Người di cư vẫn ồ ạt tìm đường đến Anh
Khi đặt chân tới Calais, Gulwali Passarlay tin rằng hy vọng về cuộc sống mới an toàn bấy lâu đã trong tầm tay. Nhưng niềm tin đó sớm vỡ vụn.
“Tôi đã có trải nghiệm thực sự đáng sợ ở Calais. Tôi đã nhiều lần bị c ảnh sát tống giam suốt 18 tiếng. Chúng tôi hoàn toàn không còn chút phẩm giá nào”, Passarlay, người di cư Afghanistan, nhớ lại quãng thời gian ở Calais, thị trấn cảng ở bờ biển phía bắc nước Pháp.
Passarlay lần đầu chạy trốn khỏi quê hương bị chiến tranh tàn phá khi mới 13 tuổi. Một mình lang thang khắp hai châu lục, Passarlay đã qua tay nhiều kẻ buôn người, bị tống vào tù và thường xuyên bị bạo hành, chỉ để hy vọng có thể đoàn tụ với anh trai ở Anh.
Gần 15 năm đã qua kể từ khi Passarlay tới châu Âu và hiện anh đã trở thành một tác giả và nhà hoạt động nổi tiếng. Nhưng với nhiều người khác đang tuyệt vọng tìm cách tới Anh, thử thách vẫn tiếp tục.
Gần 4.000 người đã vượt biển nguy hiểm từ phía bắc Pháp tới miền nam nước Anh kể từ đầu năm tới nay, thường là trên những chiếc thuyền nhỏ mỏng manh, quá tải. Giống như Passarlay 15 năm trước, nhiều người là trẻ em không có người lớn đi cùng.
Bé gái di cư đứng trên tàu DHB Dauntless của Lực lượng Bảo vệ Biên giới Anh ở Dover, bờ biển phía nam nước Anh hôm 11/9. Ảnh: AFP.
Kể từ khủng hoảng tị nạn năm 2015, đây là lần đầu tiên châu Âu chứng kiến lượng người nhập cư lớn như vậy. Chỉ riêng tháng 8, hơn 650 người xin tị nạn đã tới Anh. Với hầu hết, Anh là điểm dừng chân cuối cùng trên hành trình mệt mỏi hơn 4.800 km từ Trung Đông và Bắc Phi.
Dù mỗi người đều có lý do riêng để tiềm kiếm cuộc sống mới ở Anh. Nhưng tất cả đều có chung mong muốn thoát khỏi các trại tị nạn tạm tồi tàn ở Pháp.
Trong tháng 8, hơn 2.000 người, gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, chen chúc trong các túp lều lụp xụp hay các khu trú ẩn tồi tàn ở các thị trấn ven biển như Calais và Dunkirk. Và nhiều người di cư khác tiếp tục kéo đến mỗi ngày.
Khả năng tiếp cận nguồn thực phẩm, nước uống và hệ thống vệ sinh cũng hạn chế, giữa lo ngại Covid-19 bùng phát.
“Khủng hoảng trong khủng hoảng”, Maddy Allen, đại diện của Help Refugees, nhóm từ thiện chuyên giúp đỡ người tị nạn, cho biết. “Điều kiện sống ở các trại tị nạn rất tệ. Đó là những nơi khó có thể sống trước khi Covid-19 xuất hiện và giờ là không thể chịu đựng nổi”.
Matthieu Tardis, chuyên gia về chính sách di cư tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) nhận định người di cư chỉ xem Anh là giải pháp cứu cánh, chứ không hoàn toàn là miền đất hứa.
“Một số người di cư có họ hàng hoặc cộng đồng người cùng quê ở Anh. Ở đó, ngôn ngữ giao tiếp cũng là tiếng Anh. Đây là ngôn ngữ phổ biến hơn tiếng Pháp rất nhiều”, Tardis nói.
