“Người điên” dễ thương ở làng Pi Ơng
Dám đưa thứ cây mà thế hệ ông bà chưa bao giờ biết mặt về trồng; thời buổi đất quý như vàng mà lại hiến đi để làm đường thì “dở hơi”. Chịu tiếng “người điên”, A Nhửi, ở làng Pi Ơng, xã Ia Dơk, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) vẫn không lấy làm buồn, để bây giờ bà con lại ước giá làng có thêm được vài “người điên” như thế…
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang vừa mới xây trị giá hơn 500 triệu đồng, anh A Nhửi cười hồn hậu kể, ngày xưa nhà anh nghèo lắm, đông con nên khi anh lấy vợ gần như tay trắng. Năm 1990 ra ở riêng, hai vợ chồng lầm lũi làm thuê. Mấy năm mới có được chút vốn, anh bàn với vợ đi thuê đất trồng đậu, trồng bắp. Mỗi vụ trừ chi phí đầu tư, anh chỉ thu về vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng.
Anh Nhửi bên vườn cà phê trĩu quả của mình. Ảnh: Đ.N
Không chịu sống cảnh nghèo đói mãi, năm 1995 A Nhửi quyết định mua 1,7ha đất trống và bắt đầu trồng cà phê. Vì là người đầu tiên dám trồng thứ cây mà thế hệ “ông bà chưa bao giờ thấy” trên mảnh đất Piơng nghèo khó này nên ai cũng cho anh là kẻ điên. “Trồng cây lúa, cây ngô chỉ mấy tháng đã được ăn; trồng cà phê đến 4 năm thì nhặt cái lá mà ăn được à? – người ta bàn tán thế. Mặc, tôi vẫn cứ trồng… Tôi lân la sang các chủ vườn cà phê các huyện bên cạnh học hỏi. Thấy tôi cầu thị, họ chỉ bảo cho rất nhiệt tình…” – A Nhửi thổ lộ.
Video đang HOT
Sau hơn 3 năm miệt mài vừa làm vừa học, vụ cà phê đầu tiên, gia đình A Nhửi thu được 15 triệu đồng, lãi ròng 10 triệu đồng. Trăm nghe không bằng một thấy, bấy giờ thì chẳng ai bảo ai, bà con trong làng rủ nhau đến đòi A Nhửi chỉ bảo cách trồng cà phê…
Tích lũy được nguồn vốn, A Nhửi tiếp tục mở rộng vườn cà phê lên 2,7ha. Đến nay, mỗi năm vườn cà phê của gia đình anh cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng. Ngoài ra A Nhửi còn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi heo giống với doanh thu gần 100 triệu đồng/năm.
Năm 2012, xã Ia Dơk phát động phong trào xây dựng nông thôn mới. Một trong những việc cần làm trước mắt là xây dựng đường giao thông liên thôn. Con đường chạy qua trước nhà A Nhửi cần phải được mở rộng để vừa thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản vừa làm cho quang cảnh của làng khang trang, sạch đẹp. Nhận thấy nếu mình không làm trước bà con sẽ không theo, A Nhửi đã hiến luôn 1.800m2 đất của gia đình để mở rộng đường… Anh tâm sự: “Vợ con mình phản đối dữ lắm. Gần 2 sào đất giá cả trăm triệu đồng mà tự dưng mang hiến không… Nói thật, trong thâm tâm mình cũng tiếc, nhưng nếu ai cũng tiếc không hiến thì làm sao có được cái lợi chung. Cứ cái lý ấy mình lựa lời khuyên nhủ. Dần dần rồi vợ con mình cũng hiểu ra…”.
