đã gây bệnh ở người thì virus Corona đều tạo ra những đại dịch khiến thế giới kinh sợ như dịch SARs, MERs và nCoV hiện nay.
GS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Ban Tuyên giáo T.Ư.
Có 4 phương thức lây truyền virus Corona là: qua không khí (tiếp xúc với giọt nước bọt từ người có virus vào đường hô hấp của người khác), lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh, lây qua bề mặt của các vật có virus. Đường thứ 4 có thể lây qua phân nhưng chỉ trong trường hợp chăm sóc với người bệnh.
Do đó, việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng là sớm phát hiện và cách ly các ca nghi nhiễm (sốt, ho, đi từ vùng dịch về hoặc tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về, người bị bệnh), tìm ca nhiễm trong thời gian nhanh nhất để điều trị triệt để.
GS Long chia sẻ những điểm lớn mà Việt Nam đang làm để chống dịch nCoV hiện nay:
Thứ nhất: Hạn chế và cách ly người đi từ vùng có dịch trở về Việt Nam, chúng tôi cho rằng đây là biện pháp cực kỳ quan trọng trong vấn đề kiểm soát bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Thủ tướng Chính Phủ đã có chỉ đạo, tất cả các trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích công vụ kể cả người Việt Nam đi từ vùng có dịch (31 địa phương của Trung Quốc), khi vào Việt Nam thì lập tức được cách ly tại các cơ sở. Đến hôm nay (5/2) đã có khoảng 900 người được cách ly tại các tỉnh biên giới và hầu hết là người Việt Nam.
Số lượng người Trung Quốc mà về nước họ chúng ta tạo điều kiện giúp đỡ cho bạn cũng như bạn giúp đỡ cho ta.
Cho nên một số thông tin nói rằng ở chỗ này chỗ kia có người tràn vào là không chính xác. Đồng chí Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi Quảng Ninh kiểm tra vấn đề này và lực lượng biên phòng hiện nay đã tăng lên con số hơn 1400 người để đảm bảo vấn đề đó.
Đến nay tất cả các đường mòn lối mở, 44 đường mòn, 7 cửa khẩu chính, 6 cửa khẩu phụ tại biên giới với Trung Quốc đều đã được kiểm soát.
Đường hàng không, sau khi có lệnh dừng chuyến bay chỉ có 1-2 chuyến về và chở rất ít khách, chủ yếu là khách Việt Nam chứ không có người nước ngoài nhập cảnh. Tất cả các cửa khẩu của chúng ta kể cả cửa khẩu hàng không không nhận những người đến từ Trung Quốc hoặc đi qua. Đấy là việc chúng ta ngăn chặn.
Bệnh nhân mắc nCoV sau một thời gian điều trị đã âm tính với nCoV bước ra khỏi khu cách ly Bệnh viện Chợ Rẫy.
Thứ 2: Chúng ta cách ly, những trường hợp đã nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày qua, chia 3 cấp độ cao:
-Nếu nghi bệnh (sốt, ho, đi từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người bị bệnh) lập tức cách ly cơ sở y tế tuyệt đối, hiện nay có 80 trường hợp thì 5 trường hợp từ Vũ Hán về đã được cách ly tại cơ sở y tế;
-Với cá nhân đi từ tỉnh Hồ Bắc (trung tâm bùng phát dịch) thì vào Việt Nam là được đưa đi cách ly tập trung ngay và một số địa phương đã làm điều này.
-Người tiếp xúc hoặc đi từ Trung Quốc về dù ở vùng không phải có dịch nhưng cũng phải cách ly tại gia đình, dưới sự giám sát quản lý của cơ quan y tế, chính quyền địa phương, người đó không được đi ra khỏi nhà.
Nếu là khách mà cư trú tại khách sạn, nhà nghỉ thì lập tức phải cách ly tại khách sạn, nhà nghỉ đó. Những người tiếp xúc với những người cách ly cũng phải được lên danh sách và cách ly hạn chế.
GS Long ví dụ về các biện pháp áp dụng ở điểm nóng nhất của dịch Corona hiện nay ở Việt Nam: tỉnh Vĩnh Phúc. Khởi đầu các ca bị bệnh là 4 người từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc) trở về, trường hợp thứ 5 là người thân tiếp xúc với người mắc bệnh.
Ngay khi biết tin về người đi từ vùng dịch về, ngành y tế đã cho cách ly ngay. Khi những người bị cách ly có hiện tượng ho, sốt lại được cách ly lần nữa và cho xét nghiệm xem có mắc nCoV hay kkhông, đồng thời cho theo dõi y tế những người tiếp xúc. Sau khi xác định ca bệnh, những người tiếp xúc với ca bệnh lại được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Nếu có các dấu hiệu sốt lại tiếp tục đưa đến các cơ sở y tế xét nghiệm xem có virus hay không.
Hiện những người bệnh được cách ly tuyệt đối trong các bệnh viện, còn người tiếp xúc với người nhiễm được cách ly tại gia đình trong vòng 14 ngày, có nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Tổng cộng ở Vĩnh Phúc đã có 130 người phải theo dõi y tế trong đó có 18 người có nguy cơ cao mắc nCoV.
"Hiện Bộ Y tế đang yêu cầu Vĩnh Phúc tạo thêm 1 vành đai thứ 4 là theo dõi y tế những người tiếp xúc với những người tiếp xúc với người bệnh, ai có ho, sốt phải đưa vào cách ly ngay. Với các mắt lưới ken dày như vậy, chúng ta hy vọng sẽ không để virus Corona lọt ra ngoài" - GS Long chia sẻ.
GS Long cũng cho biết, ngành Y tế cũng yêu cầu các Bệnh viện có khu cách ly người nghi nhiễm phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người này với người kia, đảm bảo vệ sinh, khử trùng khu cách ly cẩn thận để đảm bảo không lây chéo bệnh sang nhau đối với những người ủ bệnh, chưa có triệu chứng".
"Những giải pháp này chúng ta đã thực hiện từ năm 2003 khi có dịch SARs và với những giải pháp này, chúng ta khống chế được dịch SARs không lây lan ra cộng đồng. Tuy rằng các biện pháp này sẽ gây khó chịu, bất tiện cho những người bị cách ly nhưng rất mong mọi người dân hiểu, hợp tác vì sức khỏe của chính họ, người thân và gia đình" - GS Long khuyến cáo.
Theo danviet.vn
TQ đăng ký bản quyền thuốc thử nghiệm điều trị virus corona Viện Virus học Vũ Hán thông báo một hãng dược đã nộp đơn xin đăng ký bản quyền loại thuốc thử nghiệm điều trị cho người nhiễm chủng virus corona mới. Trong một thông báo mới đây đăng tải trên cổng thông tin, Viện Virus học Vũ Hán tại tỉnh Hồ Bắc cho biết thuốc remdesivir đã được gửi hồ sơ đăng ký...