“Mùa thu năm 2016, thời điểm trại chính ở Calais bị dỡ bỏ, chúng tôi thấy nhiều người được cung cấp nơi ở khác và khi chúng tôi đình chỉ Quy chế Dublin, phần lớn họ vẫn ở lại Pháp. Họ xin tị nạn ở Pháp và nhiều người đã được chấp nhận”, Tardis nói thêm.
Quy chế Dublin của Liên minh châu Âu (EU) quy định người di cư phải xin tị nạn ở quốc gia châu Âu mà họ tới đầu tiên, phần lớn là Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha, và sẽ được trả về quốc gia đó nếu như bị phát hiện ở quốc gia thành viên khác.
“Điều kiện sống kém mà họ trải qua ở Pháp, Italy cùng nhiều quốc gia EU khác đã thôi thúc họ đi đến nơi khác và nghĩ rằng ở Anh sẽ tốt hơn. Nhưng họ thường không xin tị nạn ở đó vì Quy chế Dublin vẫn còn hiệu lực. Họ sẽ bị đưa trả lại các quốc gia khác ở EU”, Tardis cho hay.
Chuyên gia của IFRI cho biết những người di cư tới Anh vẫn được xem là bất hợp pháp. Tuy nhiên, nền kinh tế Anh không quản lý nghiêm ngặt như Pháp nên có nhiều cơ hội việc làm hơn. “Đó là nền kinh tế tự do cần nhiều lao động giá rẻ và người nước ngoài chấp nhận các công việc đó”, ông nói.
Video đang HOT
Nhưng hậu Brexit, Quy chế Dublin của EU liệu có còn duy trì ở Anh. “Anh đã đề xuất với EU về cơ chế chấp thuận cho phép họ tiếp tục duy trì Quy chế Dublin. Tuy nhiên, EU hiện không muốn thảo luận vấn đề này nên nó chỉ là đề xuất đơn phương”, Tardis chia sẻ.
“Anh chắc chắn sẽ dễ dàng đàm phán với Pháp về vấn đề người di cư hơn là với EU. Tuy nhiên, điều đó sẽ còn phụ thuộc xem Pháp muốn nhận được gì từ vụ làm ăn này”, Tardis nhận định.
Hành trình người nhập cư lậu vượt 'eo biển tử thần' tới Anh
Sau khi cuốc bộ qua vô số quốc gia, chờ đợi hàng tuần trong các khu trại bẩn thỉu trên bờ biển Pháp, cuối cùng Walid cũng đến được Anh.
Walid đã vượt qua cái được gọi là "tuyến đường tử thần" sau nhiều giờ mệt mỏi ngồi trên một con xuồng nhỏ vượt eo biển Manche, còn bạn anh, Falah, tiếp tục chờ đợi ở phía bên kia nước Pháp.
Suốt ba tuần, hai nhóm phóng viên của AFP đã đi theo Walid, một người Kuwait và Falah, một người Iraq cùng hai con gái là bé Arwa, 9 tuổi và bé Rawane, 13 tuổi, mắc bệnh tiểu đường nặng, từ thị trấn Grande-Synth ở phía bắc nước Pháp tới Dover ở phía nam nước Anh thông qua eo biển Manche.
Walid, thứ tư từ phải sang, ngồi trên xuồng cùng những người di cư khác vượt biên trái phép qua eo biển Manche từ Pháp sang Anh hôm 11/9. Ảnh: AFP.
Quãng đường vượt biển từ Pháp tới những vách đá trắng ở Dover chỉ dài 33 km, nhưng là một trong những eo biển nhộn nhịp và nguy hiểm nhất thế giới. Ngày càng nhiều người mạo hiểm vượt qua nó để tới được "miền đất hứa" nước Anh.
Từ 1/1 đến 31/8, 6.200 người di cư đã cố thử vận may qua tuyến đường này, theo nhà chức trách hàng hải Pháp. Năm 2019, con số này chỉ là 2.294 người.
Những người nhiều tiền thì dùng xuồng bơm hơi. Người không có tiền dùng ván chèo, thuyền kayak hay đơn giản là phao cao su. Hồi tháng 8, một thanh niên 28 tuổi đã chết đuối khi cố vượt qua eo biển bằng xuồng bơm hơi. Năm ngoái, 4 người chết trên biển hoặc trôi dạt vào bờ biển Pháp.