Thông được việc nhà rồi, A Nhửi đến từng hộ để vận động… Ban đầu, bà con trong làng phản đối dữ lắm. Có nhà cứ thấy anh là lảng đi không chịu tiếp… Cũng lại phải “mưa dầm thấm lâu” như với vợ con, A Nhửi kiên trì vận động, thuyết phục. Dần dần bà con cũng nhận ra lợi ích chung của việc làm đường. Bà con rủ nhau tự nguyện hiến đất. Tất cả đã tạo thành phong trào sôi nổi hiến đất làm đường…
Ông Lê Trọng Đoàn -Chủ tịch UBND xã A Dơk ghi nhận, A Nhửi là người có công mở ra phong trào hiến đất cho xã xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần giúp địa phương xây dựng nông thôn mới và tấm gương dám nghĩ, dám làm…
Theo Danviet
Cơ ngơi bạc tỷ của nông dân U60
Từ nghèo khó, bà Lê Thị Kim Liên (thôn 17, xã Nhân Cơ, huyện Đăk R'Lấp, Đăk Nông) đã có cơ ngơi bạc tỷ. Bí quyết của nông dân U60 này chính là mô hình đa canh, đa con để sẵn sàng "đối mặt" với bấp bênh của thị trường nông sản.
Hơn 20 năm trước, do cuộc sống khó khăn, vợ chồng bà Liên dắt 6 đứa con lên Tây Nguyên mua 2ha đất lập nghiệp. Bước đầu vợ chồng bà trồng bắp, tỉa đậu để lo cái ăn trước mắt cho gia đình. "Nhưng để tính kế lâu dài, vợ chồng phải gom góp từng chút một lấy tiền trồng cà phê. Phải mất gần 10 năm chấp nhận cuộc sống kham khổ, tôi mới gầy dựng được 2ha cà phê"- bà Liên kể.
Bà Lê Thị Kim Liên bên vườn tiêu canh tác theo hướng sinh thái, bền vững, giá trị sản phẩm tăng thêm từ 20-30%. Ảnh: D.H
Khi cà phê bắt đầu cho thu hoạch, không ngờ cũng thời điểm đó, giá cà phê liên tục sụt giảm, cái nghèo vẫn bám riết vợ chồng bà Liên. Không nản lòng, vợ chồng bà tiếp tục gom góp mở mang diện tích, trồng thêm nhiều loại cây khác. Phải thêm 10 năm nữa, cuộc sống của gia đình bà Liên mới thực sự sang trang.
Bà Liên cho biết, để ứng phó với thị trường nông sản bấp bênh, sau thất bại từ niên vụ cà phê đầu tiên, vợ chồng bà đã nghĩ đến giải pháp đa cây, đa con. Trong vườn cà phê, bà trồng thêm tiêu, tích tụ thêm đất trồng cây ăn trái, cao su, điều, sử dụng diện tích ao hồ nuôi cá, trồng cỏ nuôi bò... Với cách làm này, dù giá cả 1 nông sản nào đó có sụt giảm bà đã có sẵn nguồn lợi từ cây, con khác.
Với mô hình trên, mỗi năm gia đình bà Liên thu lãi 2 tỷ đồng. Khoảng 5 năm trở lại đây, để tăng thêm thu nhập, bà Liên đã bắt đầu chuyển hướng làm ăn, canh tác nông sản sạch. Bà Liên cho biết, việc áp dụng mô hình sản xuất mới này đã giúp gia đình giảm bớt được chi phí đầu tư nhưng lại tăng được giá trị sản phẩm; bệnh dịch, nhất là trên cây tiêu hạn chế một cách tối đa.
Năm 2014, sản phẩm tiêu sinh thái của bà đã được cấp chứng chỉ tiêu sinh thái theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Hiện sản phẩm tiêu của bà Liên đã được 1 doanh nghiệp nước ngoài thu mua toàn bộ với giá trị cao hơn thị trường 20-30%. Từ thành công của gia đình, bà Liên đang làm các thủ tục để tập hợp hội viên, nông dân thành lập hợp tác xã sản xuất tiêu sinh học.
Theo Danviet
Đại lý phân bón cũng... kêu khổ Thiệt hại do vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng gây ra cho bà con nông dân những năm qua là rất lớn, thế nhưng vì sao vẫn không thể "dẹp tận gốc" vấn đề? Phóng viên NTNN ghi nhận từ các nhà phân phối, đại lý phân bón ở Gia Lai. Phân trâu, ngựa, ong... có đủ Đảo qua một vòng...