Trong một khu rừng ở rìa đường sắt Grande-Synthe, dưới túp lều tạm bợ, Walid và Falah dán mắt vào điện thoại. Nó là công cụ duy nhất giúp họ liên lạc với những kẻ buôn người sẽ đưa họ vượt biển. Với chi phí 3.500 USD một người, họ sẽ lên một chiếc xuồng cao su gắn động cơ ọp ẹp.
Hình bóng kẻ buôn người hiện lên qua cuộc gọi WhatsApp. Họ chưa từng gặp anh ta. Những mạng lưới tội phạm kiểu này thường do người Kurd hoặc Albani cầm đầu.
"Người anh em, thế nào rồi?" Walid, 29 tuổi, hỏi.
"Tốt, tạ ơn Thượng Đế".
"Có tin gì mới chưa?"
"Chưa..."
"Ngày mai, theo ý Allah?"
"Theo ý Allah... Nếu mai trời đẹp, chúng ta sẽ đi".
Walid và Falah cùng các con đã chờ một tháng nay. Walid gặp bố con nhà Falah ở Frankfurt trên con đường di cư hướng đến Anh với hy vọng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
"Ngay cả khi hành trình này được gọi là 'tuyến đường tử thần', chúng tôi vẫn muốn vượt qua. Chúng tôi đang đi về phía bất định, chỉ có Thượng đế, biển và chúng tôi. Đấng Allah sẽ quyết định chúng tôi sống hay chết", Falah nói.
Falah là một người đàn ông kín đáo, tuổi tầm ngũ tuần, chạy trốn khỏi Iraq năm 2015 khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang bành trướng. Ông sau đó cùng hàng trăm nghìn người khác tìm đường tới châu Âu.
Bỏ lại vợ ở quê nhà, Falah đi bộ từ Karbala ở Iraq tới Đức, nơi từng mở cửa chào đón gần 900.000 người di cư năm 2015 trước khi đóng cửa biên giới. Ông đã đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Macedonia, Croatia và nhiều nước khác.
Ở Đức hai năm, ông muốn xin định cư nhưng không được chấp nhận, vì vậy Falah lại lên đường. Người đàn ông tóc đã điểm bạc cho biết "không đòi hỏi cao sang, chỉ muốn sống tử tế, muốn hai con gái được tự do và an toàn".
Còn Walid lại được xếp vào nhóm Bidoon, những người không quốc tịch. Họ không có hộ chiếu và Kuwait sẽ không công nhận họ là công dân hay kiều dân, nghĩa là họ không có quyền chính trị, xã hội hay kinh tế.
Walid đã đi qua Hy Lạp và nhiều quốc gia khác, để lại dấu vân tay của mình theo cái gọi là Quy định Dublin, quy định nêu rõ quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên mà người tị nạn đi qua phải xử lý đơn xin tị nạn của họ.
Walid rất thất vọng về EU, liên minh mà anh cho rằng "chẳng cho bạn được thứ gì mà cuối cùng sẽ trục xuất bạn". Con đường di cư không làm Walid sợ hãi.
"Điều khó khăn nhất là không biết khi nào sẽ phải rời đi", anh nói. "Trước đây, tôi chưa từng ở chỗ nào quá 5 ngày. Nhưng ở đây, chúng tôi không biết sẽ ở lại đến mai, đến ngày kia hay hai tháng nữa".
Điều kiện cần để vượt eo biển Manche là trời quang đãng, biển lặng và không có cảnh sát tuần tra. Họ không đi một mình. Hàng chục người di cư nữa đang chờ đợi trong điều kiện sinh hoạt bẩn thỉu.
4 năm sau khi khu trại Jungle rộng lớn bị xóa bỏ ở Calais, cách đó khoảng 30 km về phía tây, người di cư Eritrea, Iran, Afghanistan và Syria tiếp tục đổ xô tới bờ biển với hy vọng đến được nước Anh. Hết người này tới người kia đến, bất chấp các trại tạm thường xuyên bị phá dỡ.
Bố con Falah ngồi gần đống lửa, chờ cuộc gọi của tay đưa người vượt biên trong một trại tạm dành cho người di cư ở Dunkirk, miền bắc nước Pháp, hôm 10/9. Ảnh: AFP.
Bốn người sống trong cảnh xung quanh là tiếng ong vo ve và tiếng tàu hỏa ầm ĩ, tìm trò giết thời gian và thấp thỏm không dám ngủ. Họ tìm thấy một cái chảo bị cháy và một cái khác bị những người từng ở đây bỏ lại, để nấu đồ ăn. Họ lấy hộp sữa chua rỗng làm cốc, ngồi trên bìa các tông.
Ngày nào Falah cũng đi tìm đá lạnh để bảo quản insulin cho con gái. Anh kiếm thuốc thông qua quan hệ cá nhân và các khoản quyên góp. Hôm nào trời đẹp, họ sẽ đi tắm và giặt quần áo ở con kênh gần đó. Họ nhặt củi để đốt lửa và nhận suất ăn từ các nơi phân phát từ thiện cách đó một km. Falah đã nhiều lần bật khóc vì vượt biên thất bại.
"Đêm nào cũng tôi cũng phải sẵn sàng bỏ lại mọi thứ. Nếu không, thuyền sẽ không đợi. Có lần hai ngày liền, chúng tôi xỏ sẵn giày đi ngủ", Walid nói.
Anh đã thử và thất bại khi cố vượt qua eo biển ba lần. Lần thứ nhất và lần thứ ba có quá nhiều cảnh sát tuần tra.
"Lần thứ hai, chúng tôi đến bãi biển. Sau năm tiếng chờ đợi, chúng tôi khiêng và bơm hơi vào xuồng nhưng phút cuối, chúng tôi mới phát hiện xuồng rách và tay đưa người vượt biên bắt chúng tôi phải xuống", anh nói.
Mệt mỏi, mất kiên nhẫn, anh không tin vào những kẻ đó nữa bởi cho rằng chúng đang rỉa thịt mình. Falah thì đã trả tiền nên anh mắc kẹt. Nhưng Walid thì chưa đưa tiền và quyết định thay đổi. Anh chấp nhận trả nhiều tiền hơn, lên tới gần 4.000 USD khi được đảm bảo "thành công 100%".
Walid chia tay bố con Falah. Ngày 10/9, một tháng 13 ngày sau khi đến Grande-Synthe, trời nắng dịu và có gió nhẹ, Walid lại dấy lên hy vọng. Tay đưa người vượt biên thông báo chuẩn bị hành động.
"Chúng tôi không biết sẽ phải đợi bao lâu mới khởi hành", Walid nói khi tới điểm hẹn.
Cách đó vài km, Falah, người đã chuyển sang trại khác, cũng sẵn sàng khởi hành. Anh vội vàng nhét thuốc của con gái vào hộp đựng, bỏ thêm mấy cái bánh sừng bò vào túi.
"Tôi không thể tin nổi vì hơn một tháng rồi tôi mới được nhìn thấy biển một lần", anh nói. Ở Anh, "cuộc sống dễ dàng hơn". "Tôi đủ kỹ năng làm việc trong ngành dịch vụ ăn uống hoặc xe hơi", anh bày tỏ.
20h, Walid và nhóm của mình đến bãi biển cách Calais khoảng 25 km. Hôm đó biển rất lặng, trời quang đãng. Cảnh sát đang tuần tra trên bãi biển, chiếu đèn lùng sục các cồn cát.
Ẩn mình sau một khu rừng gần bãi biển, thì thầm trao đổi, cả nhóm đợi thời cơ. Cảnh sát tuần tra phát hiện một chiếc xuồng. Những tay buôn lậu lập tức lôi cái mới ra thay thế, bởi mỗi chuyến chúng có thể kiếm được hơn 47.000 USD.
Đêm dần trôi, gần 7h sáng, ba chiếc xuồng hơi được vội vã đưa xuống nước, khi ánh bình minh bắt đầu lấp ló. Nhóm của Walid đi trước, phóng viên AFP ngồi một thuyền khác đi theo. Động cơ yếu chạy rè rè, đẩy chiếc xuồng từ từ về hướng tây bắc. Trên xuồng có 14 người bao gồm phụ nữ, một bé sơ sinh, một em nhỏ, tất cả đều mặc áo phao màu cam. Họ sợ nhất là bị bắt trong vùng biển của Pháp vì sẽ lại bị đưa về khu trại.
Hai tiếng sau khi khởi hành, một tàu tuần tra của Pháp đi ngang qua. Nó gửi vị trí xuồng cho đơn vị giám sát ở hai phía eo biển nhưng không can thiệp vì quá nguy hiểm cho người di cư, trừ phi có tình huống khẩn cấp.
"Khi ở trên biển, chúng tôi không ưu tiên chặn người vượt biên, mà ưu tiên đảm bảo tính mạng con người tại khu vực chiếm 25% lưu lượng giao thông đường biển trên thế giới", nhà chức trách hàng hải Pháp cho hay.
Những kẻ buôn lậu thừa hiểu điều này. Vì vậy, Walid và các bạn đồng hành tiếp tục hành trình. Động cơ cứ nổ rồi dừng, lại khởi động lại. Biên giới nước Anh chỉ cách vài km nữa. Bây giờ là 10h, ở phía xa xuất hiện một hình thù màu đỏ. Đó là tàu hải đăng đánh dấu khu vực thuộc vùng biển Anh.
Walid (giữa) đi bộ cùng những người di cư khác trên lối dẫn vào tàu kéo DHB Dauntless khi được lực lượng biên phòng Anh đưa vào bờ hôm 11/9. Ảnh: AFP.
Walid sung sướng ngây ngất. Anh bất ngờ ném điện thoại di động xuống nước, xóa bỏ mọi dấu vết quá khứ. Bên cạnh anh, những người khác giơ tay lên trời, hét lên vui sướng. Lực lượng tuần duyên Anh xuất hiện, kéo họ về cảng Dover.
Sau 7 giờ vượt biển, họ đã đặt chân lên nước Anh dưới bầu trời mù sương, giống hàng chục người di cư hôm đó. Walid mặc quần jeans, áo khoác tối màu, đeo khẩu trang trắng, nhét vài bộ quần áo trong chiếc balô nhỏ.
Anh sẽ sớm bị áp tải lên xe buýt tới trung tâm xử lý nhập cư ở Dover. Ở đó, theo luật, họ có thể xin tị nạn trước khi được đưa tới nơi tạm trú và chờ đợi thủ tục hành chính kéo dài nhiều tháng. Nhưng Walid vẫn quyết tâm kiếm sống bởi anh đã đặt chân lên nước Anh.
Ở phía bên kia eo biển, Falah đang quẫn trí. Nhóm của anh không vượt qua được eo biển. Bố con anh lại tiếp tục chờ đợi.
Thi thể thiếu niên di cư dạt vào bờ biển Pháp Biểu tình vì cháy trại tị nạn lớn nhất châu Âu Người di cư đốt trại tị nạn lớn nhất châu Âu Di cư vì Covid-19 EU cấp tiền cho người di cư hồi hương
Anh kêu gọi chấm dứt biểu tình chống phân biệt chủng tộc vì lo ngại lây lan Covid-19 Cùng với Thủ đô London của Anh, nhiều thành phố lớn khác tại châu Âu cũng ghi nhận các cuộc biểu tình tương tự. Bất chấp các lời cảnh báo và kêu gọi từ các chính quyền về việc tránh tụ tập đông người trong thời điểm dịch bệnh, hàng chục nghìn người vẫn xuống đường tại nhiều thành phố lớn tại châu...